1-Vào những ngày tháng Bảy, không hiểu sao, tôi cứ lẩn mẩn nghĩ đến mấy câu thơ Chính Hữu viết về đồng đội. Câu thơ thật giản dị mà lại sâu sắc, ám ảnh. Đối với Chính Hữu, đồng đội là hớp nước uống chung, miếng cơm sẻ nửa, là chia nhau một sớm nắng, một chiều mưa, chia khắp anh em một mẩu tin nhà, chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp, chia nhau nụ cười, chia nhau cái chết…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Vâng! Đúng như vậy đấy. Và ngay cả khi đã chết rồi, những người lính ấy vẫn chẳng lìa nhau. Dù ngã xuống ở Điện Biên năm 1954, trước cửa ngõ Sài Gòn năm 1975, ở Biên giới Phía Bắc, Biên giới Phía Nam năm 1979, hay ở đảo Gạc Ma trên Biển Đông vào những năm 80, thì họ cũng vẫn cùng chung một ngày giỗ: Ngày 27 – 7.
Vào đúng dịp giỗ đồng đội năm ấy, tôi lần vào Trường Sơn, một rẻo chiến trường nóng bỏng và khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chuyến đi thật tình cờ, nên tôi chẳng kịp chuẩn bị gì. Cũng chẳng có ý đồ gì. Ông bạn thân của tôi, nhà báo Trịnh Bá Ninh, phó tổng biên tập báo Nông nghiệp, bất ngờ đến bảo: “Này, tớ sắp đi miền Trung, Tây Nguyên, vào cả Trường Sơn đấy!”. “Xe rộng không?”. “Làm gì có xe mà rộng. Phương tiện công cộng thời kinh tế thị trường. Tàu hoả. Xe ôm. Xe ca. Xe ngựa. Tuỳ. Tha hồ mà chọn. Đi không?” Ông bạn nghênh nghếch nhìn tôi qua cặp kính cận dày cộp: “Vào Trường Sơn, không khéo ông sẽ viết được một cái gì đấy. “Ôi dào! Việc viết văn như đi câu. Ai biết trước mình sẽ vớ được con cá gì? Nhưng rồi máu giang hồ bỗng thức dậy. Thôi thì đi. Đi trước hết để biết. Trường Sa thì tôi quá hiểu rồi. Còn Trường Sơn thì vẫn là một vùng bí ẩn.
Thế là chúng tôi đáp tàu đêm vào Quảng Bình. Điểm đầu tiên cần đến là huyện Bố Trạch. Đó là nơi bắt đầu con đường mòn Hồ Chí Minh. Cũng là khởi điểm của dãy Trường Sơn hùng vĩ và bi tráng. Một dải đất hẹp hun hút gió Lào và nắng lửa, lại phải hứng chịu quá nhiều bom đạn và những di chứng nặng nề của cuộc chiến tranh. Hai bên đường, những chòm xóm bơ phờ, xơ xác, những mái gianh thấp sè, lụp xụp, nom tạm bợ như những mái lán dã chiến mà một tốp thanh niên xung phong nào đó vừa dựng tạm vào lúc nhập nhoạng tối. Chiến tranh đã tắt mấy chục năm rồi, vậy mà Bố Trạch Quảng Bình thì dường như vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến.
Xế chiều, chúng tôi dừng nghỉ lại ở nông trường cao-su Lệ Ninh. Trong những năm chiến tranh, nông trường này là mặt trận căng thẳng. Công nhân vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Không thể kể xiết những hy sinh tổn thất. Bao nhiêu xe cộ, máy móc bị chôn vùi ở bến phà Long Đại. Chưa tính người già và trẻ con, chỉ riêng cán bộ, công nhân, số lượng liệt sĩ của nông trường đã lên đến 298 người. Bản thân giám đốc Hoàng Viết Ái cũng đã từng là một… liệt sĩ. Bây giờ ngồi trước mặt tôi, anh vẫn còn bàng hoàng, không hiểu vì sao mình lại thoát chết. Hồi còn nhỏ, đang học lớp Tám, Hoàng Viết Ái đã từng một mình hứng trọn cả một quả bom tấn. Quả bom nổ trước anh chỉ có ba mét cách một bờ mương. Lần ấy, chính cái bờ mương đã cứu anh. Anh chỉ bị bom vùi. Đám dân quân của nông trường đã bới anh từ đất lên. Rồi anh ra Hà Bắc học khoá 3 Đại học Nông nghiệp. Cuối năm 1971, anh vào lính, là hạ sĩ, trung đội trưởng, tiểu đoàn 7, trung đoàn 66, sư đoàn 10. Ái chiến đấu ở Tây Nguyên, rồi Đắc Tô, Tân Cảnh. Tiểu đoàn Bảy của anh có nhiệm vụ đánh chiếm Quảng Trị. Do trinh sát không kỹ, nên không phát hiện được tuyến hầm ngầm của địch. Chiếm lĩnh trận địa rồi, lại thấy địch từ trong đất vọc dậy như ma. Những trận đánh giáp lá cà ngập ngụa trong máu. Rồi địch tái chiếm Quảng Trị. Đại bác từ Ái Tử bắn ra. Pháo từ biển bắn vào. Rồi bom từ trời giội xuống. Đất thành đá. Đá thành vôi. Cả tiểu đoàn của Ái chỉ còn sót lại ba người. Anh bị thương nặng. Chính trị viên đại đội băng bó cho anh, rồi dặn: “Cứ nằm đây nhé. Rồi mình vào đưa ra! “Nhưng mãi chẳng thấy chính trị viên vào. Ái vẫn nán chờ. Anh không biết chính trị viên đã hy sinh, nằm vắt mình trên mẩu tường cụt, chỉ cách anh có vài ba bước. Rồi Ái ngất đi. Chính tiếng súng phản công của đồng đội đã làm anh bừng tỉnh. Tiểu đoàn 8 đang mở đường máu để đưa thương binh và liệt sĩ ra. Ái lấy hết sức lực, nhoài người khỏi hốc tường đổ. Trong đầu anh lúc bấy giờ chỉ loé lên một ý nghĩ: Phải trườn ra, cố gắng trườn ra, để đồng đội còn biết mà nhặt xác mình. Thế rồi đồng đội “nhặt” được anh thật. Ái tỉnh dậy ở trạm phẫu thuật tiền phương. Rồi anh được chuyển ra Sầm Sơn an dưỡng. Trong thời gian đó, Ái quyết định về thăm nhà, nên không thư từ, tin tức gì cả. Anh muốn gia đình có một niềm vui thật bất ngờ. Sau này, Ái cứ ân hận mãi vì cái trò ú tim rất trẻ con ấy. Bởi cả nhà đã để tang anh. Người vợ trẻ cưới anh năm 19 tuổi, đến năm 20 đã goá chồng. Chị ốm đến rụng hết cả tóc sau cái lễ báo tử và truy điệu Ái. Rồi Ái đột ngột về. Cả nhà đã nguôi ngoai lại oà khóc như có đám tang. Bà mẹ tất tả đạp xe từ ủy ban xã về. Bà quáng quàng vơ nhầm xe người khác mà cũng chẳng biết nữa. Trông thấy con trai, bà nấc lên, rồi cứ thế đổ sập xuống như cái cây bị bão. May mà cấp cứu kịp. Lúc đó, Ái mới biết, niềm vui đột ngột quá, to lớn quá, cũng có thể giết chết người.
– Anh vào Quảng Bình chuyến này là hay lắm đấy! – Sau một hồi chìm đắm trong ký ức chiến tranh, Ái hỏi tôi. – Anh đã đến động Phong Nha chưa?
– Động Phong Nha nào?
– Ồ, thế thì anh không biết rồi. Đấy là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Bình. Cái động này, nghe đâu, trước đây, vua Hàm Nghi đã từng trốn ở đó. Đẹp tuyệt vời. Người ta bảo đấy là Đệ nhất động. Chưa đến Đệ nhất động thì coi như chưa đến được Quảng Bình.

II
Đi qua Đệ nhất động chừng hai mươi cây số, còn có một cái động khác nữa cũng không kém phần nổi tiếng, đã hoá bảo tàng lịch sử có một không hai của tỉnh Quảng Bình. Cái động ấy mang biệt danh quân sự K18. Đó là cái hang đá ở cây số 16 trên đường 20, con đường huyết mạch ở phía Tây Trường Sơn, nối với đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Trong những năm chiến tranh, để mở con đường chiến lược này, đơn vị B67 Bộ Giao thông vận tải đã huy động quân đông tới mức, nói như một phóng viên thời ấy, thì “một mét đường một người”. Họ đã xẻ dọc Trường Sơn để phục vụ chiến dịch. Đánh hơi thấy con đường, giặc Mỹ cũng huy động đến tối đa sức mạnh quân sự mà chúng có được để hủy diệt. B52 ngày đêm chà đi, xát lại. Núi lở. Rừng cháy. Sông cạn. Suối khô. Núi đá bốc mùi vôi khê nồng nặc. Mặc dù thế, người, xe, đạn dược, vũ khí, thực phẩm vẫn như dòng lũ lớn, cuồn cuộn chảy qua đây, đổ vào chiến trường. Hàng vạn thanh niên xung phong đã lấy máu mình nuôi sống con đường. Người có thể chết, chứ con đường không thể chết.
Ở cái cung đường khốc liệt, tưởng như chỉ có bom đạn, lửa cháy, máu đổ, ai ngờ lại nảy sinh một mối tình thật cảm động. Gọi là tình yêu thì hình như là chưa phải. Chàng lái xe đã phải lòng một cô gái mở đường. Cô gái đã băng qua bom đạn cứu xe anh trong một lần đường tắc. Thế rồi anh nhận ra cô là người cùng quê, thuở bé lại cùng học một trường. Và rồi tình yêu nảy sinh từ lúc nào không biết nữa.
Buổi sáng ngày 14 – 11- 1972, sương mù dâng cuồn cuộn. Cung đường âm u trong bầu sương núi và yên tĩnh đến rợn người. Trong khoảnh khắc ấy, ngỡ như không hề có chiến tranh. Chàng trai cùng ba người bạn lái xe tức tốc cắt rừng băng tới thăm đồng hương cùng bạn bè cô. Ở chiến trường khốc liệt này, thật khó kiếm được một giây phút thanh thản như thế. Bởi vậy, họ vừa đi vừa chạy. Gặp nhau chưa kịp thở thì B52 đã ập đến. Tám người vừa táp vào hang đá thì bom đã xối và cả cánh rừng rung chuyển như động đất. Một khối đá lớn, nặng đến mấy vạn tấn từ đỉnh núi hồng hộc lao xuống, điên khùng bít kín của hang. Vũ Xuân Hoàng, anh bạn dẫn đường của tôi, người đã trực tiếp chứng kiến cảnh ấy, nhớ lại:
– Lúc đó, quả thật là không thể tưởng tượng được. Tất cả diễn ra nhanh quá. Không biết ở đâu lại nảy nòi ra cái khối đá ghê tởm như vậy. Ngay sau khi ngớt bom, đơn vị đã đổ lực lượng ra để phá sập, cứu người. Nhưng vị trí quá hiểm hóc như anh thấy đấy, chỉ có một con đường nhỏ hẹp vắt ngang sườn núi, biết xoay xở ra sao? Chúng tôi đã dùng hai xe ủi, buộc cáp, kéo khối đá ra. Nhưng khối đá vẫn câm lặng, không nhúc nhích, mà rốt cuộc, cả hai xe đều lăn xuống vực. Lái xe hy sinh. Chúng tôi bàng hoàng, bất lực. Chỉ còn cách đánh mìn phá cửa hang thôi. Nhưng dùng mìn với bộc phá quá bằng giết anh em. Người trong hang kêu cứu, rồi phấp phỏng hy vọng. Người ngoài hang chỉ còn biết gào khóc, vì hoàn toàn tuyệt vọng. Chưa bao giờ tôi ở trong một hoàn cảnh kinh khủng như thế. Trông thấy anh em chết đấy mà chịu. Bây giờ nghĩ lại còn thấy rùng mình. Chúng tôi có ác với ai bao giờ đâu mà sao giời lại ác với chúng tôi như thế cơ chứ. Cực quá. Thế rồi, chẳng ai bảo ai, chúng tôi dồn tất cả đường sữa mình có được, dành hết cho anh em. Rồi lái xe, rồi bộ đội đi qua, ai biết cũng để đường sữa lại. Ngay cả lúc trong hang không còn tiếng kêu nào nữa, có anh lái xe vẫn lấy hộp sữa cuối cùng của mình ở trong ca-bin, để vào đống sữa trước cửa hang, rồi mới lái xe đi. Chiến trường những năm đó, anh thấy đấy, khan hiếm lắm. Cái gì cũng khan hiếm. Đường sữa thật quý hơn vàng. Vậy mà ở đây, đường sữa chất thành đống. Chúng tôi luồn ống nhựa vào hang, rồi thay nhau rót sữa vào…
– Nhưng anh có dám chắc rằng, đường sữa đến được tới anh em không?
– Hả? Cái gì? Anh hỏi gì? Đường sữa liệu có tới được với anh em không ư? Trời ơi, sao anh lại có câu hỏi tàn ác như thế?
Hoàng đăm đăm nhìn tôi, ánh mắt bỗng bạc ra. Rồi anh sụp xuống:
– Ừ, mà đã chắc gì…. Mười bốn ngày sau thì tiếng kêu cứu trong hang lịm tắt. Chúng tôi vẫn tiếp tục rót sữa. Mấy ngày sau còn rót sữa. Rót như một nỗi ám ảnh. Ừ, mà đã chắc gì sữa tới được với anh em. Cái hang tối thế, sâu thế, ngoắt ngoéo thế, mà khối đá chắn cửa lại to thế. Biết đâu, mình lại chẳng rót sữa vào một hốc đá nào đó. Trời ơi!..
Nói rồi, Hoàng khóc. Khóc rấm rứt như một đứa trẻ bị đòn. Chiến tranh ngỡ như vừa xảy ra, chứ không phải là chuyện của mấy chục năm trước. Thật đáng sợ khi phải nhìn một người đàn ông khóc, với những giọt nước mắt của tuổi xế chiều.
Bây giờ thì cái hang định mệnh ấy đang ở trước mặt tôi. Vách đá sừng sững, xám ngắt một màu tê tái. Ngổn ngang những chân hương cháy dở. Người ta cắm hương quanh tấm bia đá tưởng niệm. Người ta còn treo gương lược, cài bồ kết lên vách đá. Tiếng ve rừng sôi lên từng đợt, rồi đột ngột nấc nghẹn. Rồi lại bất ngờ oà lên, nghe như xé ruột gan. Ngoài kia, vực khe rậm rì cây lá. Có tiếng suối mờ tỏ đâu đó trong làn sương khói u u minh minh. Con đường 20 chìm ngập trong cây rừng và cỏ dại. Thời gian đã phủ lên nó vẻ thâm u, hoang dã vốn có của đại ngàn. Nhưng những người lính nằm lại đây thì vẫn không bị thời gian vùi lấp. Bộ Thương binh Xã hội và chính quyền tỉnh Quảng Bình đã quyết định khoan đá, mở cửa hang, đưa di hài anh em về nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Thứ trưởng Bộ thương binh Xã hội Nguyễn Lương Trào cùng đoàn tuỳ tùng của ông đã băng rừng, lội suối vào đây, đặt hoa, thắp hương và báo cáo trước các anh linh liệt sĩ về quyết định của Bộ và tỉnh Quảng Bình. Sau đó, tiếng mìn mở đầu công trình đã phát nổ. Một đại đội công binh đảm trách công việc đã cắm lều, dựng bạt ngay tại đây và lao động quần quật suốt hai tháng trời liền mới đục xong được cửa hang. Vũ Xuân Hoàng bùi ngùi:
– Khi cửa hang lộ ra một khoảng tối sẫm, có ai đó kêu lên: “Cửa mở rồi!” Và đột ngột cất tiếng gọi: Mai ơi! Tỏ ơi! Lương ơi!.. Thế là cồn lên những tiếng gọi. Họ gọi tên những người ở trong hang. Rồi im lặng. Im lặng đến lạnh người. Thực tình, lúc đó, tôi chỉ mong trong hang không có gì cả. Nghĩa là tuyệt nhiên trong hang không có một mẩu xương nào. Thế nghĩa là anh em đã thoát ra được. Chuyện ở K18 chỉ là lời đồn đại, là cơn ác mộng của những người lính trận mà thôi. Và quả thật, cái hang trống vắng đến hoang lạnh. Đập vào mắt tôi lúc ấy là một quầng sáng xanh ảo. Đó là đống tro đã tắt. Tôi đưa tay gạt lớp tro phía trên thì trời ơi, người. Xương người cùng với những lọn tóc dài, những đôi dép râu đã mòn vẹt quai gót mà vẫn còn dính bê bết những đất. Cả một khối xương chồng lên nhau. Có lẽ trong những giây phút hiểm nghèo nhất, lúc trút hơi thở cuối cùng, những người lính đó đã ôm riết lấy nhau, che chở cho nhau. Người chết che chở cho người chết. Không biết họ nghĩ gì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình? Anh em trong đội thu gom hài cốt liệt sĩ đã nâng niu sàng lọc từng vốc đất để nhặt từng mẩu xương vụn. Khi rảnh xương cuối cùng được đưa vào túi ni-lông, thì bất chợt tôi như nghe thấy tiếng kêu: “Cứu con với, mẹ ơi” !
– Trời! Có người! Có người! Trời ơi! Vẫn còn người nữa…
Cậu lính trẻ rụng rời kêu lên. Chúng tôi bàng hoàng quay lại. Dường như ai cũng nghe thấy tiếng kêu xé ruột ấy. Chúng tôi vội vã rọi đèn pin, lục tìm khắp các xó xỉnh trong hang, nhưng chẳng thấy gì, ngoài những giọt nước mắt của các nhũ đá nhỏ âm thầm trong bóng tối.
Ngoài kia là đại ngàn trùng điệp. Những đỉnh núi xanh mờ chìm khuất trong bóng hoàng hôn tím sẫm, bí ẩn.
– Này, liệu có còn những K18 nào nữa trong những dãy núi kia không?
Nhà báo Trịnh Bá Ninh quay lại hỏi tôi. Câu hỏi ấy, chỉ Trường Sơn mới có thể trả lời được. Nhưng Trường Sơn chỉ im lặng xanh. Xanh như không hề có máu đổ. Xanh như là chẳng có chuyện gì…

Nguồn Hội nhà văn VN

Dương Thanh Minh đăng bài