Vương Tâm
(Nhà văn Nguyễn Hiếu)
Tôi nghe tiếng Nguyễn Hiếu đã lâu, từ cái đận đầu năm 1990, khi anh có bài thơ “Nhân dân” in trên một tờ báo. Mới đây, tôi có dịp đi xem bản diễn vở “Kiều” của anh do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, với nhiều ý tưởng độc đáo, càng mới thấy ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà văn vẫn cần cù làm việc, không biết mệt mỏi…
Kỷ lục văn chương và những chuyện bất ngờ
Mới đây, có dịp gặp nhà văn Nguyễn Hiếu, tôi mới hay anh lại ăn lộc của thơ không ít, từ khi mới vào nghiệp văn. Đó là vào năm 1973, anh được giải thưởng thơ do cố thi sĩ Xuân Diệu trao tại cửa hàng Bô-đê-ga, phố Tràng Tiền. Chỉ với số tiền tương ứng 100 đồng mà anh cưới được vợ, chuyện thú vị làm sao. Đó là món nhuận bút “hạnh phúc” của đời anh.
Bền bỉ thủy chung đúng với nghĩa đến khi đầu bạc răng long, nay đã hơn 40 năm. Và đó cũng chính là những năm tháng, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp (1970), anh dấn thân vào nghiệp văn chương với niềm say mê bất tận. Hạnh phúc gia đình tựa như suối nguồn nuôi dưỡng sự dồi dào trong cảm xúc và những nét thăng hoa trong sáng tạo. Anh miệt mài cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa, với những thành công đột biến, gây ấn tượng bất ngờ.
Trước hết, phải nói hiếm nhà văn nào viết được nhiều tiểu thuyết như anh, với số lượng 26 tác phẩm, tính từ tiểu thuyết đầu tiên: “Người đàn bà quỷ ám” (in 1988) đến nay. Có thời, chỉ trong độ dăm năm (1988-1992), cái tên Nguyễn Hiếu được bạn đọc đón nhận liên tục tới 13 cuốn tiểu thuyết, nghĩa là mỗi năm trung bình anh viết hơn 600 trang bản thảo. Trong số đó, tiểu thuyết “Bụi đường” được giải Nhất về đề tài Giao thông vận tải và cuốn “Tôi bán mình” đồng giải Nhất trong cuộc thi tiểu thuyết tại thành phố Hồ Chí Minh.
Anh là một trong số tác giả được in tiểu thuyết đều đặn hàng năm. Cuốn mới nhất nhà văn Nguyễn Hiếu hoàn thành đầu quý hai năm 2017. Gặp tôi, anh tâm sự rất hứng khởi về cuốn tiểu thuyết “Con ngố” in cách đây đúng 10 năm.
Đây là cuốn tiểu thuyết được dư luận đánh giá cao. Nó điển hình cho phong cách nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu. Trong đó, nhân vật Liễu ẩn chứa sự ma mị ở bề ngoài, nhưng lại chan chứa nỗi đời trong cõi tâm linh. Tính khái quát của mẫu hình nhân vật cùng những biến động trong cuộc đời đã làm nổi bật hình tượng ẩn dụ sâu sắc về một nền văn hóa dị bản của một giai đoạn lịch sử nhất định. Đó là tính tư tưởng của tiểu thuyết mà tác giả đã ấp ủ và thể hiện nó một cách độc đáo.
Bên cạnh khối lượng lớn về tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Hiếu còn để lại dấu ấn khó quên về kịch bản sân khấu. Có những tác phẩm như “Con tàu ma”, anh thể hiện trên cả mấy thể loại khác nhau, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và kịch bản điện ảnh. Nói riêng về kịch bản sân khấu, anh cũng lập một kỷ lục đáng nể khi viết tới hơn 70 tác phẩm.
Anh kể, có giai đoạn đã từng viết liên tục 8 vở liền, cho dù không được duyệt dựng một kịch bản nào. Vậy mà anh vẫn say mê và tin ở hướng đi của mình. “Kiều” là kịch bản thứ 10 của Nguyễn Hiếu được dàn dựng trên sân khấu. Con số này quả là không thấm vào đâu so với số lượng kịch bản anh đã viết. Vậy mà anh vẫn tiếp tục cuộc chơi say mê của mình.
Bộ “Tuyển tập Nguyễn Hiếu” nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010) cũng là sự kiện tạo dựng một kỷ lục trong làng văn chương hồi đó. Bởi lẽ chưa tác giả nào có bộ “Tuyển tập” tới 10 cuốn, dày hơn 600 trang mỗi cuốn ngay khi còn sống. Với tổng số tác phẩm trong “Tuyển tập”: 19 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn, 8 kịch bản và 300 bài thơ, nhà văn Nguyễn Hiếu quả là một trong số rất ít nhà văn có số trang viết nhiều nhất hiện nay.
Ấy là chưa kể, anh còn đoạt hơn 10 giải thưởng cả bốn thể loại mà anh đã hối hả làm việc suốt gần nửa thế kỉ qua. Đặc biệt, anh còn giữ kỷ lục với con số hơn 300 kịch bản, câu chuyện truyền thanh trong thời gian 39 năm làm việc (1970-2009) ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sức làm việc của nhà văn Nguyễn Hiếu quả đúng với hình ảnh “Một lực sĩ văn xuôi Việt Nam” mà nhà văn Ma Văn Kháng đã hình dung về anh.
Lắng đọng một tấm lòng
Phía sau sự vạm vỡ của một “lực sĩ” văn xuôi, tôi lại thấy bóng dáng của trang nam tử Hà thành Nguyễn Hiếu lịch lãm và có phần hóm hỉnh. Trong cuộc sống gia đình tôi nhận ra anh còn thể hiện góc cạnh dịu dàng, lãng mạn thầm kín. Nghe tiếng chim gù trong ngôi nhà anh ở phố 8-3, phường Phương Mai, quận Hai Bà Trưng, nơi xóm chợ ồn ào mới hay, trong anh có một góc huyền ảo riêng tư.
Tôi thực yêu mến anh ở những con chữ anh dành cho người vợ chung lưng đấu cật mưu sinh trong hơn 40 năm cuộc đời. Trên trang Facebook, anh thường gọi vợ là Gấu, với sự yêu thương pha chút hài hước ngọt ngào. Nhìn bức ảnh anh ngồi thụp dưới sàn nhà, tay xoa cái đầu hói với vẻ rụt rè mà thấy dễ thương làm sao.
Anh viết trên dòng thời gian rằng: “Gần Gấu, má kề Gấu và dù thế nào cũng khiếp Gấu”. Tôi đoán chắc đây là ảnh do chính vợ anh chụp. Tuy không biết họ đã nói gì với nhau, nhưng xem ra những con chữ ấy là sự bày tỏ tình yêu, đọng lại suốt một đời. Đây đó nhà văn Nguyễn Hiếu thường dành cho vợ những phút giây xao xuyến và ấm cúng.
Anh đã viết: “Gấu đi sắm đồ rét. Gấu bảo mỗ chụp để chọn. Vô tình Gấu làm người mẫu. Mỗ chỉ xin đừng ai thuê Gấu làm mẫu. Vì sẽ không còn ai thổi cơm, quát mắng ông và cháu. Nhà cửa không có Gấu sẽ bừa bộn kinh khủng lắm…”. Lại có lần anh viết bâng quơ về vợ nhưng lại hết sức thú vị: “Chợ ngõ nhà mỗ sáng 29 tết. Chả hiểu hấp dẫn gì mà hôm qua Gấu ra chợ hơn 50 lần. Sáng nay mới đến 8 giờ, Gấu đã lượn chợ gần 20 lần. Kinh hoàng”.
Thật là yêu vợ hết lòng cho dù có phần kích hoạt tưởng tượng. Lại có bận: “Gấu đưa mỗ đi khám bệnh. Vào bệnh viện Gấu cũng xem bệnh án, xếp giấy, ngồi chờ cho mỗ”. Nghĩa là cả hai yêu thương nhau đến nay, đã ở tuổi bảy mươi, nhưng vẫn còn quấn quýt lạ thường.
Nhìn những tấm hình Nguyễn Hiếu chụp cho vợ càng thấy anh có góc quan sát tinh tế cùng với tình cảm sâu sắc. Bởi những bức ảnh ấy rất đẹp, luôn toát lên nét tươi tắn của một thời con gái, mơ mộng yêu thương. Vậy đó, bên cạnh một tư duy sắc sảo, đối kháng quyết liệt trên những trang văn là một Nguyễn Hiếu hào hoa, lãng mạn trong đời sống. Mới đây tôi còn được đọc bài thơ anh viết về “Ngôi nhà xưa của mẹ” nhân dịp làm nhà mới tại quê Chèm, nơi anh sinh sống cả cuộc đời mình. Những câu thơ cũng thật huyền ảo như trong văn của anh vậy: “Căn nhà xưa của mẹ đứng bạc trơ/ Con bọ ngựa già nghiêng đầu ngơ ngác…/ Trăng khuyết rơm rớm lửa/ Tháng năm tan cùng heo may”. Đó là một vỉa đẹp trong tâm hồn thi sĩ Nguyễn Hiếu luôn được sưởi ấm bằng ngọn lửa quê hương, tình yêu và hạnh phúc.
Còn đó tình yêu cuộc sống
Không hiểu sao, giọng hót trầm ấm của chim gù vẫn văng vẳng bên tai tôi, mỗi khi đọc lại những câu thơ hay trang văn của Nguyễn Hiếu. Cũng giống tiếng chim hót, những âm thanh kẻ chợ dường như không thể thiếu bên cuộc sống thường nhật của anh. Bởi đó chính là âm thanh “Nhân dân” vọng về mọi buồn vui, gợi mở tâm hồn thi nhân trở về thực tại. Nhịp đập con tim luôn thổn thức cùng sự biến ảo trong cõi vô thường.
Nhà văn Nguyễn Hiếu coi tình yêu cuộc sống mới là sự quyết định cho những sáng tạo nghệ thuật. Đó có thể là sự “nổi giận” của những con chữ. Hoặc còn là sự phẫn nộ của trái tim. Hay là sự chia sẻ với những thân phận, cùng những bi kịch cuộc đời. Nhà văn tồn tại vì lẽ sống. Bất chợt tôi nhớ lại câu thơ của anh còn đọng lại với thời gian khi nói với vợ yêu: “Em hãy sống tận cùng của thực tại đắm say/ Anh vẫn thế và trọn đời là thế”. Tôi bị hấp dẫn bởi những con chữ của nhà văn Nguyễn Hiếu vì lẽ đó.
Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài