Con người trong truyện Mrozek nhỏ nhen, vặt vãnh với những toan tính, họ cố gồng mình tạo ra những mặt nạ để che đậy sự ngây ngô hoang tưởng, hoặc là tính dễ phục tùng và dần dà, sẵn sàng chấp nhận hậu quả từ cái phi lý như một hiển nhiên. Đó là bài học ngớ ngẩn của kẻ đầu hói không đội mũ đứng ngắm chim bay để bói tương lai (Tương lai), một đám tang mà những kẻ đi đưa tiễn hỏi nhau xem người chết là ai vì đơn giản, họ nhập đoàn chỉ vì dư dả chút ít thì giờ và muốn tỏ ra tử tế (Đám tang), một kẻ nghe tiếng động phòng bên và mất ngủ phờ phạc chỉ vì suy diễn logic trong khi thực tế lại đơn giản ngoài sức tưởng tượng (Mất ngủ vì logic), là một kẻ, trên lý thuyết, muốn có cuộc sống mới ở ngày mai nhưng biếng nhác, bình chân như vại, không chủ động thay đổi lối sống (Cuộc sống mới)…
Nhưng trong truyện của Mrozek, cái thế giới mà ông ưa thích trào lộng, châm biếm nhất là chốn công sở. Những quan hệ đặt trên nền tảng vụ lợi, những ứng xử giả lả thiếu trung thực và đôi khi những cả những trò lố bịch phù phiếm, kể cả tâm lý bầy đàn, đồng loã, xu phụ và bạc nhược. Trong truyện Sứ mạng bí mật, người đọc cảm nhận tình thế dở khóc dở cười của một nhân viên quèn được sếp giao nhiệm vụ đi ra thủ đô chỉ để làm mỗi việc đóng vai các danh nhân, nhà khoa học gửi thư về cho sếp nhằm chứng minh cho thiên hạ thấy sếp có quan hệ với những người uyên bác để khoả lấp lời đồn của thiên hạ rằng ông sếp chưa tốt nghiệp cấp 1. Còn truyện Tiếp khách có thể xem như hài kịch ngắn: một nhân viên trung thành nhận nhiệm vụ đứng sau bức màn để làm giả tiếng nổ sâmbanh trong khi sếp khui rượu tiếp khách, nhưng cuối cùng thì bí mật bị bại lộ. Trong thế giới đó, những kẻ có thế lực, chức quyền luôn phô trương, khoác lác, quan liêu, lạm quyền và học đòi trưởng giả (Vườn bách thú, Hawaii, Chiếc mũ).
Là một cây cọ biếm hoạ, kịch tác gia danh tiếng, Slawomir Mrozek sống, trải nghiệm và chắt lọc chất houmor ngay chính trong thế giới văn nghệ, hay những gì bủa vây quanh đời sống văn hoá với một con mắt sắc sảo, tinh quái, một sự nắm bắt sâu sắc đồng thời cũng với một khoảng cách đủ để tìm thấy tính khách quan (Nobel, Tượng thi hào, Văn học, Nhà bảo tàng văn học…)
Có cảm giác đời sống từ những kẻ vô công rỗi nghề đến giới chính khách, nghệ sĩ Ba Lan qua những nhát cắt văn chương của Slawomir Mrozek mang trong nó tính chất biểu trưng cao, không khu biệt một vùng miền, ranh giới cụ thể nào, mà là câu chuyện nhân thế rộng lớn. Cõi người trong những nhát cắt kia là cõi người của những cuộc hí trường bất tận. Cái giật mình mà Mrozek gieo vào các câu văn cuối mỗi mảnh truyện nhỏ, vì thế, là cái giật mình thức tỉnh cho cả thế giới con người nói chung với đủ thứ lề thói cố hữu bấttrị.
Văn chương sẽ không là liều thuốc đặc trị hữu hiệu cải tạo hoàn cảnh, nhưng trong trường hợp nếu sức phúng dụ được sử dụng đủ mạnh để khiến độc giả bật cười, biết tự trào với thói hư tật xấu, những “tồn đọng” của mình, của thế giới mình đang sống, thì đó là thứ văn chương hiếm hoi. Những truyện ngắn được viết với tinh thần tự do, hàm súc, giàu phúng dụ của Slawomir Mrozek là một trường hợp như thế.
Văn chương Slawomir Mrozek đã đến Việt Nam từ gần 50 năm nay. Riêng tập Con voi đã có đến ba bản dịch: Diễm Châu dịch, NXB Trình Bầy in năm 1969; Nguyễn Hữu Dũng dịch, NXB Tác Phẩm Mới in năm 1990; và mới nhất, trong tháng 6.2013, Phương Nam Book liên kết NXB Hội Nhà Văn in bản dịch của Lê Bá Thự. Ngoài ra, năm 2002, NXB Văn Học cũng đã in tập 50 truyện ngắn của Slawomir Mrozek (Lê Bá Thự dịch).
Trong khi Azit Nesin, tiếng cười đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, được đón nhận khá nồng nhiệt, thì Mrozek từ Ba Lan trong cuộc du hành đến Việt Nam vẫn chưa được phổ biến xứng đáng với tầm vóc của ông.