Một ngày nọ, nữ tác giả người Anh Ann Morgan nhận ra trên giá sách của bà toàn sách của các tác giả Anh, Mỹ và bà tự đặt ra kế hoạch tìm đọc ít nhất một cuốn sách của mỗi quốc gia trên toàn thế giới.

Nhà văn Anh Ann Morgan - Ảnh: blog của bà Ann Morgan
Nhà văn Anh Ann Morgan – Ảnh: blog của bà Ann Morgan
“Tất cả những ai yêu đọc sách đều hiểu rằng sách có quyền năng siêu việt đưa bạn thoát khỏi bản thể và thâm nhập vào tâm trí của người khác, để ít nhất trong một khoảnh khắc, bạn ngắm nhìn thế giới qua đôi mắt khác. Đó có thể là một trải nghiệm không dễ chịu, nhất là khi bạn đọc cuốn sách của một nền văn hóa có thể có những giá trị hoàn toàn khác với bạn
ANN MORGAN

Từng nghĩ mình là người đọc nhiều, nhưng cách đây vài năm, Morgan thừa nhận hóa ra tất cả những gì mình đã đọc mới chỉ là sách của các tác giả Anh hoặc Mỹ, gần như không có cuốn sách dịch nào của các nước khác. Bà tự nhận đã phát hiện “điểm mù văn hóa” và xem đó như một nỗi xấu hổ thật sự.

Vậy là Morgan quyết định bổ khuyết thiếu sót đó. Bà chọn danh sách các quốc gia do Liên Hiệp Quốc công nhận và bổ sung vào đó vùng lãnh thổ Đài Loan, vậy là có tổng cộng 196 quốc gia bà cần tìm sách đọc.

Trên thực tế tại Anh và phần lớn các quốc gia nói tiếng Anh khác, mỗi năm chỉ có khoảng 4,5% sách văn học xuất bản là tác phẩm dịch. Còn rất nhiều nước mà tác phẩm văn chương của họ hầu như chưa từng được dịch ra tiếng Anh.

Khó khăn thoạt đầu với Ann Morgan là không biết kiếm đâu ra nguồn tác phẩm tốt của các nước để đọc.

Vậy là tháng 10-2011, Ann Morgan lập blog ayearofreadingtheworld.com và trình bày ý định cũng như mong muốn của mình. Bà nhờ bất cứ ai quan tâm giúp bà một đề xuất nên đọc gì từ các quốc gia khác trên hành tinh.

Chỉ vài giờ sau khi đưa thông tin này lên mạng, bà bắt đầu nhận được phản hồi. Và chỉ vài tuần sau, bà nhận được hai cuốn sách – một của Malaysia và một của Singapore – từ một phụ nữ tên Rafidah ở Kuala Lumpur, Malaysia gửi tới tận nhà.

Và lòng tốt của Rafidah chỉ là sự mở đầu cho rất nhiều tấm lòng nhiệt tình khác. Họ đã tìm kiếm sách giúp Ann Morgan, nhiều người chọn sách cho bà khi có dịp đi công tác nước ngoài hay đi du lịch.

Morgan nhận ra: “Nếu bạn muốn đọc thế giới, nếu bạn muốn tiếp cận thế giới với một tư duy cởi mở, thế giới sẽ giúp bạn”.

Một kỷ niệm ấn tượng với Ann Morgan là khi bà tìm đọc tác phẩm của quốc đảo châu Phi nói tiếng Bồ Đào Nha São Tomé và Príncipe.

Sau rất nhiều tháng tìm kiếm không ra cuốn sách nào của nước này được in bằng tiếng Anh, nhưng rồi chỉ trong một tuần đưa yêu cầu lên Twitter và Facebook, bà đã nhờ được Margaret Jull Costa làm trưởng nhóm dịch tác phẩm đoạt giải Nobel của nhà văn José Saramago.

Với chín tình nguyện viên cùng chia sẻ công việc, chỉ trong vòng sáu tuần, Ann Morgan đã có toàn bộ tác phẩm của nhà văn này để đọc. Và trong năm 2012, Ann Morgan đã đạt kế hoạch đọc hết 196 cuốn sách với tốc độ bốn cuốn/tuần (trung bình 150 trang/ngày).

Năm 2015, tác giả Ann Morgan cho ra mắt cuốn sách đầu tay được viết từ cảm hứng của dự án “một năm đọc thế giới” có tên Reading the world hay The world between two covers. Tác phẩm thứ hai của bà là tiểu thuyết Beside myself sẽ xuất bản năm 2016.

Ann Morgan cũng cho biết khi nhìn lại rất nhiều tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh đã đọc, bà bắt đầu nhận ra rất nhiều điều trong đó còn hạn hẹp biết bao so với sự phong phú của thế giới xung quanh. Khi “đọc thế giới”, từng chút từng chút một, các quốc gia trong cảm nhận của bà đã thay đổi, sống động và ngập tràn cảm xúc.

Ann Morgan hi vọng khi càng có nhiều người hơn nữa có mong muốn đọc sách giống bà, các nhà xuất bản sẽ có thêm động lực để dịch thuật và xuất bản sách nhiều hơn, đa dạng hơn, và theo đó, tất cả mọi người sẽ cùng “giàu có” hơn vì điều đó.

D.Kim Thoa(theo ted) – Báo Tuổi trẻ