Tôi gọi tập thơ Người đàn bà cõng trăng đỉnh cô – san là một tập thơ giàu tính thể nghiệm. Bởi lẽ 38 bài thơ trong tập là 38 màu sắc khác nhau với những đường nét riêng có dấu ấn, mặc dù đều dựa trên một cái phông nền chính là chất liệu cuộc sống miền núi. Tập thơ ăm ắp những suy tư trăn trở về cảnh vật, con người Tây Bắc. Nơi ấy có những người đàn bà ngủ muộn hơn trăng và thức dậy khi mặt trời chưa mọc, những người đàn ông Dao ngây ngất bởi rượu ngô… Hình ảnh ấy không còn là quá mới trong thơ ca, đặc biệt là những bài thơ viết về miền núi, nhưng cái thú vị trong những câu thơ của Lý Hữu Lương chính là ý thức sáng tạo và việc vận dụng tính hiện đại vào thơ của mình. Điều này giúp các tác giả trẻ tránh được những lối mòn khuôn sáo và ý thức hơn về sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ chính vì vậy mà đọc mỗi câu thơ của Lý Hữu Lương người đọc đều có một cách cảm riêng bởi cách lạ hóa ngôn ngữ, hình ảnh trong mỗi bài thơ.


Bìa sách

Đúng với tiêu đề của cả tập thơ Người đàn bà cõng trăng đỉnh cô – san hình ảnh người phụ nữ Dao luôn để lại những ấn tượng, vừa mang vẻ đẹp kiêu sa của núi rừng vừa để lại biết bao day dứt cho người đọc. Và cái đẹp, nỗi buồn ấy ở mỗi bài thơ lại rất riêng.

“Người đàn bà xà cạp quấn chân

ụp cả vầng trăng vào lu nước

trăng lăn tăn cười…

sau đuôi mắt”

(Người đàn bà cõng trăng đỉnh cô – san)

Hành động ụp cả vầng trăng vào lu nước vừa quen lại vừa lạ. Nếu như trong ca dao ta đã từng bắt gặp những nàng “Hỡi cô tát nước bên đàng/ sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” nó ngọt ngào, buồn man mác đến thế, thì ở thơ Lý Hữu Lương lại khắc họa được trọn vẹn nét đẹp khỏe khoắn, hoang dã của núi rừng, vừa cho thấy nét chơi vơi đượm buồn của người đàn bà miền núi.

“Sâm sấp bùn non

ngập nửa bàn tay nõn

ai trách thằng buôn dao cau

vượt bảy núi đem gài vào đuôi mắt”

(Ruộng bậc thang)

Có thể thấy trong thơ Lý Hữu Lương, tác giả hầu như không cố nén mình trong những câu chữ chau truốt, mà ngược lại các câu thơ giản dị mộc mạc như chính con người Tây Bắc. Thơ mà như kể, một kiểu kể chuyện có duyên và khá “tình tứ” dễ khiến người ta say.

“Cái lù cở đầy măng

Miên man đầy mặt đất

Cái eo thon… bửa trời”

(Ruộng bậc thang)

Theo mạch thơ, hầu như ở mỗi bài tác giả đều cho thấy sự dụng công về mặt hình thức, cấu trúc bài thơ. Thực ra việc đổi mới hình thức thơ, đặc biệt là ở thơ trẻ những năm gần đây là một xu thế đã được khẳng định. Có rất nhiều cách tạo ấn tượng mạnh cho người đọc về mặt nhãn quan như trình bày bài thơ theo hình giọt nước, cắt đoạn, lên nhịp xuống nhịp… tạo ra những khoảng trúc trắc đầy ngụ ý. Và đối với cách thể nghiệm ấy ít nhiều đều đạt được những hiệu quả nhất định, và được độc giả ghi nhận.

“Lưng cong

cong lưỡi liềm

Môi cong

cong lưỡi liềm”

Ở những câu thơ trên ta dễ dàng nhìn thấy rõ nét nhất cách tác giả đầu tư về mặt hình thức thơ, để phối hợp với hình ảnh, câu chữ, đẩy mạch thơ lên xuống rất nhịp nhàng và gợi mở được những chiều kích cảm xúc của độc giả.

Bên cạnh đó, cách cảm nhận rất riêng của một cây bút trẻ sống và yêu mảnh đất và con người nơi đây. Nỗi buồn man mác, da diết mà khắc khoải đến khôn cùng được Lý Hữu Lương thể hiện trong những câu thơ giàu tính triết lý.

“Ngày mai…

những khói bếp sẽ không vào mái gianh

chiều thật nặng buông mi xuống cỏ

sau cánh cửa chỉ còn là nỗi nhớ

khô những vết trầu người thiếu phụ hồi xuân…”

(Nếu phía trước đêm)

Cái nhìn mơ ảo, thăm thẳm trước bóng đêm khôn cùng, con người trở nên nhỏ bé, nhìn về số phận mong manh với cái nhìn xót thương. “Chiều thật nặng buông mi xuống cỏ/ sau cánh cửa chỉ còn là nỗi nhớ” là những câu thơ hay, mang tính gợi hình, và đong đầy cảm xúc của tác giả. Những câu thơ kéo cảm xúc của người đọc trùng xuống khi nghĩ về những kiếp người.

Và cũng phải kể đến những câu thơ khẳng định sự nỗ lực bền bỉ của tác giả để làm lạ hóa hình ảnh, ngôn ngữ nhằm mang đến cho người đọc những cảm giác mới mẻ.

“Thời gian kéo lũ nhện về làm tình

Chăng tơ

Lên gác cửa đời mình…”

(Tự ru)

Hay bắt gặp ở Ô Quy Hồ là những cảm nhận rất mới:

“Ngạo mạn mây

Con nắng cũng nép mình

Chờ cú đớp ngoạn mục

Mặt người loang sương…

Vằn vện…”

Cái được nhất trong thơ Lý Hữu Lương là ý thức sáng tạo ngôn ngữ và khả năng tưởng tượng phong phú. Có lẽ chính vì khả năng tưởng tượng đã giúp anh dễ dàng lạ hóa hình ảnh, và làm mới những câu thơ của mình. Những câu thơ lúc nhịp nhàng đều đặn người ta liên tưởng đến khúc tình ca êm dịu, khi trúc trắc lên xuống người ta nghĩ đến những vòng tròn xoáy đều của ruộng bậc thang, nét hoang sơ của núi rừng đấy, mà cũng mới mẻ hiện đại.

“Ta về đi em nhé

Mùa buồn như cánh mỏng

Rơi im phía chân đồi…

Ta về đi em

Về đi em

Ngày buồn như mở hội

Nhân duyên

Phía trước…

Một người”

(Khúc nhân duyên)

Đối với các cây bút trẻ nói chung và đặc biệt là các tác giả thơ nói riêng thì có lẽ điều khó nhất là tìm ra được giọng điệu riêng, thế mạnh và sở trường của mình trong lĩnh vực thơ ca. Ở thơ Lý Hữu Lương tôi cho rằng đầu tiên anh đã tìm được cái địa hạt riêng của mình là mảng thơ ca viết về miền núi. Có lẽ sinh ra và lớn lên trên miền đất Tây Bắc, hiểu về cuộc sống, con người đồng bào Dao nên thơ của anh ăm ắp chất liệu cuộc sống mang tính chất vùng miền. Viết về cái mình thấu hiểu nhất sẽ dễ dàng chuyển tải cảm xúc đến với độc giả một cách chân thành và hiệu quả. Lý Hữu Lương đã viết về con người và những phong tục tập quán của miền đất này chân thực bằng thơ.

“Con trai Mẹo

Mũi hếch chân cong

Trán hói

Ngáp một tiếng ông trời nín thở

Con trai Mẹo

Thổi một tiếng khèn con gái vây quanh

Thành lũ chim rừng cánh ướt…”

(Dao mẹo)

Đọc thơ Lý Hữu Lương tôi đề cao việc tác giả sử dụng đan cài giữa hai yếu tố: Tính chất vùng miền và tinh thần hiện đại trong thơ. Đó là sự nỗ lực thể nghiệm để đưa thơ mình đến gần hơn với độc giả.

Cái khao khát cháy bỏng ấy của người viết trẻ đã lùa được vào trong chính câu thơ của mình và được người đọc ghi nhận.

“Bập vào ngày

Những nhát đứt tuổi thơ sáo đá

Căng sức lồng ngực cánh nỏ

Chẳng có ngọn núi nào cao nữa…”

(Dao mẹo)

Tập thơ Người đàn bà cõng trăng đỉnh cô – san là tập thơ đầu tay của tác giả trẻ Lý Hữu Lương nhưng nó đã cho thấy một tinh thần, ý thức sáng tạo nghệ thuật của giới trẻ hôm nay, khao khát đi tìm cái mới, bứt phá khỏi những lối mòn đã định hình trước đó. Không ngại thể nghiệm ngòi bút đối với nhiều phong cách khác nhau để tìm ra một nét riêng cá tính, đã tạo được sự lôi cuốn nhất định trong mỗi bài thơ. Với những bước đi đầu tiên chững chạc và luôn ý thức cao về lao động sáng tạo nghệ thuật, tôi tin rằng tác giả trẻ Lý Hữu Lương sẽ có những bứt phá cao hơn nữa trong lĩnh vực thơ ca.

Hà Nguyên

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version