Nguyễn Văn Hùng
Trần Thanh Cảnh còn khá xa lạ đối với người yêu văn chương. Nhưng với tập truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc”, Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2015, người viết đã ngay lập tức lôi kéo sự chú ý của dư luận độc giả và được giới nghiên cứu phê bình đánh giá cao, và cũng trong năm đó tác giả được vinh danh ở hạng mục văn xuôi của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
Ăm ắp không gian Kinh Bắc
Từ những trải nghiệm trong cuộc sống đến những thử nghiệm trong văn chương, Trần Thanh Cảnh trở thành một gương mặt lạ, một phát hiện thú vị trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Tác phẩm của anh cuốn hút người đọc bởi cái bề bộn, ngổn ngang, đa diện, sống động đến từng chi tiết của cuộc sống và con người nơi vùng Kinh Bắc; sự đa dạng, nhiều chiều của thế giới nhân vật; sự mới lạ, đa tầng của không gian và thời gian; cái độc đáo, tươi rói trong ngôn từ, giọng điệu thể hiện; cái sâu lắng, độ ngân vang trong những trầm tích, biểu tượng văn hóa, lịch sử… Tất cả được thai nghén, chắt lọc từ chính những chiêm nghiệm của một người vốn quan niệm viết như một sự giải tỏa tâm hồn, một món nợ cuộc đời cần phải trả cho quê hương; được thăng hoa, sáng tạo trong khát vọng “vượt thoát”, nỗ lực làm mới, làm khác của người nghệ sĩ với ý hướng văn chương mình lựa chọn.
Tập truyện Kỳ nhân làng Ngọc gồm 14 tác phẩm với dung lượng khá dày dặn (hơn 300 trang), đều lấy chất liệu từ làng Ngọc, một ngôi làng vùng Kinh Bắc trù phú, ở ven con sông Đuống hiền hòa, tựa vào dãy núi Thiên Thai mơ mộng, quanh năm diễn ra hội hè đình đám sôi động. Với nguồn chất liệu dồi dào, vô tận, Trần Thanh Cảnh tha hồ ngụp lặn, hít thở, nhào nặn, biến những nguyên liệu sống động thành các sinh thể nghệ thuật giàu sức sống. Như một người họa sĩ tài hoa, tác giả đã vẽ nên bức tranh làng quê Việt cổ truyền với những hình ảnh gần gũi, thân thuộc: gốc đa đầu làng, cây gạo ven sông, rặng tre xanh mát, mái đình rêu phong, đường làng quanh co, bờ đê lộng gió, bến nước trong vắt, hội hè linh thiêng… Bầu sinh quyển ấy chính là môi sinh gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, kiến tạo những vẻ đẹp văn hóa cộng đồng, cùng những nét cá tính rất riêng biệt của con người nơi đây (sôi nổi, chất phác, huê tình). Cái tài của tác giả là tạo dựng nên những cảnh vật, những con người, thoáng qua cứ ngỡ giản dị, mộc mạc như chính từ cuộc sống bước vào trang sách; nhưng ẩn bên trong cái vẻ bình yên, tĩnh lặng ấy lại là cả thế giới đa chiều, đa diện, đa sắc, có sức lay động và ám ảnh lạ kỳ.
Truyện của Trần Thanh Cảnh thường xoay quanh những chủ đề đời thường, hằng ngày – từ chuyện làng chuyện xóm đến chuyện gia đình chuyện cá nhân như cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, tình yêu đôi lứa đa đoan, tình cảm vợ chồng phức tạp, quan hệ hàng xóm láng giềng nhiều chiều… Trong những câu chuyện tưởng như tầm thường, “không có chuyện” ấy, tác giả đã chạm đến những trạng huống xã hội, góc khuất tâm hồn và bi kịch nhân sinh, gửi gắm vào đó những suy tư có tầm triết học – nhân văn sâu sắc. Trong cái làng Ngọc nhỏ bé, khiêm nhường như bao ngôi làng khác trên đất nước Việt Nam, nhà văn đã lần lượt trưng ra trước mắt độc giả thế giới nhân vật chân thực, phong phú, với cuộc đời, số phận dị biệt, lạ kỳ: kiểu nhân vật số phận, bi kịch; kiểu nhân vật tự thú, sám hối; kiểu nhân vật bản năng, vô thức; kiểu nhân vật tha hóa, biến chất; kiểu nhân vật cô đơn, lạc loài; kiểu nhân vật truy tìm bản thể… Mỗi người một cá tính, một cuộc đời và một số phận, không ai giống ai. Vì vậy mà người đọc như được nếm trải đến tận cùng những cung bậc cảm xúc yêu thương, lầm lạc và đau đớn của kiếp người trong từng câu chuyện tình thơ mộng, nồng nàn, nhưng lắm trắc trở, éo le (Hội làng, Gái đảm, Mùa thi, Hoa gạo tháng Ba).
Sẻ chia với thân phận người
Trong sự chuyển dời nghiệt ngã của thời cuộc, làng Ngọc như là chứng nhân cho những bước thăng trầm của mỗi phận người. Gắn với vận mệnh của dân tộc, cộng đồng là số phận của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Từ những năm tháng đất nước còn chiến tranh khốc liệt, rồi thời kỳ cải cách ruộng đất dữ dội, đến khi cả dân tộc đau đớn chuyển dạ trong công cuộc Đổi mới, và lúc này là sự hỗn loạn, ngổn ngang, bề bộn của xã hội đương thời. Tất cả đều bủa vây con người, dù họ là ai (xấu xí, dở người hay xinh đẹp, thông minh); địa vị như thế nào (bần hàn cơ cực hay đức cao vọng trọng; tội đồ hay anh hùng); tính cách ra sao (thấp hèn hay cao cả, thiện hay ác)… Từ làng Ngọc, mỗi người bước ra thế giới bên ngoài với những cách thức và sự lựa chọn con đường khác nhau. Có những sự lựa chọn ngẫu nhiên như bàn tay sắp đặt của định mệnh, có sự lựa chọn do nhu cầu nội tại, lại có sự lựa chọn bởi những tác nhân bên ngoài. Mỗi sự lựa chọn ấy lại gắn với bi kịch cá nhân, mặc dù cố gắng vùng vẫy nhưng họ không thể thoát khỏi số phận (“Hoa núi”, “Hương đêm”, “Kỳ nhân làng Ngọc”).
Sự biến động không chỉ do hệ lụy từ lịch sử, mà nó còn hiện hữu trong từng thôn xóm, ngôi nhà, trong mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của người dân nơi đây. Bên cạnh những nét đẹp phong tục, tập quán vẫn được lưu giữ (Hội làng, Giỗ hậu); còn đó những hủ tục, thói quen lạc hậu, những định kiến khắt khe cầm tù con người, khiến họ u mê, lầm lạc (Số trong truyện “Ngay trong đêm”, Quang bản phủ trong truyện “Có trời”). Không chỉ bị tha hóa bởi môi trường, hoàn cảnh sống, mà ngay trong bản thân mỗi người tự tha hóa bởi dục vọng, lòng tham và quyền lực (Tiến trong truyện “Sếp tổng”, những người con của ông giáo Vân trong “Ngôi biệt thự bỏ hoang”). Trong ngôi làng không ra làng, phố không ra phố, nửa tỉnh nửa quê này, hằng ngày, hằng giờ đang chứng kiến sự mất mát của những giá trị văn hóa truyền thống, sự đổ vỡ của mái ấm gia đình, sự lụi tàn của tình cảm con người, sự bào mòn nhân tính, đạo đức truyền thống bởi những câu chuyện dở khóc dở cười: bồ bịch, gái gú, chạy quyền chạy chức, hám danh lợi, chuộng tiền tài… Là người con làng Ngọc, hơn ai hết, Trần Thanh Cảnh thấu hiểu, sẻ chia với những số phận, nỗi đau của con người nơi đây, đồng thời anh cũng không quên gióng hồi chuông cảnh tỉnh con người trước khi tất cả là quá muộn để thay đổi.
Với nỗ lực khám phá nhiều chiều về bản chất cuộc sống và tâm hồn con người, mở ra những tầng sâu mới trong đời sống bí ẩn, vô tận của những cá thể người bình thường, Trần Thanh Cảnh đã tạo dựng nên những hình thức nghệ thuật thú vị. Một trong những nét đặc sắc, dễ nhận thấy trong truyện ngắn của anh là sự pha trộn có chủ ý những yếu tố huyền ảo, siêu thực, phi lý trong các hình tượng nghệ thuật (không gian, thời gian, nhân vật) và các chi tiết, sự kiện trong cốt truyện. Chính điều này không những tạo lực từ trường hấp dẫn cho tác phẩm, mà còn tăng thêm sự sinh động, đa nghĩa cho hình tượng nghệ thuật. Khi nhìn xuyên qua cái hư hư thực thực ấy, người đọc sẽ nhận diện những mạch chảy của một thực tại ngổn ngang, bề bộn, cùng những gương mặt người đa chiều, phức tạp.
Ngoài ra, Trần Thanh Cảnh còn thể hiện nỗ lực làm mới thể loại bằng việc tổ chức linh hoạt giọng điệu nghệ thuật (sự đan cài, phức điệu giữa giọng thiết tha, sâu lắng; giọng tự vấn, chiêm nghiệm; giọng khách quan, sắc lạnh; giọng hài hước, bông lơn; giọng xót xa, thương cảm…). Chính lớp diễn ngôn này giúp nhà văn chuyên chở được cái ngồn ngộn, ăm ắp, tươi rói của hiện thực cuộc sống; cái phức tạp, đa đoan, nhiều chiều của tính cách, tâm hồn và số phận con người.
Sau tập truyện ngắn đầu tay “Đại gia”, tập truyện “Kỳ nhân làng Ngọc” là một bước tiến dài, thể hiện sự trưởng thành trong hành trình kiếm tìm bản diện, căn cước văn chương của Trần Thanh Cảnh. Mỗi tác phẩm của tác giả là nỗ lực tiếp cận, khám phá, luận giải hiện thực cuộc sống và con người có chiều sâu. Khi cuộc đời là những khúc quành bất ngờ không báo trước, khi số phận mỗi cá nhân luôn chịu sự chi phối, hệ lụy từ vận mệnh của cộng đồng, đọc Kỳ nhân làng Ngọc như là một trải nghiệm hoang hoải, một ám ảnh tỉnh thức, và trên hết là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm với những phận người nhỏ bé.
Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh chú tâm vào cái thường nhật, những xung đột, mâu thuẫn phức tạp, những góc khuất, bí ẩn nội tâm, những trạng huống tâm lý đa chiều với bao quan hệ nhân sinh chồng chéo, ẩn chìm cùng cái nhìn sâu vào đời tư – thế sự – nhân văn. Và nó đã thật sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của nhà văn khi sáng tạo về đề tài nông thôn.
Vanvn.net
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài