Ba!

Khi người ta hỏi con, ba thường dạy con những gì

Con trả lời “ba dạy con tất cả những gì ba biết”

Khi người ta hỏi, con đã học được gì

Con trả lời “là nỗi cô đơn dường như mặc định sẽ theo con suốt cuộc đời này – đó là tất cả những gì con có…”

Con không chắc mình đã học được những gì, đã hiểu được bao nhiêu điều từ ba, từ những chuyến hành trình hiếm hoi của ba con mình tới những miền đất mới xa xôi và bí ẩn. Con chỉ biết chắc một điều, thứ duy nhất mà con tiếp thu được qua những lần gặp mặt ngắn ngủi mà vội vã ấy, thứ duy nhất con hiểu…chính là nỗi cô đơn.


Con luôn có những giấc mơ kì lạ về những con đường. Không phải con đường đất gập ghềnh đầy đã sỏi chạy men theo triền núi, cũng không phải con đường gạch thẳng tắp trải đầy hoa đại dọc lối thành cổ. Nó không hề giống với bất kì cung đường nào mà ba với con từng đi qua trong những cuộc thám hiểm của chúng ta. Trong mơ, con thấy mình bước đi trên con đường độc đạo thẳng tắp, bước chân con run rẩy và vội vã, con vừa chạy vừa ngoái lại phía sau trong sợ hãi, sợ rằng nếu con chỉ dừng lại một chút thôi, con sẽ trở thành nạn nhân đáng thương làm mồi cho sự cô độc ấy. Có những lúc con thấy mình đang bước đi song song với ba – bạn đồng hành duy nhất của con trên con đường ấy, con lại phấn khích như một đứa trẻ. Nhưng rồi đôi chân con vẫn thế, vẫn run rẩy, vẫn luôn bước những bước dài gấp gáp như chỉ trực muốn bỏ chạy khỏi nơi kì lạ đó.

Tỉnh dậy sau một cuộc chạy trốn dài, con hiểu, bởi xung quanh con chỉ toàn sự cô độc và bản thân ba cũng là một trong những nỗi cô độc ấy mà thôi…

Năm 6 tuổi, lần đầu tiên con theo ba đi thám hiểm, con chỉ là đứa trẻ hiếu kì, nghịch ngợm, luôn chạy lung tung làm ba phải vất vả để giữ con trong tầm mắt, nhưng con cứng đầu cứ thích đi đằng sau ba, để có thể nhảy lên chạm tay vào bờ vai gầy ấy, để hãnh diện khoe với ba rằng con rất cao, con đã lớn rồi.

Năm 10 tuổi, con ghét bị ốm, cơn sốt dài khiến con không thể theo ba trên cuộc hành trình khám phá kì diệu kia. Con dỗi luôn cả ba, lúc đó, ba chỉ nhìn con và nói “ba sẽ về sớm thôi”. Nằm trên giường, đôi mắt con bị luồng nhiệt nóng rực phủ một lớp sương mờ che lấp dáng lưng ba đang rời đi cùng với cảm giác nhớ nhung tràn đầy.

Con nhớ món quà ba mang về sau chuyến đi ấy là chiếc hộp nhạc mà bây giờ con vẫn để trên cây piano màu rượu vang của mình.

Năm 12 tuổi, lần đầu tiên con biết ba lừa dối mẹ con con, con không tin, con cũng không biết là mình có nên tin hay không nữa. Chỉ là, đôi mắt con dõi theo bóng lưng ba xoay bước rời khỏi nhà, một nỗi sợ hãi vô hình chảy ngập trong trái tim con, những chuyến đi cứ thế thưa dần, thưa dần…

Năm 15 tuổi, người ta nói, tự lừa dối bản thân mình là cách để con người quên đi nỗi đau. Đứa trẻ như con dù 9 năm trước hay bây giờ vẫn vậy, vẫn cứng đầu bám theo ba trên những cuộc hành trình dù biết chúng đã bắt đầu trở nên nặng nề và vắt kiệt sức con ngày qua ngày. Lần đầu tiên trong đời con biết đến cảm giác thấm mệt khi mải đuổi theo bóng lưng của ba đang xa dần, khi niềm tin trong con cứ thế rơi rớt đi.

Năm 17 tuổi, con đã làm một việc mà trước đây con chưa làm, cũng chưa từng có ý định làm – từ bỏ. Ba, người đưa con theo trên những chuyến hành trình xa, dạy cho con những mánh khóe để tồn tại trong cuộc sống phức tạp này. Thế giới tuyệt đẹp đầy sắc màu rực rỡ mà ba dựng nên cho con thưở nào bị chính đôi bàn tay ấy bóp vụn, từng mảng màu rực rỡ lần lượt rơi xuống vỡ tan tành, để lộ một bức tường trống hoác nham nhở gỉ sét và những vết dầu loang lổ, thật nhẫn tâm. Cảm giác sợ hãi, mệt mỏi và đau đớn triền miên đã biến thành chán ghét từ bao giờ. Con chống đối chúng bằng cách quăng đi tất cả, những kỉ niệm tươi đẹp, niềm tin con đặt nơi ba, con cũng chẳng buồn quan tâm tới những cuộc hành trình của ba con mình nữa. Và ba đứng đó, nhìn con với ánh mắt lạnh lùng, “con đã lớn rồi” – ba nói, trước khi quay đi, khổ sở chống đỡ cái lưng đau đớn rời khỏi tầm mắt con.

Năm 19 tuổi, con như chú chim nhỏ tự do sải cánh, không còn những cuộc thám hiểm, cũng chẳng còn những bài học vừa đáng quý, vừa đáng sợ từ ba nữa, chỉ có bản thân con tận hưởng khoảng trời riêng của chính mình. Nhưng rồi, như cái mề đay chẳng thế dứt ra, con lại nhớ ba và những chuyến đi ấy, nhớ đến phát điên. Cái tính hiếu kì trẻ thơ mà ba tạo cho con ngày nào lại thôi thúc con xách ba lô, vác máy ảnh rong ruổi theo những chuyến đi xa thật xa.

Có điều…chỉ có con là người lữ khách duy nhất trên hành trình ấy…

Con không rõ quãng thời gian ấy là ngắn hay dài, là hoài niệm hay ám ảnh, là đau đớn hay nếm trải. Thời gian ba ở bên con chỉ như những khúc đứt đoạn, rời rạc được con nhặt nhạnh, tỉ mẩn lắp ghép lại. Dường như trong từng hành động, từng cử chỉ trong bàn tay chăm sóc của ba đều quanh quẩn trong đó một nỗi cô đơn mơ hồ, cứ âm thầm đeo bám lấy con, năm này qua năm khác, cứ tích tụ dần dần, trở thành một thứ mà bản thân chẳng thể từ bỏ. Đôi khi con lại hoài nghi, có phải tất cả những gì ba muốn dạy con là nỗi cô đơn? Những chuyến phiêu lưu của ba con mình phải chăng chỉ là sự chuẩn bị để con có thể mạnh mẽ chống lại nỗi cô đơn ấy? Liệu sự cô đơn có phải là thứ mà lẽ ra con phải vỡ lẽ từ hơn 10 năm trước, khi con bắt đầu cuộc hành trình này?

Con lại mơ thấy giấc mơ kì lạ về những con đường, trong mơ, con thấy chúng ta đang đi về hai phía…

Khi con quay lại, con thấy bóng lưng ba đang hướng về nơi xa xăm nào đó, cô độc…

Khi con quay lưng bước đi, trước mắt con là con đường thênh thang và trống trải, không có một ai khác ngoài con, cô độc…

Có lẽ, ba và con, dù có tham gia vào cuộc hành trình này hay không, chúng ta vẫn là những người cô độc, ba nhỉ.

Con thấy mình bước đi trên con đường thênh thang và trống trải những bước thật chắc chắn, không run rẩy, không sợ hãi, cứ thế chầm chậm thả trôi bản thân mình vào nỗi cô đơn mơ hồ giữa cuộc sống khắc nghiệt này… Mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn, giờ đó là tất cả những gì con hiểu, tất cả những gì con có, ba à.

Trần Minh Anh