Đây là ý kiến của Giáo sư Mạc Đường nêu ra tại buổi giao lưu giới thiệu tập sách “Ca Văn Thỉnh tổng tập”, tổ chức tại đường sách TPHCM sáng 27-2, được đông đảo cử tọa và bạn đọc đồng tình.

​Nên mở mũi xung kích nghiên cứu về Nam bộ
GS Mạc Đường đang nhắc lại những điều tâm đắc của GS Ca Văn Thỉnh tại buổi giới thiệu sách – Ảnh: L.Điền

Ca Văn Thỉnh tổng tập bao gồm hệ thống các công trình, bài viết, những tư liệu của Giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902 – 1987) do gia đình lưu giữ và tổ chức thành bản thảo.

Tại buổi giới thiệu sách, GS Mạc Đường đã kể lại những giao tình của ông với cố GS Ca Văn Thỉnh. Trong đó, điều tâm huyết trong suốt cả cuộc đời làm cách mạng và làm học thuật của GS Ca Văn Thỉnh là nghiên cứu về Nam bộ ở cả lịch sử, vùng đất, con người, và văn học sử Nam bộ.

“Giáo sư Ca Văn Thỉnh không chỉ nghiên cứu về tác phẩm văn học Nam bộ mà còn nghiên cứu sâu về tâm và tầm của người trí thức Nam bộ” – GS Mạc Đường nhận định.

Ông Nguyễn Long Trảo – con rể GS Ca Văn Thỉnh, người tham gia tổ chức bản thảo tập sách – cho rằng tác phẩm Hào khí Đồng Nai là tinh túy trong các trước tác của Giáo sư, bên cạnh đó, công trình “Xây dựng con người mới từ tuổi thơ…” là tâm huyết của cụ về vấn đề giáo dục.

Buổi giao lưu tại Đường sách đã dần chuyển sang không khí của một tọa đàm học thuật, khi PGS. TS. Đoàn Lê Giang đưa ra nhận định rằng văn nghiệp của GS Ca Văn Thỉnh có vị trí quan trọng trong văn học Nam bộ.

“Cho đến ngày nay, các vấn đề Nam bộ cần nghiên cứu đang được Nhà nước quan tâm, học giới cũng nên có một mũi xung kích nghiên cứu về Nam bộ trong thế kỷ 21 này” GS Mạc Đường.

GS Mạc Đường

Theo TS Đoàn Lê Giang, nghiên cứu về Nam bộ của GS Ca Văn Thỉnh có hai đóng góp quan trọng, một là ông đã rất nhiệt thành chứng minh rằng Nam bộ cũng có văn học (mà công trình Khổng học ở đất Đồng Nai là một lời đáp thuyết phục, sau đó là các khảo cứu về những trí thức như Phan Thanh  Giản, Võ Trường Toản, Nguyễn Thông…), “đến những năm 1943-1944, GS Ca Văn Thỉnh đã đi gần đến chỗ kết nối văn học Nam bộ với Dương Minh học (Nho học đô thị) – một vấn đề rất mới trong tiến trình phát triển của Nho học khu vực.

Đóng góp thứ hai là những công trình nghiên cứu về lịch sử Nam bộ, đặc biệt những bài viết về văn hóa như nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu, hợp tuyển thơ ca yêu nước nửa cuối thế kỷ 19… có giá trị lâu dài về sau….

TS Đoàn Lê Giang cũng đề cập đến câu chuyện “nghiên cứu về Nam bộ thường có hai cái vướng, đó là khi nói về Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, thì cụ Ca Văn Thỉnh đã có bài nói về sự nghiệp Phan Thanh Giản vào rất sớm, và với Trương Vĩnh Ký thì cụ luôn có cái nhìn thể tất đối với nhân vật này”.

Giáo sư Mạc Đường cho rằng còn rất nhiều điều tâm đắc của cụ Ca Văn Thỉnh về lịch sử, văn hóa Nam bộ mà học giới các thế hệ sau có thể tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm. “Chẳng hạn như cụ quan tâm chuyện Nguyễn Thông từng phát hiện ra Đà Lạt trước cả Yersin, và cụ rất tâm đắc nhân vật Võ Trường Toản và vai trò của ông này trong lịch sử Nam bộ“.

“Cho đến ngày nay, các vấn đề Nam bộ cần nghiên cứu đang được Nhà nước quan tâm, học giới cũng nên có một mũi xung kích nghiên cứu về Nam bộ trong thế kỷ 21 này” –  GS Mạc Đường gợi ý.

Sách do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. Ảnh: L.Điền

Sách do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. Ảnh: L.Điền

Trong tập sách Ca Văn Thỉnh toàn tập, mặc dù chưa tập hợp đầy đủ các trước tác của GS Ca Văn Thỉnh, nhưng đây là toàn bộ tác phẩm chính yếu của ông, bao gồm bảy nội dung xuyên suốt cuộc đời của vị giáo sư đi tiên phong về Nam bộ học:

– Văn hóa – văn học: với những bài như: Mối tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia qua thơ văn xưa, Nhìn lại đạo đức khí tiết truyền thống của nhân dân miền Nam, Doãn Uẩn – viên quan bình định miền Tây, Văn nghệ chiến đấu Nam bộ trong thời Pháp thuộc…

– Lịch sử – tư tưởng: khảo cứu về Nguyễn Văn Thoại, Đất và người Nam bộ, khởi nghĩa Mười tám thôn vườn trầu, tài liệu về phong trào Tây Sơn, Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm – Xoài Mút…

– Giáo dục – chân dung nhân vật: Khổng học ở đất Đồng Nai, khảo cứu về Võ Trường, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu…

Phát biểu – hồi ức, thư từ; Chính trị, ngoại giao; Thơ (nhiều bài thơ tìm được trong 17 cuốn nhật ký của ông); Những hình ảnh tư liệu gia đình.

– Theo Lam Điền – Báo TTO