Nắng mưa đồng bãi

Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Nga

 

Sau hơn một năm yêu nhau, Tân đưa Miên trở về quê thăm mẹ và họ hàng. Đảo Hà Nam của anh, một vùng quê trù mật, đầy nắng và gió mơn man qua những rặng dừa, những thửa ruộng xanh mướt, những đầm nước xao xác cá tôm mà anh đã nhiều lần kể hiện ra trước mắt nàng sao mà thân thương quá đỗi. Miên thắc mắc sao bố anh thì ở thị xã còn mẹ lại một mình ở quê? Chàng trai chỉ nói, rồi em sẽ hiểu mọi chuyện nhưng điều em cần biết, mẹ là người rất quan trọng với anh…


Ngôi nhà ngói ba gian mà mẹ đang sống nằm tĩnh lặng sau những lùm nhãn đang trổ hoa vàng rực. Nghe thấy tiếng người đi ngoài ngõ, mẹ ùa ra, dáng hao gầy, khuôn mặt còn nguyên nét đẹp thời son trẻ. Mẹ thảng thốt:

– Con đã về đấy ư, mẹ nhớ con quá!

– Vâng, con đưa Miên về thăm mẹ đây!

– Ôi, hai đứa vào nhà đi, mẹ mong hai đứa quá!

Mấy ngày nghỉ, họ hàng anh đến rất đông, phần xem mặt cháu dâu tương lai, phần xem chúng bao giờ cưới xin để còn xúm vào lo liệu. Họ cũng hỏi thăm tình hình bố anh đang ở thành phố thế nào, Tân chỉ nói qua, mọi thứ đều ổn cả. Miên không thôi phân vân chuyện nhà người yêu…

Đêm tại quê anh như dài và sâu hơn trong tiếng côn trùng rỉ rả, trời oi nồng chực vỡ bung. Miên trằn trọc nằm cạnh mẹ, lòng không thôi dấy lên những câu hỏi về gia đình người yêu nhưng không tiện hỏi. Đêm thứ ba, trời bỗng nhiên nổi gió. Tiếng gió rú rít bên ngoài, vặn vọ theo những thân cây đang oằn đi nghe chợn rợn. Tân trở dậy cài lại then cửa rồi trở lại giường ở gian ngoài. Ở buồng trong, hai người phụ nữ như yên tâm hơn.   

Mẹ chủ động:

– Con có muốn nghe chuyện nhà mình không? Mẹ nghĩ là trước sau cũng là người một nhà nên con cần phải biết.

Rồi mẹ kể. Chậm rãi. Nhỏ nhẹ. Có lúc giọng thầm thì, xa vắng như đang kể về ai…

Đó là năm cô Lường, người làng Cốc, mới mười bảy tuổi; độ tuổi mơn mởn xinh tươi và đầy mơ mộng. Qua mai mối, Lường về làm vợ anh Trưởng ở làng Đông. Lấy nhau khi chưa kịp yêu đương gì cả. Ngày đó cả hai nhà đều nghèo, nhà anh Trưởng chỉ có một mẹ, một con, nghe đâu bố anh đi lính khố xanh mãi không thấy trở về; bà Tuất, mẹ anh, ở vậy nuôi con. Đám cưới diễn ra giản dị nhưng cũng có đủ bánh dày đỏ, bánh cốm, bánh su sê… Rất vui vẻ, ấm cúng. Mọi người cùng chúc cô dâu chú rể hạnh phúc, sớm sinh con đẻ cái, ăn nên làm ra.

Đêm tân hôn, sau khi mọi người về hết, nhà chỉ còn đôi vợ chồng trẻ và bà Tuất, cả ba đều mệt nhoài, Lường nói với mẹ chồng:

– Nhà cửa bừa bộn nhưng con mệt quá, có lẽ để mai con dọn mẹ nhé!

Nghe con dâu nói vậy, bà Tuất không nói gì nhưng vẫn cặm cụi dọn dẹp. Thấy mẹ chồng làm, nàng dâu cũng mải mốt làm cùng, dù người mệt rã rời. Đến nửa đêm, nhà cửa xem ra đã gọn gàng tươm tất, Lường mới xin phép mẹ vào buồng nghỉ. Anh Trưởng thấy vợ vào liền tỉnh hẳn, vội vàng ôm vợ vào lòng cho thoả nỗi chờ đợi bấy lâu. Lường vẫn ngượng ngùng trước những đụng chạm của hai cơ thể. Đúng lúc đó, tiếng bà Tuất ở cửa vọng vào:

– Hai đứa ngủ đi, mai còn đi gặt sớm. Cô Lường nên giữ gìn sức khoẻ cho chồng!

Lời nói như nhát dao cắt đứt mọi cảm xúc, suy nghĩ. Phần vì mệt, phần cảm thấy bẽ bàng, tủi hổ, Lường đẩy tay chồng ra, nằm quay mặt vào tường. Giấc ngủ đến một cách nặng nề.  

Đêm thứ hai, đúng lúc cô gái đã bắt đầu mềm lòng với những nụ hôn của chồng thì bà Tuất lại vọng vào:
– Hai đứa ngủ đi, mai còn gặt nốt khoảnh ruộng phía Tây đấy! Đàn ông, đàn bà mà mê đắm chuyện xác thịt là không tốt đâu!

Hai vợ chồng bấm tay nhau ra hiệu im lặng nhưng rồi trong phòng vẫn vọng ra tiếng cót két của chiếc giường dẻ quạt cũ. Giọng bà Tuất lần này như quát:

– Đã bảo là ngủ đi mà!

Vậy là những xúc cảm vừa được nhen nhóm bỗng tắt ngấm. Cả hai vợ chồng đều như thấy có một đôi mắt thứ ba đang dõi theo từng hành động của họ. Cuối cùng, cô gái chủ động nhắc chồng ngủ đi để mai còn ra đồng. Họ ôm nhau chìm vào giấc ngủ đầy bứt rứt. Ngày thứ ba, trước khi đi ngủ, anh Trưởng nói khéo với mẹ:

– Mẹ cứ ngủ đi, mặc kệ chúng con, mẹ cứ làm như thế thì bao giờ mẹ có cháu bế?

– A, tôi lo lắng cho sức khoẻ của anh, thế mà anh còn mắng tôi à?

– Mẹ thì…

Anh Trưởng chỉ nói thế rồi im lặng. Nhà vốn một mẹ một con, anh không muốn vì chuyện này mà làm tổn thương bà. Đêm đó, hai vợ chồng bấm nhau lặng im, áng chừng bà Tuất đã ngủ, anh Trưởng kéo vợ chạy ra ngoài. Làng quê trong đêm trăng lung linh kỳ ảo lạ kỳ. Họ đến một ruộng khoai rồi dừng lại. Bao nhiêu háo hức, chờ đợi được dịp bùng lên. Họ yêu nhau mê mải không biết rằng bà Tuất ở nhà, sau một lúc nằm giả vờ ngủ, thấy im lặng quá chạy sang buồng con thì chỉ thấy chiếc giường trống trơn. Bà bực lắm liền thắp sáng đèn ngồi ngoài cửa chờ. Quá nửa đêm, thấy hai anh chị rúc rích dắt nhau về và không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhà sáng đèn và mẹ đang ngồi chờ. Bà mẹ gắt lên:

– Anh chị đi đâu giờ này mà không xin phép tôi?

– Dạ chúng con đi, chúng con đi… Anh Trưởng ấp úng.

– Đi đâu, tôi hỏi chị kia!

– Dạ, đi… đi… ấy… ạ! – Lường lắp bắp

– Chị này láo nhỉ, chị dám trả lời tôi như thế à?

– Thôi mẹ ngủ đi, mẹ quá lắm, mẹ đừng bắt nạt cô ấy nữa. Chúng con đi ngủ với nhau, được chưa? – Anh Trưởng không giấu được ức chế, buột miệng rồi kéo vợ vào phòng.

Thế là từ lúc ấy cho đến gần sáng, bà Tuất nỉ non ngồi ngoài hiên kể lể. Nào là… nuôi con vất vả, chịu bao đắng cay lo lắng cho nó vậy mà nó dám cãi lại mình. Nào là… trước đây chỉ có hai mẹ con, mẹ bảo gì con nghe đấy, giờ đây nó có vợ chỉ thương vợ không nghĩ đến mình. Nào là, vợ thì cũng chỉ là con cái người ta, cưới về để có người làm chứ có phải ruột thịt gì đâu mà coi trọng hơn người dứt ruột đẻ ra mình… Bà cứ kể lể như thế, thỉnh thoảng lại thút thít khóc. Đôi trẻ mới đầu còn thấy khó ngủ, nhưng rồi họ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say sưa. Gần sáng, Lường thức giấc đi ra ngoài thấy mẹ chồng ngủ gục ngoài hiên từ bao giờ, liền vào bấm chồng ra đưa bà vào giường…


Ăn ở với nhau được vài tháng, anh Trưởng nghe bạn rủ ra thị xã lập nghiệp, để lại vợ đang mang bầu ở nhà với mẹ. Anh ra đó trước tính làm ăn ổn định sẽ đón vợ ra. Lường ở nhà chăm chỉ làm lụng chờ chồng. Hai người đàn bà, một già một trẻ, lặng lẽ như hai cái bóng, vào ra trong ngôi nhà nhỏ, giữa họ như có hàng rào ngăn cách dù chị Lường đã thử làm nhiều cách để gần gũi với mẹ chồng hơn. Rồi chị sinh con, tiếng khóc, tiếng cười của đứa trẻ cũng phần nào giúp ngôi nhà vơi bớt cô quạnh nhưng không vì thế giúp hai người đàn bà gần nhau. Suốt những năm ấy, anh Trưởng về quê đâu được vài lần, mang tiền và quà cáp về, nghe chừng làm ăn cũng thuận lợi. Khi thằng bé lên năm, anh về bàn với mẹ đón vợ con ra thành phố sống, tuy chưa có nhà cửa nhưng căn phòng trọ cũng đủ để sinh hoạt một gia đình nhỏ. Lúc này bà Tuất nhất quyết không đồng ý. Bà bảo bà đã nuôi anh khôn lớn, lấy vợ cho anh, rồi chăm con cho anh, giờ bà đã già rồi, bà không thể sống một mình được. Nào là nhớ cháu nội… Trưởng nghe mẹ nói thế cũng cảm thấy day dứt nên khuyên vợ cố gắng chịu đựng xa cách thêm một thời gian nữa.

Thấm thoắt thằng bé đã vào lớp một, rồi lớp hai, lớp ba… chị Lường vẫn lặng lẽ nuôi con và mong ngóng từng ngày chồng về thăm nhà. Quanh năm làm bạn với ruộng đồng khiến làn da của chị sạm đi vì nắng gió, những vết chân chim dần xuất hiện nơi khoé mắt, hai má không còn ửng hồng… Anh Trưởng sau bằng ấy năm bôn ba, nhờ  khôn khéo mà từ một anh bảo vệ, cũng đã kiếm được chân chạy vật tư cho một công ty nọ, tiền làm ra nhiều hơn. Anh mua đất làm nhà nhưng không thấy đón vợ con ra thị xã mà cũng ít về thăm quê hơn. Có lần vừa về đến ngõ, anh thấy vợ quần nâu áo vải, nón lá hùm hụp đang tất tả cho lợn ăn liền bịt mũi, nhăn mặt. Thấy thái độ của chồng thế, chị Lường chỉ cười buồn:

– Gớm, ông cũng từ đất này mà lớn lên, làm gì mà phải như vậy…?

– Là tôi trông cô vừa xấu, vừa bẩn đó mà…

Chị Lường tròn xoe mắt trước thái độ của chồng. Chị hiểu, thế là hết rồi, nếu không vì con, chị cũng sẵn sàng bỏ đi cho rồi. Được cái thằng bé ngoan ngoãn, học giỏi, năm nào cũng đứng nhất nhì khoá học. Chị Lường cũng vì thế mà thấy được an ủi. Nhờ chăm chỉ tính toán làm ăn nên dù không được nhờ chồng, kinh tế của mẹ con chị cũng không đến nỗi. Bà Tuất đã già hơn, chỉ ở nhà trông nhà cho con cháu nhưng tính cách vẫn không thay đổi, vẫn dằn hắt con dâu như ngày nào. Chị Lường hiểu, cũng vì một đời bà khổ quá, chồng biệt tăm biệt tích, một mình nuôi con không được nhờ chồng ngày nào. Nuôi con khôn lớn, nó lại lấy vợ, ấp iu vợ ngay trước mắt mình thì làm sao chả thấy chạnh lòng. Bà lo nó không còn yêu thương mình nữa. Và bà bực bội với con dâu. Bực bội mãi từ khi chị còn trẻ đến bây giờ tuổi già cũng đang sầm sập đến. Có lần chị đã thủ thỉ với mẹ chồng:

– Mẹ đừng ghét bỏ con nữa mẹ ạ. Mẹ thấy đấy, con có chồng đấy nhưng giờ sống có khác gì mẹ đâu? Nghe nói chồng con còn lấy vợ hai rồi đấy!

– Nó lấy vợ hai là phải, bởi chị có phải dâu hiền vợ thảo đâu! – Bà ráo hoảnh.

Nghe mẹ chồng nói vậy, chị Lường như bị dội một gáo nước lạnh. Nước mắt cứ tự nhiên thi nhau chảy xuống mặn chát. Nhưng rồi thấy con trai đi học về, liền nhanh tay gạt nước mắt. Thằng bé khoe tổng kết năm học lớp 5 này nó được học sinh giỏi, chị thấy nỗi buồn như vơi bớt

Anh Trưởng về. Lần này thái độ của anh xem ra thân mật với chị hơn những lần trước. Đêm đó, anh chủ động gần gũi vợ, điều mà mấy năm nay không có giữa hai người. Sau khi gần gũi vợ xong, anh liền bàn với chị dự định chung đầm nuôi tôm với thằng Bưởng con rể ông anh họ. Trưởng nói với vợ:

– Mẹ nó ạ, bằng ấy năm đi làm ăn xa mà cũng chẳng đâu vào đâu. Thằng Tân thì lên cấp hai rồi, cũng phải cho nó lên thị xã học mới mở mày mở mặt ra được. Mà học hành trên đó tốn kém lắm, tôi tính mình chuyển nhượng gần mẫu ruộng lấy ít tiền chung với thằng Bưởng nhận làm cái đầm nuôi tôm, nghe nói trúng lắm. Mình ở nhà chỉ năng tới lui trông coi, tới vụ là thu hoạch. Làm ăn với cháu thì cũng yên tâm, có sao cũng chỉ lọt sàng xuống nia thôi!


Nghe chồng bàn cũng phải, chị Lường đồng ý ngay. Ngày hai chú cháu ký xong hợp đồng với xã rồi thả lứa tôm đầu tiên, chị Lường đã làm mấy mâm cơm thịnh soạn trước là cúng tổ tiên, sau là mời họ mạc đến chia vui, chén chú chén anh quá nửa đêm mới tan. Thằng Tân vào cấp hai, nó theo bố lên thị xã ở, chị Lường ở lại quê chăm mẹ chồng và cùng cháu coi sóc đầm tôm. Làng nước bao nhiêu nhà nhờ nuôi tôm mà mở mày mở mặt, có nhà cao cửa rộng, xe máy chạy ầm ào. Chị thì chỉ mong sao mỗi vụ thu hoạch tôm có thêm tiền để phục vụ học hành của con mà thôi. Hai mẹ con quấn túm với nhau từ khi nó còn đỏ hỏn, đến giờ phải xa nó, lòng chị quay quắt nhớ. Chỉ mong sao thu hoạch xong vụ tôm đầu tiên này, có chút tiền là chị lên thăm con ngay.

Việc trông đầm tôm thằng Bưởng nhận ban đêm; còn ban ngày, nó nói, lúc nào thím thích thì đảo qua một tý, chị nghe thế cũng yên tâm. Chỉ còn khoảng gần một tuần là đến ngày tháo đầm, chiều hôm đó Bưởng sai con sang dặn bà thím tối ra trông đầm vì Bưởng có việc phải lên thị xã gấp. Nó còn dặn con bảo bà thím là nhớ phải trông đầm vì bây giờ tôm sắp đến kỳ thu hoạch, bọn trộm rình rập ghê lắm. Hôm đó, cơm tối xong, chị Lường cầm đèn pin ra trông đầm. Đêm không trăng, bóng tối trùm lên vạn vật tạo nên những mảng khối kỳ dị. Chị thấy ớn lạnh sống lưng, nhưng cứ nghĩ đến việc sẽ có tiền lên thăm chồng con lại thấy phấn chấn và vững tâm hơn. Ngồi trên căn chòi nhỏ được ghép bằng những thanh gỗ tạp dựng cạnh đầm, đèn pin vẫn bật, chị chống lại nỗi sợ hãi bằng cách tưởng tượng ra ngày tháo đầm sẽ thu về những thùng tôm ăm ắp, rồi sẽ đón xe lên thăm chồng con, thằng cu Tân gặp mẹ chắc mừng lắm. Chỉ nghĩ đến đó lòng chị đã dâng đầy hạnh phúc. Bỗng từ xa một bóng người đi lại, chị sợ hãi lia vội đèn pin về phía đó lắp bắp:

– Ai… ai…

Bóng đen vẫn im lặng khiến chị càng sợ, chị liền cầm chặt con dao quắm mang ở nhà theo và lại quát:
– Ai, trả lời mau không tao chém chết bây giờ…

Lúc này người kia mới lên tiếng, hoá ra là thằng Bưởng:

– Thím nhát quá đấy, cháu vừa về, đoán là thím một mình giữa nơi hoang vắng thế này chắc sợ lắm nên cháu vội ra ngay.

Bưởng trèo lên chòi ngồi cạnh thím. Tính về bề bậc nó là cháu chứ còn tuổi tác thì thím cháu suýt soát tuổi nhau. Thấy bà thím định về, nó liền giữ chặt tay Lường lại, giọng gấp gáp:

– Thím ơi, Lường ơi, ở lại với tôi đêm nay đi!

Lường liền gạt tay nó ra và lớn tiếng:

– Mày ăn nói kiểu gì thế hử, tao lại kêu làng lên bây giờ đây này!

– Lường cứ kêu lên xem có ai đến không, xa thế này, ai nghe thấy được…

Thế rồi hai tay nó nắm chặt hai cổ tay Lường, cái miệng sặc sụa hơi rượu cứ thế chúi vào mặt, vào cổ, vào ngực bà thím. Lường quyết liệt chống trả và càng như thế thằng Bưởng càng hăng máu. Vật lộn một lúc đã thấm mệt, Lường đau đớn nhận ra là mình đã thua thằng cháu khốn nạn, cô chỉ biết nghiến răng kêu trời khi những đau đớn ập vào người mình. Thằng Bưởng sau cơn thoả mãn thú tính, nằm vật ra để mặc Lường quần áo tả tơi nằm ê chề bên cạnh. Đúng lúc đó, tiếng người thình thịch chạy đến, ánh đèn loang loáng mặt nước. Tiếng đàn ông cất lên và Lường tím tái khi nhận ra tiếng chồng mình:

– Đâu rồi, đâu rồi, chúng nó đâu rồi…? Hôm nay tao về đột xuất thế là bắt được đôi gian phu dâm phụ chúng mày đây rồi!

– Bắt được rồi, bắt được rồi, thím cháu ngủ với nhau này, làng nước ơi… – Tiếng người nhao nhao.

Trong ánh đèn pin, Trưởng bắt vợ và thằng Bưởng cùng ký vào biên bản không biết đã được lập từ bao giờ về hành vi hủ hoá trước ánh mắt hả hê của bao người. Sau cái đêm ê chề đó, Trưởng bắt vợ ký vào đơn ly hôn và đòi hết đất đai nhà cửa mà bằng ấy năm chị một tay chăm sóc, đòi quyền nuôi con. Anh ta bảo vì còn chút nghĩa tình nên hắn giao ngôi nhà cho chị trông coi, nhân tiện trông coi luôn bà Tuất. Chị Lường đau đớn trước nỗi oan khuất chẳng dễ tỏ bày. Chị vẫn ở lại ngôi nhà đã chôn vùi cả cuộc đời mình và chăm bà Tuất những ngày cuối đời. Vì chị nghĩ đơn giản, còn ở lại đây chị còn cơ hội gặp lại con mình, thằng Tân bé bỏng và tội nghiệp của chị.

Sau khi bà Tuất mất, Trưởng bán mảnh đất rộng vài trăm mét vuông để lấy tiền xây nhà ngoài thị xã và công khai ở với vợ nhỏ. Hắn không cho thằng Tân về thăm mẹ với lý do Lường không còn đủ tư cách làm mẹ, nhưng thằng bé vẫn thường xuyên trốn về thăm mẹ. Từ trong sâu thẳm, nó tin rằng mẹ nó bị oan. Nó còn quyết tâm minh oan cho mẹ nữa và nó tìm đến Bưởng. Thằng Bưởng bấy lâu nay bê bết do lười biếng, suốt ngày cờ bạc rượu chè. Trong một lần đi uống rượu về khuya trúng gió bị đột qụy giờ nằm bán thân bất toại. Vừa thấy bóng Tân từ ngoài ngõ bước vào, thằng Bưởng đã lắp bắp:

– Tân ơi, em tha tội cho anh… Anh có tội với em, với thím…

Rồi Bưởng lắp bắp kể lại. Hôm ấy Bưởng nhận được điện của Trưởng nhờ thím trông đầm hộ rồi lên thị xã gấp. Trưởng đưa cho Bưởng một bọc tiền khá lớn rồi dặn dò Bưởng phải làm như thế, như thế… Bưởng đi rồi Trưởng cũng tức tốc đi theo. Trưởng về qua nhà không thấy vợ liền chạy qua gọi vợ con Bưởng cùng mấy nhà xóm láng cùng ra đầm và kịch bản diễn ra theo đúng ý đồ của hắn.    

Biết sự thật về nỗi oan khuất của mẹ, Tân cương quyết về quê ở với mẹ. Trước khi rời ngôi nhà ba tầng nằm giữa trung tâm thị xã, Tân đã nói với bố rằng mình đã biết sự thật và sẽ không bao giờ tha thứ cho bố. Trưởng nhìn theo con trai và đau đớn qụy gối. Cách đó không lâu, sau khi mất việc ở công ty, cô bồ đã gán hết đồ đạc trong nhà và vơ vét hết tiền bạc chạy theo nhân tình. Trước khi đi ả còn ném lại một câu:

– Đến người vợ một đời hy sinh cho ông mà ông còn giăng bẫy hại người ta thì sớm muộn cũng đến lượt tôi thôi!

Trưởng giờ một mình thui thủi trong căn nhà trống hơ trống hoác. Cũng chẳng dám về quê vì xấu hổ…

Thế đấy con ạ, cuộc đời này vốn công bằng, nếu mình sống đúng, trước sau rồi cũng được đền bù và ngược lại – Mẹ nhẹ nhàng nói sau khi kể hết câu chuyện cho Miên nghe – Đền bù lớn nhất với cuộc đời mẹ là sự nên người của thằng Tân. Người ta vẫn nói đến sự phức tạp của quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bản thân mẹ cũng đã trải qua nên mẹ hiểu. Chỉ cần có sự chia sẻ thì yêu thương sẽ đến. Đến giờ mẹ càng thấm thía, hạnh phúc nó cũng giống như mầm cây đấy. Nếu được vun xới, chăm bón và gìn giữ, nó mới có thể vươn lên xanh tốt mặc bao gió mưa giập vùi.

QNCT