Nàng Châu Long

Truyện ngắn của Đinh Phương

 

Mưa xuống, mặt sông phủ vô vàn những vòng sóng lan về khắp phía. Chuyến đò chiều ấy chỉ có mình nàng. Một mình nàng đi về phía lịch sử để làm nên lịch sử cho hai người đàn ông. Họ đối tốt với nàng. Nhưng họ có nghĩ cho phận nàng không? Ba năm qua mười hai mùa. Mười hai ước mơ của đời con gái thả trôi đi đâu mất. Có lúc trong giấc mơ nàng muốn tìm lại mười hai mùa ấy. Song tìm mãi không thấy. Chỉ còn lại những sợi tóc rụng của nàng vào mỗi buổi sáng sớm. Trong số ấy điểm nhiều sợi bạc…

Châu Long vấn lại tóc trên đầu rồi đưa tay xuống lòng sông, nước lạnh buốt, nàng để mặc cho bàn tay mình bị kéo đi cùng chiếc đò. Mắt nàng vẫn nhìn phía bờ bên kia, nơi nàng đã ra đi. Chỗ nàng đứng vẫn còn bóng người áo xanh đứng nhìn theo nàng. Cái bóng câm lặng được tạo nên bằng sự thương xót lẫn niềm căm phẫn. Nàng muốn níu lại, mong đò đi thật chậm bởi nàng biết sang đến bờ bên kia số phận nàng sẽ khác.

“Cô sang đò làm gì mà đi muộn thế? Chỉ tí nữa thôi là tôi về rồi. Ông chồng và mấy đứa con tôi dạo này đói sớm. Mà người ta còn phải đi làm nữa chứ, có ngồi đấy mà chơi đâu”.

Người chèo đò trạc ba mươi tuổi vẫn trải sào nhịp nhàng trên sông bắt chuyện hỏi nàng. Trong giọng nói, ngoài sự hờn dỗi, kể lể còn pha chút gì đấy tự hào, yêu thương. Mưa không làm chị ta phiền lòng, nước khiến cơ thể chị ta nở nang, mầu mỡ hơn. Chị ta nép mình vào nước bao nhiêu năm nên cơ thể có những nét hao hao giống cá. Nàng tưởng tượng con cá chép vàng nàng thả xuống ao ngày cúng ông công ông táo năm ngoái hoá thành người trước mặt. Nàng cười thầm với ý nghĩ ngớ ngẩn ấy. Rồi nàng lại thèm được như chị ta, có một gia đình để lo toan, tính toán. Nhưng, tất cả giờ lỡ dở rồi.


“Nàng phải giúp ta trọn nghĩa huynh đệ bao nhiêu năm, giúp chú Lưu công thành danh toại. Ta biết ơn nàng nhiều lắm”. Trời ơi! Lời cái bóng bên kia sông nhắc đi nhắc lại trong tâm trí. Trách nhiệm nàng phải mang sao mà nặng nề. Trong nhiều vở chèo sau này người ta diễn lại mua vui thì cái khoảng thời gian nàng đi chỉ qua một chớp mắt. Người xem chưa kịp sống qua một tích tắc cái thời gian nàng đã sống đã phải tất bật ra về với công việc riêng mình. Chỉ còn hình bóng nàng đọng lại, vơ vẩn hết đời người diễn viên diễn vai Châu Long này sang đời người diễn viên diễn vai Châu Long khác, chiếu chèo này sang chiếu chèo khác, làng đông sang làng đoài. Trong muôn vàn ức kiếp ấy, nàng đã chứng kiến bao nhiêu thiếu nữ từ trẻ con, hồn nhiên đến già nua, lú lẫn, móm mém. Chỉ có nàng là vẫn trẻ.

Uể oải ngáp, rũ sạch sự mềm yếu cuối cùng đọng lại, nàng mở tay nải lấy trầu mời người chèo đò. Chị ta đưa tay nhận, cho vào miệng nhai, uể oải chèo chậm lại để thưởng thức hết cái cay, cái chát của miếng trầu. Nàng lấy một miếng đưa lên định ăn, nghĩ thế nào lại thôi. Miếng trầu trên sông hôm ấy nàng để khô, gói lại kể cả khi đã về bên Dương. Mỗi khi ân ái nàng lại nghĩ đến miếng trầu, miếng trầu bỏ đi, khô quắt, bỏng rát. Hồn nàng cũng teo lại từ cái hôm chàng Dương, chồng nàng bắt nàng đi sang ở với chàng Lưu. Nàng còn yêu chàng Dương không? Nàng không biết. Lúc nàng về lại bên Dương, nàng đã hai mươi. Hai mươi hay tám mươi cũng thế. Muôn kiếp sau phận đàn bà trên nước Nam này cũng chỉ là những giọt mưa vô nghĩa. Người ta sẽ mãi mãi đề cao tình bạn cao cả vô ngần. Người ta cũng sẽ nhắc tới nàng một cách trân trọng bên cạnh hai cái tên kia. Nhưng để làm gì? Ba năm đủ giết một đời con gái.

“Tôi sang tìm một người bạn thuở hàn vi của chồng. Ở nuôi chàng ta cho đến ngày chàng ta công thành danh toại. Đây là ba nén vàng truyền gia. Chúng giữ một quá khứ đằng đẵng lẫn người chồng mà tôi yêu thương”.

Nàng lấy ba nén vàng đưa ra trước mắt người chèo đò. Chị ta thở dài quay đi. Sau này chị ta là người thuật lại chuyện Lưu Bình – Dương Lễ không có bất cứ lời khen ngợi nào. Nhưng phần đông người trong làng trong tổng chẳng thích chị ta kể thế. Vì vậy họ kể lại, nguyên vẹn, hoàn chỉnh, có hậu. Cho đến tận khi chết người chèo đò vẫn mơ thấy ba nén vàng Châu Long cầm hôm sang đò. Nó không sáng chói mà nó níu chặt con đò lại trên mặt sông. Cố chèo, làm cách nào con đò vẫn đứng nguyên một chỗ. Xung quanh mưa phủ lấy Châu Long. Nàng mím môi. Máu chảy theo khoé miệng nhuộm đỏ lòng sông.

Châu Long sang sông thì trời cũng nhập nhoạng tối. Người chèo đò khi chèo sang đến nơi không lấy tiền. Chị ta chỉ xin miếng trầu để ăn trên đường chèo trở lại bờ bên kia. Nàng đưa cho chị ta tất cả số trầu trong tay nải, trừ miếng trầu lúc nãy định ăn.

Nàng rảo bước nhanh về phía ánh đèn ẩn hiện trước mặt. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Hình như nàng có khóc? Nước mắt trong suốt, mặn đắng hoà vào mưa.

“Xin hỏi có ai trong nhà không?”

Nàng hỏi đến lần thứ tư, thứ năm vẫn không có ai mở cửa. Nàng đứng đợi. Gió, mưa vẫn quất vào người từng chập. Cố che được phía trong thì ngoài lưng lại lạnh, quay ngược lại thì mặt, ngực lạnh. Nàng đưa mắt vào khe cố nhìn xuyên qua chỉ thấy nhoè nhoẹt nước từ trên mái rỏ xuống. Cuối cùng nàng đánh liều đẩy tấm liếp bước vào. Tấm liếp dùng làm cửa không có gì chặn phía trong, bật ra dễ dàng hơn so với nàng nghĩ. Trong nhà không có ai. Ngọn đèn dầu để trên bàn âm ỉ, leo lét sáng. Nàng vội vã tiến về phía ngọn đèn, khêu bấc to thêm, hơ tay. Cái lạnh từ bàn tay lan hết vào trong người. Người nàng run lên từng chập. Nàng muốn thay quần áo, nhưng lại sợ, ngộ nhỡ trong buồng có ai.

“Xin hỏi, có ai không ạ”.

Trời vẫn trút nước rào rào trên mái lá. Nàng nghe thấy cả gió, gió vi vu, lúc như người hát, lúc lại là sự gào thét, giận dữ. Chính vì thế nàng sợ, sợ người bên trong không nghe thấy, sợ nhỡ đấy là người đàn ông, nàng chân yếu tay mềm biết làm sao. Nàng rón rén đi lại phía trong. Gần đến nơi nàng vội trở ra, mở tay nải lấy con dao bổ cau sắc nước, ánh xanh. Cầm chắc dao, run run, nàng tiến về phía buồng, lần hai.

Trong ấy cũng không có ai. Không gian ẩm thấp, tăm tối, mùi ngai ngái của đất xộc lên khiến nàng húng hắng ho. Trong góc sâu nhất của căn phòng nàng linh cảm thấy điều khác lạ. Nàng ra ngoài cầm ngọn đèn vào soi nhìn cho rõ.

Tài sản của gia chủ chỉ có sách vở thánh hiền, nghiên mực, bút lông, giấy viết. Sách xếp chật hết giường, chỉ còn lại một khoảng nhỏ phía ngoài đủ cho một người gầy gò nằm nghiêng. Trên bức tường đối diện có treo nửa quả cà thâm đã khô quắt từ khi nào. Dưới quả cà có chữ. Nàng tiến lại, đưa ngọn đèn vào sát vách. Chữ Dương Lễ được vạch hằn học. Nàng hiểu mình đang ở trong nhà của Lưu. Nhiệm vụ đã bắt đầu. Nàng tưởng tượng lại lúc chàng Lưu viết chữ Dương Lễ, hẳn chàng ta đã cầm bút chấm mạnh vào nghiên mực mà gạch lia lịa ngang dọc. Mực khô vẫn còn đọng, chảy thành dòng ở mỗi nét. Nhiều nét không liền nhau ghép lại thành tên chồng nàng. Thành nỗi tủi hờn chưa biết khi nào rửa được trong Lưu.

Đêm ấy Lưu về muộn, người nồng nặc mùi rượu. Chàng loạng choạng đẩy cửa bước vào mà không thấy Châu ngồi đùa nghịch với chính cái bóng của mình trước ngọn đèn dầu. Lúc nàng làm con chó đen mà nàng nuôi từ nhỏ, rồi làm cánh chim tự do, lúc lại bắt chước giọng người nam người nữ nói chuyện với nhau về miền đất nào xa xôi lắm. Dù làm bất cứ hình thù nào cuối cùng đọng lại trong nàng cũng chỉ là hình ảnh con sông phía đầu làng kia. Con sông tự do quá, muốn làm gì thì làm, chảy đâu thì chảy, chẳng bó buộc phụ thuộc vào ai. Sông hồn nhiên giữa trời đất, không suy nghĩ, đắn đo. Nàng đâu có vô tư được như sông. Nàng còn có gia đình, chồng, cha mẹ nơi làng quê đang ngày đêm lo lắng. Nếu cha mẹ nàng biết nàng đi thế này họ sẽ ra sao?

Lúc nàng còn đang đắm chìm trong suy nghĩ thì chàng Lưu đã vào buồng ôm hết sách bút vứt ra giữa nhà. Phải bốn năm lần mới hết, sách vương vãi khắp nơi, sách chất thành đống lùm lùm như nấm mộ. Lấy hết sách ra rồi chàng Lưu quỳ xuống vái lấy vái để, đầu đập côm cốp xuống nền đến chảy máu, lấy tay quệt ngang vết máu bôi vào sách, rồi khấn.

“Lạy trời, lạy đất. Con tên Lưu Bình. Vì bình sinh lòng quyết tâm chẳng ngùn ngụt được như lửa nên thi trượt mấy phen. Có người quen đỗ đạt làm quan lại chẳng nhận bạn bè. Sai người hầu ra bố thí bát cơm hẩm, quả cà thâm rồi đuổi đi. Mà nào con có định xin xỏ gì đâu. Chỉ tiện đi qua thì vào hỏi thăm. Anh ta không nhận quen thì thôi. Ai lại nỡ coi nhau như phường ăn mày đầu đường xó chợ. Nay con ngẫm thấy chữ thánh hiền chẳng giúp được gì, vậy xin đốt cả đi. Đốt cả tấm thân con lẫn túp nhà lụp xụp này. Âu đây cũng là số phận chẳng dám trách ai”.

Lúc Lưu Bình với tay lấy ngọn đèn trên bàn thì gặp cái nhìn đầy ngạc nhiên của Châu Long. Những vằn đỏ trong mắt Lưu dịu xuống. Nàng Châu không sợ hãi, nàng đứng dậy cầm ngọn đèn quăng mạnh vào đám sách.

Lửa cháy sáng cả một góc trời. Lúc mọi người trong làng phát hiện chạy đến thì ngôi nhà cũng đã ra tro. Lưu ngồi bệt xuống thảm cỏ trước nhà khóc rưng rức như đứa trẻ con. Nước mắt tèm nhem chảy dài trên mặt quện lẫn tro than. Châu Long ngồi cạnh ôm Lưu, vỗ vỗ vào lưng như người mẹ âu yếm con. Người làng thở dài, thương cảm, hỏi han. Càng hỏi Lưu càng khóc to hơn. Dần dần họ về hết, chỉ còn lại mình Châu Long ôm Lưu khóc suốt đêm. Tiếng khóc của Lưu vọng đến mãi phía bờ sông. Ếch nhái nghe thấy tiếng khóc cũng nín lặng.

Cái đêm ấy đối với Châu sao mà dài. Cái con người nàng đang ôm trong lòng này đáng thương lẫn đáng giận. Chí nam nhi làm gì, cất đâu mà yếu đuối. Mới gặp chút ít trắc trở ở đời đã vội nản chí, quyên sinh. Nàng nghĩ, nếu mình sinh ra làm phận nam nhi thì gì mình cũng làm được tất cả. Mà không biết giờ này chồng nàng ở nhà đang làm gì? Có nhớ đến nàng? Nước mắt nàng chảy xuống khuôn mặt hiền lành vừa thiêm thiếp đi của Lưu. Nhẹ nhàng, nàng lấy tay áo lau mặt cho Lưu.

Cái se lạnh của đêm đầu đông khiến Lưu đến gần sáng thì tỉnh rượu. Ngỡ ngàng, Lưu thấy mình đang được người đàn bà lạ ôm vào lòng như đứa trẻ con.

“Nàng là ai? Mà nhà tôi đâu mất rồi?”. Lưu đứng dậy ngỡ ngàng nhìn quanh. Trước mắt chỉ là đống tro tàn của trận cháy tối qua đã được sương làm cho màu đen thêm đậm.

“Tôi tên Châu Long. Do hồn thiêng sông núi hun đúc mà thành. Thấy anh là người có tài chẳng may sa cơ lỡ bước nên tôi đến giúp. Còn ngôi nhà này chính tay anh đốt chứ ai, anh không nhớ sao?”.

“Không. Tôi chỉ nhớ tối qua đã uống rất nhiều rượu tại nhà một người bạn giữa làng, rồi tất cả về sau thế nào tôi không nhớ nữa”.

Nàng Châu Long chậm rãi kể lại tất cả mọi thứ mà chàng Lưu đã làm từ lúc về. Bỏ đi chi tiết nàng là vợ Dương Lễ, chính nàng là người vứt cây đèn xuống chứ không phải Lưu.

Chàng Lưu tin tất cả những gì nàng nói. Nàng kể xong chàng quỳ xuống lạy tạ biết ơn, nước mắt lưng tròng. Chàng ta thật ngây thơ. Chàng ta bị lừa mà không biết gì. Nàng quay đi mỉm cười chua xót. Mặt trời lúc ấy vừa đi ngang luỹ tre. Nàng Châu Long đưa tiền cho Lưu đi gọi thợ làm lại nhà, sắm sửa lại đồ đạc, sách vở và một khung cửi để nàng dệt vải. Đây là số tiền cha mẹ cho nàng làm hồi môn khi về nhà chồng.

Căn nhà dựng lại được ngăn đôi. Chàng Lưu ở một bên, nàng ở một bên. Nhiều đêm Châu Long thao thức mãi. Ban ngày vui vầy bên khung cửi thì chẳng sao. Ban đêm thời gian sao dài đến bất tận. Nằm mãi mà không thấy sáng. Nàng cũng chẳng dám trở mình nhiều sợ chàng Lưu lo lắng. Bởi ở phía bên kia chàng Lưu thường học suốt đêm, trời tang tảng sáng mới thiếp đi. Thời gian đầu nàng sợ để con dao bổ cau ở đầu giường, sau thì thôi. Nàng hẹn với chàng Lưu lúc nào chàng thi đỗ sẽ cho dỡ bức ngăn ở giữa và tiến hành làm lễ cưới. Chàng Lưu đồng ý, ngày càng quyết tâm đèn sách. Trong việc lừa dối lần thứ hai này nàng tự cảm thấy ghê tởm mình, ghê tởm cả chồng nàng Dương Lễ. Cái niềm tin, tình yêu của Lưu dành cho nàng càng sâu đậm bao nhiêu thì tình yêu của nàng đối với chồng càng phai nhạt bấy nhiêu. Từ hôm nàng đi đến nay đã gần một năm mà cũng chẳng thấy tin tức gì từ chàng cả.

Nhiều lần, nàng qua sông định tìm về nhà, sau sang đến bờ bên kia lại quay lại. Nàng thương cho chàng Lưu. Nếu nàng đi bây giờ khác nào chàng Lưu bị lừa thêm một lần nữa. Người ta có thể dựng lại nhà chứ không thể nào dựng lại niềm tin. Chị chèo đò nhìn nàng không nói. Nàng tỉ mẩn dạy chị ta têm trầu cánh phượng mỗi khi vắng khách qua sông. Nhiều lần dạy mà tâm trí cứ để đâu đâu nên nàng cắt vào tay. Máu rơi xuống sông nhuộm hồng một khoảng. Nàng ngậm tay vào miệng. Chị chèo đò nhìn chằm chằm vào mắt nàng.

“Chị nhìn gì tôi mà ghê thế?”.

Chị lái đò lúng túng, quả cau trên tay chị rơi khỏi tay chạm mép đò văng xuống nước.

“Không. Tôi thấy chị đẹp quá. Tôi chèo đò trên quãng sông này hơn chục năm chưa thấy ai đẹp đến thế”.

“Đẹp mà làm gì hả chị, người con gái càng đẹp càng đa đoan. Mà chị tên gì? Quen biết chị đã lâu mà tôi vẫn chưa biết tên chị?”.

“Tôi tên Gái. Một cái tên quê mùa, thô kệch”.

“Cái tên là phận người. Tên càng đơn giản thì phận càng đơn giản. Tên như tôi buồn lắm”.

Chị chèo đò thở dài, len lén nhìn vào mắt Châu Long. Mong sao giấc mơ ấy không bao giờ đúng.

Thấm thoắt ba năm.

Chưa đến trung thu mà trong lòng nàng đã rộn ràng chẳng yên. Tiếng trẻ con nô đùa chạy nhảy hết sân nhà này sang sân nhà khác văng vẳng suốt ngày. Ba đứa con nhà chị Gái chèo đò cũng được đưa qua sông chơi. Chúng gồm đứa chị sáu tuổi và hai đứa em trai sinh đôi bốn tuổi. Sang nhà, nàng chia cho chúng ít kẹo dồi mới mua vào phiên chợ sáng khi đi bán vải. Lúc chị về nàng cũng đưa chị ít tiền bảo mua quả bưởi, tấm bánh cho mấy đứa phá cỗ đêm trung thu. Chị Gái bảo hôm trung thu sẽ sang đón nàng. Nhưng nàng chối hôm ấy có việc bận không sang được, mặt chị thoáng buồn. Mấy đứa con chị quấn nàng lắm. Lúc mẹ bảo về đứa nào cũng nhằng nhẵng khóc đòi ở lại.

Mấy ngày này chàng Lưu ngao du đây đó, thăm bạn thăm bè cho đầu óc thanh thản để chuẩn bị lên kinh ứng thí. Bọn trẻ về hết, còn lại một mình nàng thấy cô đơn đến rợn người. Nếu ở nhà với Dương có lẽ giờ này nàng đã con bồng con bế. Mấy tháng đầu ở với Lưu cái bản năng trong lòng cứ nửa đêm là rình rập trỗi dậy, lửa nóng hầm hập thiêu đốt. Nàng phải chạy ra sông trầm mình xuống đến lúc người lạnh ngắt, tím tái mới trở lên thay quần áo tìm vào giấc ngủ. Trong lúc ấy chàng Lưu vẫn chong đèn vùi mình vào sách vở.

Nếu Lưu đỗ khoá này thì tết nàng sẽ được về ăn tết bên chồng. Ba cái tết lạ rồi. Giờ đây sắp đến giờ khắc chia xa nàng vừa mừng, vừa lo. Một nửa trong nàng muốn về ngay. Nửa khác muốn ở lại. Cảnh vật nơi đây ba năm đã trở thành thân quen. Tình cảm với Lưu lúc đầu rất tốt, nàng thương chàng ta. Nhưng càng về sau nàng càng thấy chàng ta giống Dương đến kì lạ. Nàng cầu mong cho chàng ta đỗ đạt, nhưng đồng thời cũng muốn chàng ta thi trượt. Bởi chỉ trong cái giờ phút Lưu yếu mềm nhất nàng mới thấy được con người thật nơi chàng. Nó không còn được bọc trong những hình bóng, chữ nghĩa xa lạ, cứng ngắc, nề nếp. Mà nó hồn nhiên, vô tư như hoa cỏ…

Chuyến đò chiều ấy chỉ một mình Châu Long quay lại. Cái khác là không có mưa, nắng hanh vàng bẻ vụn cái nhìn khập khiễng giữa hai con người. Muôn con mắt gieo xuống lòng sông. Nàng đưa Lưu sang bên kia sông để tiễn chàng đi thi. Số tiền dành dụm trong ba năm ở đây cộng thêm số tiền cha mẹ đưa cho nàng vẫn còn đủ để Lưu chi dùng. Nàng không nói, nàng nhìn vào mắt Lưu để tìm lại cái hình bóng con người đã khóc trong lòng nàng mà không thấy. Trong mắt Lưu giờ đây ngùn ngụt ngọn lửa quyết tâm lẫn dục vọng. Lưu muốn chiếm giữ nàng, muốn trả thù Dương vì cơm hẩm, cà thâm ngày xưa.

“Nàng cứ yên tâm chờ đợi. Chắc chắn ta sẽ thi đỗ trở về”.

Đỗ ư. Trượt ư. Điều ấy có quan trọng gì với nàng đâu. Nàng về căn nhà đã sống ba mùa đông qua lấy ghế ngồi trước cửa chải tóc. Tóc nàng mấy năm nay rụng nhiều, mỏng đi, điểm nhiều sợi bạc chứ không còn dày, đen nhánh như trước. Nhìn mớ tóc rụng trong lòng bàn tay, nàng nghĩ tới một vở diễn. Nàng vẫn chưa ra khỏi sân khấu. Vội vàng, nàng thu dọn hành lí trở về bên Dương để diễn nốt chương cuối vở diễn của cuộc đời mình…

Nguồn: QNCT