Các tác phẩm trong loạt truyện ngắn “Nàng Anna xanh xao” của Heinrich Böll thể hiện rõ sự chuyển biến trong tâm thế và tâm lý của nhà văn đoạt giải Nobel trong suốt hơn 1 thập kỉ, từ năm 1949 đến năm 1963.

Năm 1972, với sự đề cử của Marcel Reich-Ranicki, nhà phê bình được mệnh danh là Giáo hoàng Văn học Đức, Heinrich Böll được trao giải Nobel Văn chương “vì những tác phẩm kết hợp tầm bao quát hiện thực rộng lớn với nghệ thuật xây dựng tính cách điển hình đã trở thành đóng góp to lớn vào sự phục hồi nền văn học Đức. Văn phong Heinrich Böll giản dị và sáng rõ, nhắm đến sự khôi phục ngôn ngữ Đức sau lối khoa trương thời Quốc xã. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Heinrich Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn.”

Tập truyện ngắn “Nàng Anna xanh xao” của Heinrich Böll.

Với hiểu biết đơn sơ như vậy, người đọc tiếp cận với tập truyện ngắn “Nàng Anna xanh xao” đã mang sẵn một tâm lý chờ đợi sự trình bày đặc biệt về mặt ngôn ngữ hoặc những câu chuyện mang đậm tính nhân văn theo lối mô tả thường thấy. Nhưng Heinrich Böll hoàn toàn có thể khiến độc giả bất ngờ bởi tính riêng biệt của ông. Cách ông trình bày cảm xúc và suy nghĩ của mình – thứ ngôn ngữ nhẹ nhõm mà thấm thía về lớp nghĩa, những câu chuyện độc đáo về mặt văn chương. Người ta cũng thấy sự đầy đặn về cảm xúc đi kèm với tính u sầu ở giai đoạn đầu, càng những năm về sau, khả năng nhìn nhận hiện thực dưới góc nhìn của tính suy tưởng, biết cách đào thoát khỏi hiện thực, tự do trong hiện thực đồng thời chỉ ra những khuyết thiếu của hiện thực… càng lúc càng rõ nét trong những tác phẩm của Böll.

Nếu như trong truyện ngắn “Thiên đàng đã mất” – tác phẩm đầu tiên của tập, hoàn thành vào năm 1949, hiện lên nỗi buồn hậu chiến, sự mất mát và nỗi cô độc, cảm giác nuối tiếc của việc đánh mất tình yêu bởi những năm tháng chiến tranh; thì ở “Giai thoại làm suy giảm đạo đức lao động” – tác phẩm cuối tập – được viết vào năm 1963, Böll đã vượt khỏi những ước lượng thông thường của đời sống và đi vào vùng trời tự do, gần như tuyệt đối.

Cái tên “Giai thoại làm suy giảm đạo đức lao động” nghe khá xa lạ, nhưng cốt truyện của nó lại rất quen thuộc bởi các dị bản truyền miệng. Truyện kể về một người đánh cá trên bờ biển, vào một ngày, một người đàn ông xa lạ đến thăm thú và chụp ảnh anh ta. Thấy sự thảnh thơi của người đánh cá có vẻ ngoài nghèo khổ, người du lịch đã hỏi tại sao anh không ra biển mỗi ngày để đánh được nhiều cá hơn, để tậu thuyền bè và mở một doanh nghiệp đánh cá.

Người đánh cá nghèo hỏi, “Làm thế để làm gì?”, và người khách du lịch chỉ có thể trả lời được rằng, “Để cuối cùng được thảnh thơi và nghỉ ngơi bên bờ biển”. Tương lai mơ ước của người khách du lịch chính là điều mà người đánh cá nghèo có thể làm trong hiện tại của anh ta.

“Nàng Anna xanh xao” là một chuyến hành trình thú vị khi tập truyện được bắt đầu bằng những mẩu chuyện khá nặng nề về tâm lý – bên cạnh việc con người thờ ơ với số phận con người, nỗi khó khăn của đời sống cũng bám riết lấy những nhân vật của Böll. Nhưng càng về sau, bản thân tác giả càng trở nên nhẹ nhõm, mặc dù sự vô nghĩa của chiến tranh, dấu hỏi về bản chất con người, sự mất mát của đời sống vẫn xuyên suốt toàn bộ sáng tác của ông.

Heinrich Böll – như mọi nhà văn lớn – hiển nhiên đã không tránh khỏi đau đớn khi đối mặt với hiện thực sau những năm tháng lang bạt và không tìm thấy ý nghĩa đời sống của con người. Có quá nhiều điều thiếu hợp lý mà ông phát hiện, có quá nhiều khuyết thiếu trong đời sống khiến ông băn khoăn, nhưng như ông thú nhận – “Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch, phát hiện cái dơ bẩn ở quanh mình để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta.” Böll trở nên nhẹ nhàng và tỉnh táo, văn phong cũng ngày càng sắc sảo, giàu hình ảnh, đầy tính ẩn dụ… và vì vậy ngày càng trong sáng, khỏe mạnh và hấp dẫn hơn. Ông cũng đặc biệt giỏi trong việc đưa ra những bối cảnh, nhân vật và tình tiết hết sức lạ lùng, độc đáo.

Ví như trong câu chuyện “Đêm thánh vô cùng” – tác phẩm ở giữa tập, hoàn thành vào năm 1952, được viết với ngôn ngữ trong sáng tuyệt vời, với khả năng ẩn dụ về tình yêu, mối liên hệ con người.

Nhân vật chính của Böll là một người phụ nữ luống tuổi có sự gắn bó mạnh mẽ với cây thông Noel và đêm tiệc Giáng sinh – thứ đại diện cho tình yêu, sự bình yên, sung túc và mối liên hệ gia đinh. Khi chiến tranh xảy ra, bà bị mất thứ mà bà yêu nhất, gắn bó nhất thể hiện bằng vật chất – cây thông Noel đó – giá trị của những thời xưa cũ. Bà đã bị khủng hoảng tinh thần thực sự. Bằng việc mô tả diễn biến hành động của những người thân xung quanh bà, Böll nói cho ta biết tâm hồn con người mới mong manh làm sao. Đồng thời, khi nhìn vào sự “phản bội” của những người thân yêu với bệnh tình của bà cụ, người đọc sẽ không biết phải thông cảm hay oán trách. Một câu chuyện sẽ khó để người ta kết luận nhưng lại là một tác phẩm bậc thầy của nhà văn đoạt giải Nobel.

 

Hồ Hương Giang – Vietnamnet.vn