Nước Nga vừa tổng kết “Năm văn học 2015” với nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, trong đó nhiều nhà văn cho rằng “Năm văn học” đã thất bại. Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, Tổng biên tập Báo Văn học Nga Yury Polyakov về kết quả “Năm văn học” và một số vấn đề của văn học đương đại Nga nói chung.
Độc giả Nga chờ đợi gì ở năm văn học?
– Con đường văn học của ông bắt đầu như thế nào? Giới trẻ hiện nay còn thiếu điều gì khi bước vào văn học?
+ Nói chung, như phần lớn các chàng trai, cô gái Liên Xô, tôi bước vào văn học qua các tổ chức văn học. Dưới thời Xô viết, một hệ thống tìm kiếm tài năng trong các lĩnh vực khác nhau được xây dựng rất nghiêm túc, cả nước có một mạng lưới tổ chức văn học xuyên suốt, như các mao mạch. Nếu bạn đến một thành phố nào đó và bạn là nhà thơ thì chỉ sau nửa giờ, bạn đã ngồi đọc thơ trong tổ chức văn học ở đó. Không quan trọng là Nam Sakhalin hay Vilnius. Tất nhiên, tôi cũng kinh qua toàn bộ hệ thống các tổ chức và hội nghị các nhà văn trẻ. Tập thơ đầu tay của tôi “Thời gian đến” được giới thiệu xuất bản năm 1979 tại một hội nghị như vậy.
Thời chúng tôi có lợi thế ở chỗ, chúng tôi được học nghề rất nghiêm túc. Hiện nay người ta phóng đại sự ép buộc tư tưởng lúc bấy giờ. Nó có, tất nhiên, nhưng không phải là đàn áp. Chúng tôi được học sáng tác, biên tập. Nói thật, tôi thấy thương các nhà văn trẻ hiện nay ngay lập tức bị rơi vào guồng máy thương mại của các nhà xuất bản. Còn chưa viết lách sạch nước cản, họ đã bị làm tiền. Họ bắt đầu bị hối thúc. Và tác phẩm ra đời cẩu thả chỉ sống được vài mùa. Vì vậy, xét về mặt trưởng thành, tôi, tất nhiên là kết quả của hệ thống Xô viết.
Nhà văn, nhà biên kịch Nga Yury Polyakov.
– Ông không chỉ là nhà văn mà còn là Tổng biên tập Báo Văn học. Theo ông, tổng biên tập cần thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào trước tờ báo và trước xã hội.
+ Tôi đến báo năm 2001, và nói thật, tôi không thích công việc này, vì vào thời điểm đó, tôi là một trong số ít nhà văn được xuất bản khá nhiều. Tôi viết kịch bản phim, là đồng tác giả kịch bản “Xạ thủ Voroshilov” – một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Govorukhin. Tôi đã bắt đầu viết kịch. Nhưng vấn đề ở chỗ lúc bấy giờ trong văn học đang diễn ra sự cưỡng ép của chủ nghĩa hậu hiện đại, một khuynh hướng thực nghiệm tự do chủ nghĩa.
Nói là cưỡng ép vì các nhà văn thuộc các khuynh hướng khác phải im lặng và bị xóa sổ, đó là tôi chưa nói tới quan điểm chính trị. Và tôi hiểu rằng nghĩa vụ công dân của tôi là làm dù chỉ một tờ báo phản ánh khách quan những gì diễn ra trong văn học, và không chỉ có thế… Và khi bắt đầu nghiên cứu “bãi chiến trường”, tôi hiểu rằng thực tế còn tồi tệ hơn là tôi tưởng. Ví dụ, tên tuổi nhà văn Valentin Rasputin (1937-2015), đại diện của dòng văn xuôi nông thôn, trên Báo Văn học từ năm 1991 đến 2001 không được nhắc tới lần nào. Trước đây điều đó không bao giờ diễn ra trong nền văn học nước nhà.
Và thế là mấy năm đầu tiên tôi dành cho việc phục hồi sự công bằng. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không còn đăng các tác giả theo chủ nghĩa tự do. Nhưng chúng tôi phục hồi cuộc tranh luận. Điều đó rất khó khăn. Sau đó chúng tôi đặt vấn đề giảng dạy lịch sử. Chúng tôi quan niệm rằng không thể giáo dục một công dân chân chính nếu cứ nhét vào đầu anh ta một số phương án lịch sử đất nước chúng ta. Chúng tôi còn đặt ra vấn đề trả lại các tác phẩm của nhà văn.
Cho đến nay Báo Văn học là một trong nhiều tờ báo công bố các tác phẩm của những nhà văn phái bảo thủ. Vì rằng, tiếc thay, hiện nay ở nước ta thậm chí các nhà báo ở các trường đại học cũng tiếp thu kiến thức một chiều và hiểu lịch sử qua báo chí của phái theo chủ nghĩa tự do. Họ không biết rằng báo chí của phái bảo thủ cũng là một lực lượng hùng hậu mà về tira vượt các các ấn phẩm của phái theo chủ nghĩa tự do.
Báo Văn học cũng nhắc nhở nhiều sự kiện văn học, ví dụ, 250 năm sinh Karamzin, 150 sinh năm Gorky, 200 năm sinh Turgenev, 100 sinh năm Konstantin Simonov, nhưng đều bị bỏ quên. Khi tôi phát biểu tại hội đồng tổng thống về văn hóa và nói về điều này, những người phụ trách văn hóa nhìn tôi một cách căm thù. Nói chung, Báo Văn học cố gắng đưa không gian văn hóa của chúng ta vào hình thức đối thoại: văn hóa của phái bảo thủ và văn hóa của phái theo chủ nghĩa tự do. Thêm vào đó, chúng tôi, phái bảo thủ, đã sẵn sàng đối thoại, còn phái kia từ chối. Họ rất thích sự độc quyền văn hóa và tài chính của họ vào những năm 90. Nhưng dù sao tôi vẫn cho rằng văn hóa cần thúc đẩy sự phồn vinh, phát triển của xã hội, chứ không phải làm cho nó sụp đổ.
– Theo ông, “Năm văn học 2015” diễn ra có hiệu quả không?
+ Theo tôi, nó diễn ra không những không hiệu quả mà còn nhục nhã. Chúng tôi đã viết về điều đó. Ý nghĩa của nó là gì? Mở rộng sự quan tâm của nhân dân đối với loại văn học nghiêm túc, quay trở lại với thói quen đọc sách một cách nghiêm túc. Chúng ta luôn luôn là một nước đọc sách nghiêm túc. Mà đọc sách nghiêm túc là dấu hiệu sự phát triển trí tuệ của xã hội, nó cũng là một tài sản của dân tộc như dầu mỏ, khí đốt, than đá.
Nhiệm vụ thứ hai là đoàn kết cộng đồng nhà văn, tiếc thay, đang bị chia rẽ và sống trong tình trạng “nội chiến”. Và điều rất quan trọng là để “Năm văn học” thể hiện rằng chúng ta có một nền văn học đa dân tộc. Bởi ở Nga, người ta viết bằng hơn 70 ngôn ngữ, hơn nữa có những ngôn ngữ còn lâu đời hơn cả tiếng Nga. Và kết quả thế nào? Kết quả là tại lễ khai mạc Năm văn học tại Nhà hát nghệ thuật mang tên Chekhov ở Moskva, không một nhà văn dân tộc nào của chúng ta được nhắc đến. Giới trí thức coi đó là một sự xúc phạm.
Thứ ba, chỉ riêng trong “Năm văn học”, ở Moskva có 40 hiệu sách bị đóng cửa. Mặc dù từng có đề nghị biến các hiệu sách này thành câu lạc bộ đọc sách. Nhưng chính vào “Năm văn học”, chúng bị đóng cửa. Tại sao? Tại vì ở Moskva, giá thuê nhà tăng lên 4 lần. Trong khi đó, các cửa hàng bán rượu lại được mở thêm. Tại sao? Tại vì cơ quan được giao phụ trách “Năm văn học” không phải là Hội Nhà văn, mà là Hãng thông tấn báo chí thuộc Bộ Bưu chính vốn không liên quan gì tới văn học.
Mà ở Bộ này, mọi thứ đều bị quy về giá trị thương mại, kết quả là mất một đống tiền nhưng chẳng thu được gì. Chúng tôi đã viết về điều đó, nhưng chính quyền không nghe thấy; không có một phản ứng nào hết. Bởi thế dù sao tôi vẫn cho rằng sức mạnh của chính quyền thể hiện ở sự phản ứng nhanh đối với dư luận xã hội. Nói tóm lại, “Năm văn học” đã thất bại.
– Thế nhà nước phải ủng hộ các hiệu sách để chúng không bị đóng cửa chứ?
+ Đó là nghĩa vụ trực tiếp của nó. Bởi vì giáo dục, đào tạo, tuyên truyền văn hóa là những thứ mà vì chúng nhà nước được thành lập. Ở nước Nga, nói chung người ta tập trung quá nhiều vào thể thao. Tôi không phản đối thể thao, nhưng nếu như chúng ta rèn luyện con người có sức khỏe tốt, nhưng đầu óc không phát triển thì điều đó cũng sẽ kết thúc rất tồi tệ. Dưới chính quyền Xô viết, người ta hiểu điều đó.
– Ông nghĩ gì về việc hiện nay càng ngày người ta càng đọc nhiều trên Internet, liệu đó có phải là một khó khăn không?
+ Tôi coi đó là chuyện bình thường. Nhưng nghĩ rằng sắp tới cần xây dựng hệ thống các phiên bản sách điện tử. Hiện nay mọi người đều nghĩ rằng khó khăn nằm ở khâu kiểm soát việc sử dụng tài liệu trên Internet. Hoàn toàn không. Chính bạn cũng không bỏ tiền xem phim trên truyền hình đúng không?
Người ta cho bạn xem 5 phút, sau đó nói phải trả tiền. Hiện nay có thể làm như vậy đối với sách tải lên mạng. Về mặt kỹ thuật điều đó rất đơn giản. Khó khăn nằm ở cơ sở pháp lý. Bởi vì trong đó còn nhiều điều chưa hoàn thiện, chưa có các đạo luật nào đó. Một đạo luật như vậy đang được soạn thảo 3-4 năm nay. Nhưng một khi nó có hiệu lực, bạn phải trả tiền cho bất kỳ việc sử dụng tài sản trí tuệ nào. Qua một tổ chức bản quyền, tác giả sẽ được nhận tiền như tôi hiện nay nhận nhuận bút kịch bản và sách. Ở đây tôi không thấy điều gì xấu.
Việc thay thế sách giấy bằng sách điện tử cũng giống hệt như vậy. Điều quan trọng là viết như thế nào. Tôi, chắc chắn cho đến chết, vẫn là người thích đọc sách giấy, nhưng đối với cháu tôi, sách giấy và sách điện tử chẳng khác gì nhau, còn đối với chắt tôi thì sách giấy sẽ là một loại đồ cổ. Điều chủ yếu là trên màn hình điện tử xuất hiện những nhà văn tài năng, chứ không phải là loại vớ vẩn.
– Xin ông cho biết kế hoạch sáng tác của mình, ông sẽ còn viết kịch bản phim nữa không?
+ Sắp tới vở kịch mới của tôi “Va ly hạt nhân” sẽ được trình diễn tại Nhà hát trào phúng do Aleksandr Shirvindt dàn dựng. Đó là một hài kịch rất sâu sắc. Cốt truyện rất đơn giản – chiếc va ly hạt nhân của tổng thống Liên bang Nga bị mất trộm. Và người ta đang tìm kiếm. Tôi cũng vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết “Tình yêu trong thời biến đổi”, được bạn đọc đón nhận rất nhiệt liệt. Tôi cũng đang thai nghén một tác phẩm văn xuôi mới. Còn kịch bản phim thì tôi thường chuyển thể theo các tác phẩm của mình. Dù sao nghề của tôi không phải là một nhà biên kịch. Mặc dù nếu đạo diễn Govorukhin mời làm một cái gì đấy thú vị thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.