Tình cờ, tôi theo chân một người bạn đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (số 2 Yết Kiêu, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), mới có cái may mắn được nhìn ngắm bản văn khắc “Nam quốc sơn hà” trong châu bản triều Nguyễn và nảy ra ý định viết bài này.
“Nam quốc sơn hà” là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, khuyết danh – chưa xác định chính xác là của ai và ra đời vào thời gian nào (một số tài liệu chép có từ thời Tiền Lê, lại có tài liệu ghi là vào thời nhà Lý). Song, dù ra đời vào thời Tiền Lê hay thời nhà Lý, thì xưa nay, bài thơ vẫn mặc nhiên được thừa nhận là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc và đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn của các cấp học phổ thông.
Theo các sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên và “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên thì bài thơ này tục truyền là của Lý Thường Kiệt.
Còn theo sách “Lĩnh Nam chích quái” do Trần Thế Pháp biên soạn, thì “Nam quốc sơn hà” là lời thần Trương Hống, Trương Hát lớn tiếng ngâm lên trên không, cổ vũ quân Lê Đại Hành, Phạm Cự Lượng đánh vào trại quân Tống trên sông Đồ Lỗ vào năm 980. Bài thơ thể hiện ý chí bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia độc lập tự chủ.
Ở đây, tôi không có chủ đích truy nguyên tác giả bài thơ, điều làm tôi đặc biệt chú ý, đó là ở phần phiên âm câu thơ thứ hai của bài thơ “Nam quốc sơn hà” thay vì như tuyệt đại đa số các sách hiện hành, cũng như những bản “Nam quốc sơn hà” dùng để đọc hoặc trình diễn trong Ngày thơ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, kể cả tại sân khấu chính tổ chức hằng năm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), bài thơ được dàn dựng công phu theo phong cách sử thi hoành tráng, kết hợp giữa múa hát và phần minh họa với giáo mác oai linh, cờ trống hoành tráng, phần phiên âm đều chép “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, thì trong châu bản triều Nguyễn lại khắc “Tiệt nhiên phân định tại thiên thư”.
Chỉ khác nhau có hai chữ (“phân định” thay vì “định phận”), mà ý nghĩa thì hoàn toàn trái ngược hẳn.
Nam quốc sơn hà trong Châu bản triều Nguyễn.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng ở Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Theo quan niệm duy tâm, “định phận” là số phận đã định sẵn từ trước, còn “phân định” là chia ra và xác định. Cùng một ý với Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, trong “Từ điển tiếng Việt” do Giáo sư Văn Tân chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội năm 1967 chỉ rõ: “Định phận” là danh phận đã xếp đặt sẵn, không thay đổi được, theo quan niệm duy tâm; “phân định” tức chia ra và quyết định.
Trao đổi qua thư điện tử với Ban Biên tập Tạp chí Hồn Việt – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Ban Biên tập Tạp chí Hồn Việt đã cho biết: Theo niềm tin đương thời, ứng với mỗi vùng đất đều có một vùng sao (tinh phận) ở trên trời. Theo đó, sách trời (thiên thư) đã định vùng sao Dực, sao Chẩn ứng với vùng nước Nam – tức Bách Việt, như trong “Đằng Vương các tự” của Vương Bột (nhà thơ thời sơ Đường bên Trung Hoa) có câu “Tinh phân Dực Chẩn, địa tiếp Hành Lư”, nghĩa là “Sao chia ngôi Dực, ngôi Chẩn; địa nối núi Hành, núi Lư”.
“Tiệt” là cắt, cưa ra. “Tiệt nhiên” là rõ ràng, rành rành. Câu “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” ngầm bảo, sách trời đã phân định địa phận hai nước Nam – Bắc rành rành rồi và “Nam quốc sơn hà” là để “Nam đế cư”, nếu xâm phạm bờ cõi nước Nam, tức là xâm phạm đến uy trời, nhất định sẽ “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Chúng bay tất sẽ thất bại).
Trên thực tế, “định phận” mang hàm nghĩa được trời ban hoặc được thừa hưởng một ân huệ nào đó từ thế giới siêu nhiên, còn “phân định” thì ngược lại, nó phản ánh năng lực tự xác lập và khẳng định vai trò chủ thể con người. Do vậy, xét về mặt ngữ nghĩa và văn bản học, văn khắc “Nam quốc sơn hà” trong châu bản triều Nguyễn chính xác hơn những văn bản khác của bài thơ hiện đang được lưu hành rộng rãi.
Tuy nhiên, có một số ý kiến khác lại cho rằng, về căn bản cả hai cách phiên âm (“phân định” hay “định phận”) đều chính xác và hoàn toàn hợp lý, không hề có sự khác biệt nào lớn ở đây. Theo như Ban Biên tập Tạp chí Hồn Việt, “phân định” là từ được dịch ra từ “định phận”, trong câu “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Sau này, trong “Đại cáo Bình Ngô”, Nguyễn Trãi một lần nữa nhắc lại điều này: “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc – Nam cũng khác”. Ý nói sách trời đã mặc định sẵn phương Bắc là phương Bắc, phương Nam là phương Nam, không ai được quyền (hay có quyền) thay đổi “thiên thư”.
Tiếp tục khảo sát và trao đổi cách dịch câu thơ thứ nhất: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, mà hầu hết các sách đều dịch “Sông núi nước Nam, vua Nam ở”, với một số nhà nghiên cứu về văn bản học, đa phần các học giả đã không hài lòng với cách dịch này.
Theo họ, chữ “Đế” mà dịch là “Vua” thì chưa thật chính xác, chưa thấy hết được tinh thần tự hào dân tộc của cha ông. Ban Biên tập Tạp chí Hồn Việt nhấn mạnh: “Đế” tức hoàng đế, cao hơn “Vua”. “Đế” có quyền phong cho nhiều người làm “Vua” – Vương, như đời nhà Trần, phong cho Trần Liễu là An Sinh Vương; đời Tống bên Trung Hoa, phong cho một vị là Bát Hiền Vương…, nhưng “Vua” thì không được quyền phong cho bất kỳ ai làm “Đế”.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng cho hay: Theo “Từ điển tiếng Việt”, “Đế” là vua nước lớn, “Vua” là người đứng đầu một nước quân chủ. Rõ ràng tác giả bài thơ đã rất ý thức khi dùng “Nam đế” như một sự đối trọng với “Bắc đế”, nhằm khẳng định chân lý: Nước Nam là một quốc gia độc lập, có lãnh thổ riêng, văn hóa riêng và có cương giới rạch ròi; quyền độc lập tự chủ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Trong “Đọc văn học văn” – Nhà xuất bản Giáo dục tái bản năm 2003, khi giảng về “Nam quốc sơn hà”, Giáo sư Trần Đình Sử cũng cho rằng: “Đối với các văn kiện hay tài liệu có tính tuyên ngôn thì điều quan trọng nhất là chữ nghĩa phải chính xác, không nên tùy tiện thay đổi”.
Vị giáo sư này đã có lý khi nhấn mạnh đến việc tôn trọng nguyên bản của bài thơ. Bởi, “Nam quốc sơn hà” là một tác phẩm đặc biệt, từ lâu đã được coi như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc, nên việc dịch chưa sát, chưa đúng sẽ làm ảnh hưởng đến tầm vóc cũng như ý thức tự tôn dân tộc của tiền nhân.
Vì những lẽ trên, có nhà nghiên cứu đã mạnh dạn đưa ra đề xuất, ở phần dịch thơ, nên được dịch là: “Sông núi nước Nam, Nam Đế ở/ Rành rành phân định ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Còn với ý thức tôn trọng nguyên bản, theo tôi, chỉ cần phiên âm bài thơ kèm theo phần dịch nghĩa và các sách nên thay thế hai chữ “định phận” thành “phân định” là đủ, khỏi cần phần dịch thơ.
Trịnh Chu – Văn nghệ công an