‘Tôi không có những ý tưởng khái quát để khai thác, tôi chỉ thích đặt ra các câu đố cùng những lời giải nhã nhặn…’ tác giả Nga lý giải nguyên nhân ông viết tiểu thuyết lừng danh ‘Lolita’.  

Dưới đây là bài phỏng vấn nhà văn V. Nabokov trên kênh truyền hình BBC năm 1962, được Cao Việt Dũng lược dịch.

Ông có phải một nhà nghiên cứu bướm chuyên nghiệp không?

– Có, tôi rất hứng thú với sự phân loại, sự biến đổi, phát triển, cấu trúc, phân bố và tập quán của loài bướm: nghe thì có vẻ hoành tráng, nhưng thật ra tôi chỉ thông thạo về một nhóm bướm rất nhỏ. Tôi đã gửi một số nghiên cứu về bướm cho nhiều tạp chí khoa học- nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại rằng mối quan tâm tôi dành cho loài bướm mang đậm tính khoa học.

Nhà văn Vladimir Nabokov say mê nghiên cứu bướm.

– Liệu có bất kỳ mối liên hệ nào với công việc sáng tác của ông không?

– Xét một cách tổng thể thì có, bởi vì theo tôi, trong một tác phẩm nghệ thuật, luôn có sự hòa trộn giữa hai thứ, giữa tính chính xác của thơ ca và sự phấn khích của khoa học thuần túy.

Trong tiểu thuyết “Pale Fire” của ông, một nhân vật nói rằng hiện thực không phải là chủ đề cũng chẳng phải đối tượng của nghệ thuật đích thực, bởi tác phẩm nghệ thuật đích thực tự sáng tạo ra hiện thực của riêng nó. Vậy hiện thực đó là gì?

– Hiện thực là một vấn đề mang đậm tính chủ quan. Tôi chỉ có thể nói rằng nó giống như một kiểu tích lũy thông tin dần dần; như sự chuyên môn hóa. Chẳng hạn, lấy ví dụ một bông hoa huệ tây, hoặc bất kỳ sự vật nào trong giới tự nhiên, bông hoa trong mắt một nhà tự nhiên học sẽ xác thực hơn nhiều so với trong mắt một người bình thường. Nhưng với một nhà thực vật học thì nó còn thực hơn nữa.

Tuy nhiên, đối với một nhà thực vật học chuyên nghiên cứu về hoa huệ tây, tính hiện thực này lại được nâng lên một cấp độ khác. Nói cách khác, ta có thể càng lúc càng tiến gần hơn đến hiện thực; nhưng độ gần ấy sẽ không bao giờ là đủ bởi vì hiện thực là một chuỗi bất tận các giai đoạn, các cấp độ nhận thức, các đáy giả, và vì vậy ta chẳng thể nào thỏa mãn, chẳng bao giờ đạt được. Ta có thể dần dần nhận thức sâu hơn về một sự vật nào đó, nhưng sẽ vĩnh viễn không thể biết tường tận mọi khía cạnh của nó: chẳng bao giờ có khả năng này.

Vậy nên, cuộc sống quanh ta ít nhiều hội tụ các sự vật mơ hồ – ví dụ như cái máy kia chẳng hạn. Tôi hoàn toàn mù tịt về nó. Tôi chẳng hiểu gì về nó, và, chà, đối với tôi nó là một bí ẩn, y như nó hẳn cũng là một bí ẩn với ngài Byron vậy.

Ông đã nói rằng hiện thực là một vấn đề mang đậm tính chủ quan, nhưng đọc tác phẩm của ông, tôi có cảm giác dường như ông tỏ ra hứng thú một cách có phần thái quá đối với tính giả tạo của văn học.

– Nước cờ nghi binh trong một ván cờ thế, ảo tưởng về một giải pháp hoặc phép lạ của nhà ảo thuật. Hồi nhỏ, tôi từng là một nhà ảo thuật nhí. Tôi thích thực hành những trò ảo thuật đơn giản – kiểu như biến nước thành rượu; nhưng tôi cho rằng mình đi đúng đường, vì nghệ thuật là sự dối lừa và tự nhiên cũng thế; tất cả đều là sự dối lừa trong trò gian trá tinh vi ấy; từ những con côn trùng giả làm chiếc lá cho tới sự cám dỗ thường thấy của việc sinh đẻ. Anh có biết thơ ca bắt nguồn như thế nào không? Tôi luôn cho rằng nó bắt đầu khi một cậu bé sống trong hang động chạy về hang, băng qua lớp cỏ cao, vừa chạy vừa hét lớn, “Sói, sói,” ấy vậy nhưng lại chẳng có con sói nào cả. Tất nhiên, vốn luôn vô cùng khắt khe đối với sự thật, các bậc cha mẹ giống khỉ đầu chó của cậu liền cho cậu trú ẩn, chắc chắn vậy, nhưng thơ ca thì đã được ra đời – câu chuyện cao cấp đã được sinh ra giữa đám cỏ mọc cao.

Ông đã nói đến các trò chơi mang tính đánh lừa, giống như cờ và ảo thuật. Trên thực tế, bản thân ông có thích những trò đó không?

– Tôi rất mê đánh cờ nhưng mưu mẹo gian dối trong cờ, cũng như trong nghệ thuật, chỉ là một phần của trò chơi; nó là một phần của sự kết hợp, một phần của những khả năng và ảo tưởng thú vị, những viễn cảnh của tư duy rất có thể lại là những viễn cảnh giả. Tôi cho rằng một sự kết hợp nên thường xuyên bao gồm một yếu tố đánh lừa nào đó.

Ông đã kể về chuyện làm trò ảo thuật hồi còn bé ở Nga, và công chúng vẫn nhớ rằng rải rác trong các tác phẩm của ông, một số đoạn văn giàu cảm xúc nhất đều có sự liên hệ với những ký ức về tuổi thơ đã mất của ông. Những ký ức đó có tầm quan trọng đến thế nào với ông?

– Thật ra, tự bản thân nó, ký ức là một công cụ, một trong số rất nhiều công cụ được người nghệ sĩ sử dụng; và một số hồi tưởng, có lẽ mang tính trí tuệ nhiều hơn là cảm xúc, thường rất mong manh và đôi khi bị mất hương vị hiện thực khi được tiểu thuyết gia nhồi nhét vào trong tác phẩm của mình, khi chúng được gán cho các nhân vật.

– Theo ông, ông đã đánh mất ý nghĩa của một ký ức khi viết nó ra trên trang giấy?

– Thỉnh thoảng, nhưng nó chỉ liên quan đến một kiểu ký ức thuộc về trí tuệ. Nhưng, chẳng hạn như – ồ, tôi không biết nữa, sự tươi mát của những bông hoa được người làm vườn cắm trong phòng khách mát mẻ ở căn nhà nông thôn của chúng tôi, khi tôi mang vợt bắt bướm chạy xuống cầu thang trong một ngày hè cách đây nửa thế kỷ là một thứ mang tính cố định, bất diệt, nó có thể chẳng bao giờ thay đổi, cho dù tôi gán nó cho các nhân vật của mình bao nhiêu lần đi chăng nữa thì nó vẫn luôn ở bên tôi; nào là cát đỏ, cái ghế băng trắng trong vườn, những cây linh sam tối thẫm, tất cả mọi thứ, một tài sản vĩnh viễn.

Tôi nghĩ toàn bộ vấn đề nằm ở tình yêu: ta càng trân trọng một ký ức nào đó, thì nó lại càng trở nên mạnh mẽ và khác lạ hơn. Tôi cho rằng cũng là lẽ thường khi những xúc cảm tôi dành cho các ký ức xưa của mình, những ký ức về thời thơ ấu, thường mãnh liệt hơn nhiều so với tình cảm của tôi đối với những ký ức mới mẻ hơn, vậy nên trong tâm trí và trong bản thân tôi, hình ảnh Cambridge ở Anh hay Cambridge ở New York luôn kém phần sống động hơn so với một góc công viên nào đó trên mảnh đất quê hương tôi ở Nga.

Nabokov đánh cờ cùng vợ.

Ông có cho rằng chính những ký ức mãnh liệt đã ngăn cản sức sáng tạo của ông trong tác phẩm?

– Không, tôi không nghĩ thế. Cùng những biến cố cứ trở đi trở lại hết lần này đến lần khác, thỉnh thoảng dưới những hình thức hơi khác nhau.
Chuyện đó còn tùy thuộc vào nhân vật của tôi..

– Sau một thời gian dài sống tại Mỹ, ông có còn cảm thấy mình là người Nga không?

– Tôi vẫn cảm thấy tâm hồn Nga trong mình, và tôi cho rằng các tác phẩm tiếng Nga của tôi, các tiểu thuyết, bài thơ và truyện ngắn mà tôi đã sáng tác trong suốt thời kỳ đó, chính là một sự tri ân của tôi đối với nước Nga. Và tôi có thể định nghĩa chúng như những sóng xung điện và gợn sóng dòng điện phát sinh từ sự biến nhất của nước Nga trong thời thơ ấu của tôi. Và gần đây, tôi đã trả nghĩa cho nước Nga bằng một tác phẩm tiếng Anh về Pushkin.

Vì sao ông lại dành cho Pushkin mối quan tâm mãnh liệt đến vậy?

Chuyện bắt đầu từ một bản dịch, một bản dịch văn học. Tôi thấy nó rất khó, nhưng dường như càng khó thì nó càng khiến tôi phấn khích. Vậy nên nó không hẳn bắt nguồn từ mối quan tâm đến Pushkin – tất nhiên tôi vô cùng quý trọng ông ấy, chắc chắn ông ấy là nhà thơ Nga vĩ đại nhất – mà nó là sự kết hợp giữa cảm giác phấn khích khi tìm ra cách hành động chính xác và sự tiếp cận hiện thực, tiếp cận hiện thực về Pushkin thông qua chính các bản dịch của tôi.

Lẽ đương nhiên, tôi rất quan tâm tới những vấn đề thuộc về nước Nga và tôi vừa soát lại xong xuôi một bản dịch rất tốt cuốn tiểu thuyết của tôi, The Gift, mà tôi đã viết cách đây khoảng ba mươi năm. Đó là cuốn tiểu thuyết được hoài thai lâu nhất, theo tôi là xuất sắc, và mang đậm nỗi hoài hương nhất trong các tiểu thuyết viết bằng tiếng Nga của tôi.

Cuốn tiểu thuyết khắc họa các cuộc phiêu lưu, lãng mạn và đầy chất thơ, của một thanh niên Nga lưu lạc ở Berlin hồi thập niên 1920; nhưng anh ta không phải hình ảnh phản chiếu của tôi. Tôi luôn cẩn thận giữ nhân vật ở bên ngoài ranh giới căn cước của tôi. Chỉ riêng bối cảnh chung của cuốn tiểu thuyết là có thể có dính dáng đôi chút đến tiểu sử của tôi. Và còn có thêm một vấn đề nữa khiến tôi thấy khá dễ chịu: có bài thơ viết bằng tiếng Nga mà tôi thích nhất là bài thơ tôi đã gán cho nhân vật chính của mình trong cuốn tiểu thuyết đó.

– Do chính ông sáng tác?

– Tất nhiên là chính tôi sáng tác; và tôi không biết mình có thể ngâm lại bằng tiếng Nga không. Để tôi giải thích một chút nhé: Chuyện kể về hai người, một nam một nữ, đang đứng ở cầu, phía trên ánh hoàng hôn được phản chiếu bên dưới, và có một đàn én bay qua trước mặt, vậy là chàng trai quay sang hỏi cô gái, “Này, em sẽ luôn nhớ con én đó chứ? – không phải bất kỳ loại én nào, không phải đàn én đó, mà chỉ là con én vừa bay qua đây thôi?” Và cô gái đáp, “Tất nhiên em sẽ nhớ,” rồi thì cả hai đều giàn giụa nước mắt.
Odnazhdy my pod-vecher oba
Stoyali na starom mostu.
Skazhi mne, sprosil ya, do groba
Zapomnish’ von lastochku tu?

I ty otvechala: eshchyo by!
I kak my zaplakali oba,
Kak vskriknula zhizn’ na letu!
Do zavtra, naveki, do groba,
Odnazhdy na starom mostu . . .

– Ông suy nghĩ bằng ngôn ngữ nào?

– Tôi không suy nghĩ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào hết. Tôi nghĩ bằng hình ảnh. Tôi không tin là mọi người suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Trong lúc nghĩ, họ có mấp máy môi đâu. Chỉ kẻ dốt đặc cán mai mới mấp máy môi khi đọc hay ngẫm nghĩ thôi. Không, tôi tư duy bằng hình ảnh, và thỉnh thoảng một câu tiếng Nga hay một câu tiếng Anh sẽ thành hình cùng dòng cảm hứng, nhưng chỉ thế thôi.

– Có phải ban đầu ông viết bằng tiếng Nga rồi sau đó chuyển sang tiếng Anh?

– Đúng vậy, sự chuyển đổi đó không dễ dàng chút nào. Bi kịch cá nhân của tôi, vốn không thể, thực ra là không nên khiến cho bất kỳ ai phải bận lòng, chính là tôi đành lòng phải từ bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ, cách diễn đạt bẩm sinh, chất giọng Nga dễ dàng và đẹp, thực sự đẹp của mình, để đổi lấy một thứ tiếng Anh hạng hai.

Ông đã viết rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh cũng như tiếng Nga. Ấy vậy nhưng chỉ có độc “Lolita” trở nên nổi tiếng rộng rãi. Ông có phiền lòng không khi được biết đến chỉ nhờ “Lolita”?

– Không, tôi không cho là thế, bởi vì Lolita là cuốn sách tôi đặc biệt yêu thích. Nó là cuốn sách khó nhất của tôi – cuốn sách đề cập đến một chủ đề quá xa, quá cách biệt so với cuộc sống tình cảm của tôi đến nỗi đã khơi dậy trong tôi một niềm hứng thú đặc biệt khi có thể sử dụng tài năng kết hợp của mình để mang lại màu sắc hiện thực cho nó.

– Ông có ngạc nhiên trước thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết không?

– Tôi ngạc nhiên khi thấy cuốn sách đã được xuất bản.

– Xét đến chủ đề của cuốn tiểu thuyết, ông có bao giờ nghi ngờ về khả năng “Lolita” được xuất bản không?

– Không; thật ra, khi đã viết một cuốn sách, nhìn chung ta luôn dự tính rằng nó sẽ được xuất bản, trong một tương lai xa. Nhưng tôi rất mừng vì cuốn sách đã được xuất bản.

– “Lolita” đã được thai nghén như thế nào?

– Ý tưởng này đã được ra đời từ lâu rồi, hẳn là từ năm 1939, ở Paris; tôi bắt đầu manh nha nghĩ đến Lolita khi còn ở Paris năm 39, hoặc có lẽ đầu năm 40, thời điểm tôi đang bị căn bệnh đau thần kinh liên sườn hành hạ khổ sở tột cùng – chẳng khác gì bị kim đâm vào mạng sườn vậy. Theo như tôi còn nhớ được, dòng cảm hứng đầu tiên, chẳng hiểu vì sao, đã được khơi gợi một cách có phần bí ẩn bởi một câu chuyện đăng trên báo, có lẽ là trên Paris Soir, kể về một con khỉ không đuôi trong vườn thú Paris, sau nhiều tháng trời được các nhà khoa học dỗ dành ngon ngọt, cuối cùng cũng đã cho ra đời bức họa bằng than chì đầu tiên trên thế giới được vẽ bởi một con vật, và trong bức vẽ này, được đăng lại trên báo, ta có thể nhìn thấy những thanh chắn trong chuồng của con vật tội nghiệp đó.

– Humbert Humbert, kẻ dụ dỗ trung niên ấy, có bất kỳ nguyên mẫu nào không?

– Không, anh ta là một nhân vật do tôi sáng tạo ra hoàn toàn, một người đàn ông bị ám ảnh, và tôi cho rằng khá nhiều nhân vật của tôi có những ám ảnh bất chợt, những kiểu ám ảnh khác nhau, nhưng anh ta chưa bao giờ tồn tại. Anh ta chỉ tồn tại sau khi tôi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết. Trong thời gian sáng tác, thỉnh thoảng trên một tờ báo nào đó, tôi lại đọc được tất tật các bài viết về một người đàn ông lớn tuổi theo đuổi các cô bé: một sự tình cờ thú vị nhưng chỉ có thế mà thôi.

– Vậy Lolita có nguyên mẫu không?

– Không, Lolita không có bất kỳ nguyên mẫu nào hết. Cô ấy đã được sinh ra trong tâm trí tôi. Cô ấy không bao giờ tồn tại. Lẽ đương nhiên, tôi không hiểu rõ lắm về các cô bé. Ngẫm lại mới thấy, tôi chẳng quen biết cô bé nào cả. Thỉnh thoảng tôi có gặp xã giao người này người kia, nhưng Lolita chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của tôi.

– Tại sao ông lại viết “Lolita”?

– Đấy là một công việc thú vị. Xét cho cùng, tại sao tôi lại sáng tác chứ? Vì hứng thú, vì sự khó khăn. Tôi không có mục đích xã hội, không có thông điệp đạo đức nào. Tôi không có những ý tưởng khái quát để khai thác, tôi chỉ thích đặt ra các câu đố cùng những lời giải nhã nhặn.

– Ông viết văn như thế nào? Phương pháp của ông là gì?

– Đến giờ tôi đã phát hiện ra những tấm thẻ mục lục là loại giấy hiệu quả nhất để tôi sử dụng cho mục đích này. Tôi không viết liền mạch từ chương này đến chương kia cho đến tận cuối cùng. Tôi chỉ lấp đầy các chỗ trống trên bức tranh, lắp các mảnh còn thiếu vào trò chơi ghép hình vốn hiển hiện khá rõ ràng trong tâm trí tôi, nhặt đây một mẩu kia một mẩu và lấp đầy các mảnh ghép của bầu trời, các mảnh ghép phong cảnh và các mảnh ghép của – tôi không biết nữa, những kẻ săn lùng cuộc vui.

Thêm một khía cạnh khác thường nữa ở ông là tầm quan trọng đặc biệt mà ông đã gắn vào màu sắc…

– Màu sắc. Tôi có cảm giác mình là một họa sĩ bẩm sinh – thật đấy! – và hồi tầm mười bốn tuổi, tôi thường dành gần như cả ngày phác phác vẽ vẽ và đinh ninh sau này sẽ thành họa sĩ. Nhưng tôi không nghĩ là tôi có chút tài năng đích thực nào. Dù vậy, cảm giác về màu sắc, tình yêu đối với màu sắc thì vẫn luôn theo tôi suốt cả cuộc đời: và tôi còn có một năng khiếu hơi kỳ quái là có thể nhìn thấy các con chữ bằng màu sắc. Người ta gọi đó là thính giác liên kết màu. Có lẽ trong hàng nghìn người mới có một người có khả năng này. Nhưng các bác sĩ tâm lý nói với tôi rằng hầu như đứa trẻ nào cũng có khả năng đó, chỉ có điều sau này khả năng ấy bị mai một do chúng bị những bậc cha mẹ ngu dốt bảo rằng nó là thứ hoàn toàn vớ vẩn, rằng cái A này không có màu đen, cái B kia không có màu nâu – nào đừng có lố bịch thế.

– Các chữ cái trong tên của ông, VN, có màu sắc gì.

– Chữ V có màu hồng nhạt, trong mờ: Tôi nghĩ, nói cho chuẩn xác thì nó được gọi là màu hồng thạch anh: đây là một trong những màu sắc gần gũi nhất mà tôi có thể kết nối với chữ V. Còn chữ N là màu bột yến mạch vàng xám. Nhưng, điều thú vị là vợ tôi cũng có năng khiếu nhìn các con chữ bằng màu sắc, nhưng các màu của cô ấy lại khác hoàn toàn. Có lẽ, chúng tôi có quan điểm trùng khớp về một vài chữ cái, nhưng những chữ còn lại thì khá khác nhau.

Rồi một ngày, chúng tôi phát hiện ra con trai chúng tôi, hồi đó vẫn còn bé – có lẽ khoảng mười mười một tuổi gì đấy – cũng nhìn các con chữ bằng màu sắc. Nó có thể nói một cách tỉnh bơ, “Ồ, cái này không phải màu đấy đâu, nó là màu này cơ,” và đại loại thế. Rồi chúng tôi bảo cháu liệt kê các màu sắc của cháu ra và chúng tôi phát hiện ra rằng có trường hợp, một chữ cái dưới con mắt của cháu có màu tía, hoặc có thể là màu hoa cà, thì với tôi lại là màu hồng còn vợ tôi là màu xanh dương. Đó là trường hợp chữ M. Vậy nên trong trường hợp của cháu, sự kết hợp giữ màu hồng và màu xanh dương đã cho ra màu tím hoa cà. Cứ như thể các gene đang được vẽ bằng màu nước vậy.

– Ông sáng tác cho đối tượng nào? Kiểu độc giả nào?

– Tôi cho là một người nghệ sĩ không nên bận tâm đến độc giả của mình. Độc giả có ý nghĩa nhất với anh ta chính là người anh ta vẫn nhìn thấy sáng sáng trong tấm gương soi. Theo tôi, nếu có tưởng tượng ra độc giả của mình thì người nghệ sĩ sẽ nghĩ đến một căn phòng chật kín những người mang chiếc mặt nạ của chính anh ta.

– Trong các tác phẩm của mình, ông luôn dành sự quan tâm có phần hơi thái quá cho mặt nạ và giả trang: gần như thể ông đang cố gắng che giấu bản thân sau một thứ gì đó, như thể ông đã đánh mất chính mình?

– Ồ, không phải thế. Tôi nghĩ mình luôn ở đó; chẳng có gì khó khăn trong vấn đề đó hết. Tất nhiên, có một kiểu nhà phê bình cứ nghiên cứu đến tác phẩm hư cấu nào là lại nhất quyết gán tư duy của tác giả vào nhân vật ngôi thứ nhất.

Gần đây, khi viết về Pale Fire trên mục điểm sách ở một tờ báo New York, một gã nhà quê vô danh tiểu tốt đã tưởng nhầm tất cả những tuyên bố mà nhân vật dẫn truyện tưởng tượng trong tác phẩm của tôi phát biểu chính là ý kiến của tôi. Thật ra mà nói, tôi quả thực có truyền tải một phần tư tưởng của mình vào một số nhân vật có trách nhiệm cao hơn. Đó chính là John Shade trong Pale Fire, thi sĩ. Anh ta mang một số ý kiến của tôi. Ở một đoạn thơ do anh ta sáng tác, được ghi lại trong cuốn sách, anh ta đã nói một điều mà có lẽ tôi có thể tán thành.

Anh ta nói – để tôi trích nguyên văn, nếu tôi có thể nhớ được, phải rồi, tôi nghĩ tôi làm được: “Tôi ghê tởm những thứ như nhạc jazz, gã ngốc tra tấn một con bò đen kẻ sọc đỏ, món đồ cổ của người thuộc phái trừu tượng, mặt nạ dân gian của người thuộc phái nguyên sơ, các trường phái cấp tiến, âm nhạc trong siêu thị, bể bơi, kẻ cục súc, người phiền phức, kẻ phàm phu tục tử mang tinh thần giai cấp, Freud, Marx, những nhà tư tưởng giả hiệu, nhà thơ thùng rỗng kêu to và những kẻ lừa đảo”. Đúng như thế đấy.

Có thể thấy rõ rằng cả John Shade lẫn cha đẻ của anh ta đều không phải người có tinh thần đoàn hội.

– Tôi không tham gia bất kỳ câu lạc bộ hay nhóm xã hội nào. Tôi không câu cá, nấu ăn, khiêu vũ, viết đằng sau sách, ký tặng sách, cùng ký tên trên bản tuyên ngôn, ăn hàu, say rượu, tới nhà thờ, gặp chuyên gia phân tích hay tham gia các cuộc biểu tình.

Nhiều khi, tôi có cảm giác trong tác phẩm của ông – chẳng hạn “Tiếng cười trong bóng tối” – có một lối cư xử ngang ngạnh lên đến mức tàn nhẫn.

– Tôi không biết nữa. Cũng có thể. Chắc chắn một số nhân vật của tôi khá thô lỗ, nhưng tôi thật lòng không quan tâm, họ ở bên ngoài cái tôi của tôi, giống như những con quái vật u sầu trên mặt tiền một nhà thờ lớn – những con quỷ được đặt ở đó chỉ đơn thuần nhằm mục đích chứng tỏ chúng đã bị tống cổ ra ngoài. Thật ra, tôi là một ông già hòa nhã căm ghét sự tàn nhẫn.

Dưới đây là lời của Nabokov ghi chép về cuộc phỏng vấn của ông với BBC:

Trung tuần tháng 7, 1962, Peter Duval-Smith và Christopher Burstall đến Zermatt để thực hiện chương trình phỏng vấn cho kênh truyền hình BBC, và thật tình cờ, mùa hè đó tôi cũng đang đến đấy để sưu tầm bướm. Các loài côn trùng thuộc bộ cánh vảy đã không phụ sự kỳ vọng của tôi, cả thời tiết cũng thế. Các vị khách của tôi chưa bao giờ quá quan tâm đến những con côn trùng này, và tôi thật sự xúc động và sung sướng trước vẻ kinh ngạc chẳng khác gì đứa trẻ của họ khi thỉnh thoảng, trên con đường núi, họ bắt gặp những đàn bướm đang hút hơi ẩm trên lớp mùn dọc bờ sông. Tôi chụp ảnh những đàn bướm mình gặp trên đường và dành hàng tiếng đồng hồ ghi chép lại cuộc phỏng vấn.

Cuối cùng, cuộc phỏng vấn cũng được phát trên chương trình Bookstand và được đăng tải trên tạp chí The Listener (22/11/1962). Tôi đã làm mất đống giấy tờ ghi lại các câu trả lời. Tôi không nghĩ rằng cuộc phỏng vấn được đăng tải trên báo đã được rút trực tiếp từ đoạn băng ghi âm vì nó còn rất nhiều chỗ không chính xác. Mười năm sau, tôi đã cố gắng loại bỏ những sai sót này, nhưng tôi vẫn buộc lòng phải cắt bỏ một vài câu vì trí nhớ không cho phép tôi khôi phục lại phần ý nghĩa đã bị phá hỏng bởi lối diễn đạt được chỉnh sửa một cách không mấy hợp lý.

Mọi người có thể tìm thấy bản dịch tiếng Anh của bài thơ được tôi trích dẫn ở chương 2 cuốn The Gift, G. P. Putnam’s Sons, New York, 1963.

Nguồn: eVan.