Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc sau khi trùng tu tôn tạo vẫn giữ được không gian cổ kính.

Những ai lần đầu đặt chân lên mảnh đất xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có thể cảm nhận nét làng quê nơi đây qua những cây đa, gốc gạo cổ thụ tỏa bóng xuống giếng làng hay đình làng. Đã từ lâu, nhắc đến văn hóa ở nông thôn, hình ảnh  “cây đa, giếng nước, sân đình” luôn hiện hữu trong tâm thức nhân dân… Xã Mỹ Phúc ngoài là địa chỉ quen thuộc của du khách thập phương về đây chiêm bái các di tích lịch sử – văn hóa, nhân dân khi đến nơi đây còn ấn tượng bởi những nét không gian làng quê vẫn được lưu giữ.

Về vùng quê Mỹ Phúc, hỏi người dân địa phương từ già đến trẻ cũng có thể liệt kê hết các loại giếng như: giếng đất, giếng đá, giếng thùng, giếng tròn, giếng bán nguyệt, giếng giữa đồng, giếng trong làng… Trên địa bàn xã hiện nay ở hầu hết các di tích lịch sử – văn hóa đều có ao hoặc giếng đình, đền, chùa; một số nơi còn giếng làng như các thôn: Bồi Đông, Bồi Tây, Liễu Nha, Tam Đông, Tam Đoài… Ngày xưa giếng làng chính là một “nguồn sống” của cả làng, mục đích của giếng là để tích nguồn nước trong sạch tự nhiên, nhân dân chỉ dùng nước giếng trong những việc thật cần thiết.

Ông Trần Như Huỳnh (74 tuổi), thôn Liễu Nha cho biết: Ngày xưa chưa có nước máy, cả làng có một cái giếng, nhân dân trong thôn xóm gánh vài gánh nước đổ vào thùng, vào chum để trữ dùng dần… Giếng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nên tự thân nó được nhân dân coi trọng và trở thành thiêng liêng. Làng nào chưa có giếng tự nhiên, muốn đào giếng, dân làng phải mời thầy địa lý về xem phong thủy, xem tránh những chỗ chạm vào long mạch. Người xưa rất sợ khi đào giếng không vào vùng cát địa, trước ngày đào giếng dân làng phải sắm lễ vật cúng thổ địa, thần linh xứ đồng, đào xong lại phải tạ lễ thần linh; khi chọn được phong thủy phải tính toán sao cho mạch nước giếng phải lưu liên, tuôn chảy dồi dào, nước phải trong, mát quanh năm đủ cho cả làng dùng. Nước giếng ở đền, đình hiện nay như Đình La, Đền Bảo Lộc… được sử dụng vào những ngày lễ trọng đại của làng, trước ngày lấy nước giếng, làng phải đóng nắp giếng để giếng được trong sạch, lúc này không ai được lấy nước về dùng. Giếng nước là nguồn tụ thủy, tụ phúc của cả làng nên ở nhiều làng trong xã khi xây dựng hương ước dù là văn bản thành văn hay không thành văn đều coi trọng giữ gìn cho giếng nước. Ví dụ như nghiêm cấm thả trâu bò ăn cỏ cây quanh giếng làng, giếng làng được cho thả sen hoặc bèo ong, nghiêm cấm giết súc vật quanh giếng làng… Ngày nay, dẫu không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân làng, nhưng nhiều làng trong xã vẫn giữ gìn giếng nước sạch sẽ như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Giếng nước là phần tâm linh cùng một phần rất đời thường để làm nên nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương.

Nếu chỉ nhắc đến giếng nước thì thật thiếu sót khi không kể đến cây đa ở làng, cây đa ngoài ý nghĩa tâm linh, còn mang tính thẩm mĩ, sừng sững đua những chùm rễ lớn nhỏ quyện chặt vào nhau. Cây đa được trồng ở những nơi diễn ra các hoạt động mang tính quy tụ nhân dân, là bóng mát tỏa xuống che chở cho người lao động sau những giờ lao động mệt mỏi. Cây đa có mặt ở nhiều vị trí khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, làm cho các di tích trở nên linh thiêng hơn, con người khi bước đến di tích cũng cảm thấy được thư thái hòa đồng hơn với thiên nhiên. Hay cây đa nơi đầu làng là nơi để đám trẻ làng chơi trò bịt mắt trốn tìm, nơi dựng chiếc lều tranh của bà lão bán nước, nơi người lao động giải lao ngồi tán chuyện nhà nông.

Cây đa có sức sống lâu bền, trường tồn thế nên nhân dân thường coi trọng ví những bậc cao niên, có kinh nghiệm về lĩnh vực nào đó là “cây đa, cây đề”.  Ở thôn Lựu Phố, cây đa ở đầu làng đã có hàng trăm năm, trải qua giông bão thiên nhiên, chiến tranh lửa đạn vẫn vững vàng đứng đó, 3 cây đa cổ thụ ở đền Lựu Phố sau rất nhiều biến thiên vẫn xòe tán oai hùng, thêm nét uy nghiêm cho ngôi đền. Hay ở các thôn Bảo Lộc, La, Hóp, Liễu Nha, Bồi Tây, Tam Đông… cũng còn nhiều cây đa cổ thụ, đặc biệt là ở các khu đền, đình, chùa. Không những làm tốt công tác lưu giữ những cây đa cổ thụ, nhiều khu di tích sau khi được trùng tu tiếp tục trồng thêm các loại cây bóng mát, tại đền Trần Quang Khải, thôn Bồi Tây, khi trùng tu tôn tạo trồng thêm 31 cây bóng mát các loại, Đền Trần Thừa, thôn Vạn Khoảnh có 7 cây cổ thụ được giữ nguyên hiện trạng, trồng thêm 35 các loại cây bóng mát hay tại đình Đỏ, thôn Liễu Nha lưu giữ 11 cây theo hiện trạng…

Một nét quen thuộc khi về xã Mỹ Phúc là hình ảnh những ngôi đình làng, nơi chứng kiến sinh hoạt, là nơi không hẹn mà gặp của mỗi người dân nơi đây, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi có việc làng… Hiện nay, xã còn 5 ngôi đình, trong đó có 2 ngôi được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh gồm: Đình Đông, Đình Tây (thôn Tam Đông). Đình Đông thờ Sứ quân Trần Lãm và Dũng Lược đại vương. Còn Đình Tây cũng thờ 2 vị này và thờ thêm Lệ Trinh Nguyên Phi. Đình Đông, đình Tây đã gắn bó với những thăng trầm của lịch sử phát triển làng, xã. Đình là địa điểm quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của địa phương. Những năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời thúc đẩy phong trào đấu tranh ở địa phương, 2 ngôi đình khi ấy thường xuyên có người thăm viếng nên là địa điểm thuận lợi cho Đảng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Nhân dân và thanh niên ở đây thường gặp nhau ở đình để bàn bạc phương án đấu tranh cách mạng. Tháng Tám năm 1945, hòa chung niềm vui chiến thắng của cả nước, nhân dân trong xã kéo về đình Đông, đình Tây để tổ chức mít tinh chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng lâm thời ra đời. Đình Đông lúc này là trụ sở của UB kháng chiến hành chính khu bộ C Việt Minh (đóng đến tháng 2/1947). Đình Đông, đình Tây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các tầng lớp nhân dân, các hình thức đồng bóng, bói toán bị loại trừ, thay vào đó là ca hát, thể thao… Đây còn là nơi các lớp “Bình dân học vụ” ra đời, những người đọc thông viết thạo được mời làm giáo viên, khẩu hiệu được kẻ dán ở khắp nơi. Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên cứu quốc, hội phụ nữ cứu quốc… được thành lập và thường xuyên hội họp. Những năm 1954-1965 đình còn là trường học cấp I, II của xã, nơi bầu cử HĐND các cấp, sân kho HTX, thời kỳ 1965-1975 đình là nơi cất giấu lương thực, nơi sơ tán của khoa Nhi- bệnh viện tỉnh, nơi tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ. Ngày nay, 2 ngôi đình sau nhiều lần trùng tu tôn tạo vẫn giữ được những nét cổ truyền thống, đình vẫn là nơi sinh hoạt, hội họp tổ chức các lễ hội như ngày 10-4 âm lịch hằng năm là ngày kỵ của đức Trần Minh Công và đức Trần Dũng Lực, đây là lễ hội có quy mô lớn nhất trong năm nên nhân dân trong vùng cùng những người con xa quê hương về họp mặt, cầu mong những điều tốt lành. Bên cạnh các nghi thức rước, tế lễ, tại sân đình ban tổ chức còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân như: kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi tổ tôm điếm… đặc biệt là cờ người đã có truyền thống từ lâu đời nơi đây, hiện nay vẫn được nhân dân gìn giữ góp thêm hồn cho lễ hội và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Trong tiềm thức người dân xã Mỹ Phúc, đình làng là chốn thiêng liêng, nơi tụ họp thể hiện ước vọng và sự đoàn kết của nhân dân trước những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, là nơi bảo lưu, gìn giữ một cách tốt nhất, truyền thống, bản sắc văn hoá quê hương.

Hiện không gian “cây đa, bến nước, sân đình” được chính quyền và nhân dân trong xã đồng lòng bảo tồn, tôn tạo, không những làm đẹp làng quê mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo động lực cho địa phương phát triển./.


Bài và ảnh: Viết Dư

Exit mobile version