Mỹ nhân Nga mới là quyển đầu trong bốn quyển thuộc Tổng tập truyện ngắn Vladimir Nabokov, dự kiến hoàn thành trong vòng ba năm. Sách do NXB Văn học phối hợp với ZenBook thực hiện, hiện đã có mặt trên toàn quốc.

“Chữ V hồ như màu hồng nhạt, trong suốt: Tôi nghĩ nó được gọi là, một cách dễ hiểu, màu hồng thạch anh: đây là màu gần nhất tôi có thể kết nối với chữ V. Mặt khác, chữ N có màu bột yến mạch hơi xám vàng”-Nabokov giải thích về hội chứng thính-giác-màu mà ông được ban tặng.

Khu rừng đầy cạm bẫy dành cho người đọc

Không những có cảm giác màu với những chữ cái, nhà văn vĩ đại người Nga còn là người luôn tư duy bằng hình ảnh. Điều này khiến cho các tác phẩm của của ông, đặc biệt là những truyện ngắn thử nghiệm, giống một bức tranh lớn không dễ giải đố.

Cách đây ít ngày, Hiệp hội Văn bút Mỹ đã quyết định hồi sinh Giải PEN/Nabokov cho những thành tựu văn học trên thế giới. Đây là giải thưởng rất được trọng vọng, trao hai năm một lần cho tác giả “có tác phẩm gợi lên, ở chừng mực nào đó, sự linh hoạt tuyệt diệu và hết mình trong văn học qua việc kiếm tìm những chân lý sâu xa nhất cùng những khoái lạc tột đỉnh của Nabokov – điều mà Nabokov gọi là “sự râm ran không sao tả xiết trong xương sống’”. 

Ảnh bìa “Mỹ nhân Nga” do họa sĩ Trương Tiến Trà vẽ

Không chỉ bây giờ, khi những tác phẩm lớn của Nabokov được công nhận rộng rãi trên thế giới, mà ngay cả lúc mới chỉ là một nhà văn trẻ, tài năng dị thường của ông đã khiến giới văn sĩ sửng sốt.

Ivan Bunin, nhà văn người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, phải “nghiến răng” khen đồng nghiệp trẻ là “quái vật”, là “nhà văn khéo léo nhất trong vương quốc bao la của văn học Nga”.

Dù có lần Nabokov khó chịu hỏi ngược lại Bunin: “Ông có ý gì khi gọi tôi là quái vật?” nhưng phải thừa, nhận bậc thầy truyện ngắn Bunin phần nào đúng trong việc chọn từ. Các độc giả tại Việt Nam có thể dễ dàng kiểm chứng điều này qua tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga của Nabokov mới được dịch và xuất bản.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nabokov có 68 truyện ngắn, viết trong khoảng thời gian từ những năm 1920 tới những năm 1950.

Tập Mỹ nhân Nga, gồm 17 truyện, trải dài thời gian bắt đầu lúc Nabokov vừa đặt bút viết truyện ngắn đầu tiên tới khi ông là giáo sư đại học, với không gian bao la từ nước Nga quê hương, băng tới Trung Âu  và rời sang châu Mỹ.Trong khoảng không-thời gian rộng lớn này, Nabokov đã tiến hành nhiều thử nghiệm trong văn chương, khiến ngay cả những độc giả đã quen với văn phong trong Lolita, cũng khó để bắt kịp được.

Điểm chung trong các truyện là lối viết duy mỹ theo tư duy hình ảnh của Nabokov. Các câu văn rất dài, những liên tưởng xa xôi, nhiều câu đố gài gắm vào, khiến độc giả buộc phải đi theo lối duy hình ảnh của tác giả mới lần mò ra. Điều tuyệt diệu nữa cần phải lưu ý khi đọc Nabokov là ông không bao giờ dùng thừa từ. Tài hoa của Nabokov thấy rõ ở chỗ dùng rất nhiều tính từ, đặc biệt hay dùng tính từ chỉ người cho vật, nhưng không hề sáo rỗng mà ngược lại, có chủ đích rất rõ ràng.

Độc giả sẽ dễ bị rơi vào khu rừng nguyên sinh ma mị các tầng chơi chữ của Nabokov, nếu hấp tấp lướt qua, sẽ như Trư Bát Giới nuốt chửng đào tiên, còn tỉ mỉ lần theo các dấu vết, phần thưởng sẽ là những khoái lạc văn chương mà Nabokov gọi là “ân phước thẩm mỹ”.

Dù giống nhau ở cùng một sự cầu kỳ về chữ nghĩa, mỗi truyện trong tậpMỹ nhân Nga lại có một đời sống riêng. Bunin đúng khi gọi Nabokov là “quái vật” bởi dường như ông đã mở ra một thế giới mới lạ lẫm với rất nhiều người. Chủ đề các truyện vốn đã lạ, qua bàn tay biến hóa khôn lường của Nabokov, lại càng được khuếch đại. Số chữ tuy ngắn nhưng mỗi truyện phác họa ra một bức tranh lớn hơn nhiều. Ngay Lolita cũng có tiền thân là một truyện ngắn như thế này.

“Chúng ta phải biết ơn anh ta về điều này”, Bunin lại một lần nữa nói đúng.


Chân dung Vladimir Nabokov – “quái vật” giới văn chương

Thách thức dịch thuật

Thêm một bóng dáng dễ nhận thấy trong truyện của Nabokov: đó là bà mẹ Nga. Cảm thức tha hương gần như là điển hình khi nhắc tới Nabokov (và sau này là Milan Kundera).

Olga, nhân vật chính trong truyện ngắn Mỹ nhân Nga, trùng tên và có nhiều quãng đời tương đồng với người em gái thân thương của Nabokov. Đến cả một cái cây trong Ma cây hay một người đàn ông xa lạ không rõ quốc tịch trong Chiêu mộ cũng đầy mùi bạch dương.

Thế nên, Dmitri Nabokov, con trai nhà văn, mới chia sẻ rằng, một trong những day dứt lớn nhất của Nabokov là phải từ bỏ tiếng Nga mẹ đẻ hết sức đẹp đẽ để viết bằng tiếng Anh. Tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga, do đó, những truyện thời kỳ đầu sáng tác bằng tiếng Nga, và về sau, tiếng Anh. Để đảm bảo dịch đúng từ nguyên tác, dịch giả cần phải là người thông thạo cả hai ngôn ngữ này. Đó đã là một khó khăn.Tuy nhiên, mới chỉ là cơ bản ban đầu.

Khó khăn nhất khi dịch Nabokov nằm ở chính khoản duy mỹ của ông. Bản thân Nabokov sinh thời cũng là “cao thủ” trong giới dịch thuật. Ông là người truyền tải rất thành công một số tác phẩm lớn của Nga và cũng tự tay dịch lại một số tác phẩm tiếng Nga của mình sang tiếng Anh. Với Nabokov, dịch cũng là một nghệ thuật.

Theo ông, sai lầm trong dịch thuật có thể chia thành ba cấp độ. Đầu tiên, và nhẹ nhất, là các lỗi rành rành do ngu dốt hoặc thiếu hiểu biết. Đây là điểm yếu của con người nên có thể tha thứ. Cấp độ thứ hai để tới “địa ngục” là người dịch bỏ qua các từ hay đoạn do không chịu dụng tâm tìm hiểu hoặc cảm thấy nó tối nghĩa hay sẽ khiến độc giả có những liên tưởng khiêu dâm. Khó có thể chấp nhận nếu người dịch cho rằng mình hiểu chuyện hơn tác giả. Cấp độ ba, và là tệ hại nhất, đó là đánh bóng, vuốt ve, trang hoàng lại một cách đê tiện các tác phẩm như món đồ thời trang để phù hợp với ý niệm và định kiện của công chúng. Theo Nabokov, đây là một tội ác.

Nabokov từng phát hiện trong đoạn đầu của nguyên tác Anna Karenina, có tới tám chữ “nhà” trong sáu câu trong khi bản tiếng Pháp chỉ giữ lại một chữ. Tolstoi cũng nhiều lần dùng từ “nói” nhưng bị dịch thành “kêu lên”, “thốt ra”, “nói lại”, “kết luận”… Vì lo sợ lặp từ, các dịch giả vô tình bỏ qua thủ pháp có tính toán của tác giả.

Nhìn lại các tác phẩm của Nabokov, không chỉ trúc trắc về mặt hình thức mà còn cầu kì tới từng chữ, ẩn quá nhiều câu đố đến lắt léo, khó hiểu kèm những đoạn viết văn như viết thơ… Như vậy, không chỉ bị rào cản bởi tính đa ngôn ngữ, con đường cho dịch giả dịch Nabokov còn rất nhiều cạm bẫy chông gai phía trước.

Tín hiệu vui cho người yêu các tác phẩm của Nabokov là dù nhiều khó khăn là vậy nhưng đơn vị phát hành tin rằng độc giả có thể yên tâm về chất lượng dịch của Mỹ nhân Nga.

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần