Đường trở về trong mỹ học văn chương viết cho trẻ thơ là vấn đề song trùng của sáng tạo văn học. Nhiều nhà văn trưởng thành có tên tuổi trên văn đàn, cũng làm công việc song nhịp này. Lý do nào cho phép họ khai phóng truy vấn trên?, phải chăng khát vọng trở về thuở đồng ấu vẫn là căn bản của mơ mộng hư cấu? Nếu điều ấy đúng với hiện thực sáng tạo, thì việc đi tìm ngã ba tư tưởng cho dòng mỹ học sáng tạo vì trẻ thơ cần được xác lập trên các nguyên tắc có hệ thống và cần được xem như là nhu cầu tất yếu của giáo dục tinh thần xã hội, hướng tới một thế giới hòa bình, cùng một xã hội trong lành cho trẻ em.

1. Mỹ học của lối viết

Viết cho trẻ thơ không phải là dùng ngòi bút miêu tả của trẻ thơ để xác lập thế giới tinh thần, mà là cần một trí tuệ minh mẫn và trái tim nhân hậu của con người từng trải. Nếu dùng bút pháp tả cảnh, thì thế giới khách quan sẽ chỉ còn là những tác động mô phỏng, sao chụp và máy móc. Thế giới của trẻ thơ là thế giới của những nghi vấn sơ khởi. Hỏi và đi tìm câu trả lời cho sự hỏi ấy là những nguyên tắc cơ bản của mỹ học trong lối viết truyện thiếu nhi. Thế giới hư cấu và tưởng tượng được dựng lên cần chứa trong nó các lý giải dễ hiểu, đồng thời có khả năng khái quát những vấn đề nhận thức to lớn về lịch sử, về văn hóa dân tộc, về các biểu tượng được đặt tên. Đồng thời, viết nhưng là để gợi mở một câu hỏi khác cho trẻ thơ, giúp các em có thể tìm cho mình cách lí giải phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Công việc ấy, không hẳn nhà văn nào cũng làm được.

Nếu viết văn cho trẻ thơ mà chỉ dựa trên những nguyên tắc cơ bản về sự Thiện và Chân trong mối quan hệ với cái Đẹp, biểu hiện tính cách tâm lý thiếu nhi, thì tác phẩm được viết ra thuần túy chỉ là tác phẩm tả cảnh. Nó thiếu đi ý thức giáo dục, định hướng thẩm mỹ hướng các em tới một đời sống có ý nghĩa, che mờ vai trò công dân trong việc hiểu lịch sử đấu tranh, dựng và giữ nước của dân tộc, về trách nhiệm xã hội mà các em cần tôn trọng, gánh vác đối với văn hóa nước nhà. Những tác phẩm chỉ thuần túy đáp ứng khoái cảm thẩm mỹ trong miêu tả các sự kiện đời thường, không đặt vấn đề giáo dục nhân cách lên đầu, thì đó là những tác phẩm viết cho thiếu nhi, song không phải nhằm phục vụ cho đời sống tinh thần thiếu nhi, trường hợp những bộ truyện tranh hành động đang được bày bán tràn lan ở các hiệu sách chính là điển hình tương ứng cho lối viết này. Tuy nhiên, cũng là sáng tác cho thiếu nhi, nhưng tác phẩm được viết ra bằng trí tuệ ma mãnh từ một chủ thể trưởng thành, đặt các vấn đề trong dòng chảy tư tưởng xã hội nhằm hướng đến mục đích giáo huấn ý thức công dân cho trẻ thơ, thì đó cũng là sự thất bại của lối viết. Tác phẩm của lối viết ấy, mặc dù ôm chứa trong nó các chủ đề mang tính hình thức viết cho trẻ thơ, song thực chất, chúng là những motif truyện được rập khuôn nhằm đạt được tinh thần giáo huấn, tuyên truyền đạo đức nghề nghiệp, giai cấp…

Theo tôi, mỹ học của lối viết trẻ thơ cần thiết là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa mỹ cảm ấu thời được lưu giữ trong các hoài niệm văn hóa, trong các trò chơi hoặc các tích dân gian, cùng với ý thức giáo dục lịch sử, xã hội nghiêm túc. Trong đó, cái sau ẩn dưới cái trước. Yếu tố lý tính thẩm mỹ ẩn dưới yếu tố cảm tính thẩm mỹ. Bởi vì, đối tượng tiếp nhận của lối viết cho thiếu nhi không chỉ là thiếu nhi, mà còn là bất cứ kiểu thức độc giả nào. Những tác phẩm ấy cần có sự mơ về, hoặc gợi về xúc cảm thẩm mỹ ấu thời của bạn đọc, đặt độc giả vào tình huống không ngừng tư duy lại văn hóa mà mình đã thẩm thấu trong trời ký ức tuổi thơ, đồng thời thúc giục họ phải làm gì để những ký ức đó không phai lạt theo thời gian. Với đối tượng tiếp nhận là trẻ em, thì việc tiếp nhận hình tượng hư cấu, mà chủ yếu là nhân cách hóa các đồ vật, các trò chơi, sẽ gợi mở cho các em những bài học mà các em tự nguyện đến với nó, đồng thời tự nguyện điều chỉnh hành vi sống, ứng xử xã hội của mình. Đó là thách thức đối với những nhà văn chuyên nghiệp.

Mấy năm gần đây, tôi đặc biệt quan tâm đến lối viết văn học cho thiếu nhi của Lê Toán. Dường như, Lê Toán dành ưu tiên đặc biệt nghiệp văn của mình cho dòng này, hoặc cũng có thể, mạch văn của Lê Toán chỉ thực sự được khai phóng khi đặt bàn chân nghệ thuật vào địa giới văn học viết cho thiếu nhi. Điều ấy không phải là vấn đề chính cần lý giải ở đây, điều tôi muốn làm trong bài viết này là chỉ ra những đặc trưng cơ bản trong lối viết truyện thiếu nhi của Lê Toán (qua tác phẩm mới xuất bản của ông: Trái đất tò he do nhà Văn học ấn hành năm 2012), như một trong số rất nhiều minh chứng cho ý thức xây dựng hệ thống mỹ học vì trẻ thơ.


“Trái đất tò he”: Đi tìm lý giải cho huyền thoại trái đất.

Với truyện ngắn này, Lê Toán đã sử dụng trò chơi dân gian Việt Nam – một loại hình văn hóa gắn liền trực tiếp với tuổi thơ con người Việt Nam, hay nói đúng ra nó là một phần của Việt tính, nhằm lý giải vấn đề triết học lớn: sự hình thành vũ trụ và hình thành lãnh thổ, quốc gia mang tên Việt Nam. Tất nhiên, cách “lẩy” văn hóa dân gian trong văn học không phải là hiện tượng mới mẻ gì, nó phổ biến trong các loại hình văn học dân gian như truyền thuyết, cổ tích, thần thoại…Nhưng lấy cái đời thường, dung dị gần gũi, không màu mè, phép lạ, không hư hư ảo ảo để diễn giải một vấn đề lớn, phổ quát, thì đó cách lấy một vấn đề duy vật để chất vấn và trả lời cho một phạm trù duy vật mang tính cách triết lý. Thế giới này (Le Monde), hay trái đất của loài người, xét đến cùng chỉ là hỗn hợp bột đa sắc do các chất liệu khác nhau từ tự nhiên tạo ra mà nên, từ đó sẽ quy định sự hình thành các chủng tộc, loài người phù hợp với đặc trưng tự nhiên ấy. Thế đấy! Thế giới trong truyện Lê Toán đơn giản và cơ bản như vậy. Nhưng chí ít, nó đúng với tinh thần bao dung của tự nhiên. Với trẻ thơ, chỉ từng ấy là đủ để các em hình dung ra trái đất và sự tồn tại của mình như một phần của tự nhiên. Và đất nước Việt Nam là một màu sắc do tự nhiên ban phát, được bàn tay tạo hóa hóa công vào địa cầu đa sắc của nhân loại. Điều ấy cho thấy, thiếu đi sắc màu Việt Nam là thiếu đi một sắc màu chung của thế giới. Nó giáo dục cho các em ý thức cá nhân trong cộng đồng, rằng, mình là một “màu sắc” trong vô số sắc màu của con người nhân loại. Nó lý giải nguyên tắc triết lý chung – riêng một cách dễ hiểu, không xa xôi, mơ hồ như hệ thống tư tưởng triết lí từng dựng lên.

“Sợi tóc mai”: Đi tìm lý giải cho giá trị nhân bản/nhân ái cho trẻ thơ.

Nhân bản là vấn đề lớn, nó được bàn luận rải rác, hệ thống ở đâu đó, nhưng tựu chung lại vẫn là vấn đề mang tính cách lý thuyết khó hiểu. Trong khi đó, với Lê Toán, lý thuyết nhân bản, lý thuyết nhân ái của ông chỉ là “một sợi tóc mai”. “Sợi tóc mai” mượn cách tự sự dân gian, lý giải về sự vật, loài vật, về các cung bậc cảm xúc con người: “Sợ tóc mai mảnh dẻ. Phía sau Tóc mai là hàng xóm thân thiện. Tai nghe biết bao nhiêu chuyện khôn ngoan trên đời. Phía trước tóc mai là hàng xóm mắt. Mắt nhìn xa, trông rộng khắp thế gian. Có những hàng xóm tốt, Tóc mai được nghe nhiều chuyện giả tưởng, lại có tầm nhìn xa hơn hẳn tóc trên đỉnh đầu, tóc bên mái đầu và tóc sau gáy” ([2]), đồng thời, nó cũng biểu hiện thái độ rũ bỏ dứt khoát, cương quyết trước thói hư tật xấu, sự giả dối của nhân tình thế thái. Lý thuyết nhân bản “sợi tóc mai” của Lê Toán vượt lên trên những miêu tả tâm lý được xem là cốt lõi từ sự Thiện và Chân của cái Đẹp tình người. Các tác động xã hội làng xóm, mọi trấn áp trước các thế lực suy đồi đều sụp đổ và thất bại, nếu như vấn đề nhân bản được nhà văn diễn giải không lấy thuộc tính vị tha, bao dung vì nghĩa cử nhân ái làm căn bản cho nhận thức luận sáng tạo. Giá trị nhân bản, xét đến cùng, chỉ thực sự được xác lập khi nó có cơ sở từ các hằng số: vị tha, nhân ái và bao dung. Lý thuyết nhân bản của Lê Toán gói gọn trong ba vế ấy, mà nền tảng tinh thần để lý thuyết trên tồn tại là đức hy sinh. Với đối tượng đọc liên thế hệ, chỉ cần từng đó cũng góp phần “thanh lọc” tâm hồn họ, điều đó cũng có nghĩa, tác giả đã góp phần mở ra một cách giáo dục lòng vị tha, bao dung và nhân ái cho công dân theo các góc độ tiếp nhận của sự đọc.

2. Mỹ học của sự tiếp nhận

Đi tìm đặc trưng mỹ học trong lối viết cho trẻ thơ đã khó, xác lập quan niệm mỹ học trong tiếp nhận lối viết cho trẻ thơ lại càng khó hơn. Vì người đọc là không giới hạn. Nó mở ra những xu hướng, góc nhìn khác nhau, từ đó sẽ góp phần đánh giá hiệu ứng tác động từ phía tác phẩm khác nhau. Vậy tiếp nhận cái đẹp như thế nào thì được xem là hợp lý từ những lối viết cho trẻ thơ? Nên tiếp nhận bằng cảm tính hay lý tính? Tiếp nhận bằng tâm lý nhi đồng hay tâm lý trưởng thành? Là tiếp nhận”bác học” hay tiếp nhận “bình dân”? Có hay không một hình thức tiếp nhận chiết chung?

Theo tôi, tiếp nhận chiết chung trong văn học là lối tiếp nhận vô ích nhất. Nó thể hiện sự bất lực của diễn giải, là lối tiếp nhận lưng chừng, không đi đến triệt để chân lý. Với lối viết cho trẻ thơ cũng vậy? Sự dung hòa giữa các mặt đối lập sẽ kéo theo sự thất bại của tiếp nhận, của phê bình và thẩm định các giá trị. Với dòng văn học này, người đọc không cần thiết phải khép mình vào sự mơ mộng trẻ thơ giả tạo được dựng lên từ một trí tuệ ma mãnh, cũng chẳng cần thiết phải lý tính hóa quá trình tiếp nhận thông qua những phân tích kỳ cùng luận điểm. Vì đặc trưng mỹ học của lối viết này thuộc về “dòng ký ức” ([3]), lấy trung tâm hư cấu là sự trở về của tưởng tượng có mục đích. Thông qua biểu tượng mà ký ức từng trải, nhà văn có mục đích duy nhất là trở về và trở về với chính mình, nhằm mô tả, tái hiện ký ức ấy bằng ngôn ngữ văn bản. Ký ức ấy sẽ được rọi chiếu thông qua các quan niệm nhân sinh của người viết, từ đó tạo ra tính chất liên tưởng về ý nghĩa văn bản. Vì vậy, tiếp nhận tác phẩm thuộc loại này cũng là cách mà bạn đọc tự khai phóng mình từ những gợi mở của ký ức văn hóa do nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Quá trình gợi mở ấy, hướng tới một sự trở về với bản ngã của chủ thể tiếp nhận. Nó thức ngộ những giá trị nhân văn và đặc trưng nhân bản, góp phần vào quá trình tự điều chỉnh nhân cách. Những lý luận trên đây nhằm ứng dụng cho các kiểu người đọc thông thường, tuy nhiên, nó sẽ phải điều chỉnh khi chúng ta đứng trước chủ thể đọc là trẻ thơ.

Với đối tượng tiếp nhận là trẻ thơ, thì quá trình trực quan sinh động của biểu tượng ngôn ngữ được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng. Nó gợi mở cho các em nhớ về kỉ niệm ấu thơ, nhưng đồng thời cũng là mở ra một thế giới hiện thực đang tới. Do đó, kiểu người đọc đặc biệt này không kèm theo ý thức diễn giải trong khi đọc. Những giá trị lịch sử, văn hóa được người viết gửi gắm như một bài học giáo dục, chưa hẳn được xem là mục đích chính của lối tiếp nhận trẻ thơ. Nói đúng ra, nó vô nghĩa và vô giá trị trong thời điểm tiếp nhận. Nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi các em khép tác phẩm lại và tự nguyện mơ về những ký ức mà nhà văn đã miêu tả. Ý nghĩa được rút ra từ sự đọc của trẻ thơ, không phải là ý thức đã được phân tích và cắt nghĩa, đơn giản, nó chỉ là các lớp nghĩa sơ khởi được tạo ra nhằm thỏa mãn cơn khát tinh thần tức thời, góp phần lấp đầy những nghi vấn trước đó. Vì vậy, sự hiểu của các em luôn có tính chất trực quan, không mơ hồ, sâu xa, ẩn ý, nó thuần túy chỉ là giây phút sự biết được bật lên ngay tại thời điểm đó.

Quay trở lại trường hợp của Lê Toán với Trái đất tò he, ta thấy, tác động tiếp nhận của truyện luôn dừng lại ở mức trực quan sinh động.

“Viên gạch trong tháp cổ”: Tượng giới của lịch sử.

Truyện ngắn này là cách diễn giải lịch sử theo phương thức trực quan sinh động. Thế giới quanh tháp cổ, theo lớp thời gian in hằn trên thớ gạch, phác thảo một cách hệ thống diện mạo lịch sử của dân tộc. Lịch sử ấy không mơ hồ trừu tượng, chạy theo các pho lịch sử kinh viện, cũng chẳng phải là các di chỉ khảo cổ nhiều tranh cãi. Lịch sử, đơn giản là các lớp sự kiện trong thế giới khách quan: Là sự đổi thay của cảnh tượng, sự biến đổi của màu gạch trên tòa tháp cổ…,và cho đến bản chất biến thiên thời gian cũng được Lê Toán tự sự trực quan: “Ngày xưa tháp được xây bằng gạch hồng. Tháp trùng trùng làm hồng rực cả thung lũng rậm rừng bí hiểm. Cây rừng phủ kín tất cả các ngọn tháp để tránh con mắt nhòm ngó của lũ máy bay ì ạch chở bom. Nhiều năm sau, gỡ cây rừng ra, tháp vẫn hồng hào như thuở ban đầu vậy” ([4]). Lịch sử là đây! Lịch sử là thế giới ngoài kia, với những biến chuyển, ba động của đời sống. Quá trình hình thành lịch sử không phải là quá trình hình thành tư duy về lịch sử, mà là quá trình thay thế của vạn vật hiện hữu bên ngoài thế giới trực quan. Nhìn lịch sử là hướng tới cái đang tồn tại trước mắt, chứ không phải nhìn về những dữ kiện đã qua được sử gia chép lại.

Đối tượng tiếp nhận trẻ thơ khi đọc truyện ngắn này, kinh nghiệm lịch sử của các em không phải là kinh nghiệm hồi cố lại lịch sử, mà là kinh nghiệm tưởng tượng về lịch sử thông qua các dữ kiện lịch sử: Cuộc trò chuyện của phiến đá với thớ gạch, cây rừng, ngọn gió, với kỷ vật của thời gian: trái bom và sự tĩnh lặng trong không gian tồn tại… Tất cả tạo nên tượng giới lịch sử như đang bày ra trước mắt người đọc. Trong đó, đặc biệt là ngữ tượng ([5]) chiến tranh được tác giả gói gọn trong quan hệ hình ảnh: tháp cổ và vỏ quả bom như hình thức truyền thông điệp về quá trình cuốn trôi các hành vi tội ác trong dòng lịch sử dân tộc. Lịch sử ấy là lịch sử của dựng xây và phá hủy, nó ôm chứa cả niềm tự hào và nỗi đau hủy diệt. Tất cả đều là thời gian, là lịch sử mà con người không thể gạt bỏ hay thay thế nó. Nó hiện hữu như một di chỉ ký ức của con người: Ký ức về lịch sử dưới hình hài tự sự vạn vật trong tòa tháp cổ. Hình hài ấy có cả niềm tự hào đi kèm với khiếp sợ, có sự hủy diệt đi kèm với sáng tạo, có chiến tranh và cũng có cả hòa bình. Mỗi sự vật hiện tượng tồn tại độc lập, biện chứng bên cạnh nhau, không thể thay thế cái này bằng cái khác, không thể khẳng định cái này mà thiếu vắng cái kia, tựa như: “ cứ để vỏ quả bom trong lòng tháp vì nó chẳng thể nào trở thành viên gạch” ([6]).

“Trái bàng hình trái tim”: Đến sự vật còn biết yêu ghét, huống chi là con người!

Câu chuyện là quá trình cụ thể hóa bài học đạo đức giữa con người với con người, giữa công dân với đất nước được Lê Toán tự sự qua ngữ tượng trực quan “trái bàng”. Có hai người tử tù chịu cảnh gông cùm vì lí do yêu nước. Trong tù, họ hồi tưởng về ký ức quá khứ dưới bóng bàng xanh. Với họ, trái bàng là hình hài đất nước, họ yêu quê hương từ những trái bàng này. Và giờ đây, Lê Toán lại tiếp tục tự sự cho trẻ thơ về con đường trở về với đất mẹ. Yêu quê hương, không phải cứ thốt lên thành lời “tôi yêu nước tôi” thì đó mới là yêu nước. Yêu nước là yêu những hình hài bé nhỏ yêu đi. Ngữ tượng “trái bàng” như nói thay tiếng lòng của người trong ngục với kẻ thù – đến vật vô tri cũng còn biết phân biệt chính tà, biết phân biệt đâu là quê hương mình và đâu là hành vi đi xâm lược: “Quả bàng bé nhỏ cũng làm cho kẻ ác khiếp sợ” ([7]) huống chi là Con của cùng một dân tộc. Ngữ tượng “trái bàng” cũng gợi lên trong tâm lý trẻ thơ tinh thần bao dung, vị tha của một đời Việt tính. Người cai tù năm xưa là kẻ thù của dân tộc trong chiến tranh, nhưng khi hòa bình được thiết lập, họ lại trở về trong lòng dân tộc. Đó là quy luật của cảm xúc nhân tính. Sự bao dung ấy được cụ thể hóa sinh động trong nghĩa cử: “Người cai tù và người tử tù khi xưa đứng lặng lẽ bên một gốc bàng… Đấy chính là nơi an nghỉ của bạn ông! Quả bàng mà bạn ông cầm trong tay hôm ấy đã nảy mầm trong lòng đất” ([8]). Câu chuyện cảm động về sự vị tha ấy, được gieo vào tâm hồn trẻ thơ không phải bằng thứ ngôn ngữ triết lí cao siêu, diệu vợi, khiến con người trở nên mụ mị mơ hồ, nó tồn tại như một vật giới có thể nhìn, nghe, cảm nhận. Tâm thức Việt với truyền thống bao dung ấy, dung dị như hình hài của “những quả bàng mang hình trái tim hướng xuống mặt đất” ([9]). Đó là căn bản của Việt tính, hay nói đúng ra, đó là tâm hồn và bản sắc con người Việt Nam. Lối miêu tả hiện tượng học văn học trên đã góp phần chuyển tải ý nghĩa bản sắc văn hóa Việt Nam đến với thế giới mơ mộng thuần túy, không vụ lợi, toan tính của tâm hồn trẻ thơ. Đó cũng là giá trị mỹ học, mà lối viết cho trẻ thơ cần hướng đến trong tinh thần chung của nhận thức luận văn học.

Mỗi nhà văn có cách chuyển tải ý tưởng riêng, bằng phương thức nghệ thuật riêng, song giữa họ đều tồn tại điểm chung là cố gắng trả lời cho câu hỏi: Hạnh phúc của con người nằm ở đâu? Và con đường nào là con đường mà họ sẽ phải bước để tìm hạnh phúc ấy? Truyện ngắn viết cho thiếu nhi là một con đường, có thể ở khía cạnh nào đó, trong góc khuất tâm hồn nhà văn, nó làm cho họ an lòng và tạm thỏa mãn với mình trên chặng đường dài đi đến chân lý nhân bản. Theo đó, mỹ học cho trẻ thơ là một con đường mở ra cho nhà văn khả năng khai phóng thế giới tinh thần mình. Nó đốt cháy tâm thức họ, biến chuyển thành ngọn lửa mãnh liệt, mở ra thông điệp hướng tới thế giới mơ mộng của trẻ thơ về một cảm thức tìm nguồn. Đường về dân tộc thông qua hệ thống mỹ học ấy, góp phần tôn vinh những giá trị đã trở thành kinh điển của lịch sử và văn hóa quốc gia. Mỗi lần trở về với ngữ tượng ấu thời, cũng là mỗi lần nhà văn được sống thêm một đời sống mơ mộng, hồn nhiên. Nghĩa là thêm một lần họ sáng tạo lại chính mình…


[1] Mỹ học cho trẻ thơ là vấn đề và là một dự án có phạm vi khảo sát rộng lớn, mà chúng tôi đang theo đuổi. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh trong ý tưởng xây dựng hệ thống mỹ học ấy: Mỹ học văn học cho trẻ thơ. Vì vậy, toàn bộ diễn giải kế tiếp, chúng tôi chủ yếu quan tâm đến mỹ học cho trẻ thơ trong tinh thần văn học, mà không bao hàm các lĩnh vực khác của đời sống và nghệ thuật như: mỹ học đạo đức cho trẻ thơ, mỹ học hội họa cho trẻ thơ, mỹ học giảng huấn cho trẻ thơ, mỹ học khoa học cho trẻ thơ…

[2] Lê Toán (2012), Trái đất tò he, NXB Văn học, Hà Nội, Tr. 11.

[3] Ở đây, chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa dòng ký ức với kỹ thuật viết dòng ý thức.

[4] Lê Toán (2012), Trái đất tò he, Sđd, Tr. 34.

[5] Ngữ tượng cần được hiểu như là ngôn ngữ biểu tượng hướng về sự vật trong thế giới.

[6] Lê Toán (2012), Trái đất tò he, Sđd, Tr. 36.

[7] Lê Toán (2012), Trái đất tò he, Sđd, Tr. 52.

[8] Lê Toán (2012), Trái đất tò he, Sđd, Tr. 54.

[9] Lê Toán (2012), Trái đất tò he, Sđd, Tr. 54.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version