Tôi biết Phú Thọ trước nhất với tư cách là một nhà thơ trẻ, và luôn chờ đợi tập thơ mới ra đời! Bất ngờ nhận được tập tản văn, nhiều cảm xúc dậy lên cùng sự tò mò và đọc… Tản văn, trong suy nghĩ của tôi, là một thể loại dễ tiếp cận với mọi mặt của đời sống, nhưng chỉ là những lát mỏng của hiện thực, là sự giao cắt của nhiều thể loại nhưng cần sự cao tay, tóm lại là, một thể loại dễ viết nhưng khó thành công. Đọc Nỗi buồn trong suốt, tôi nhận thấy đây là một thử nghiệm mới về kỹ thuật viết, nhưng quan trọng hơn vẫn là giá trị nghệ thuật, Phú Thọ không triết lý, không gồng mình mà chính sự tinh tế thiên phú, sự trong vắt của ngôn từ, sự chạm đáy của cảm xúc đã mở ra những đường bay của nghệ thuật.
Tuyển tập là ba mươi phiến đoạn được đặt tên khác nhau và ba mươi bức thư cùng được gọi là Thư muộn được đánh số thứ tự. Điều đặc biệt là mỗi phiến đoạn hay mỗi bức thư ấy tự thân là là một kết cấu hoàn chỉnh và đồng thời nó cũng là một mảnh ghép về cuộc đời nhân vật, về thế giới nội tâm sâu sắc, phong phú, tinh tế và đặc biệt là sự trong veo hiếm có. Câu chuyện nội tâm được xé vụn rồi dán lên trang giấy theo mạch của cảm xúc vô định, thời gian và không gian không còn là trục quy chiếu mà cảm xúc của nhân vật là hệ tọa độ, là la bàn định vị. Song, về cơ bản chúng ta có thể “tự sắp xếp” lại theo logic thông thường, dựa trên những dữ liệu mà tác giả đã rải rác vung ra theo cách của những hoài niệm, của cảm xúc dẫn dắt. Toàn bộ câu chuyện như là lời tự thuật về bản thân dưới hình thức một quyển nhật ký, những bức thư viết cho chính mình, nơi mà không cần sự rào đón, sự khách khí, sự dòm ngó của bất kỳ ai, viết là để trải lòng, để đối diện với chính mình, viết như là một hình thức tự giải thoát.
Mở đầu tập tản văn “tôi” viết về quán tên Trầm, chìm đắm trong màu xanh (lặp lại 18 lần), đôi mắt “tôi” càn lướt, tô màu, tạo khối cho hiện thực rồi phóng xa ra phố (Ở phố, màu xanh thật bất an) rồi phóng sâu vào nội tâm, kỷ niệm (Chợt màu xanh khẽ nhói lên… Đẹp và xanh thơ dại) phiến đoạn thứ sáu mươi khép lại ở “Dưới vòm hoa giấy, tôi ngồi”, ở “màu trắng tinh tươm” nơi quán tên Phố vắng, ở niềm vui thinh lặng như vốn có, ở niềm tin rằng bình yên sẽ theo về… Dụng tâm của cách mở đầu và kết thúc ấy cho ta thấy một vòng tròn chuyển hóa, một sự trưởng thành sau bao nhiêu quan sát, chiêm nghiệm và tự vấn.
“Tôi” là một người trẻ, với tuổi thơ không trọn vẹn: Một người cha thiếu tình yêu, thừa đòn roi, một người mẹ tận tâm nhưng u buồn và qua đời sớm, một người bà chăm sóc và một con chó ân nhân. “Tôi” đi qua thời gian và tuổi thơ bị lạc mất, bị đánh cắp, bị ép “chín” sớm, trở thành người hết tuổi thơ. K. D. N. Q. và một vài cái tên khác như Vy, Jun, hoặc một người chị không tên nào đó, và một người em gái tên My là những khảm ghép nên thế giới của tôi. Những cái tên ấy là những mối quan hệ tình cảm khác nhau, duy chỉ có D. là nam giới, là người “tôi” chưa bao giờ gặp, và luôn ghen tỵ bởi D. có được K… Mỗi cái tên ấy lặp đi lặp lại, choán hết cuộc đời và kí ức “tôi”, mỗi kí tự là một thế giới trong “tôi”, nhưng chính tất cả các kí tự ấy cũng ghép thành thế giới của “tôi”. Trong đó K. được xem là trung tâm (xuất hiện 189 lần) và các nhân vật khác đều biết K., mọi vấn đề của “tôi” dường như bị xoay chuyển bởi K. K. chưa một lần hiện diện, nên không rõ mặt, có thể là mối tình đầu của tôi, K. gắn với những kỷ niệm về mưa (lặp lại 41 lần), trong một niềm gắn bó giao cảm khó giải thích, và không thể giải thích bằng ngôn ngữ. Sự trong suốt của mối tình như tấm gương luôn soi chiếu những cảm xúc và kỷ niệm trong “tôi”, đến khi K. ra đi thế giới trở nên mù mờ và trống rỗng, “nỗi buồn đau trở về thân thuộc” (Thư muộn 30) và đó cũng là lúc “Khi chẳng biết thế nào là vui nữa” (Thư muộn 29).
Tất cả những phiến đoạn Thư muộn (30 lần) đều viết về K., những bức thư không bao giờ gửi, có phải vì vậy mà gọi là thư muộn? Muộn khi K. đã bước ra khỏi đời “tôi” hay K. đã về bên kia thế giới? Muộn vì chưa kịp nói hay những bộn bề ray rứt là hệ lụy sau cùng? K. là một cái gì đó không rõ ràng bởi hai người quá hiểu nhau nên chẳng nói nhiều, chỉ dựa lưng vào nhau cùng đọc sách, cùng ngắm mưa khi hai người ở cạnh nhau. Nhưng đến lúc K. ra đi không một lời từ giã, không một lý do. Đó là điều căn bản khiến “tôi” trở đi trở lại, tự vấn bản thân đến ráo riết để tìm một lý do. Dù “tôi” chấp nhận được tất cả song lắm lúc quá mệt mỏi, “tôi” ước bản thân bị lừa dối”.
“Sự ra đi của K. sẽ giản đơn biết bao. Nếu tất cả chỉ là sự lừa dối. Đó phải chăng là lỗi của mình? Mình trẻ con ư? Hay mình đã vô cùng nông nổi? Và chẳng thể là chỗ dựa? Nên khổ đau K. chịu đựng một mình? K. trả lời đi. Sao K. cứ vô tình, im lặng? Giờ đây, mình chỉ thấy rã rời. Mình chỉ muốn ngủ vùi. Mà tâm trí cứ trở mình nằng nặng. Mỗi giờ. Mỗi phút. Mỗi giây. K. chính là quá khứ? Tương lai? Hay mọi thứ về K. vẫn chính là hiện tại?” (Thư muộn 24)
Khi đã mất K. tôi trở nên lạc lõng, không còn là chính mình, mệt mỏi vùng vẫy muốn thoát ra khỏi cuộc đời đó, khỏi trạng thái đó, nhưng có thể K. không còn là tình yêu mà là máu thịt, và sống động như bản thể, K. là giấc mơ suốt đời tôi đeo đuổi, đến tận cùng “tôi” có thể đạt được?
Nhiều năm sau, ngay cả khi được D. báo tin K. đã ra đi vĩnh viễn, bao bận rộn và hành trình cuộc đời vẫn miên viễn mở ra nhưng với “tôi” K. vẫn ở đó, thân thuộc, bình yên. Những người bạn như Q., N. và ngay cả Jun, được biết đến như người gắn bó tình yêu với “tôi” để đến “những miền đất mới, những chân trời bát ngát chân mây…” (Hành trình) đã hơn một lần hỏi “tôi” về K.: “Tôi còn nhớ K. không?” và “tôi” đã có Câu trả lời thành thật với lòng mình: “Làm sao có thể quên, bởi chính ta vẫn cố tình không nhớ. Chúng ta rồi sẽ tìm được câu trả lời, vào ngày đẹp trời nào đó. Còn lúc này, tôi muốn được lặng yên” (Câu trả lời). Có lẽ đây cũng là câu hỏi lớn nhất mà tôi phải đối diện, có dám đối diện thì mới tìm thấy bình yên thật sự!
Điều hấp dẫn nhất ở tản văn của Phú Thọ có lẽ là sự trong suốt: Trong suốt trong tình cảm, trong ngôn ngữ lẫn cách thể hiện. Dù là viết về tình bạn hay tình yêu, tình thân hay tình sơ, dù ngọt ngào êm ái hay đau đớn đắng cay, qua ngòi bút giàu cảm xúc của Thọ đều toát lên sự ấm áp của tình người đáng tin cậy. Dẫu viết về nỗi đau chất chứa nỗi đau về người đàn ông làm khổ đời mẹ “tôi” cũng chỉ khắc khoải trong câu hỏi bất lực: “Ngồi lẳng lặng giữa niềm vô vọng. Mình muốn hỏi tại sao? Sao chẳng thể ra đi? Sao phải tốt với người đàn ông ấy? Người đàn ông chỉ có lỗi lầm. Chỉ gieo thêm nước mắt. Chẳng dám nhìn vào sự thật. Người sống như đã chết cả đời. Sao mẹ chẳng nghỉ ngơi? Sao phải chịu đựng nhiều đến thế?” (Thư muộn 19). Hay những mất mát trong tình yêu, “tôi” cũng chỉ có thể để nó gặm nhấm trong suốt những đêm dài, trong sự trằn trọc, mệt nhoài, hỗn độn, rồi tự chìm vào đêm tối: “Mình trôi ngược về miền ký ức. Bằng tất cả sức lực còn lại. Chờ đợi giấc mơ. Để thoát ly thực tại. Mình muốn giải phóng mọi ẩn ức. Mình chẳng thể chết. Mình sẽ vượt qua nỗi sợ. Giữ lại K. nơi sự sống này. Chẳng cần biết vì sao. Mình phải sống. K. có hiểu không? Chưa bao giờ đánh mất K., dù lắm lúc, mình lạc trong ý nghĩ” (Thư muộn 13).
Khi đọc tập tản văn, tôi đã cố gắng kết nối những kí hiệu để tạo lập mạng lưới đời sống của nhân vật, nhưng làm sao có thể vá víu những mảnh vỡ kí ức? Một người sống theo tiếng gọi của trái tim nhưng trái tim ấy đã quá nhiều vết xước, quá mệt mỏi, “tôi” xem K. là chiếc la bàn định vị cuộc đời mình nhưng K. mãi là điều gì đó xa xôi, mơ hồ không rõ, cứa cắt tâm hồn vì những mộng ước tươi đẹp không còn. Những đợi chờ, bồn chồn, nghi ngại qua đi, K. lại trở về trong suốt: “K. là một giấc mơ” (Thư muộn 23)
Tập tản văn luôn toát lên vẻ đẹp thánh thiện của tâm hồn, của cảm xúc. Trước hết, nó nằm ở lối tự sự không hẳn là giãi bày, không phải là phân trần hay biện hộ, đơn giản chỉ là ghi lại như một thói quen, hay như bản thân câu chữ ấy đã hiện lên trong trí não. Đó có thể là nỗi buồn lan tỏa từ cảnh vật, chạm vào da thịt, đọng vào khóe mắt, rồi từ đôi mắt ấy lại ôm trùm vạn vật; một nỗi buồn dịu, buồn mà không sầu. Hay nỗi nhớ miên man như dòng suối nhỏ miệt mài: Nỗi nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ, nhớ K., nhớ Jun và bao nhiêu điều khác, mỗi thứ nhắc nhở theo kiểu riêng. Một cơn mưa cũng có thể làm ướt những điều xưa cũ, đánh thức những mộng đẹp không thành, một khung ảnh, một góc phố… cũng gợi dậy bao nhiêu điều, lắm lúc cảm tưởng như kí ức trong “tôi” là vô tận, tự động chảy tràn lên trang giấy. Đặc biệt nỗi nhớ dù cho lặp đi lặp lại bao nhiêu lần (nhớ K.) cũng vẫn luôn tươi nguyên sống động, bởi mỗi thời khắc, mỗi không gian nỗi nhớ ấy lại có khuôn mặt hình hài riêng, rồi tự thân chuyển hóa thành khí thở, mây trời mà “tôi” lắm lúc đã không còn ý thức. Vì chẳng bao giờ toan tính, đặc biệt là trong tình yêu, nên với “tôi”, “đứng trước tình yêu thì kinh nghiệm trở nên vô nghĩa”, nhưng có lẽ, không chỉ trong tình yêu, mọi cảm xúc trong tập tản văn luôn tươi mới tinh nguyên, đầy màu sắc và hình khối. “Tôi” luôn tâm niệm “yêu thương, gắn kết là đích đến của muôn đời” (Mùa hư ảo) nhưng cách yêu thương của “tôi” cũng khác người chỉ lặng lẽ nhớ nhung, lặng lẽ đợi chờ, lặng lẽ truy vấn, lặng lẽ mệt mỏi và lặng lẽ vượt qua… Và nếu có niềm vui thanh nhẹ dịu dàng cũng len lén được nhen lên từ sự lặng lẽ ấy.
Tài năng của Phú Thọ là gọi ra được tên của những nỗi niềm cảm xúc bằng tất cả sự chính xác và tinh tế, nó tràn ra một cách dễ dàng, có lẽ, đằng sau sự dễ dàng ấy là một quá trình rèn luyện công phu. K. Paustovsky từng nói “truyện hay đến một mức nào đó thì thành thơ”, tản văn của Phú Thọ có lẽ đã chạm đến cái ngưỡng của sự chuyển động ấy, với ngôn ngữ giàu sức gợi, giàu hình ảnh, tràn đầy màu sắc và hình khối được thoát thai từ lối tư duy của một nhà thơ, đó thực sự là những bài thơ văn xuôi mượt mà.
Sự tĩnh lặng sâu xa trong cảm thức của tác giả dù cho kỷ niệm có vài vết xước, dù cho tuổi thơ sớm mất mát tình yêu, dù cho thời hoa mộng trải qua nhiều chia rẽ thì ngòi bút vẫn ngọt ngào, tí tách dòng chảy của cuộc sống, dù cho cuộc sống ấy “có muộn phiền, có những giọt nước mắt hòa tan vào mưa, trong suốt” (Mưa). Sự yên lặng, tịch liêu là không gian chủ đạo, song đó không phải là sự tịch liêu chìm vào hư vô, thoát khỏi bản ngã để tiến tới vô ngã như cảm thức “sabi” trong thơ haiku mà sự tĩnh lặng như là nếp nghĩ, nếp sống rất đời của một tâm hồn rất trẻ đầy khao khát và tự vấn. Dẫu cô đơn là hệ lụy và như một ám ảnh (cô đơn lặp lại 15 lần), sự tĩnh lặng là không gian (10 lần), và bình yên (17 lần) là đích đến, liệu bình yên có thực sự theo về với “tôi”?
Với sự tĩnh lặng tuyệt đối Phú Thọ mới thấu suốt nỗi buồn trong sự an nhiên tự tại, kết hợp với phong cách riêng, tập tản văn đã để lại dấu ấn sâu sắc. Ở đó, sự tinh tế, trong sáng như là nguồn gốc của mỹ cảm, của cái đẹp mà nghệ thuật hướng tới. Mỗi người làm nghệ thuật luôn nỗ lực mở ra hướng đi mới phù hợp với mình, với Nỗi buồn trong suốt nhà thơ trẻ đã có thể tự tin bước tiếp con đường đã chọn.
Theo Văn nghệ Việt Nam