Phương Tây hay Phương Đông?

Sự chào đón nhiệt liệt ở khắp nơi trên thế giới, những trích dẫn thường xuyên về văn hóa Phương Tây trong các tác phẩm của ông đã tạo ra một hình ảnh Murakami – nhà văn quốc tế. Hơn thế nữa ông đã biết cách vượt thoát khỏi cái khoảng cách gây chia rẽ giữa jun-bungaku “ văn học thuần túy” và các thể loại văn học giải trí để sáng tạo ra một khuynh hướng văn chương “lai tạp” giữa hai thể loại này, phù hợp với những thay đổi của xã hội. Ngôn ngữ của ông sang trọng và chính xác, loại bỏ đi hoàn toàn sự mơ màng nước đôi thường gặp trong văn chương truyền thống Nhật Bản. Nhưng vỏ bọc ngoài ấy che khuất một sự thực rằng Murakami đã sáng tác trong vị thế một nhà văn Nhật Bản. Dẫu rằng những tác phẩm của ông rất hiện đại và đã vay mượn nhiều yếu tố “Phương Tây” trong trong việc xây dựng cấu trúc, “căn cước văn hóa” của Murakami vẫn hoàn toàn khác biệt với một căn cước văn hóa (thuần túy) Phương Tây. Nhưng các câu chuyện của ông vẫn không ngừng chất vấn về một hiện thực Nhật bản hậu hiện đại cũng như về một ký ức tập thể nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc đời cá nhân ông.


Haruki Murakami sinh năm 1949 tại cố đô Kyôto, trong một môi trường gắn bó với những truyền thống cổ xưa. Ông nội là một jushoku,người trông coi một ngôi đền thờ Phật giáo, một chức vụ “ cha truyền con nối”.Cha ông đã khước từ chức vụ này để trở thành một giáo sư về văn học Nhật bản (ông chỉ đảm nhận bán thời gian cái công việc này sau khi đã về hưu). Nhà văn tương lại, đứa con duy nhất của gia đình, đã lớn lên ở Kôbe, thành phố của những dân tứ xứ. Ông bị quyến rũ bởi những khu phố Tầu và các cư dân ở đó. Là một con mọt sách, ông đọc nhiều về văn học Pháp, Nga và sau đó là văn học Mỹ. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông (được xuất bản vào năm 1979), nhân vật chính là một người sống theo chủ nghĩa cá nhân và cô độc, đã tự giải thoát khỏi tất cả những rành buộc gia đình và xã hội.Thành công đến gần như tức khắc, tác phẩm ra đời đáp ứng đúng nguyện vọng của một thế hệ đang khao khát được tự do hơn , một thế hệ đang bị cầm từ bởi một nền văn hóa luôn có khuynh hướng đem các tiêu chí của cộng đồng ra để bóp nghẹt con người cá nhân. Đó cũng là một lý do để giải thích vì sao các tác phẩm của Murakami được chào đón nhiệt liệt ở Châu Á , đặc biệt ở Trung Quốc và Hàn Quốc kể từ lúc được dịch ra vào giữa những năm 1980 đến nay. Độc giả Trung Hoa lục địa cũng tỏ ra rất nhậy cảm với những hình ảnh về Trung Hoa trong các tác phẩm của ông.

Sự im lặng của những người cha

Trong truyện ngắn đầu tay: Một con tầu cho Trung Hoa (Un cargo pour la Chine-1980), nhân vật chính đã bới tìm những mẩu vụn ký ức để mô tả lại những cuộc gập đàu tiên với những người Trung Hoa.Một người giáo viên tiểu học tàn tật nhưng luôn đề cao danh dự và phẩm giá, một học sinh trung học xuất sắc và kết thúc con đường sự nghiệp bằng việc đi bán dạo các cuốn từ điển tại nhà. Và những kỷ niệm với một cô gái trẻ 19 tuổi, mỗi lần giáp mặt với cô là một lần cậu trở nên ngượng ngập, lúng túng và phạm phải vô số lỗi lầm. Cậu đã từng tiễn côra ga, đưa cô lên tầu, hẹn hò gập lại nhưng lại quên không trao số điện thoại cho cô. Họ không bao giờ gập lại nhau và cô gái chắc chắn sẽ nghĩ rằng cậu đã cố ý không trao số điện thoại của mình.Một nỗi buồn câm nín, một cảm giác mất mát, một mặc cảm phạm tội…tất cả những cái đó lan tỏa trên từng trang viết của ông. Nó khoét rỗng tâm hồn người đọc bằng những câu hỏi âm thầm nhưng bỏng cháy về sự phân biệt chủng tộc, về sự bàng quan , sự thiếu vắng những lời xin lỗi chính thức của chính phủ Nhật Bản về những tội ác chiến tranh.

Chủ đề về Trung Hoa thường xuyên trở lại trong các tiểu thuyết của Murakami, nhưng chỉ đến năm 1996, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí The New Yorker ông mới hé lộ cho biết rằng cha ông, khi còn trẻ, đã tham gia vào cuộc chiến tranh Trung-Nhật trên đất nước Trung Hoa. “ Ông không bao giờ kể cho nghe rằng ông đã làm những gì ở đó.Nhưng đôi khi ông kể cho tôi nghe về cảnh vật, cuộc sống và những cư dân ở đó. Những ký ức của ông tự động lưu lại nơi tôi như một di sản thừa kế, các tổn thương nơi ông cũng vậy”.

Trong cuốn tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang (1982), một cuộc truy tìm trong hoang tưởng đã đưa nhân vật chính trở về mảnh đất Mãn Châu bị chiếm đóng trong những năm 1930, nhưng phải chờ đếm cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót (1994), Murakami mới trực tiếp đề cập tới những tội ác tàn bạo đã từng xẩy ra trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật. Lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật, các đoạn miêu tả những cảnh tra tấn và hành quyết ở đây “thực” trong từng chi tiết. Trên gương mặt của nhân vật chính Toru Okada, sống ở một Tokyo đương đại , bỗng xuất hiện một vết bớt đen giống như vết bớt của viên thầy thuốc thú y Nhật Bản tại vườn Bách thúMãn Châu, nơi đã xẩy ra một vụ thảm sát kinh hoàng vào năm 1945. Những tội ác giống hệt nhau đã lặp lại sau khoảng thời gian 50 năm, trên màn hình vi tính của một đứa trẻ câm đang trong trạng thái lên đồng và trong một hiện thực “song hành” mà nhân vật chính đã từng tham gia vào.

Những bóng ma đang sống

Murakami đã viết ba tập của Biên niên ký ở Mỹ nơi ông đã định cư từ 14 năm trước. Thảm họa tại Kôbe và vụ khủng bố bằng chất khí độc sarin ở ga tầu điện ngầm Tokyo đã ép buộc ông phải ý thức hơn nữa về tình trạng của đất nước ông, những ý thức đã từng được gợi ra trong những cuốn tiểu thuyết trước đó của ông. Ông quay trở về sống ở Nhật bản như một dấu hiệu bầy tỏ nguyện vọng dấn thân trong đời sống xã hội. Ông xuất bản hai phóng sự điều tra về những nạn nhân của giáo phái Aum và về những cựu thành viên của giáo phái này. Điềm tĩnh và khôn ngoan hơn, ông gắn bó nhiều hơn với nền văn học Nhật bản. Tác phẩm của ông trở nên giầu tính nhân văn hơn trong khi ông vẫn tiếp tục đào xới những mê cung ở bên trong con người mình.

Vào tháng hai năm 2009, trong diễn từ nhận giải thưởng Jérusalem nhà văn đã nhắc đến cái chết của cha ông, xẩy ra đột ngột cách đấy vài tháng và một hình ảnh thời thơ ấu không bao giờ phai nhòa trong ông : đó là bóng dáng người cha quỳ trước bàn thờ Phật và tha thiết cầu khấn sự siêu thoát cho các vong linh của tất cả những người đã chết trong chiến tranh, không phân biệt đó là đồng đội hay kẻ thù.Trong 1Q84, quyển 3, nhân vật Tengo cũng đã khẩn cầu người cha của mình, một người nông dân Nhật Bản, vì đói nghèo đã từng phải theo gót đàn quân xâm lược Nhật Bản đi “khai khẩn” ở Mãn Châu, van xin ông hãy “ngừng gõ cửa” trí não anh sau khi ông chết đi . Nhưng bóng ma của người cha vẫn luôn luôn gõ cửa trí nhớ Haruki Murakami và hình ảnh những vùng đất lạnh giá của miền Mãn Châu vẫn luôn ám ảnh trí tưởng tượng của ông

Dương Thắng biên dịch từ tiếng Pháp; “Une histoire extrême-orientale”. Tác giả Corine Atlan.Le Magazine Littéraire. Số tháng 8 năm 2012. Bài đã dăng trên báo Thời Nay ra ngày 13/5/2013


Exit mobile version