Mường Lò mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, hoang sơ với bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm cùng với hương vị chè Tuyết cổ thụ ở Suối Giàng, nguồn nước khoáng thiên nhiên… tạo nên cho Mường Lò tiềm ẩn một sức quyến rũ đến lạ kỳ!
Cả bản thơm ngát chè shan
Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Miền tây vùng lòng chảo Mường Lò là hội cư của hơn 10 dân tộc anh em tạo nên một vùng văn hoá độc đáo có một không hai ở khu miền tây hoa ban trắng. Mường Lò là điểm mút của dãy Hoàng Liên dài 180 km, rộng 30 km. Từ lâu, đã có người ví đây là cánh đồng lớn thứ hai của vùng Tây bắc hùng vĩ, mộng mơ. Mường Lò nổi tiếng với gạo trắng nước trong với hương vị gạo tẻ và chè.
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi nhựa chè thơm chan chát, quyến rũ đến mức đi trong hương vị của chè người ta có cảm giác như được đang được thưởng thức chính thứ hương rừng sắc núi ấy.
Chè từ trên đỉnh núi được ngựa thồ về bản là được đưa ngay vào sao tẩm. Khi ấy không khí ở trong bản thơm ngát mùi chè sao. Cho đến nay bà con người Mông ở Suối Giàng vẫn sao tẩm bằng phương pháp thủ công. Những cánh chè to và cong như lưỡi câu, bên ngoài phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh tự nó đã thơm ngát, ngửi một lần mà cứ muốn hít hà mãi.
Có khá nhiều giả thuyết về hàng vạn cây chè tổ ở Suối Giàng. Đất, rừng và chè ở Suối Giàng thật hùng vĩ và kỳ lạ. Suối Giàng là một xã nằm ở độ cao 1.500 đến 1.800 mét so với mực nước biển. Có những cây được tính với tuổi thọ hơn 300 tuổi, nó được ví là cây chè thuỷ tổ ở Suối Giàng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, uống chè Suối Giàng có thể tránh được nhiều bệnh đường ruột, đôi khi chỉ cần dùng lá chè cổ thụ sát vào da thịt người, bao nhiêu mẩn ngứa sẽ khỏi hết.
Chè Suối Giàng cũng rất kén chọn, ấm chén phải là loại ấm sứ thật già lửa, không được dính bất cứ mùi chè nào khác, cũng không được dính cặn, phải thật sạch và tráng nước sôi. Chè phải được pha với nước đá ong vùng trung du, hay là nước lấy từ vùng Tập Lăng, Giàng Cao của Suối Giàng thế mới hảo hạng.
Phơi phới với những điệu xòe
Miên man ở vùng hoa ban trắng sẽ bắt gặp những cô gái Thái xúng xính trong bộ váy đen, áo cóm, khăn piêu, đeo xà tích . Khi nhắc những cô gái thái người ta thường nghĩ ngay đến những chiếc áo cóm. Đây là chiếc áo cánh ngắn tạo dáng ôm chặt lấy thân, khi mặc vạt áo cho vào trong cạp váy. Áo cóm của người Thái trắng có cổ cao, còn của người Thái đen thì cổ thấp hình chữ “V”. Áo được “đơm” những hàng cúc bạc, hình con bướm, con ong, con ve… Với người con gái chưa chồng thì số hàng cúc lẻ. Với phụ nữ có chồng thì số hàng cúc chẵn để nói lên người mặc áo đã có đôi có cặp. Áo cóm có phần “tó son” tạo nên được độ ôm cho phần ngực phần eo mở hết đường cong của người phụ nữ.
Khăn đội đầu của người Thái Mường Lò không phải là khăn piêu. Chỉ là khăn nhuộm chàm đen, được viền 2 đầu bằng chỉ màu tím, hồng, xanh…chiều dài của khăn từ 180 đến 200cm, rộng từ 32 đến 35 cm.
Với thiếu nữ chưa chồng thì xà tích được quấn cả vòng. Các chàng trai cứ nhìn vào cách cuốn xà tích mà đoán tích cách từng cô gái. Họ quan niệm nếu cô gái nào cuốn xà tích ngắn thể hiện tích cách nhàn hạ, xà tích cuốn sát cạp váy thể hiện tính cách khiêm tốn…
Trang phục của người phụ nữ Thái là giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc này, nó thể hiện yếu tố văn hoá thẩm mỹ, tín ngưỡng trong văn hoá cộng đồng đáng quý hơn cả cho đến nay qua ngàn đời những nét văn hoá này vẫn không có sự thay đổi.
Ở Mường Lò chẳng ai còn nhớ nổi những điệu múa xoè có từ bao giờ trong cộng đồng người Thái, thế nhưng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống thì những ai còn đam mê những điệu xoè thì vẫn chắt chiu, gìn giữ coi như là một thứ tài sản quý. Có dịp đến thăm những bản làng người Thái vào mùa xuân, ngày rằm, hay khi thóc đã đầy bồ, trái đã chín đầy vườn bạn sẽ bị cuốn vào những điệu múa xoè chứa đựng bao niềm hân hoan, phơi phới.
Cho đến nay cùng với thời gian, nghệ thuật múa xoè vấn được người dân tộc Thái gìn giữ và trở thành một sinh hoạt văn hoá thường xuyên.
Đến Mường Lò du khách sẽ được hoà mình vào những điệu xoè, để rồi cùng nắm tay nhau nhảy múa dịp nhàng uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng, tiếng khèn. Ít người thì vòng nhỏ, nhiều người thì vòng lớn nhưng hơn cả là niềm vui. Xoè còn thể hiện khát vọng của tình yêu đôi lứa, điều này đã khiến cho sức sống của nó trường tồn mãi với thời gian.
Song An (tổng hợp)
Nguồn: Dantri