HỒ TẤN NGUYÊN MINH

Đọc tập thơ “Con đường tự trôi” của Nguyễn Đăng Khoa, Nxb Văn học 2015

 


 

Nếu chọn một từ nào đó để gọi ra hồn vía thi phẩm “Con đường tự trôi” của  nhà thơ trẻ Nguyễn Đăng Khoa, tôi sẽ chọn từ cô đơn. Ấy là một nỗi cô đơn ngự trị, xâm chiếm, bủa vây lấy cõi lòng thi nhân rồi buông ra thành những lời thơ đầy khắc khoải “muôn trùng cô quạnh đang buông/muôn trùng nhớ/ rủ rê/ muôn trùng sầu” (Muôn trùng).

Với người nghệ sĩ, cô đơn dường như là một định mệnh. Không mang nặng một khối cô đơn trong bản thể, không chất chứa trong tâm hồn một nỗi day dứt, trăn trở về nhân sinh thì cũng khó có thể nào viết nổi một câu thơ hay. Điều này đúng với trường hợp Nguyễn Đăng Khoa trong “Con đường tự trôi”.

Đọc thơ Khoa, lòng không khỏi xao xuyến trước một nỗi cô đơn thăm thẳm, một nỗi sầu mênh mông lan tỏa trong từng câu, từng chữ. Cô đơn hiện hữu trong một mặc cảm chia lìa khi con người nhìn đâu cũng thấy xa cách, biệt li “những buổi sáng rách làm đôi/ loài người bọn họ bỗng ngồi xa nhau” (Phố), “Còi xe đêm quất vào đêm/chất lên lưng chuyến người biền biệt xa” (Xe đêm). Cô đơn lên tiếng khi lòng người cảm thấy sợ hãi, âu lo, lạc lõng trong một thế giới phi lí, hoen gỉ, bất an “khuôn mặt mọc khu rừng/ càng trông nhau càng cỗi/ trên bàn chân là chiều/ tôi vừa đi vừa tối” (Tôi vừa đi vừa tối), “cha ơi, chiến tranh là gì? là loài người muốn cướp đi loài người/ là bông hồng bọc lệ tươi trên mồ” (Mồi ban mai). Cô đơn vây phủ trong nỗi ám ảnh về cái chết “mỗi sáng hoàng lan vẫn nở/những bánh xe tang vẫn lăn/từng sát-na rơi vô vị/em hỏi trầm luân là gì?”(Nếu mai thức dậy, được sống), trong tiếng bi ai vang vọng khắp đất trời “lòng trời lặng gió/kinh ngủ trong mõ chùa dài/ diều hâu mắt đỏ/thành tâm tụng tiếng bi ai” (đốt gió). Nhưng thấm thía nhất có lẽ là cảm giác cô đơn khi con người đối diện với chính mình, soi rọi bản thể để nỗi buồn, sự lẻ loi dâng lên choáng ngợp tâm hồn “trèo lên trên đỉnh giọt sương/ đốt trầm hương cũ soi gương mặt mình” (trèo lên trên đỉnh giọt sương). Hãy nghe Khoa giãi bày về nỗi cô đơn, sự sợ hãi, âu lo trong thẳm sâu tâm tưởng “mình rơi trên cành củi mục/rồi lênh đênh trên con sông/ rồi lắng nghe thương đau chảy/ rất bình thường, rất trong” (anh kể về đôi mắt), “sáng thứ bảy/ khuấy cà phê/ thấy mình đen nhánh nằm kề khói sương/ tim tròn vành vạnh vết thương/ và mắt người cứa những đường rất đau” (Sáng thứ bảy).

Như một quy luật thuộc về đời sống tâm hồn người, đặc biệt là những tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm, tế vi; dường như khát khao càng mãnh liệt thì nỗi cô đơn càng lớn khi khát khao không được đáp ứng. Nỗi cô đơn thăm thẳm trong thi giới thơ Nguyễn Đăng Khoa cũng có thể lí giải như vậy chăng? Thi sĩ khát khao sự gần gũi nhưng chỉ thấy cách xa “em hải hồ lồng lộng/ tôi chim biển cánh gầy/ mỗi ngày mình kể chuyện/ bàn tay xa bàn tay” (câu chuyện);  khát khao sự hòa hợp, quấn quýt nhưng chỉ chỉ thấy hờ hững, thờ ơ “hai mình/ hai im lặng/ mơ những cuộc rất thừa” (Mơ những cuộc rất thừa). Chàng mơ về một cuộc sống hạnh phúc, bình yên nhưng lòng lại không sao thoát ra khỏi nỗi ám ảnh về chiến tranh, bạo lực, đói nghèo “bạn biết không, rất nhiều người chết bởi chiến tranh đến, họ nói rằng họ mang theo những bao tải nặng, trong đó có quê nhà, có tiếng khóc, có cái nơ xinh xinh cài đầu tuổi nhỏ…/ họ hỏi tôi về hòa bình” (giấc mơ)…

Nhưng điều đáng quý là dẫu chìm trong khối cô đơn khổng lồ, trong nỗi buồn vô tận, con người vẫn không thôi khao khát. Thật cảm động trước ước mơ của chàng trai trẻ  “nếu mai thức dậy được sống/ loài người hãy nhớ hôn nhau!” (nếu mai thức dậy được sống), “muốn làm chiếc lá, giọt sương/ thương nhau đến độ vô thường mất nhau” (muốn làm chiếc lá, giọt sương). Đó là những mơ ước bình dị mà lấp lánh tinh thần nhân văn đem đến những giá trị cao đẹp cho thi phẩm “Con đường tự trôi”. Một thi phẩm mà theo ý tôi, với những giá trị chất chứa trong nó, nó xứng đáng được xem là một tập thơ hay và rất đáng đọc hiện nay./.

* Thông tin tác giả bài viết

Hồ Tấn Nguyên Minh

Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, 05 Phan Lưu Thanh, phường 7, TP. Tuy Hòa, Phú Yên.

Điện thoại: 0983515625

Exit mobile version