(Toquoc)- Nhiều độc giả luôn mặc định rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà văn là viết xong tác phẩm, còn việc in ấn và phát hành đã có các đơn vị làm sách lo. Thế nhưng, thực tế không phải vậy, bên cạnh việc nhà văn hoàn thành con chữ, có không ít nhà văn phải kiêm luôn việc phát hành cùng với những câu chuyện “không giống ai”.

Để một cuốn sách đến được tay bạn đọc có dăm bảy con đường đi khác nhau. Nhưng tựu chung lại có vài cách thức khác nhau rõ nhất.

Một là theo cách truyền thống, sau khi tác giả hoàn thành bản thảo và bản thảo được nhà xuất bản chấp nhận. Tuy nhiên, việc được nhà xuất bản chấp nhận in đồng nghĩa với việc họ phát hành phụ thuộc vào phần lớn “tên tuổi” của nhà văn. Liệu tên tuổi nhà văn này có đảm bảo cho việc bán sách và mang về doanh thu không. Sau nữa là nội dung tác phẩm, có đáp ứng nhu cầu (lớn – nhỏ – vừa phải) của độc giả không.

Thường những nhà văn in sách như thế này có 10% nhuận bút tính theo giá sách nhân với số lượng sách xuất bản, kèm theo vài cuốn sách biếu. Nhà văn muốn có nhiều sách hơn để tặng bạn bè người thân thì cũng phải tự bỏ tiền ra mua sách của chính bản thân mình, tất nhiên với giá rẻ hơn so với cửa hàng sách. Vì thế, với số nhuận bút vài triệu cho cả cuốn sách, trừ đi tiền mua sách khiến cho đồng nhuận bút càng ít ỏi hơn. Nhưng bù lại, nhà văn không phải lo chuyện sách của mình bán như thế nào, xử lý thế nào khi bị… ế!. Nói như nhiều nhà văn thì khi quyển sách đến tay độc giả là công việc của họ chấm dứt. Phần còn lại, phán xét hay dở, chấp nhận hay không, yêu thích hay không là thuộc toàn quyền độc giả.

Với mỗi một đầu sách thì số lượng bản in ban đầu thường là 1000 cuốn. Đây được coi là con số khá “an toàn”, nếu lỡ sách bán không như dự đoán của đơn vị làm sách thì con số lỗ không quá cao. Còn ngược lại, nếu có dấu hiệu tốt thì sẽ tái bản lần một, lần hai…

Hiện nay, những tác giả được các đơn vị làm sách “đầu tư” là nhà văn đã nổi tiếng. Bên cạnh đó, nhiều tác giả trẻ, mới xuất hiện cũng vẫn được đầu tư, nếu như tác phẩm thời thượng, dễ bán, thậm chí là thứ văn chương giải trí thì lượng sách in còn khá lớn.

Và thể loại tác phẩm được lựa chọn chủ yếu là văn xuôi, còn thơ chỉ chiếm một con số khiêm tốn hơn rất nhiều.

Chứa đựng bên trong nhiều chuyện “không giống ai” phải kể đến những cuốn sách mà chính tác giả tự xoay xở kinh phí để in ấn và phát hành. Theo đó, nhà văn chỉ được Nhà xuất bản chấp thuận bản thảo về mặt nội dung chứ không bỏ ra chi phí để in. Một phần nhà văn sẽ tìm các nguồn tài trợ, có thể từ các doanh nghiệp, đơn vị quen biết hay quỹ hỗ trợ văn chương, đầu tư sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật… Bù lại, với cách làm này, nhà văn có toàn quyền sở hữu số sách sau khi in để không phải đắn đo tặng người này hay người kia.

Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng có được nguồn tài trợ để in sách. Những trường hợp vì nhiều lý do cá nhân, nhà văn bỏ tiền ra in sách, thực chất là đi vay, vì nếu có tiền và tự bỏ ra in thì còn đỡ. Các nhà văn có niềm tin khá hồn nhiên là cuốn sách này hay, có giá trị, chắc chắn sau khi in sẽ bán được để thu hồi vốn. Mà văn chương thì muôn thủa “văn mình vợ người”, làm gì có cuốn nào… không hay!. Sau khi nếm trải rồi mới thấy viết sách và bán sách là hai công việc khác nhau, chưa biết cái nào khó hơn cái nào.

Thường thấy nhất là các tác giả thơ, thôi thì vì nghệ thuật mà bỏ tiền ra in sách rồi sau đó đi tặng chứ chả trông chờ gì bán được. Có khi đi tặng còn phải hẹn hò gặp gỡ tốn thêm cả xăng xe nước uống.

Từng chứng kiến một số tác giả thơ chẳng quen biết gì, cũng không nổi tiếng, nhân các buổi hội thảo, toạ đàm có đông đảo văn nhân là tranh thủ tặng, bất kể thân quen. Có lần, vừa được tặng sách xong, một bác thì thụt hỏi khẽ vào tai: này cái người ngồi cạnh tên gì ấy nhỉ, nhà văn hay nhà thơ. Vừa trả lời xong, quay ra bác đã viết xong lời đề tặng vào trang đầu tập thơ của mình rất thân thiết như thể người quen lâu ngày chưa gặp. 

Còn nhớ cách đây mấy năm, nhà thơ phố núi Tạ Văn Sỹ bỏ tiền của và thời gian ra sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn tuyển tập thơ Kon Tum dày hơn 400 trang, in trên giấy láng, lại còn bìa cứng. Làm vì yêu thơ, tâm huyết với thơ với tỉnh nhà. Đầu tư công sức và tình yêu là thế nhưng rồi dịp kịp kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh nhà qua đi, nhà thơ phải ôm món nợ 50 triệu cho việc in hai cuốn sách sau khi đã trừ một khoản tài trợ được hơn 10 triệu. Thế là với 2000 cuốn sách, Tạ Văn Sỹ phải mang đi bán một cách rất thủ công và tự mình nghĩ cách xoay xở phương thức bán cho hiệu quả nhất. Thôi thì bạn bè văn nhân khắp nơi trên cả nước, ai có website, ai có blog…  nhà thơ phố núi đều nhờ thông báo bán sách. Chưa hết, thỉnh thoảng có chuyến đi đến nơi nào nhà thơ làm ngay cuộc điểm danh xem nơi đó có những ai là bạn bè rồi tiện thể tạt qua thăm nom và… bán thơ!. Thực ra, hình ảnh Tạ Văn Sỹ mang thơ đi bán không lạ với những ai thân quen với nhà thơ phố núi nhưng đấy là thơ của riêng tác giả. Còn việc đi bán thơ tuyển tập của hơn trăm tác giả mà Tạ Văn Sỹ tâm huyết và kỳ công làm rồi lại gánh vác thêm việc đi bán thì đúng là chuyện ít thấy của làng văn.

Tác giả thơ hay phải bỏ tiền ra in đã đành, nhưng văn xuôi cũng gian nan không kém. Có nhà văn muốn in cuốn tiểu thuyết đi hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác đều nhận được câu trả lời, in thì in được nhưng tác giả phải bỏ tiền ra in chứ dạo này sách ế lắm, nhà xuất bản không dám đầu tư. Sau một thời gian suy đi tính lại thiệt hơn, nhất là tiếc cái công cặm cụi ngồi viết, nhà văn kia đã chấp nhận bỏ tiền ra in với số lượng sách khiêm tốn. In xong mang đi tặng. Ông còn lạc quan nói rằng, in xong mang đi dự mấy giải thưởng, biết đâu được giải gỡ được vốn.

Chuyện nhà văn nổi tiếng Đỗ Chu bán sách cũng khiến không ít người ngạc nhiên. Cuối năm 2013, gọi điện cho ông xin phỏng vấn, vẫn cái giọng vui vẻ, hoạt ngôn thường thấy ông đồng ý ngay và không quên kèm theo “điều kiện” cũng như câu chuyện bán sách đang bí của mình. Chả là thời điểm ấy, Đỗ Chu có ra cuốn sách mới “Chén rượu gạn đáy vò” nhưng thông tin giới thiệu về cuốn sách ở hệ thống các nhà xuất bản hay các cửa hàng sách không thấy có. Đâu như chỉ thấp thoáng vài bài viết của bạn bè thân quen giới thiệu về cuốn sách mới đó. Không những thế, ông còn tuyên bố, sau cuốn sách này ông sẽ không viết tản văn nữa, vì rượu đã gạn đáy vò thì còn gì nữa. Tò mò, muốn biết thêm về cuốn sách mới nên đã hẹn gặp phỏng vấn ông.

Đỗ Chu giãi bày, đến phỏng vấn thì mua sách cho ông. Mà đã mất công mua thì mua trọn bộ tản văn của ông, ông bán rẻ cho, chứ ông không bán mỗi quyển mới nhất đâu. Thích có chữ ký thì ông ký. Thích hỏi thêm gì về cuốn sách hay ngoài cuốn sách ông trả lời tuốt. Chả là vì vay tiền của vợ in sách mà giờ ông phải có nghĩa vụ trả. Hỏi nhà văn, sao nổi tiếng như Đỗ Chu mà lại tự đi bán sách. Ông trả lời ngay, “Ta không thích sách của ta bán ở hiệu sách cùng chung với các loại sách thập cẩm nhố nhăng, làm mất giá đi. Ta muốn tự bán sách. Ai yêu mến sách của ta thì tự tìm đến ta và mua của ta”. Tôi cam đoan, nếu sách của Đỗ Chu có mặt trong các hiệu sách chắc chắn sẽ có nhiều độc giả chọn mua và không ai nghĩ nó mất giá hơn vì đứng cạnh với các quyển sách khác. Bằng chứng là trong các nhà sách có vô vàn tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng trên thế giới, và tất nhiên không thiếu những đồng nghiệp của chính ông. Ông tự tin bán sách như cái kiểu cách đây vài chục năm trong thời buổi hiện nay thật là chuyện hiếm. Đỗ Chu cũng là nhà văn cho đến nay không dùng điện thoai di động, không dùng internet. Ông cứ bảo cái thế giới internet là thứ… trên giời và đoạn tuyệt không mảy may luyến tiếc.

Giá mà nhà văn chỉ chú trọng và để tâm vào mỗi chuyện viết như nhà văn ở nhiều nước trên thế giới thì hay biết mấy. Nhưng biết đâu như thế độc giả lại không biết đằng sau đường đi của một cuốn sách, hậu trường của một cuốn sách đến tay độc giả gian nan và nhiều chuyện thú vị của văn chương Việt Nam đến vậy.

Hiền Nguyễn