Tác giả jelu c khắc họa thế giới muôn hình vạn trạng của tâm tính con người và những suy nghiệm về xã hội qua ấn phẩm đầu tay.

jelu c tên thật là Trần Phi Long. Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM và làm cho một công ty dược của Pháp, tác giả sinh năm 1988 vẫn dành thời gian cho văn chương. Bắt đầu sáng tác từ năm 22 tuổi, đến nay, jelu c mới ra mắt cuốn sách đầu tay mang tên Thời đại Sodom.

Buổi ra mắt sách của jelu c, diễn ra ở TP HCM vào chiều 28/5, có sự tham gia của nhiều độc giả và các cây bút. Nhà văn Di Li dù bận bịu công việc vẫn bay từ Hà Nội vào TP HCM tham dự buổi này trong vai trò MC. Nhà văn Trần Nhã Thụy góp mặt ở hàng ghế chủ tọa để góp lời giới thiệu về Thời đại Sodom.

Từ trái sang: nhà văn Trần Nhã Thụy, tác giả jelu c, nhà văn Di Li. Ảnh: Anh Vân.

Ngay từ tên sách và bút danh của tác giả cũng gợi cho độc giả nhiều tò mò. Vốn là người theo đạo Thiên Chúa, từ nhỏ, Trần Phi Long được nuôi dưỡng trong môi trường Kinh Thánh. Tên sách Thời đại Sodom của anh là sự liên tưởng đến Sodom, một thành phố bị thiêu hủy trong Kinh Thánh vì những dục vọng và dục tính của người dân thành phố này. Còn cái tên jelu c, không viết hoa, là cách chơi chữ riêng của Trần Phi Long khi anh ghép “Jesus” và “Lucifer”, hay Chúa trời và thiên thần sa ngã theo những điển tích trong Kinh Thánh.

Sử dụng các biểu tượng này vào bút danh và tên sách, Trần Phi Long muốn chia sẻ ngụ ý về sự phức tạp và những mặt tiêu cực trong xã hội ở bất cứ thời đại nào, cũng như trong mỗi cá nhân nào cũng tồn tại hai mặt “trắng và đen”, “xấu và tốt”. Dù vậy, anh khẳng định: “… tôi không muốn phê phán hay áp đặt mà chỉ muốn nói lên những trăn trở cá nhân về những điều trong cuộc sống”.

Ấn tượng đầu tiên của nhà văn Trần Nhã Thụy về cuốn sách là nó tập hợp những mẩu văn không quá nhiều chữ, giúp người ta dễ đọc trong thời đại bận rộn hôm nay. Tuy vậy, những vấn đề sách đề cập không phải dễ tiếp cận ngay tức thì. Nhân vật chính của 76 bài viết trong sách có cùng tên gọi là “Kẻ…”. Đó là những: Kẻ chiết trung, Kẻ dâng hiến, Kẻ đi xoay, Kẻ gỗ, Kẻ không vai, Kẻ nằm trên đe, Kẻ nghịch đảo tay chân, Kẻ trần truồng, Kẻ tìm kiếm sau lưng chiến tranh, Kẻ khiếm khuyết, Kẻ lưng chừng, Kẻ ăn não... Tập hợp những “Kẻ” như thế dường như là muôn hình vạn trạng của thế giới con người phức tạp, với những tốt xấu lẫn lộn, đa chiều.

Bìa sách “Thời đại Sodom”.

“Tôi nghĩ sách của jeu c có hai trường phái độc giả, một là rất thích, hai là không những không thích mà họ không hiểu nội dung muốn nói gì. Riêng tôi, tôi thích cuốn sách này và giới thiệu nhiều người đọc nó”, Di Li chia sẻ.

Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn khẳng định, qua cách phác thảo chân dung “Kẻ…”, jelu c trực tiếp nhắc nhở về giá trị làm người đang được thử thách mỗi ngày trong cuộc sống. Người ta chỉ có thể sống tốt hơn nếu dành thời gian chiêm nghiệm về các giá trị đó thay vì lãng quên chúng.

Một vấn đề nho nhỏ gây tranh cãi cho các tác giả khác khi đọc ấn phẩm đầu tay của Trần Phi Long là: Thời đại Sodom thuộc thể loại nào? Đây là văn xuôi hay thơ?

Có người cho rằng đây là văn xuôi, cũng có người khẳng định nó là thơ. Riêng tác giả giải thích, cách viết của anh là một thứ văn xuôi đứt đoạn có chất thơ khi mạnh mẽ, khi nhẹ nhàng. jelu c biết rõ thế mạnh của anh khi đến với văn học không phải là lối văn tả và kể chuyện. Anh chọn lối viết mà anh thừa nhận là chịu nhiều ảnh hưởng từ Emmanuel Kant (qua tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy) và Samuel Beckett (qua tác phẩm Chờ đợi GodotThở).

Nhà thơ Trần Hoàng Nhân, người tham dự buổi ra mắt sách, cho rằng, việc xác định thể loại cho sách cũng không quá cần thiết. Điều quan trọng là những trang viết gợi cho người ta suy ngẫm. Ngay từ lần đầu tiên đọc Thời đại Sodom, Trần Hoàng Nhân có thể nhớ ngay những dòng trong sách, ví dụ như bài Kẻ ăn não: “có một kẻ muốn ăn não bộ của tất cả kẻ người ngoài kia/ hắn ăn não của kẻ người nông dân/ hắn ăn não của kẻ người công nhân/ hắn ăn não của kẻ người tri thức nghệ thuật/ hắn ăn não của kẻ người tri thức khoa học/ Hắn ăn não của kẻ người triết gia… Bộ não của hắn ngày càng phình lớn và, đẩy hẳn đôi mắt rơi ra ngoài/ Hắn trở nên mù lòa” (Thời đại Sodom, trang 14).

Tuy vậy, Trần Hoàng Nhân cho rằng cách viết của jelu c không mới. “Trong Lời tiên tri của giọt sương, nhà văn Nhật Chiêu đã thể hiện lối viết này một cách sâu sắc”, Trần Hoàng Nhân nói.

Ngoài Thời đại Sodom, jelu c còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tiểu luận. Điều này cho thấy, tuy là tác giả mới, anh mong muốn xác định hướng đi lâu dài với văn chương.



Anh Vân

Nguồn: vnexpress.net
Exit mobile version