Đỗ Tiến Bảng-Lấy tên bài thơ số 42, “Chi chi chành chành”, làm tên tập thơ thứ bảy của anh, khi vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, là một cách nhấn vào ‘thông điệp’ của tập thơ . Ấy là, tìm về cảm hứng tuổi bé thơ với trò chơi dân gian, giờ đâu còn khi các miền thôn quê đã ‘đô thị hóa’. Tìm lại ‘tuổi thơ’ bởi các thế hệ trẻ em hiện nay đang sống trong những trò chơi ảo.

Trò chơi xưa vừa chơi vừa hát, mà lời ‘ta thán’ như vận vào kiếp người… “Đổ mắm đổ muối” ra đường/ Lắt lay cơm áo gió sương kiếp người/…Bồi hồi sao đêm trăng ấy. “Sân nhà trăng náu …trăng liềm/ Bạ bè ơi ! Lặng bên thềm một ta/ Đâu rồi…tuổi nụ tuổi hoa/ Nhắm con mắt mở …ù… òa…ngón trăng”. Nhưng có lẽ, từ cái nhìn thơ trẻ này mới dễ phát hiện cái đẹp, những quy luật của tạo hóa, của nhân sinh, tồn tại.

Thấm đẫm hồn quê trong từng thi tứ, lời ca là giọng thơ Tô Thi Vân. Anh yêu những con người, loài vật, cảnh sắc thôn làng , đó là tiếng ‘thao thiết gọi hồn làng quê’. Là “Con ra với mẹ chiều nay” , “Bà nội lần bậu cửa ngác ngơ…”( Đêm ), “Vợ tôi, người gái quê/ …/ Nụ cười nguyên nét quê mùa”( Nhà tôi); nào là ‘trăng’, là ‘gió đồng’, “kìa, cái trăng non diễu cợt/ đã đêm đồng vắng gió từ yêu”( Ngày ); cây sen đầm hóa sinh đã nhận chung số phận với người, “Rồi…sẽ không còn một cuống sen nào nữa/ Mặt đầm nghiêng hẳn những nếp nhăn”, “Này em, chúng mình cũng là một loài sen/ Thơm bốn mùa thầm lặng”( Sen). Nghĩ về mẹ cũng vẫn là “sen”: “Nhớ mẹ con lại tìm đến sen”, “mẹ ơi, có một bông sen/ rõ một bông sen bé nhỏ, dịu dàng/ không nở trong ao, không nở trong mây/ nở trong chiều/ nó đang hướng về nơi có mẹ”( Nơi có mẹ). Cái “bâng khuâng” trước những biến thiên đất trời ở đồng quê thật ấm áp mà cũng ‘cô liêu”: “Trời trở gió …đương nồm đổ bấc/ Nhặt rạ rơm vun lửa ấm chiều/ Thóc nở bông hoa đồng lịm nắng/ Giật mình tối sập bẫy cô liêu”( Bâng khuâng); “chiều rơi đồng vắng sương buông lạnh/ ven đầm dế rục gọi thâm u/ bâng khuâng mùa chuyển sen tàn rũ/ ta độc quyền chầm chậm với thu”( Chiều). Còn có thể nói nhiều và nhiều nữa…

Có bài về ‘bạn’, từ hiện thực khi vào thơ đã ‘cất cánh’: “Chiếu rượu làng ngồi bệt/ Chúng mình như dính vào nhau/ Dính vào tường dính vào chum vào vại/ Chiều đi ngang kẽ giại/ Mặt người mặt mặt nắng lung linh”; những địa danh quê bạn: “Hiệp Hòa”, “Soi Vân”, “bến Vát”, “sông Cầu” của Kinh Bắc , nối liền với kỉ niệm tuổi thơ quê mình , “Chúc Sơn chiều đỏ lựng hồ câu/ Cơn nồm trộm…vườn đào, bạt ngàn hoa tung tóe”. Và cuộc rượu, có cái đòi ‘vô lý’ mà ‘hữu lý’; họ gần như là những ‘Lý Bạch’ thời hiện đại: “Ly rượu mạnh bạn đòi thêm muối bể/ Bảy anh em dìm sặc…mặt trời vàng”. Cuộc rượu ấy có ai say đâu, bởi vẫn tỉnh mà ngẫm suy thế sự; quanh nỗi oan khiên chuyện tượng rồng ‘quặn mình tự cắn vào thân’ ở đền thái sư Lê Văn Thịnh ( Bắc Ninh): “Núi Thiên Thai chất ngất u hoài/ Đá oan nghiệt vẫn quằn quại nỗi đau rồng tự xé” ( Bạn)…

Có bài tả mà rất ‘gợi’, chứng kiến trận mưa, hồi ức bao thân thương; bài “Mưa”. Có đủ những người thân: cha, bà, mẹ, em…Để rồi, ngác ngơ bừng thức: “Sấm rền chớp lóe sáng lòa/ Giật mình, mắt ngấn tỉnh ra…quê người/ Ta như một hạt mưa rơi/ Lạc vào xứ lạ…đầy vơi nỗi niềm”. Thơ mang chất ‘nghĩ suy’ , từ hiện tượng sen “những búp sen, những đài sen, những cánh sen/ vẻ nâu sồng ẩn hiện”, để rồi , như thăng hoa cảm xúc: “Cái đẹp nao lòng hiển lộ/ Quàng vai dìu những bóng gầy/ Chiều bịn rịn từng ngón mềm sướng khói” (Giã mùa).

Đọc tập thơ này, thấy Tô Thi Vân vào độ chín trải nghiệm, sự khái quát triết lý tập trung ở khá nhiều bài, như “Ngày”, “Sen”, “Nắng”, “Nghĩ ở hồ Than Thở”, “Cửa”, “Lặng im ơi”, “Say đèn”, “Tiếng mọt”, “Những con chữ”, “Cây đời”, “Nỗi”, “Tuổi”, “Đường người”,… Xin dừng ở bài “Say đèn”, chuyện ‘những con thiêu thân’, ngọn đèn và nhà thơ. Không gian thơ và trạng huống là “Ta với đêm/ Và một quầng sáng nhỏ/ Trước khi lao vào đèn, các ngươi lao vào ta khốn khổ/ Các ngươi không để ta yên”; sự xuẩn ngốc của ‘đám thiêu thân’ gây khó chịu bối rối cho người, mù quáng lao vào “vòm sáng ‘chết người”. Lời cảm thán sao day dứt “Những con thiêu thân say đèn tội nghiệp/ Rơi đêm/ Có cánh mà làm chi”. “Rơi đêm” – một mô tả đầy chuyển hóa giác quan ! Và lời ‘thán’ chất chứa cảnh tỉnh: “Có cánh …”. Sao vẫn để ‘rơi’ vào đêm tối, mù lòa!? Thơ ca biết cật vấn, nghĩ suy!

Ở bài “Tiếng mọt”, có tứ thơ  “Tiếng mọt nghiến trên nóc nhà/ ở cây hoành hay câu đầu, họng cột/…”, mới đọc tưởng như mình đã gặp đâu đó ( Tiếng mọt kêu cọt kẹt/ Ở chân bàn hay ở cha tôi”- ‘Cha tôi’, Lê Đạt). Nhưng Tô Thi Vân đã khai thác ở khía cạnh khác, sau những mô tả tiếng mọt đục, “ken két…”, “như khoan như khoét đến ung đầu”, nhà thơ cảnh tỉnh, “ngôi nhà” mà ta làm vội để hậu quả nhức nhối đau lòng ! “Ngôi nhà tôi làm vội/ ngôi nhà anh làm vội/ ngôi nhà chung chúng ta làm vội/ tiếng mọt đục đêm ngày nhức nhối”. Văn chương như một ‘thông điệp’ cuộc sống, gợi ra, kêu gọi lương tri!

Đọc thơ vui thú sao, khi bặt gặp những câu , phải dừng lại ‘nhâm nhi’, đến từng chữ; để ‘đồng hành’ cùng Tác giả: “hẹn một mai/ dắt tay nhau…/Con thuyền trăng thơ thới ngọn nguồn”( Là anh em); “Thóc nở bỏng hoa đồng lịm nắng” ( Bâng khuâng); “trăng cứ lội thơm vàng từng đáy chén”, “hoài vàng đổ xuống sông sâu, có còn” ( Ngày đẹp trời); “Sen thưa trăng lạnh đầm đầy/ đêm buông tiếng vạc lạc bầy mù sương/ làng ơi mờ tỏ thân thương/ bờ xôi ruộng mật lên hương bao đời/ Cớ gì chao đảo diều ơi/ từ đâu gió lạc … bạc lời sắt son”, để câu cuối gieo nỗi niềm “không tha hương nhớ cố hương, con tìm…”( Cõi nhớ thương). Lại gợi nhớ câu thơ Nguyễn Bính , “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự viên”!

Nhìn qua, cảm nhận những cảm giác này có nét chung của những nhà ‘thơ mới’, từ những thập niên 30 thế kỷ trước. Nhưng ở họ thường là cảm giác ‘đơn tuyến’ chưa phải là chuyển đổi các giác quan; bởi nhiều khi chỉ tả cái thực chưa chạm đến cái ‘ảo’( “… chiều ngẩn ngơ chiều”-Xuân Diệu; “Chiều lại xuống ở trên lầu cô tịch”- Huy Cận;  “Bật thở dài lành lạnh ý cô đơn”, “Bỗng rùng mình như cảm thấy hơi sương ( Sang thu – Anh Thơ)…Trường hợp thơ của Tô Thi Vân cũng như một số nhà thơ khác, minh chứng cho sự phát triển cảm xúc trong thơ Việt. Không tả mà ‘gợi’, liên kết các hình ảnh ý tứ. Tô Thi Vân vẫn mạnh ở kì công  (có người gọi là ‘kì khu’) dùng chữ: “mặt trời rơi cuối đồng”( Chiều mùa đông), “vỡ giấc làng thăm thẳm”( Tiếng chim lợn), “trưa loay hoay ngày đã cong chiều”( Ngày), “Xin đừng gió làm nhàu mặt sóng”( Sen), “Trời xanh nằng nặc không lời”( Nghĩ ở hồ Than Thở), “trăng cứ lội thơm vàng từng đáy chén”( Ngày đẹp trời), “trắng mây bay vữa giời” (Tuổi). Đúng như “Chân dung nhà thơ Việt đương đại”( số 278 ) của Đỗ  Hoàng, về Anh: “Có ai biết Tô Thi Vân/ Hạt mưa vần vũ gieo vần thi ca”!

Nói về số bài in , đây là tập có ít bài hơn một số tập trước. Lại nữa, trong 53 bài thì có 15 bài thơ ngắn ( 4 dòng và 3 dòng). Những bài thơ 3 dòng đặt ở đầu tập có lẽ là một thử nghiệm của Tô Thi Vân chăng? Nó không phải là kiểu thơ ‘ Haiku’ Nhật Bản. Bởi từng dòng thơ sự vật vẫn liên kết ‘đơn tuyến’. Một bài hơi có ‘dáng dấp’ Haiku, “mây xám trôi/ cánh cò lẻ bạn/ mặt trời rơi cuối đồng”; cũng chỉ có 12 âm tiết ! ( đối chiếu: “Một cành cây trụi lá/ Một con quạ đậu trên cành/ Chiều thu sang” – Bashô, 1644-1694). Mấy bài đều nói ‘chiều’ một cách ‘hiển ngôn’: “hoa đợi chiều nên thơ”( Mi mô sa), “chiều Đà Lạt đang vơi”(Chiều phố núi), “chiều tươi vàng nắng đổ” (Dã Quỳ)…Hãy cứ thử nghiệm, có mất gì đâu, mà chỉ được cho THƠ !

Có những bài ‘triết luận’ thế sự, có phần chưa ‘nhuyễn”: ‘Nghĩ ở hồ Than Thở’, ‘Biển Đông – mùa hè 2014’, ‘Đường người’… Cũng xin được bày tỏ về những dấu câu quá rành rẽ, mạch lạc trong dòng thơ anh; kể cả lối không viết hoa đầu dòng, gần với câu văn xuôi. Người ta gọi dòng thơ mà không gọi câu thơ là thế.

Mừng cho sự bền bỉ một tình yêu và công phu, với thơ ca chữ nghĩa ở Anh. Có thể nói không quá rằng có một ‘phong cách thơ Tô Thi Vân”.

Một người thơ vẫn mãi “thao thiết gọi hồn làng quê’ !

 

Nguồn Văn nghệ số 28/ 2017

 Dương Thanh Minh đăng bài