Báo điện tử Hội Nhà văn Trung Quốc (www.chinawriter.com.cn), ngày 29-12-2011, đưa tin về 10 sự kiện báo chí nổi bật nhất trên thi đàn Trung Quốc năm 2011, do đông đảo bạn đọc báo giấy và cư dân mạng toàn quốc bỏ phiếu bình chọn, bao gồm:

1 – Bài  thơ  “Trung Quốc  đáng  yêu” của nhà thơ Sóng Thần đã đẻ ra “Thể thơ  Sóng  Thần”.

“Trung Quốc đáng yêu”, một bài thơ của nhà thơ Sóng Thần (Hải Tiếu, sinh tháng 7 năm 1973, tại quê hương Long Hồi, tỉnh Hồ Nam, được bình chọn là nhà thơ nổi tiếng của năm 2011), sau khi công bố trên các trang web và blog, đã trở thành một bài thơ ảnh hưởng lớn nhất, lưu truyền rộng nhất, cư dân mạng tự phát làm theo nhiều nhất.

Công thức của câu thơ “… không phải là của tôi, nhưng… là của tôi” trong bài thơ ấy (Ví dụ: Mùa đông không phải là của tôi, nhưng giá rét là của tôi/ Thành thị không phải là của tôi, nhưng chen lấn là của tôi.), được cư dân mạng gọi là “Thể thơ Sóng Thần”, tạo ra phong trào “nhại thơ Sóng Thần” (tương tự như trào lưu “nhại thơ Bút Tre” ở Việt Nam ta – VPT), đồng thời trở thành câu nói cửa miệng thịnh hành nhất năm 2011.

2 – Nhà thơ Thuỵ Điển Tomas Transtromer được Giải Nobel văn học: Tập thể thi nhân Trung Quốc tung hô cuồng nhiệt.

Nhà thơ Thuỵ Điển Tomas Transtromer được Giải Nobel Văn học năm 2011. Nhà văn Trung Quốc Trương Nhất Nhất dự đoán chuẩn xác Transtromer được giải, được phong danh hiệu là “Vua dự đoán”.

Tomas Transtromer sinh năm 1931 tại Thuỵ Điển, năm 1954 công bố tập thơ “17 bài thơ”, gây chấn động thi đàn trong nước và thế giới. Đến nay đã công bố tổng cộng 163 bài thơ, những tác phẩm (ngoài tập thơ “17 bài thơ”) được tập hợp in trong 10 tập thơ “Bí mật giữa đường”, “Nửa bầu trời”, “Âm sắc và dấu chân”, “Nhìn thấy đêm đen”, “Quảng trường dã man”, “Vì người sống và người chết” và “Gondola bi ai”.

Sau khi biết thi nhân Thuỵ Điển được giải, giới thi ca Trung Quốc đua nhau tung hô cuồng nhiệt. Phải chăng vì Transtromer đã hai lần thăm Trung Quốc vào năm 1985 và năm 2001, đồng thời lần lượt được trao “Giải thơ Trung Quốc thế kỷ mới” và “Giải thi ca và thi nhân” do Trung Quốc tổ chức.

3 – Tổ chức Liên hoan Thơ quốc tế hồ Thanh Hải lần thứ ba: Nhà thơ Lithuanian Tomas Venclova được Giải thưởng Thơ Linh dương vàng.

Liên hoan thơ quốc tế hồ Thanh Hải lần thứ ba tổ chức long trọng tại Thanh Hải.

Liên hoan Thơ quốc tế hồ Thanh Hải tổ chức đầu tiên năm 2007 được coi là một trong những Liên hoan thơ quốc tế nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, trước năm 2011 Trung Quốc đã tổ chức thành công hai lần.

Liên hoan thơ này lấy núi sông thần thánh của cao nguyên Thanh Tạng “cực thứ ba” của địa cầu làm toạ độ địa lý, lấy văn minh phương Đông sâu rộng làm nền tảng, lấy cùng tồn tại và giao lưu văn hoá đa nguyên quốc tế làm ngữ cảnh, lấy nghệ thuật thi ca diễm lệ làm ngọn cờ, cho nên nó vừa bắt đầu đã đem lại sự ngạc nhiên cho thế giới…

Trên 200 nhà thơ từ các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cùng nhau chứng kiến Tomas Venclova, nhà thơ nổi tiếng Lithuanian đã được trao “Giải thưởng thơ quốc tế Linh dương vàng”, vinh dự cao nhất tại Liên hoan Thơ quốc tế hồ Thanh Hải lần thứ ba.

Tomas Venclova  74 tuổi là một học giả có thành tựu trác việt, hơn thế nữa ông là một nhà thơ đương đại có tư tưởng sâu sắc, hiện ông là giáo sư Khoa ngôn ngữ Slave Trường Đại học Yale (Mỹ).

4  – “Thể thơ micro” thịnh hành: Microblog trở thành điểm cao thi ca.

“Cuộc thi tiếp sức thơ micro” sáng lập tại “Liên hoan thơ Trung Quốc microblog lần thứ nhất” năm 2011 được hưởng hứng mạnh mẽ.

Cụm từ “thể thơ micro” do nhà thơ 7X Cao Thế Hiện nêu ra đã chính thức bước vào tầm nhìn của công chúng. Đồng thời, còn xuất bản tạp chí thơ “Bước chân của mùa xuân” và tuyển tập “Thơ thể micro năm 2011” hoàn toàn tuyển chọn những thi phẩm công bố trên microbog, đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc từ trước đến nay.

5 – Nhà thơ 8X Tân Dậu không may chết đuối.

Nhà thơ 8X Tân Dậu mất tích sau chuyến thăm Nhật Bản ngày 20 tháng 2 năm 2011. Bỗng phát hiện thấy anh không may bị chết đuối tại Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, vào ngày 7 tháng 3 năm 2011.

Nhà văn – nhà thơ  Tân Dậu, sinh năm 1981, người huyện Thông Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Sinh thời, đã xuất bản hai tập thơ “Khẩu cung”, “Nắng chiều và chuyện khác”, tiểu thuyết “Tự sự”, tập tản văn “Ngôn ngữ của hoa cỏ và tiều phu”, v.v… Đã chủ biên “Toàn tập Thơ 8X Trung Quốc”.

6 – Ngày 22 tháng 10 năm 2011, “Giải thưởng Thơ Quế Quán Trung Quốc” lần thứ nhất, do 6 cơ quan: Ban tổ chức Hội thơ mùa thu Tây Hiệp Trung Quốc, Hội đồng bình xét Giải thưởng thơ Quế Quán Trung Quốc, CLB thi nhân Trung Quốc, Sở Nghiên cứu Thơ Nam Phương, Viện Tư liệu Thơ Hán ngữ Bắc Kinh, Quĩ nghệ thuật đảo Mỹ Lệ phối hợp tổ chức đã cử hành Lễ trao thưởng tại Tây Hiệp, tỉnh Hà Nam.

6 nhà thơ Lạc Phu, Thẩm Hạo Ba, Dư Nỗ, Thụ Tài, Trần Siêu, Hoàng Lễ Hài đã được trao các Hạng mục giải Nhà thơ, Tập thơ, Trường phái thơ, Phiên dịch thơ, Thi học, Vệ sĩ của Giải thưởng Thơ Quế Quán Trung Quốc lần thứ nhất.

7 – Nhà thơ khiếm thị Chu Vân Bồng được trao Giải Thơ của Giải thưởng “Văn học Nhân dân”.

Bằng tác phẩm “Tình yêu không biết nói” do mình sáng tác khi thất tình, nhà thơ khiếm thị ngâm thơ lưu động, ca sĩ dân ca Chu Vân Bồng đã được trao giải thơ của Giải thưởng “Văn học nhân dân”.

Hội đồng bình xét đánh giá về ông: “Là một người khiếm thị, thế giới này đối với Chu Vân Bồng tuy mờ mịt, song ông đi lại tung hoành tự do theo ý mình. Thế giới nội tâm của nhà thơ như trời cao đất rộng, như nước lắng cát, có tấm lòng bao dung khoan hậu, điều này càng đáng được chúng ta tự đáy lòng kính phục ông.”.

8 – Xuất bản sách “Mật mã đồng thau: 10 Tiến sĩ giải mã”

Với ngôn ngữ mênh mang, tráng lệ, với tư tưởng trầm lắng sâu sắc, từ khi được Nhà xuất bản Thế giới mới xuất bản đến nay, bộ sử thi “Đồng thau” của Tạ Trường An, vẫn được đông đảo bạn đọc quan tâm chú ý.

Tháng 8 năm 2011, bộ sách “Mật mã đồng thau: 10 Tiến sĩ giải mã”, do nhà phê bình Trần Siêu chủ biên, do Nhà xuất bản Cửu Châu xuất bản, đã chọn in luận văn nghiên cứu của 10 vị tiẽn sĩ.

Trong cuộc hội thảo về bộ sách “Mật mã đồng thau: 10 tiến sĩ giải mã”, các nhà thơ, nhà phê bình đã tán dương bộ sử thi này của Tạ Trường An. Ảnh hưởng của bộ sử thi “Mật mã đồng thau” đã khẳng định địa vị của Tạ Trường An trên thi đàn Trung Quốc.

9 – Sở Nghiên cứu Thơ mới trường Đại học Bắc Kinh giới thiệu 10 cuốn “Tổng tập Thơ mới Trung Quốc”

Bộ sách “Tổng tập Thơ mới Trung Quốc” do Sở Nghiên cứu Thơ mới Trung Quốc trường Đại học Bắc Kinh tổ chức biên tập và tuyển chọn, do giáo sư Tạ Miện, Khoa Trung văn trường Đại học Bắc Kinh làm Tổng chủ biên, do Nhà xuất bản Văn học nhân dân xuất bản.

Tổng tập thi ca này nhằm mục đích kiểm điểm thành tựu thực sự của 100 năm thơ mới, thể hiện tiến trình lịch sử diễn biến của thơ mới Trung Quốc, đã lựa chọn trên 4.000 bài thơ công bố trong thời gian 1917-2000, cứ 10 năm là một quyển, ngoài ra còn có các quyển “Lý luận” và “Sử liệu”, tổng cộng 10 quyển.

10 – “Thi ma” Lạc Phu định cư Thâm Quyến: Kết thúc trên 60 năm trường phiêu bạt.

Vào năm 2011, nhà thơ Lạc Phu quyết định định cư tại Thâm Quyến.

Nhà thơ Lạc Phu, sinh năm 1928, tại Hoành Dương, tỉnh Hồ Nam.

Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, Lạc Phu giải thích rõ ý tưởng di cư đến Thâm Quyến và nói rõ kinh lịch và lịch trình tâm trạng của mình thực hiện những cuộc “lưu đày” và “hồi hương” của mình.

Lạc Phu nói: Cuộc đời mình đã hai lần “lưu đày”: Lần thứ nhất là năm 1949 từ nội địa đến Đài Loan, đó là vì nguyên nhân chiến tranh; lần thứ hai là năm 1996 từ Đài Loan đến Canada, đó là sự tự giác của thi ý, là sự tự lưu đày của thi nhân. Lần này là thực hiện nguyện vọng “Lá rụng về cội”!.