Hội thảo nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Tove Jansson diễn ra sáng 4/12 tại Hội Nhà văn Việt Nam đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị quanh tác phẩm Mumi.
Mumi là tên gọi chung của các nhân vật chính trong bộ truyện dài (9 tập) và truyện tranh (5 tập) do Tove Jansson (1914 – 2001) sáng tạo nên. Mumi ngày nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa của xứ sở Scandinavia. Tuy nhiên, sự ra đời của nhân vật này lại xuất phát từ một câu chuyện hết sức giản dị.
Từ một nhân vật văn học, Mumi đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa quốc gia của Phần Lan
Hình vẽ Mumi xuất hiện lần đầu tại nhà nghỉ mùa hè của gia đình Tove Jansson vào năm 1923. Tove lúc ấy mới chín tuổi, hay tranh luận với người em trai Per Olov về triết học. Thói quen của hai chị em là viết những câu trích dẫn triết học lên tường. Một lần, người em trai bị chị gái Tove Jansson công kích về một câu trích, và còn vẽ một con vật với hình thù xấu xí nhất mà mình có thể nghĩ ra trên tường để trêu. Đó có thể xem là hình ảnh đầu tiên của Mumi, dù nó rất khác với vẻ mập mạp, ngộ nghĩnh và dễ thương như chúng ta thấy ngày nay.
Trong thời gian học nghệ thuật ở Stockholm (1930 – 1933), Tove Jansson sống ở nhà một người bác họ và có thói quen vào bếp để tìm đồ ăn vào buổi tối. Để hạn chế tật xấu của cô cháu, người bác họ đã dọa Tove rằng có một con “moo-oo-oomintroll” sống trong lò sưởi sẽ phả gió lạnh vào cổ nếu nó bắt gặp ai. Thế là cái tên Mumi ra đời ngẫu nhiên từ đó.
Cả hình vẽ và tên Mumi được kết hợp lần đầu trên giấy vào năm 1939, trong một tranh biếm họa trên báo. Tove Jansson vẽ hai con Mumi trắng với cái mõm dài và ghi tên là “Snork” (Nisku) trên bụng của một con. Từ đó, Jansson thường dùng con vật này như một chữ ký ở bên lề của các tranh vẽ cũng như trang bìa của mình.
Nhân vật của Tove nổi tiếng vào năm 1954, khi bà được Hiệp hội báo chí Anh mời vẽ các cột tranh truyện hài hước cho tờ Tin tối London. Các cột tranh Mumi đã thành công không ngờ, vượt ra khỏi vị trị thứ yếu bên lề tờ báo, mở rộng các câu chuyện, cách bố trí. Trong vòng năm năm làm việc cho Tin tối London, mỗi tuần sáu số, bà đã vẽ và viết lời cho 1645 cột tranh với 21 câu chuyện về Mumi. Các cuốn truyện về Mumi lần lượt được xuất bản. Năm 1950, truyện Chiếc mũ phù thủy được dịch sang tiếng Anh khiến cho tên tuổi Tove Jansson được biết đến rộng rãi hơn.
Tuy vậy lúc này, dù Jansson miệt mài sáng tác, vẽ tranh, minh họa và tham gia nhiều triển lãm chung cũng như riêng, bà không bao giờ có đủ tiền để dành dụm. Vì thế bà phải vẽ thêm bưu thiếp, giấy dán tường Mumi và nhiều loại hình khác có thể bán được, thậm chí bà còn viết các vở diễn Mumi. Nhờ thế, nhân vật Mumi bắt đầu mở rộng thị trường và đến những năm 1960, Mumi được biết đến rộng rãi trên thế giới. Lúc này, tài chính không còn là vấn đề lớn với Tove Jansson.
Tác giả Tove Jansson – người tạo ra nhân vật Mumi từ những hình vẽ nguệch ngoạc và lời dọa của ông bác họ
Các nhân vật Mumi không chỉ được biết đến trong tranh và truyện mà đã đi vào các loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, sân khấu, opera, phim truyền hình, trò chơi… Riêng phim truyền hình, ngoài Phần Lan, Mumi đã được sản xuất ở Đức (1959), Đức – Ba Lan (1977, 1982) và Nhật Bản (1972). Đáng chú ý nhất là bộ phim truyền hình Những câu chuyện ở Thung lũng Mumi do Nhật Bản và Phần Lan hợp tác sản xuất vào năm 1990-1992, gồm 104 tập. Về phim nhựa, cho đến nay đã có hai phim khác nhau về Mumi là: Moomins and the comet chase (2010) và Moomins on the Riviera (2014) .
Năm 1987 bảo tàng Mumi với tên gọi Muumilaakso – Thung lũng Mumi được xây dựng. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày hàng nghìn bản gốc tranh Tove Jansson vẽ trên báo Tin tối London cũng như các bản gốc truyện Mumi, truyện tranh và tranh vẽ khác của Jansson. Năm 1993 một công viên với chủ đề Mumi – Muumimaailma – Thế giới Mumi ở Naantali, cách Helsinki 150km, đã mở cửa đón khách. Năm 2006, Thế giới Mumi được coi là địa chỉ hấp dẫn nhất với khách du lịch ở Phần Lan.
Mumi càng trở nên quen thuộc và được yêu thích hơn ở Phần Lan và thực sự đã trở thành biểu tượng văn hóa của quốc gia. Bất cứ gia đình nào của Phần Lan cũng có một sản phẩm Mumi. Ở Phần Lan, Nhật Bản, London có những cửa hàng chuyên bán các sản phẩm Mumi. Ngoài ra còn có các quán cà phê Mumi, nhà hàng bánh Mumi. Ở Phần Lan, nhân vật Mumi được yêu thích đến mức tại những sự kiện lớn người ta thường hóa trang các nhân vật Mumi để thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo Lam Thu – Vnexpress.net