1. Người Thái là cư dân nông nghiệp. Lễ hội trong vòng 1 năm của người Thái là lễ hội theo lịch nông nghiệp. Mùa xuân là dịp người Thái tổ chức nhiều lễ hội, vui chơi, để chuẩn bị cho 1 năm lao động sản xuất sắp tới. Đó là những lễ hội như: Xên mường (Cúng mường), Xên bản (Cúng bản), Xên hươn (Cúng nhà/ Cúng tổ tiên), Kin chiêng (Tết năm mới), Lễ hội Thằm Bua (Quỳ Châu), Lễ hội Pựn Pang (Quỳ Hợp), Lễ hội Đền Choọng (Quỳ Hợp), Lễ hội Đền chín gian (Quế Phong), Lễ hội mừng tiếng sấm mùa xuân, Lễ hội mừng mùa hoa nở, v.v…
2. “Mường” là đơn vị hành chính cấp trên “bản” trong xã hội Thái. “Mường” có ranh giới, địa vực. Cột mốc “mường” gọi là “lắc mương” thường là cột đá hoặc cột gỗ tốt. Cạnh cột mường (lắc mương) người ta làm đền thờ. Nơi đây hàng năm, hoặc vài năm Chủ Mường thường tổ chức tế lễ (Xên Mường) tổ tiên một lần, dưới sự hành lễ của Mo Mường. Trước 1945, Chủ Mường Mường Quỳ/ Quỳ Châu (cũ) tổ chức tế lễ ở Đền Chín Gian (Tến Cầu Hòng), nay thuộc xã Mường Noọc, huyện Quế Phong. Trước đây việc tế lễ cứ 3 năm 1 lần, tổ chức vào khoảng 20 tháng 8 âm lịch, nay chuyển sang mùa xuân. Chín “mường” Thái mổ 9 trâu vào tế lễ 9 gian đền. [Cũng có thuyết cho rằng 9 họ Thái (cầu họ phạ) là thủy tổ của người Thái thay mặt 9 mường đến cúng]. “Mường gốc” là Mường Tôn (sau là Mường Noọc), cúng ở gian chính. Mo Mường hành lễ, cúng mời tổ tiên dòng họ Chủ Mường (Lo Căm = Lò Vàng) về ăn lễ, phù hộ độ trì cho con cháu…Tiếp sau lễ cúng mường (Xên Mường), các bản – thực chất là các nhánh của dòng họ Lo Căm hoặc các dòng họ ngoài Lo Căm mới được tổ chức lễ cúng bản (Xên Bản) ở dưới bản. Tại đền thờ bản, người ta mổ trâu, mổ lợn cúng tổ tiên, cúng vị thần có công khai mường lập bản, mời các vị đó về hưởng lễ, phù hộ độ trì cho con cháu. Sau đó các nhà cũng mổ lợn, gà vịt, nướng cá, hông xôi, mở rượu cần…làm lễ cúng nhà (Xên Hươn), mời cha mẹ, ông bà về ăn uống, che chở cho con cháu, tránh được ốm đau, bệnh tật, gặp nhiều may mắn, làm ăn no đủ…Khoảng thế kỷ XV, dòng họ Chủ Mường Thái ở Nghệ An là Lo Căm lấy vùng Mường Tôn, rồi Mường Noọc, huyện Quế Phong ngày nay làm trung tâm. Sau đó phát triển xuống vùng Quỳ Châu, Quỳ Hợp ngày nay. Khi Quỳ Hợp có đền Choọng, thì việc cúng mường cũng được tổ chức ở đây. Đền Choọng có 3 gian, dành cho các “mường” ở hạ huyện/ phủ Quỳ Châu (cũ) do người em của Chủ Mường là Cầm Lạn cai quản, tổ chức thờ cúng. Các “mường” Khủn Tinh, Mường Cuông, Mường Quả về đây tế lễ.
Lễ hội Pu Nhả Thầu – Nghệ An (ảnh: Internet)
3. Lễ hội mùa xuân lớn nhất của người Thái là Lễ Kin Chiêng, tức là Tết Nguyên Đán, như các dân tộc khác trên đất nước chúng ta. “Kin Chiêng” có nghĩa là “Ăn Tết tháng giêng”. Trước đây lễ hội này người Thái tổ chức vào ngày 14/7, gọi là “xíp xí bướn chết”, do lịch Thái chậm hơn âm lịch 6 tháng. Nhân dịp Kin Chiêng/ Ăn Tết, người Thái quét dọn nhà cửa, sửa sang bàn thờ, mổ lợn, bắt cá, gói bánh, hông xôi, để thờ cúng tổ tiên. Con gái, con rể đi thăm đằng ngoại, biếu quà, mừng tuổi. Anh em, chú bác đi thăm nhau, ăn Tết với nhau. Bản mường tổ chức ăn uống, vui chơi cộng đồng, như:
3.1. Uống rượu cần (Ky lầu xả)
Lễ Tết của người Thái không thể không có uống rượu cần. Vì đã thờ cúng thì phải có rượu. Và các hình thức vui chơi đều diễn ra xung quanh chum rượu cần. Cho nên việc uống rượu cần diễn ra đầu tiên. Sau khi các mâm cúng đã hoàn tất các nghi lễ thì người ta bưng mâm xuống và được dọn ra ăn tại trận. Người ta bày các phần xôi thịt muối…ra trên mặt lá dong lá chuối và ăn như là cha ông tổ tiên xưa đã ăn. Ăn xong thì quay sang uống rượu cần. Khi chum rượu cần đã cúng xong, tức là ông bà tổ tiên đã uống, bây giờ đến lượt con cháu. Người ta múc nước suối đổ vào chum và những người già cả cao tuổi được uống trước, sau mới đến lớp trung niên rồi thanh niên. Lần thứ nhất người ta uống cốt cho khắp lượt, nên mỗi đợt uống như thế thì thường định lượng là một sừng trâu. Đợt thứ hai tăng lên có thể là hai sừng. Sau đợt này có vẻ đã “no” rượu, nên đợt thứ ba thì thường là tách ra từng đôi một uống thi tốc độ. Người “Chàm” điều khiển cuộc uống rượu chuyển sang cách đong rượu đặc biệt để có thể “đo” chính xác tốc độ của từng cặp uống. Người Thái uống rượu cần rất nghiêm ngặt về luật, trong đó có luật cấm say, cấm càn quấy, nên uống rượu cần rất vui. Người “Chàm” có tài thì bắt đầu hát bài “Mời rượu”. Bài mời rượu này vừa thể hiện được luật lệ vừa thể hiện được chức năng giáo dục, răn dạy như: mời người cao tuổi uống trước, nhắc mọi người uống rượu không được say, hay là nhắc nhở ai chưa có vợ có chồng thì hãy tìm đi…Trong cuộc uống rượu cần người ta cũng có thể trổ tài pha trò, gây cười, kể chuyện tiếu lâm, cốt để mua vui…Sau một hiệp rượu người ta bắt đầu diễn các trò vui xung quanh chum rượu. Đầu tiên là đánh cồng. Dàn cồng chiêng người ta đã bắc sẵn bên cạnh.
3.2. Đánh cồng (Tý cóng)
Người Thái thường nói: “Tí cóng ky lầu”, tức là “Đánh cồng uống rượu”, nghĩa là uống rượu cần thì đi liền với đánh cồng. Cái đó đã trở thành phong tục. Uống rượu cần mà không có đánh cồng thì vẫn nghe thiếu. Một dàn cồng của người Thái có 4 chiếc, gọi là “bộ”. Một bộ cồng 4 chiếc gồm 1 mẹ với 3 con. Mẹ to nhất (cồng 1) rồi đến các con: thứ 2(cồng cáng), thứ 3 (cồng ọt ) và út (cồng 4- cồng là) bé nhất, lần lượt theo các thang âm: rê, sol, la, rế. Dùi đánh làm bằng gỗ tốt, một đầu bọc cục vải để đánh cho êm, núm cồng không bị hỏng; cục vải lại được bọc trong lưới gai đan rất khéo để dùi dùng được lâu (bây giờ thì không được như thế nữa). Có 4 cách đánh:
3.2.1. Cồng bộ:
Đánh cả 4 cồng, theo thứ tự: 1, 3, 2, 4 với nhịp điệu chậm rãi, khoan thai. Đây là cách đánh bình thường thông dụng nhất, dùng để khởi đầu “cuộc” đánh cồng, sau khi mọi người đã uống rượu cần. Nó phù hợp với tâm trạng suy tư, hồi tưởng; vẽ ra cảnh quan bản mường yên bình, tươi đẹp, rất phù hợp với ngày Tết, ngày xuân. Cách đánh này cũng là để phục vụ cho các cụ già múa nhảy.
3.2.2. Cồng hạ:
Người ta chỉ đánh 3 cồng : theo thứ tự 1, 2, 3. Và ngược lại, đánh theo thứ tự 4, 2/ 4, 3. Nhịp điệu vừa phải, nhanh hơn điệu cồng bộ một chút. Tiếng cồng bây giờ gợi lên cảnh bản mường nhộn nhịp hơn, xao xuyến hơn, rộn rã hơn. Đây là cách đánh dành cho những người trung tuổi múa nhảy.
3.2.3. Cồng xoóng:
Chỉ đánh 2 cồng: 2, 3 theo thứ tự: 2, 3. Nhịp điệu bây giờ nhanh hơn, gấp gáp hơn, sôi động hơn. Nó gợi lên cảnh ngày mùa, cảnh trai gái vui chơi nhộn nhịp, cảnh chặt gỗ, xuôi bè, quăng chài…Đây là cách đánh để nam nữ thanh niên múa nhảy.
3.2.4. Cồng liệp nặm:
Đánh cả 4 cồng, theo thứ tự: 4, 4, 3; 4, 4, 2; 4, 4, 3; 4, 4, 2; 4, 4, 1; 4, 4, 2. Nhịp đánh nhanh hơn trước. “Cồng liệp nặm” tức là tiếng cồng “như nước chảy”. Nó gợi lên cảnh thác ghềnh, sông suối, gió thổi, mây bay, cuộc sống nhanh hơn, gấp gáp hơn; tâm trạng rạo rực hơn, phấn khích hơn…Đây là cách đánh để người ta múa hát tập thể, sôi động. Cả 4 cách đánh cồng trên đây thì cần phải có 2 người đánh mới tốt. Tùy theo cách đánh cụ thể mà phân công nhau đánh. Bộ cồng có 4 cái thì mỗi người đánh 2 cái. Đánh điệu 3 cái thì một người đánh 2 cái, một người đánh 1 cái. Đánh điệu 2 cái thì mỗi người đánh 1 cái. Trường hợp cả bộ cồng chỉ có một người đánh thì rất mệt và thường bị lỗi nhịp. Để đánh cồng thì còn cần phải có người đánh trống. Người đánh trống cũng quan trọng không kém. Người này cũng phải thông thạo để có thể đánh nhịp trống cho khớp với nhịp cồng. Phải thông thạo để có thể thay đổi nhịp trống khi bên đánh cồng thay đổi cách đánh như trên đã nói; tức là khả năng “đảo nhịp” cho phù hợp, kịp thời với cồng. Người thạo đánh cồng thì khá nhiều, nhưng thạo đánh trống thì ít, một bản chỉ khoảng vài người. Những người này có khả năng “thẩm âm”, và có phần “bẩm sinh”. Họ xứng đáng được tôn vinh là nghệ nhân của cộng đồng.
3.3. Khắc luống (Tung lòng/ quảnh lòng)
Luống (lòng) là cái máng giã gạo. Để biến nó thành nhạc cụ bộ gõ thì chỉ cần dùng chày để khắc. Cho nên, theo chúng tôi, khắc luống thuộc loại nhạc cụ thô sơ và là một trong những nhạc cụ có sớm nhất. Nó gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của người dân Thái. Chỉ cần có vài ba người cùng giã gạo là đã có thể khắc luống. Khi khắc luống, người ta cầm chày gõ vào thành máng hoặc đâm xuống lòng máng làm phát ra những âm thanh vang, mạnh, dứt khoát hoặc dồn dập, tùy theo cách mà người ta quy định. Số người khắc luống khoảng mỗi bên 3- 4 người mỗi đợt vì nhiều quá thì chật, vướng. Có 3 cách khắc luống:
3.3.1. Tung lòng hội:
Hai dãy người hai bên, đâm chày chéo nhau sang thành máng phía bên trong lòng máng, tạo ra âm thanh “thùng thùng” vang dội. Tiếng khắc như là tiếng lĩnh xướng trong dàn nhạc.
3.3.2. Tung lòng phặt phưm (Khắc luống kiểu dệt vải)
“Phặt phưm” là động tác dệt vải, giật go về phía mình để cho hàng sợi vải sít vào nhau. Muốn cho vải sít thì phải giật mạnh, phát ra tiếng “phựt phựt”. Khắc luống cũng vậy, muốn tiếng vang giòn thì phải cầm chày, gõ vào thành máng bên ngoài đối diện, giật về phía mình một cách liên hồi, tạo ra âm thanh “cách cách” dồn dập, cao trào.
3.3.3. Tung lòng tỏ cảy (Khắc luổng kiểu chọi gà)
Đây là cách khắc luống kết hợp giữa hai dãy người hai bên. Trong khi thực hiện hai kiểu khắc luống trên đây, thỉnh thoảng hai dãy người hai bên máng gạo lại đập đầu chày phía trên với nhau như gà chọi, tạo nên những âm thanh “cốc cốc” giòn giã, nhìn rất vui mắt, rất sinh động. Động tác này là đỉnh cao của sự nhịp nhàng, tinh tế, của nghệ thuật khắc luống, phải là người thành thạo mới thực hiện được. Đó là kiểu/ cách khắc luống. Nếu xét về nhịp điệu khắc luống thì trong lễ hội (như lễ hội ngày Tết, lễ hội hang Bua, hang Pựn Pang, v.v) thì chỉ có 1 loại: Đó là “Tung lòng muổn” (Khắc luống vui). Trong dịp lễ hội như thế người ta chọn hình thức khắc luống cho phù hợp với tâm trạng vui tươi, náo nức, hân hoan của mọi người, nên khắc luống với tiết tấu nhanh, âm thanh rộn rã, vang xa. Nó kích thích, giục giã bước chân của mọi người đến với lễ hội. Còn một loại “Khắc luống buồn” (Tung lòng hại), tiết tấu rời rạc, chậm rãi, thể hiện trong đám tang, ta sẽ không nói tới ở đây. Trong ngày hội như thế này thì khắc luống cũng trở thành trò vui. Người ta thi nhau khắc luống, xem nhóm nào khắc luống hay hơn, đều hơn, thành thục hơn, khắc luống được lâu hơn. Cứ sau một đợt khắc luống, phân ra thắng bại là người ta lại được trận hoan hô vỗ tay vui vẻ. Cũng xin nói thêm, khắc luống thì chỉ phụ nữ chơi được. Đàn ông Thái không giã gạo cho nên không biết khắc luống hoặc khắc luống không hay.
3.4. Nhảy sạp (Tặp xạc)
Nhảy sạp = Tặp xạc, nghĩa là “vỗ chày”. Đây cũng là một trong những nhạc cụ/ hình thức vui chơi văn nghệ cộng đồng sớm nhất của người Thái. Vì truy theo nghĩa gốc của nó thì khởi thủy có thể là trong khi chị em phụ nữ giã gạo, chỉ cần ngả 4 cái chày xuống: 2 cái kê ngang, còn 2 cái dùng để vỗ vào nhau do 2 người cầm 2 đầu, và 1 người nhảy, là thành cuộc vui nhảy sạp. Sau này phát triển lên, người ta đã dùng sào tre thay chày để vỗ cho nhẹ và kêu vui tai hơn. Số người tham gia cũng nhiều hơn. Tiếng vỗ sạp vang lên đều đều “tặp tặp tặp, quác/ tặp tặp tặp, quác”…khiến cho người nhảy càng phấn khích. Điệu nhảy sạp cũng là ưu thế của phụ nữ Thái. Họ nhảy nhẹ nhàng, thanh thoát, uyển chuyển; váy áo, thắt lưng hoa, dải khăn Piêu tung bay; và nhất là tiếng leng keng của dây xà tích, quả táo bạc đeo ngang thắt lưng, càng làm cho người phụ nữ khi nhảy sạp hấp dẫn hơn. Đàn ông, trẻ em cũng có thể tham gia vỗ sạp hoặc vào nhảy. Trong nhảy sạp có sự thi đua giữa những người nhảy và những người ngồi vỗ sạp. Người vỗ sạp ngày càng vỗ nhanh hơn, làm cho tiết tấu gấp gáp hơn, nhưng phải đều nhịp, và làm cho những người nhảy cũng phải nhảy nhanh hơn, nhưng phải chính xác, chứ không thì bị kẹp chân hoặc vấp ngã. Lúc đó những người đứng ngoài vỗ tay rầm rầm, khiến mọi người rất vui, thoải mái. Trong những dịp lễ hội như thế này thì đám nhảy sạp cũng thu hút rất đông người tham gia hoặc xem, cổ vũ.
3.5. Ném còn (Vít con)
Quả Còn được khâu bằng vải, bên trong chứa các hạt bông vải, có các dải vải màu ở 4 góc và 1 cái dây dài đủ để cầm quay và ném. Quả Còn tiếng Thái là Mạc Con. “Con” có nghĩa là “tròn”. Khi chơi, quả Còn được người này ném cho người khác bắt. Cần phải có mặt bằng rộng thì ném Còn mới hay. Trong lễ hội, người ta thi nhau ném Còn lên cao và xa để người phía bên kia bắt. Nếu bắt trượt thì bị phạt, phải đưa cho người phía bên kia một vật gì đó của mình, như là khăn tay, vòng bạc…, những vật này đối với trai gái thì có khi thành “của làm tin”, sau cuộc vui mới được trả lại. Thường thì một bên là nam một bên là nữ, vì vậy mà trò chơi này rất vui. Các chàng trai và các cô gái nhân dịp này mà làm quen với nhau, trao cho nhau “của làm tin”. Trong lễ hội thì các cô gái thường giữ “của làm tin” của các chàng trai, và nó trở thành vật kết nối hai người với nhau sau này. Người Thái có thành ngữ: “Tặp xạc vít con”, tức là “Nhảy sạp ném còn”, đó là những trò chơi không thể thiếu trong lễ hội.
3.6. Kéo co (Lạc xào)
Người Thái cũng nói: “Lạc xào vít con” tức là “Kéo co ném còn”, có nghĩa là trong ngày hội thì dứt khoát phải có kéo co mới vui, mới đúng là ngày hội. Ngày xưa người ta dùng dây song dài hoặc chạc rừng bện để kéo co. Những dây song và chạc rừng này phơi cất trên gác bếp cả năm trời cho bền được lâu. Lúc nào sắp đến ngày hội là người ta đưa xuống ngâm nước cho mềm và dẻo để kéo co. Kéo co trong ngày hội trước hết là để cho vui, nên tất cả mọi người đều có thể tham gia: già trẻ trai gái, bản này với bản khác, nam với nam, nữ với nữ hoặc nam với nữ, nam nữ xen kẽ … Bây giờ thì người ta quan tâm đến thắng thua hơn. Trong kéo co phải có người đánh trống giục thì mới hăng, mới vui nhộn.
3.7. Vật (Pằm cắn)
Vật cũng là trò chơi không thể thiếu trong lễ hội. Đây là môn thể thao thi thố về sức khỏe, sự khéo léo, nhanh nhẹn. Bản nào cũng phải cử ra những đô vật của mình. Họ cởi trần, mặc quần đùi, quấn thêm khố, thể hiện sự vượt trội của bản thân mình, của bản mình, của dòng họ mình trước cộng đồng. Nếu bản nào đưa ra những đô vật lẻo khẻo lèo khèo thì đó chỉ là trò cười cho thiên hạ mà thôi. Nhưng vật trong lễ hội trước hết cũng là để cho vui, nên các đô vật thường “biểu diễn” là chủ yếu. Họ tiến ra sàn đấu trong tiếng trống giục, cúi chào mọi người, hoa chân múa tay, rồi vờn nhau, lựa miếng túm chân hoặc bất thình lình nhấc bổng đối thủ lên, ném xuống, vật ngửa ra…Mọi người xung quanh vỗ tay ầm ầm. Người thắng được nhận phần thưởng gì đó, có thể là một cái bánh chưng hoặc một cái khăn thêu…Có đám vật người lớn và cả đám vật trẻ con, nên lễ hội càng thêm vui.
3.8. Đánh quay (Khiếc xảng)
Trò chơi này dành cho trẻ con. Con quay (Mạc xảng) của trẻ em Thái được đẽo bằng gỗ mềm, dẻo và nặng, như gỗ ổi, cây Cơng…, có phần “cổ” để quấn chạc và phần đít thì nhọn để quay đứng trên đất. Chạc để quấn tốt nhất là loại chạc rừng có tên là Chơ Hấu Pòm. Phải bứt chạc về, ngâm trong nước nóng cho vỏ nó mềm, lột vỏ quăng đi, chỉ dùng phần ruột vừa mềm vừa dẻo. Con quay phải cân xứng thì nó mới quay tốt. Có những con quay có thể “đứng im” khá lâu, khó nhận ra nó đang quay, dường như là một cục đất hay cục đá vậy. Trẻ con thường thi nhau xem của ai quay lâu hơn, đứng im hơn. Nhưng trò chơi được ưa thích nhất vẫn là “đánh quay” (khiếc xảng), tức là phải dùng cái này đánh cái kia cho ngã ra, bật bắn ra xa, phân rõ thắng bại thì mới thỏa mãn. Ngày hội như thế này thì trẻ em thường quây quần để chơi đánh quay, thật khó mà dứt chúng ra được. Đánh quay hấp dẫn trẻ em trai hơn là trẻ em gái.
3.9. Chọi gậy (Chìm nều)
Chọi gậy cũng là trò chơi được người ta ưa thích, nhất là đám con trai. Dùng gậy vót nhọn, đứng xa lao làm sao cho cắm xuống đất chắc chắn, và một người khác dùng gậy của mình để đánh bật cái gậy đó lên, mà gậy của mình lại cắm vững thế chỗ của người khác. Đây quả là một trò chơi khó, cần phải có sức mạnh và sự khéo léo. Khi chơi thì tất cả mọi người phải đứng sang một phía kẻo gậy bắn trúng, nguy hiểm. Trò chơi này phải chọn nơi đất ẩm một tí thì mới cắm gậy được, cho nên người ta thường chơi ở vạt ruộng hoặc bãi cỏ.
3.10. Đánh khăng (Tành tù)
Đánh khăng thì cần phải có gậy đánh khăng và con khăng. Khoét một rãnh đất nhỏ, đặt con khăng xuống, sao cho nó thò một đầu lên; dùng gậy gõ một cái cho con khăng bật lên và đánh vào con khăng cho nó bay đi thật xa. Ở đầu bên kia một người đứng chờ sẵn, thấy con khăng bay đến thì phải chụp bắt lấy. Bắt không được tức là bị thua. Đánh khăng phải chọn chỗ rộng và đây là trò chơi ưa thích của đám con trai hơn là đám con gái.
3.11. Đi cà kheo (Nhảng cống quến)
Cà kheo làm bằng ngọn tre, có ống tre luồn từ trên xuống và nằm ngang trên một mấu mắt, để làm nơi đặt chân. Hai cái ống đặt chân thường là cao ngang với đầu gối thì vừa. Loại tre làm cà kheo tốt nhất là tre Mạy Cày, một loại tre thân nhỏ, dẻo cứng. Khi đi thì hai cái cà kheo đỡ cho hai chân, cho nên người đi cảm thấy thoải mái chứ không có gì là khó. Cà kheo được trẻ con đi trong những ngày mưa, từ nhà này sang nhà khác trong bản. Ngày lễ hội như thế này nó trở thành trò chơi thi nhau đi nhanh mà không ngã.
3.12. Bắn nỏ (Nhinh nà)
Bắn nỏ cũng là môn thể thao được người Thái ưa thích. Nhà nào mà chẳng có nỏ để bắn chim, sóc…Cái nỏ của người Thái làm bằng gỗ tốt, đẽo gọt chạm trổ cẩn thận. Cánh nỏ thường làm bằng loại tre Mạy Cân thân đặc, cứng và dẻo. Tên nỏ vót bằng loại tre Mạy Họp, hơ lửa và uốn thẳng. Ai cũng có thể bắn nỏ, kể cả phụ nữ. Nhưng để bắn nỏ giỏi, trăm phát trăm trúng thì mỗi bản cũng chỉ có 1, 2 người, thậm chí không có ai. Vì thế, dịp lễ hội cũng là nơi để người ta thi thố giữa người này với người khác, bản này với bản khác. Trong lễ hội hang Bua thì con gái cũng bắn nỏ, nhiều cô cũng bắn trúng đích ngon lành, khiến các chàng trai bản càng mê.
3.13. Hát dân ca (Nhuôn, Lăm, Xuối)
Lễ hội Kin Chiêng tập trung đông người ở nhà ông trưởng Đẳm hoặc ở nhà trưởng bản là dịp để các Mó Lăm, Mó Xuối, tức là các nghệ nhân hát dân ca trổ tài phục vụ cộng đồng. Lại thêm các chàng trai từ vùng xa đến chơi, tìm hiểu các cô gái, thế nào cũng thủ sẵn những bài, những ngón để ” phòng thân” những khi bị các cô gái hát giao duyên, tỏ tình. Hát dân ca Nhuôn, Lăm, Xuối thường diễn ra về đêm, tại các gia đình tiếp đón khách phương xa mà khách lưu lại.
Dịp Tết cũng là dịp người ta đi chơi núi, chơi hang, trai gái hẹn hò, hát đối đáp giao duyên… Thằm Bua (Hang Bua) ở mường Chiêng Ngam (Quỳ Châu), hang Pựn Pang ở mường Khủn Tinh (Quỳ Hợp), Thằm Chiếng ở mường Quang (Quế Phong), v.v. là những danh lam thắng cảnh xứ Thái Nghệ An. Trước đây các chàng trai bản ở xa phải lặn lội, cất công đi chơi những hang này hết tháng giêng mới về. Khi về có người còn mang cả vợ (mới lấy được) về theo. Ngày nay lễ hội Thằm Bua, Pựn Pang đã “sân khấu hóa”, và thêm vào một số tiết mục, như: thi ẩm thực, thi người đẹp, đẩy gậy, thi viết chữ Thái, v.v., có cái hay, có cái chưa hay.
4. Ăn Tết xong, người ta chờ sấm ra để tổ chức Lễ hội mừng tiếng sấm mùa xuân. Tiếng sấm báo hiệu một năm mới quay lại theo vòng tuần hoàn của “trời đất”. Tiếng sấm mang mưa đến tưới nhuần đất đai, thúc giục mọi người vào mùa làm ăn mới. Nhà nhà làm mâm cúng, mời tổ tiên về hưởng lễ, uống rượu cần, phù hộ cho con cháu. Người ta treo cồng, đánh chiêng âm vang cả núi rừng. Người ta đánh thức hồn lúa, hồn các loại hạt giống dậy để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Người ta cho các dụng cụ làm ruộng, làm nương, dụng cụ chài lưới, đánh bắt cá, và trâu bò, lợn gà, chó… “ăn bánh”, để “cảm ơn” và động viên. Người ta hứa với tổ tiên, hạt giống, dụng cụ, vật nuôi, rằng năm sau được mùa sẽ làm lễ cúng nhiều hơn. Sau Lễ mừng tiếng sấm mùa xuân, người ta bắt đầu bước vào vụ mùa làm ăn mới. Vào khoảng tháng 4 tháng 5, khi núi rừng đã nở đầy hoa, người Thái thường tổ chức Lễ hội mừng mùa hoa nở. Ở Nghệ An, lễ hội này do Mo Mường chủ trì và gọi là Lễ hội “Xăng khan”. Trung tâm của Lễ hội là một cây hoa do mọi người dựng lên, trang trí bằng hoa thật, hoa giả, chim chóc, ve sầu, v.v. Mo Mường bày mâm lễ, đọc bài cúng, cảm ơn Nữ thần Một ở Mường trời đã phù hộ độ trì, ban cho một năm qua làm ăn thuận lợi, cầu mong năm nay lại mưa thuận gió hòa, may mắn… Ông cầm gươm diễn trò, những người phụ lễ múa hát, đánh cồng đánh chiêng hòa theo, làm các động tác phát nương, cày ruộng, gieo hạt, gặt lúa, săn thú, thậm chí có người đóng vai bụng chửa để mong sinh con đẻ cái. Mọi người ăn uống, múa hát xung quanh cây hoa một cách vui vẻ.
Các lễ hội mùa xuân trên đây của người Thái Nghệ An ngày nay đã có nhiều thay đổi. Có những lễ hội như Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Lễ Hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Pựn Pang và Lễ hội Đền Chọọng (Quỳ Hợp), Lễ hội Đền Vạn (Tương Dương), Lễ hội Pu Nhả Thầu (Kỳ Sơn), v.v. còn giữ được; nhưng cũng có những lễ hội dần mất đi như lễ hội Xăng Khan (Mừng mùa hoa nở), lễ hội Ky Mơng Phạ Họọng (Mừng tiếng sấm mùa xuân), v.v. dần bị mất đi. Có những lễ hội tổ chức rầm rộ theo kiểu “sân khấu hóa” như lễ hội Thằm Bua, Pựn Pang, Đền Chín Gian, v.v.; và có hiện tượng du khách bị chèo kéo mua cái này cái khác; dịch vụ ăn tuống, gửi xe máy đạp, xe máy, ô tô cũng tăng giá vô tội vạ…. Làm sao để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội miền núi theo hướng hiện đại hóa mà vẫn giữ được nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, luôn là một bài toán đối với các cấp chính quyền và tất cả chúng ta.
Nguồn: Vanvn.net