Đôi mắt trẻ thơ lấp lánh những gam màu đồng nội: hoa mua “tím sẫm”, bông lúa “vàng hươm”, đất trời “xanh ngắt”. Và mùa xuân tuổi thơ cũng tắm đẫm sắc màu.
Thơ Phạm Đình Ân giản dị và trong trẻo. Sự giản dị có ở ngôn ngữ thơ. Sự trong trẻo tìm thấy từ cái nhìn về một khoảng trời ấu thơ thánh thiện. Nhưng trong trang viết Phạm Đình Ân là những khám phá mới mẻ, những kiến tạo tinh tế về nhịp điệu tuổi thơ, về Mùa. Hè với “nắng tỏa – rực vàng”, với phượng “bập bùng – thắp lửa”. Thu mang theo thanh âm của đêm hội trăng rằm, kéo cả “sao trời ùa xuống”. Thời gian đi trong bóng lá “cây mùa đông”:
Sau lớp vỏ cứng
Hẹn ước mầm xanh
Lá vàng ủ đất
Nuôi hạt nứt nanh.
(Cây mùa đông)
Để rồi, trong vóc dáng tưởng “gầy khô” ấy, người thơ nhận ra dòng nhựa sống tràn trề, đọc được cả sự “nhẫn nại” của cây:
Cây xanh nhẫn nại
Trải đông gian nan
Ươm màu xanh biếc
Đón chờ xuân sang.
Xuân bừng tỉnh trong tiếng mầm xanh trở mình khe khẽ. Phạm Đình Ân đã lắng nghe. Lắng nghe và cảm nhận. Cái lạnh đến se lòng của mùa đông dường như lùi khuất. Chỉ một bước chân bạo dạn thôi xuân đã về qua ngõ, ngân lên trong mắt trẻ thơ một niềm vui.
Mùa xuân của tuổi thơ trước hết là ríu rít những lời chúc an lành. Bắt được nét duyên ấy trong khoảng trời màu nhiệm, Phạm Đình Ân viết “Mừng tuổi”:
Mừng tuổi ông bà trước:
Sống lâu cùng cháu con
Tựa cây đa trường thọ
Bóng ấm nghìn cái hôn.
Mừng tuổi bố và mẹ:
Tóc dài đen suốt đời
Nếp nhăn buồn lặn mất
Để lại nguyên nụ cười.
Mừng tuổi ông bà và bố mẹ, thấy vẹn nguyên cái hôn ấm áp, thấy trong veo nụ cười. “Danh sách” mừng tuổi còn được trẻ nối dài ra:
Mừng tuổi thầy, cô nữa
Mừng bạn thân đó đây:
Học, làm, chơi mê mải
Rồi ăn ngon, ngủ say.
Nhưng, với sự tinh nghịch và hóm hỉnh, bé thơ nhận thấy phải mừng tuổi chính mình. Mong sao sẽ nhận được nhiều lời khen và mau “lớn phổng” để “vượt thác ghềnh, suối khe”. Trong lời chúc xuân mới dành riêng cho mình là khát vọng khám phá thế giới, là ước mơ chinh phục những “thác ghềnh”.
Lời mừng tuổi càng dễ thương hơn trong một kết thúc bất ngờ:
Mừng tuổi tuốt tuồn tuột
Người người yêu quý ơi
Cả chó mèo, cây cỏ
Chim và mây trên trời.
Phạm Đình Ân gom hết ước vọng “mừng tuổi” của bé vào một từ láy: tuốt tuồn tuột. Vạn vật lung linh sắc màu và rũ bỏ lớp áo mùa đông để reo ca cùng lời chúc xuân thi vị.
Trong cảm nhận của Phạm Đình Ân về mùa và về trẻ thơ, xuân luôn mang đến “cái tốt”, xuân xua đi những ẩm lạnh, ưu phiền:
Bớt đi mùa đông
Bớt nhiều sai sót
Thêm được mùa xuân
Thêm bao cái tốt…
(Cái tốt)
Nào, xin mời nắng xuân
Cười tươi hồng mái ngói
Nào, xin mời gió xuân
Đùa vui lồng lộng thổi.
(Nhà mới)
Mùa xuân đẹp và tràn trề sức sống. Xuân “tiếp sức” cho em, xuân “đứng đầu năm – dìu em lên trước”. Và, vượt qua mọi giới hạn của thời gian, xuân ắp đầy trong lòng trẻ thơ:
Đi suốt đường xuân
Bốn mùa chỉ một
Xuân dẫn đến ngày
Muôn nghìn cái tốt.
Hòa điệu với ý tưởng này là lời ca “Hôm nào cũng tết”. Xuân sang, tết đến, trẻ nô nức đón đợi hình ảnh mình xúng xính trong quần áo mới, níu tay người lớn len khắp mọi ngả đường xuân. Nhưng hơn thế là cảm thức xuân trọn vẹn suốt mọi ngày:
Ai ngày thường mắc lỗi
Tết đến chắc hơi buồn
Ai được khen ngày thường
Thì hôm nào cũng tết.
Ai đẹp trọn mùa xuân
Chơi ngoan và học giỏi
Sẽ hưởng nhiều thuận may
Cả ba mùa còn lại.
(Hôm nào cũng tết)
Phạm Đình Ân khéo léo đặt sau chữ “Tết” một dấu “bằng”: Tết = niềm vui khi được khen. Nhà thơ cũng gài vào tấm thiệp xuân một thông điệp: mùa xuân sẽ còn mãi, niềm vui sẽ còn mãi với những ai “chơi ngoan và học giỏi”. Thấp thoáng trong thơ lấp lánh nụ cười.
Tác giả “Tắc kè hoa” và “Đất đi chơi biển” đã dành cho mùa xuân tuổi thơ một nét phác thảo tinh tế và thú vị. Đi qua miền ấu thơ, Phạm Đình Ân chắt chiu một chút nắng, một chút gió để đổ đầy không gian thơ, để mùa thêm ngọt ngào và ấm áp. Ấm áp hơn trong sự sẻ chia:
Ấm áp nhà có khách
Sướng khổ cùng sẻ san
Tạm tết nghèo ăn ở
Giàu tình thương nhân gian.
Nhiều bé thơ quê lụt
Từ nay còn mẹ cha
Sống giữa lòng thơm thảo
Trong muôn nhà của ta.
(Tết nhà có khách)
Mùa xuân mang đến những dư vị ngọt lành của tình yêu thương. Nắng cũng như hồng hơn, gió cũng như vui hơn giữa vòng tay chở che, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Và trẻ thơ lớn lên bằng những hạt mầm thương yêu ấy, bằng sự bao dung và nâng đỡ của Đất Mẹ, của Mùa.
Trong thơ Phạm Đình Ân có sắc màu của vạn vật, có thanh âm trong trẻo của những “đồng vọng” trẻ thơ. Cảm thức thời gian trở thành niềm ám ảnh khi tìm về miền thơ ấu. Phạm Đình Ân dừng lại với mùa xuân của tuổi thơ và bằng vài nét điểm xuyết đã đem đến một khoảng trời rộng của những khát khao khám phá và chia sẻ.
Hà Quỳnh
Nguồn: eVan.