MÙA RÁC
Truyện ngắn Nguyễn Thu Hà
1.
Khu chợ nhớp nhúa, chiếm trọn con hẻm hẹp và dài hơn nửa cây số. Hai dãy nhà cao thấp, cũ mới so le, lộ cộ quay mặt vào nhau kẹp cái chợ ở giữa. Nhà nào cũng nhỏ, bề ngang chỉ độ ba mét, sâu nhất cũng chỉ chục mét, chỉ để lại phần bếp và chỗ đủ để đám xe máy của gia đình họ còn lại là ngăn cho tiểu thương tứ xứ đến thuê buôn bán. Hẻm nằm ở giữa quận trung tâm thành phố, đến con đường cũng chật thì đương nhiên, chợ phải chật. Hàng hoá bày kín phần lòng nhà đi thuê, tràn ra lòng hẻm để người ta đi chợ chỉ cúi xuống ngay dưới chân là nhặt lên được. Hàng nào cũng lấn ra, vì sợ mặt hàng nhà mình thụt vào so với hàng bên cạnh. Chợ tự phát nên hàng hoá cũng tạp nham chẳng theo quy củ nào cả. Hàng rau ở cạnh hàng vải, hàng thịt chen lẫn hàng thức ăn nấu chín, hàng cá sống ở ngay cạnh hàng quần áo cũ mà người ta gọi là đồ si đa. Hai bên bán hàng đều đua nhau lấn thành ra, lối cho người đi chợ chỉ còn đủ để người ta chen chân cho hai người đi chợ ngược chiều đủ lách qua nhau. Chật như thế nên mọi thứ cứ ứ lại. Và cũng chẳng hiểu từ khi nào, cái chợ nhỏ hẹp và dài đến cuồng chân ấy luôn tồn tại bóng lưng lui cui, lật đật của người hốt rác.
Bô Pha ngồi bệt trên thềm cái sạp quần áo si đa quãng giữa chợ. Nước từ cái khay tôn dộng cá bên cạnh đục lờ, nhơn nhớt, tanh ngòm bắn đầy chân nó. Nó lơ đáng ngó mấy con cá lóc ngộp thở quẫy đùng đùng từng chặp. Lũ cá rô nuôi to bằng bàn tay người lớn ưỡn lườn vàng ươm quẫy liên hồi. Cá hú màu xám trơn chuội, cá điêu hồng màu cam hồng bơi tung tăng trong cái thau tôn gắn mớ vòi sục ô xi nổi bong bóng… Đám vảy và ruột cá cứ đầy dần lên, trôi về cái miệng hố ga chặn bằng cái vỉ nướng cũ ngay sát chân nó. Bà bán cá tay thoăn thoắt đập đầu, cân, lạng vảy, móc ruột trong khi miệng không ngớt tám chuyện với khách hàng đứng sát nhau chờ lấy cá. Thi thoảng, bà ta liếc sang chỗ Bô Pha ngồi rồi dùng con dao nhọn quơ gạt mớ vảy ruột vào chiếc mo hót rác. Máu cá đo đỏ, bắn lên cẳng chân Bô Pha man mát. Nhiều người hiếu kì nhìn nó. Vài người chìa cho nó chiếc bánh cam hay trái chuối nhưng nó chỉ lắc đầu, hai bàn tay dúi vào chiếc nón vải đặt trên đùi. Bà bán cá tía lia nói đỡ:
– Kệ con nhỏ đi mấy dì. Nó không nhận của ai cho đâu. Má con nó dị lắm. Má nó là con Miên khờ hốt rác đó đó. Bầu bì lang thang vầy mà ai cho chi cũng hổng nhận, phải nói bán nó mới chịu mua. Cả ngày má thì canh me hốt rác sạch trơn cái chợ còn con thì ngồi y chỗ này ngắm trời ngắm mây mà hổng đứa nào nói gì, y chang câm vậy đó. Nhưng chiều là mẹ con nó nói chuyện ríu ran. Con nhóc này chút éc mà không có sợ dơ, làm như có gien dạn với rác bẩn y như má nó…
Bô Pha cúi đầu xuống khi nghe tới câu “ ngắm trời ngắm mây”. Bụng nó cãi rằng không phải. Nó sợ dơ lắm chứ, ai hổng sợ những thứ dơ bẩn tanh tưởi bám vô người đâu. Nó cứ ngồi đây quen với nền chợ dơ bẩn, để thứ máu cá tanh kia bắn lên chân là bởi má nó ngày nào cũng thò tay trần bốc hốt rác khắp chợ để kiếm tiền mua đồ ăn cho nó. Nó muốn chịu cảm giác dơ bẩn cùng với má. Nó ngồi đúng chỗ này hàng ngày bởi hàng quần áo si đa là chỗ có cái bậc thềm cao hơn, khô ráo chứ không lúc nào cũng nhầy nhụa nước bẩn đen sì của mấy hàng cá tôm cua ốc xung quanh xả ra. Nhưng lý do lớn hơn là chỉ từ chỗ này, Bô Pha mới có thể nhìn thấy tầng trên cùng của căn nhà rộng lớn ấy, nơi có cây cau đang trổ hoa trong chiếc chậu khổng lồ trên sân thượng. Nóc nhà ấy giờ xa tít, hút cuối cùng con hẻm, xa tít thêm sau mấy tàng cây, trở nên bé xíu nhưng vẫn có thể thấy tầng trên cùng. Cái khoảng sân thượng hồi trước nó hay theo má lên phơi đồ, lau ban thờ Phật có dàn đèn đủ màu rực rỡ sáng chiếu cả ngày lẫn đêm, có những cây hoa thơm ngào ngạt nó phụ má tưới. Người lớn hay nói gì mà sống nơi thiên đường với chết nơi địa ngục. Bô Pha nghĩ, thiên đường chắc chỉ đẹp giống tầng thượng ấy thôi. Nơi ấy khác xa với những ngôi nhà xung quanh, lại càng khác xa góc cái chốt bảo vệ cũ có bốn băng đá mà mẹ con nó được người ta cho giăng mùng ngủ. Góc chợ tối đen, đầy gián và chuột bò lổm ngổm nhưng má lại bảo là thiên đường. Bô Pha muốn cãi má nhưng nó thương má quá nên không bao giờ nói gì. Nó nghĩ, chắc nơi nào làm má khóc thì với má là địa ngục, nơi nào má cười thì nơi đó là thiên đường. Bô Pha chỉ tiếc, ở nơi má bảo là địa ngục ấy có tất cả những gì nó thích. Có cơm dẻo ngon ăn trong chén bát đẹp, có đồ chơi là những vỏ chai nước hoa của bà chủ, những cây bút màu và giấy vở của ông già. Và kẹo, rất là nhiều kẹo của ông chủ cho nó. Nó nhớ nhất là những thỏi kẹo sô cô la hình chai rượu nhỏ xíu, bọc giấy bạc giống y như những chai rượu ông chủ bày trong tủ kính, khi cắn ra có rượu thật cay cay trong miệng. Nơi ấy cũng thơm nữa. Bà chủ thơm mùi nước hoa đắt tiền, mùi son phấn. Giường nệm của má con nó trong cái phòng bé xíu thơm mùi nước xả vải. Phòng bếp thơm mùi thức ăn. Phòng của ông chủ già thơm mùi thuốc Bắc. Trên người ông chủ trẻ thơm mùi khói điếu thuốc dài thoòng to bằng cả ngón tay người lớn trộn lẫn mùi rượu Tây và mùi trầm xông phòng. Thứ mùi ấy nhiều lần nó phát hiện đậm đặc trên ngực má khi bị thức giấc giữa đêm bởi vòng tay má ôm siết và nước mắt má âm ấm trên trán…
Có tiếng xôn xao rồi người ta hô lớn kêu xe cấp cứu. Bô Pha nhìn theo hướng ấy rồi bật dậy lao nhanh theo hướng tiếng la. Má nó đang nằm vật trên nền chợ, lưng áo đã lấm thứ nước lờ lờ đen từ nền đất ẩm ướt tanh tưởi, quằn quại trong cơn đau trở dạ. Giữa hai chân má, nước chảy ra ướt sũng cái quần thun màu cứt ngựa. Ai đó mang tới cho má nó cái áo khoác cũ, rồi họ nâng má dậy choàng cái áo qua vai má. Hai người đàn ông khênh kè má ra phía đầu hẻm đường lớn. Những tờ tiền mấy bà mấy chú bán hàng giúi nhanh vào túi chiếc áo khoác, vào tay nó cũng lật đật như người ta nửa bưng, nửa kéo má đi ra chỗ chiếc xe cấp cứu vừa trờ đến. Bà bán cá te te chạy theo Bô Pha, tay xách chiếc làn màu xanh của má nhét vào tay nó, hổn hển:
– Đồ đi đẻ của má bay nè. Nhớ giữ chắc rồi đến bệnh viện đưa cho người ta lo cho má nhen. Bịch bánh này để con ăn chống đói ha. Tau biết ngay nay má bay thế nào cũng đẻ rơi tới nơi mà. Chỉ bởi cái tội cãi bướng đòi làm cho cố hà. Thôi ra xe lẹ!
Bô Pha chỉ gật. Nó rối quá, chỉ sợ cái xe chở má đi mất nên chạy quíu chân, té dúi dụi. Chiếc bình sữa em bé, mớ áo sơ sinh và cái bóp nhựa của má văng ra, người ta nhặt giúp nhét lại rồi bế thốc cả nó lẫn chiếc làn đưa lên cái xe đang nhớm chạy. Tiếng xôn xao lõm bõm lọt vô tai nó:
– Tội nghiệp hai má con con nhỏ. Má nó ngây dại mà con bé mới năm sáu tuổi đầu.. Không biết thằng khốn nạn nào táng tận lương tâm mà hiếp đáp nó tới mang bầu như vậy…
2.
Bệnh viện to ngất. Họ đẩy má trên cái giường có bánh xe thẳng vô chỗ hai cánh cửa phát ra tiếng ì ì tự chạy mở ra đóng vào thiệt lạ. Cô áo xanh đem giấy bút ra ngồi cạnh Bô Pha, xoa đầu nó rồi hỏi:
– Con tên gì?
– Bô Pha. Tiếng Việt là tên Hoa đó. Cô ghi là Châu Bô Pha đi. Con sắp bảy tuổi.
– Còn má con?
– Châu Đa Ra. Là tên Tú đó. Tên má lấp lánh như ông sao trên trời đó.
– Tên đẹp mà lạ quá hen? Không phải người Kinh ha con?
– Người Miên.
– Má con quê ở đâu?
– Hổng biết. Má nói quê ông ngoại ở Sóc Trăng còn bà ngoại ở An Giang. Bà ngoại sinh má ở An Giang nên má quê An Giang, nhưng má sinh Bô Pha ở Sài Gòn thì má sẽ quê Sài Gòn giống Bô Pha.
Cô y tá mỉm cười, lặng im ghi chép vô tờ giấy một hồi rồi bỏ đi. Cái cửa nuốt má vô trong mãi không mở ra nên Bô Pha gạt dép, cho hẳn chân lên ghế. Nó thấy đói nên mở bịch ni lông lấy bánh ra ăn. Chiếc bánh mì nguội dai nhách, bên trong có chả cá và cả chả lụa, còn có cả con cá nục hộp sốt cà nữa. Chắc đây là bánh của nhà cô bán heo quay làm riêng cho nó. Có lần, nó mang tờ tiền năm ngàn màu xanh má đưa ra mua bánh mì, cô đó hỏi nó muốn ăn những thứ nào, rồi bán y chang như vầy. Đói, Bô Pha nhai nuốt vội nên mắc nghẹn. Khi nó đang ho thì chai nước hiện ra mờ mờ trước đôi mắt giàn giụa nước. Bàn tay cầm chai nước ấy quen quá. Những móng tay đỏ bầm đeo những chiếc nhẫn lấp lánh như mấy ông sao trên trời. Bô Pha giật mình, thò vội hai chân xuống thọc vào dép. Bà chủ từng cấm nó không được cho chân lên ghế. Nó nhớ việc ấy bằng trận đòn tưởng vẫn còn nghe đau rát, sưng vù nơi bắp vế.
– Thưa bà chủ.
– Mẹ mày đâu?
– Trong trỏng ạ!
Miếng bánh vẫn nghẹn ở khoang miệng. Bô Pha rụt rè cầm chai nước, xoáy nắp rồi uống. Người bà chủ vẫn thơm như trong trí nhớ của Bô Pha. Chỉ có mặt bà thì hơi khác. Bô Pha lén lút đưa mắt nhìn khuôn mặt nó từng sợ hãi nhất khi ở trong ngôi nhà ấy. Dưới mắt bà chủ, có vết quầng thâm thâm và da mặt bà chảy sệ chứ không căng như trước đây. Cái miệng luôn tô son đỏ giờ mím chặt lại khiến vết hằn cạnh mép bà ta sâu hẳn. Nhìn còn sợ hơn hồi trước.
– Má mày có kể chuyện gì không? Về em mày trong bụng nó ấy?
– Dạ không.
– Từ đó giờ má con mày ở luôn trong khu chợ đó hả? Có ở với ai nữa không?
– Dạ không.
– Rồi có thấy người nhà má mày tới tìm không?
– Dạ không.
Dường như bực với tiếng “ dạ, không” của nó, bà ta đứng lên đi đi lại lại trên hành lang. Tiếng đế giày phát ra âm thanh cộp cộp liên hồi làm Bô Pha thấy tim mình đập nhanh dần. Hồi đó, hồi mà bụng má chỉ hơi cưng cứng, má hay ói và hay ăn vụng cam chanh thì một đêm, sau hồi tiếng giày cộp cộp như thế, má con nó bị bà ta đuổi ra khỏi nhà với mỗi cái túi ni lông đựng vài bộ quần áo. Chỉ cần nghe tiếng cộp cộp đó, Bô Pha sẽ nhớ ngay tới đôi mắt vằn đỏ hoang dại, khoé miệng hằn hai rãnh nhăn sâu và tiếng rít trong cổ họng bà ta. Tiếng rít bị ngăn bớt bởi hai hàm răng nghiến chặt, cặp môi nghiến lấy nhau thành một vệt đỏ mỏng. Tiếng rít nghe nguy hiểm giống con rắn đang bò ngóc đầu lên mổ..
2.
Em trai của Bô Pha có màu da vàng xỉn rất kì lạ. Má từng bảo, Bô Pha giống cha nên màu da y hạt cơm gạo lứt đỏ. Da má thì giống màu ly cà phê sữa của ông chủ. Bô Pha không biết cha em là ai. Đôi mắt em cũng to và lông mi cong vút, dày và dài đẹp y như mắt Bô Pha. Nghĩa là mắt nó cũng giống mắt má. Nhưng da nó kì lạ quá, giống màu vàng mà không phải màu vàng. Mũi em nhỏ xíu, cao cao chứ lỗ mũi không nở phập phồng như mũi Bô Pha. Mặt em cũng thế, thon thỏn chứ không tròn như mặt trăng giống mặt của má. Bô Pha hay ngắm em lúc ngủ, nó nằm nghiêng đầu sang một bên, cả khuôn mặt nhìn xa lạ với cái trán trọc lóc không có xíu tóc nào. Nhưng sao nhìn lâu, nó cũng có nét quen quen mà Bô Pha chịu, không biết cái nét quen ấy từ đâu ra cả.
Người ta chuyển má vô căn phòng riêng với mấy người đàn bà cũng đẻ em bé khác, còn cho Bô Pha chiếc giường vải để nó kê nằm cạnh giường má. Lúc xách bình thuỷ đi lấy nước sôi ở hành lang, nó nghe mấy người bên chợ ghé thăm. Họ mang cho má con Bô Pha ít đồ ăn nhưng bị người của bệnh viện từ chối, nói đã có mạnh thường quân lo hết, từ giờ không nên vào thăm nữa. À thì ra bà chủ là mạnh thường quân. Ai cũng mừng cho má con nó có người tốt cưu mang. Chẳng ai nhận ra, bộ quần áo cũ bà chủ mang đến đã ngắn cũn và hơi chật trên người Bô Pha. Bộ quần áo nó để trên sân thượng không kịp lấy mang đi khi má con nó bị bà ta tống ra đường gần tám tháng trước.
Má không bế em hay cho em bú giống mấy người sinh em bé nằm ở những căn phòng bên cạnh. Má sợ em, cứ co ro rúc người vào đầu giường sát tường, thi thoảng má liếc nhìn em một cái rồi vội vàng quay mặt đi. Bô Pha thấy lạ lắm. Bà chủ ở luôn trong phòng bệnh. Bà ấy không la quát gì má, chỉ dặn Bô Pha canh má không cho má đi đâu mỗi lúc bà ta có việc ra ngoài. Bô Pha thấy lạ lắm. Dường như bà chủ muốn má chăm sóc em nhưng bà càng chỉ bảo má thì má càng sợ em hơn. Bô Pha sợ lắm. Mỗi lúc má cứ rúc đầu vào đầu gối là mắt bà ta long lên, hai bàn tay bà ta nắm chặt đến nổi gân, má bà ta bạnh ra vì hai hàm răng nghiến chặt. Cô điều dưỡng bảo, má bệnh nặng hơn sau khi sinh em, cần được chăm sóc an ủi để tinh thần má dịu lại kẻo động kinh co giật là má có thể chết. Họ cho má uống rất nhiều thuốc. Mỗi lần má uống xong một lúc là má nằm xuống ngủ, mặc em khóc ngằn ngặt bên cạnh. Bà chủ pha sữa cho em bú nhưng nó cứ khóc, không chịu ngậm cái ti bình. Có khi, bà chủ vạch vú má ra rồi nâng em ghé vô đó cho nó bú. Vú má căng cứng, nổi gân máu xanh mờ mờ. Em bú chùn chụt, có khi bị sặc nhả ra là từ đầu vú má, sữa trắng phun ra như tia nước ở đầu vòi hoa sen. Có khi em đang bú, má chợt thức dậy đẩy em ra rồi ôm vú thụt lại phía góc giường. Bô Pha vừa thương má, vừa rất sợ hãi khi em khóc và bà chủ thì tức điên lên, đế giày lại cộp cộp trong phòng.
Bác sĩ bắt má ở đủ mười ngày trong viện để theo dõi tâm thần dù bà chủ xin đưa má về nhà sớm. Từ khi có em, má không nói tiếng nào. Chỉ khi bà chủ đi ra ngoài và em ngủ yên, má mới ôm Bô Pha và âm ư hát. Bô Pha không hiểu lời bài hát ấy nhưng ngay từ lúc bé tí, má đã hát như thế lúc ôm Bô Pha ngủ. Có lần má bảo đó là bài hát hồi xưa má tập hát chờ ngày đám cưới. Ngày đó cha Bô Pha sẽ múa mở rào, rồi cha và má sẽ ngồi cho người ra rắc hoa của sáu cây cau lên người, rồi người ta sẽ buộc chỉ đỏ ở cổ tay cha và má… Mỗi lần má âm ư hát xong thì bao giờ má cũng khóc và ngủ vùi rất lâu. Sau này, qua nhiều lần bà chủ chửi mắng má, Bô Pha biết được má cứ nửa mê nửa tỉnh, nửa điên dại, nửa đáng yêu như thế là do cha mất tích trong ngày cưới. Má ngồi trên chiếu cưới, chờ cha suốt ba ngày rồi người ta gỡ rào tre chặn cổng, báo tin cha chết mất xác khi theo ghe hút cát. Má bảo, cha đi chuyến ấy để gom đủ tiền bên nhà gái thách cưới. Chiếc vòng tay và cái kiềng cổ vàng y người ta đã làm xong chỉ chờ cha tới lấy đúng ngày lễ Apia pị pia. Bạn bè cha đã tết giúp ba chùm dây cau với chỉ trắng, chùm cột hai tư miếng trầu cau tạ ơn nuôi dưỡng, chùm cột mười hai miếng trầu cau tạ ơn mẹ, chùm cột sáu miếng cau trầu tạ ơn anh chị. Chiếc khăn cưới sợi vàng má đem theo đi tìm cha, lấp lánh dưới đèn thờ trên sân thượng, dưới gốc cau mỗi đêm trăng rằm má lấy ra ấp vô ngực rồi quấn lên đầu…
Bô Pha đã hiểu mất tích và chết là như thế nào. Những ngày ở cùng nhà chủ, bắt gặp tin tức trên ti vi về người mất tích, về tai nạn và ông chủ già đã giải thích cho Bô Pha hiểu. Ông ta kể cha đã bị cuốn đi dưới đáy sông, do cái đế trụ ghim vòi hút bị văng ra và cái vòi bật văng hất tung cha nó xuống lòng con sông đầy xoáy ngầm. Người cha nó chưa tùng biết mặt, má nó cũng không có cái ảnh nào mang theo người nhưng ông già đó lại có ảnh và hồ sơ thông tin. Nó lờ mờ hiểu rằng cha nó làm thuê cho ông già ấy, khi cha chết mất xác chính ông ta đã về quê cha bồi thường mớ tiền rồi từ đó má mới lần theo thông tin mà đi tìm cha. Ông ta thường xoa đầu Bô Pha và bảo nó giống má nên chắc sau này sẽ đẹp lắm. Ông ta không nỡ để má mất chồng mà lại mang Bô Pha trong bụng đi lang thang kiếm cha cho Bô Pha nên giữ má ở lại làm con cháu trong nhà. Má đẻ Bô Pha rồi phát bệnh lúc nhớ lúc quên, nửa mơ nửa thực nên má vẫn tin cha còn sống đâu đó. Má bằng lòng ở yên trong nhà ông chủ già chờ cha xuất hiện. Lâu dần, má quên nhiều hơn nhớ, má cứ như cái bóng làm việc suốt ngày lầm lũi trong ngôi nhà đó, quên cả quê quán gia đình mình. Năm Bô Pha có trí nhớ, biết uốn ngón tay và bàn tay theo điệu Lăm Leo má dạy, nhà ngoại Bô Pha từng đến kiếm má về. Má kiên quyết không về. Má la khóc kết tội tại nhà ngoại đòi lễ lớn khiến cha phải đi kiếm tiền biệt xứ. Má không cho bà ngoại rờ vô Bô Pha, rằng Bô Pha là con của cha nên không ai được bắt đi khỏi má. Từ ngày ấy, Bô Pha không còn gặp lại họ hàng nữa. Má cũng ít nói hẳn. Má hay vô phòng ông chủ già hơn để năn nỉ ông ấy cho xem ảnh cha..
3.
Thằng bé khóc suốt. Ông chủ già bảo nó khóc dạ đề giống ông chủ trẻ hồi bé. Ông chủ trẻ thì suốt ngày ngồi trong phòng riêng. Khi nào cần ra khỏi phòng thì đeo tai nghe để khỏi nghe tiếng khóc của nó. Từ ngày má và em trai Bô Pha về lại nhà, ông chủ già hay tủm tỉm cười, còn hay ngắm thằng bé ra chiều vui lắm, y như lúc ông đi đánh bạc thắng về vậy. Chỉ có bà chủ là ngày một nom khắc nghiệt hơn. Má về lại nhà chủ, được ông chủ già cho coi ảnh cha nên má lơ lơ y như xưa. Má quên hẳn chuyện mình đẻ ra em và lại xăm xắn làm việc nhà y như trước đây. Bà chủ dành cho em căn phòng trẻ con ngay cạnh phòng ngủ của vợ chồng bà. Tự tay bà chăm em của Bô Pha, mặc cho ông chủ cau có khó chịu. Vú má căng sữa nhưng má vẫn sợ em, cứ đẩy ra và trốn biến mỗi khi bà chủ bồng em tìm má cho em bú. Chỉ đến đêm tối, khi má đau không chịu nổi nữa, má mới đồng ý cho bà chủ hút sữa từ hai bầu vú cứng ngắc, đỏ hồng lấy ra cả chai sữa to rồi má lăn ra ngủ ngon lành. Bà chủ đem sữa má cất vô tủ lạnh, đến khi em đói thì cho ra bình hâm nóng cho em bú. Bà chủ im lặng khác lạ, cứ chăm em một cách chu đáo khác hẳn với việc trước đây bà ấy không đụng một ngón tay vô việc nhà. Bô Pha thấy sợ bà chủ hơn cả hồi trước khi bà ấy đuổi hai má con ra đường vì sự im lặng và ánh mắt tối thẫm của bà ta lúc nhìn má. Trước đây, khi má thẫn thờ quên việc, bà ta thường xáng một cú lên đầu khiến má tỉnh ra, quay trở về công việc đang làm dở. Hoặc mỗi khi má khóc thầm trong bếp, hay nửa đêm má đi lang thang tìm lối ra trong căn nhà mênh mông bốn tầng lầu với gần hai chục phòng đầy đồ đạc, bà ta thường quát tên má là má giật mình oà khóc. Chỉ một vài cái tát hoặc cú đấm là má len lét về đúng vị trí mà người ta gọi là con ở. Giờ thì bà ta không đánh má nữa, nhưng làm như má hiểu rõ, ánh nhìn của bà ta còn nguy hiểm hơn cả việc đánh đòn.
Bữa nay người ta đến cúng đầy tháng cho em. Từ sáng, họ mang đến hai thùng xôi gấc và chè đậu, hương hoa, nhang đèn. Ông chủ già bỏ cữ nhảy đầm buổi sáng. Ông ta tự tay bới xôi múc chè ra bát, bày ra cái bàn tròn rộng rồi đốt nhang cắm vô khe nải chuối. Ông chủ già bảo má thay đồ đẹp, thay cả đồ cho Bô Pha và nhắc bà chủ trẻ bôi son lên trán em. Họ đem em ra đặt nằm trước cái bàn cúng. Khi mọi thứ đã đầy đủ, ông chủ già kêu ông chủ xuống thắp nhang nhưng ông chủ coi như không nghe thấy. Bà chủ run run cắm nhang vô cuống nải chuối rồi ngồi ghé xuống kế bên má. Má run rẩy nhích né sang bên. Đưa tay gỡ cái khăn vàng lấp lánh quấn lên đầu, phủ che cả mặt như má sợ bà chủ sẽ đánh má vậy. Ông già khấn vái lầm rầm, suýt suýt hơi qua kẽ răng và rạp người xuống lạy trước mấm xôi chè, rượu thịt. Bô Pha thấy lạ lắm. Ngày trước cả nhà họ lạnh lùng và xa cách, chẳng biết sao bây giờ họ quan tâm em trai Bô Pha đến thế. Thậm chí cách họ đối xử với má và Bô Pha cũng khang khác, kì kì.
Bô Pha đang ăn đến đĩa xôi và chén chè đậu trắng cốt dừa thứ hai thì nghe thấy tiếng động lớn trong phòng ông già. Bà chủ hớt hải chạy sang, mở toang cửa rồi rú lên khiếp hãi. Ông chủ già tay đang cầm cây gậy đánh golf có đầu tròn giống hình cái vá múc canh còn ông chủ thì quỳ gục trên nền nhà. Máu từ đầu ông chủ nhỏ giọt xuống thảm, phun cả lên cạnh bàn ghế. Tiếng ông chủ già gầm gừ lặp đi lặp lại:
– Mày dám cãi tao à? Tài sản bao năm tao lao tâm khổ tứ làm ra mày định phá tán vào mấy trò hút chích, bài bạc của mày à? Loại phế phẩm như mày còn rước thêm thứ phế phẩm vô sinh vô căn nhà này. Nếu không nể má mày lúc chết ép tao hứa thì thứ vô dụng như mày tao quẳng ra đường lâu rồi. Lũ rác rưởi ăn bám…
– Ông giết tôi luôn đi! Có gan giết luôn đi! Nhưng ông bắt tôi nhận con ông làm con tôi, nuôi nấng nó thì khốn nạn thân tôi lắm. Tôi chịu. Hay để tôi đi rao với thiên hạ ông làm con khùng có bầu?
– Câm mồm! Mày già mồm ư? Mày chối mày không chơi nó ư? những đêm con vợ mày đi hoang vũ trường, bồ bịch bên ngoài mày chơi thuốc rồi đổ ở đâu? Thằng mất dạy!..
– Cả ông và tôi đều biết tôi vô sinh do di chứng quai bị từ bé cơ mà! Cái ngày mà ông bỏ bê má con tôi dưới quê, ông mê mải ăn chơi trác táng, mua quan bán chức, mánh mung phè phỡn thì má tôi chịu cực khổ kiếm sống, còn thay ông chăm sóc ông bà nội đến khi họ chết rồi ông mới đem má lên đây. Thực lòng ông thương yêu gì má con tôi. Tài sản của ông tôi phải tiêu bù những ngày tôi khổ cực, xài phần má tôi tới chết cũng không được ông quan tâm chứ. Ha ha ha…
Tiếng cây gậy golf đập xuống sàn, xuống lưng ông chủ nghe cốp cốp, bịch bịch. Bà chủ đứng chết trân ở cửa phòng rồi gào lên. Tiếng gào của bà ta lanh lảnh như que sắt xuyên vào tai Bô Pha:
– Khốn nạn! Tôi tưởng đấy là con của chồng tôi nên tôi đem rước nó về chăm bẵm, để không lạc dòng giống nhà này ra ngoài. Hoá ra các người lừa tôi, đổ tội vô sinh cho mình tôi để xài xể, ràng buộc tôi, khiến tôi phải thấy tội lỗi với các người. Lũ khốn! các người mới chính là thứ rác rưởi bẩn thỉu nhất!
Cả căn nhà lặng phắc sau khi bà chủ đùng đùng lên phòng đóng rầm cửa. ông chủ già loạng choạng ngồi phịch xuống chiếc ghế bành. Cây gậy golf bị ông ta ném vô tủ kính bày rượu kêu choang rồi kính vỡ rơi xuống kêu loảng xoảng. Ông chủ trẻ loay hoay đứng dậy, tay bưng đầu máu vẫn phun đẫm mặt, tay lần tường trở về phòng riêng…
Bô Pha chạy lên sân thượng kiếm má. Dưới cây cau kiểng đang đong đưa hai chùm hoa mới trổ, má đội chiếc khăn cưới màu vàng lấp lánh. Má đang múa điệu Lăm Leo mà không cần nhạc. Bàn tay má gập vuông với cổ tay, bàn chân uốn cong ngón nhấc lên đặt xuống nhịp nhàng với từng động tác đưa vuốt tay lên xuống. Cổ má thẳng, đầu má nghiêng từng bên khi mắt má đăm đăm về phương vô định. Những ngón tay xoè cong như những tua hoa cau rũ xuống, phất lên nhịp nhàng. Nhìn má như một người khác, xinh đẹp, tươi tắn đầy hạnh phúc. Bô Pha tự dưng thấy mắt mình cay xè dù nó không khóc. Nó không hiẻu sao mắt nó cay thế, rồi ngực nó nghẹn lại bật lên tiếng nấc. Má nó tội nghiệp quá. Cha chết rồi ai cũng biết. Vậy mà má cứ dừng lại ở ngày cưới đợi cha. Má bị chính người làm cho cha chết oan hiếp đáp. Bô Pha chợt hiểu, tại sao má lại sợ em như thế.
Bô Pha dắt má băng qua phòng khách lạnh tanh, chỏng chơ chiếc bàn với hai dãy chén dĩa đựng xôi chè còn y nguyên bước ra đường. Má ôm khư khư chùm hoa cau Bô Pha đã bắc ghế vặt xuống. Cây cau trụi hoa thì má sẽ không còn luyến tiếc cái sân thượng ấy nữa. Tay Bô Pha ôm siết chiếc túi vải đựng ví tiền, quần áo của hai má con. Dưới đáy chiếc túi ấy là xấp hồ sơ có hai tấm ảnh của cha. Một tấm nhỏ xíu dán chắc vào tờ giấy ghi đầy chữ, một tấm lớn hơn hình cha và má đứng cạnh nhau. Chắc đó cũng là tấm hình duy nhất của hai người cha mang theo, để dưới gối để mỗi đêm đem ra ngắm. Tiếng em khóc vang không ai dỗ vẳng từ trên tầng xuống. Má bước líu ríu như chạy trốn. Bô Pha chỉ thấy cay mắt hơn. Cay tới nỗi nước mắt chảy ứ lên làm nhoè không thấy rõ đường. Nó đưa tay quẹt nước mắt, dắt tay má chạy về phía con hẻm xa xa tít phía cuối đường. Con hẻm nhầy nhụa có khu chợ sáng nào cũng đông đúc và tối nào cũng hôi hám, lợm cợm gián và chuột. Nó nhớ tới lời má từng nói, nhà đó như địa ngục, chợ chồm hổm lại như thiên đường. Hình như, dù không cắt nghĩa được rõ ràng nhưng nó thấy má nói đúng. Họ bảo má nó điên hay khùng, lơ lơ, dở người nhưng nó thì nghĩ khác. Má còn tỉnh táo và tốt lành hơn những kẻ trong ngôi nhà kia.
4.
Họ xúm lại chỗ tập kết rác ở ngã ba giữa khu chợ. Nơi ấy lúc nào cũng có ba đến bốn thùng rác cao có bánh xe đẩy để sẵn để tiểu thương bỏ rác sau mỗi buổi chợ. Trong một thùng rác lưng lửng rác vụn người ta hót trên nền chợ cuối buổi chiều qua, có một cái túi khá to. Cái túi dù tráng ni lông nhưng sang trọng của nhãn hàng nhập khẩu xa xỉ thường dùng để biếu quà Tết. Trong chiếc túi ấy, tiếng khóc của một đứa trẻ ngằn ngặt như hờn, lại thổn thức yếu đuối như bị đau lắm, đói lắm phát ra lúc to lúc nhỏ. Họ xôn xao thắc mắc, chửi rủa quân khốn nạn nào làm cha mẹ mà đem bỏ con như vất rác bẩn vậy. Bô Pha thấy má nắm cái chổi đứng chết trân. Rồi má cầm cây chổi đi như chạy tránh xa cái thùng rác phát ra tiếng khóc.
Bà bán cá là người đầu tiên gạt đám đông hiếu kì xúm quanh xe rác ra. Bà ấy cầm quai túi nhấc cao lên rồi cứ thế chạy vô sạp quần áo si đa, quơ mớ đồ cũ cô chủ hàng vun đống cho khách lựa đẩy về góc sạp rồi đặt chiếc túi lên đó. Đứa bé vẫn đang khóc. Mặt nó đỏ ửng, lấm tấm những nốt li ti màu trắng đục trên lớp da trắng trong suốt. Bô Pha thấy em khác quá. Da nó đã hết vàng và chuyển sang màu trắng như sữa khiến mí mắt có hàng mi dày đen nhánh nổi rõ. Chắc không ai nhận ra đứa trẻ ấy giống Bô Pha được vì da nó trắng y như da ông chủ.
– Phải con của mày không bé Miên? Sao tau nghi quá hà. Bệnh viện họ nói mạnh thường quân nhận nuôi con cho mày nhưng có khi nào họ chán nuôi đem vứt đây để trả? Nhưng thằng bé trắng tinh thế này chả giống má con mày chút nào. Nhìn đi, phải con mày không Miên?
Má Bô Pha bị mấy người kè tay dắt lại, đứng đó. Hai tay má chùi chùi vào quần rồi đưa tay bế đứa bé từ tay bà bán cá. Mắt má đầy nước nhưng đầu má lắc lia lịa. Mấy bà bán hàng xúm quanh, đưa tay nắn vú má rồi giục cho thằng bé bú. Lần đầu tiên, Bô Pha thấy tay má run rẩy, ngượng nghịu nâng đứa bé cho nó ghé đầu vô bầu vú căng cứng. Thằng bé đói quá, bú chùn chụt rồi ặt ra ngủ. Người ta đặt nó trên đống quần áo cũ. Người nó chìm vô đám quần áo nhàu nát, bụi bặm, chỉ nổi lên khuôn mặt trắng tinh.
Khi mấy người chính quyền đến đem đứa bé đi thì nó đã bú cạn sữa bên vú kia của má. Chiếc túi dù tráng ni lông trống trơn đã được dân chợ lấp đầy tã và vài bộ quần áo sơ sinh. Dưới đáy túi là chiếc khăn sợi vàng của má, Bô Pha cuộn chặt sáu tua hoa cau tết lại như bím tóc. Ngực Bô Pha đau thắt. Hai mắt Bô Pha cay xè dù Bo Pha không khóc. Bên tai nó, người ta đang bàn tán về những đứa trẻ từng bị bỏ rơi ở cổng chợ này, về cách bọn bất nhân gói con trẻ cả sống hay đã chết vào những chiếc túi rồi đem vứt. Họ bảo, chợ vẫn luôn nhiều rác. Nhưng rác được mùa thì chỉ có vài lần vào Tết và lễ, khi nhà giàu hay nghèo đều xả thải và mua sắm. Mùa rác, những người hốt rác như má Bô Pha sẽ kiếm tiền gấp mấy lần nhưng cũng có khi vớ phải những thứ kinh dị ám ảnh cả đời..
Bô Pha ngồi bất động nhìn theo lưng má nó cúi lom khom quét và hốt buổi chợ tàn. Nó muốn ngắt lời bà bán cá rằng đừng kêu má nó là Miên nữa. Má tên Đa Ra, nghĩa là vì sao trên trời. Má ngoài chăm làm thì còn múa rất đẹp nữa. Và nó có cha, không phải sinh ra do má bị hiếp đáp. Cha nó có khuôn mặt rạng rỡ, da màu hạt gạo đỏ mới bóc vỏ trấu, tên cha được ghi trên tấm giấy có dán ảnh để trong chiêc làn cùng với ví tiền má nó cặm cụi kiếm đã hai mùa rác. Nhưng Bô Pha chẳng nói lên được câu nào bởi đầu nó còn đang mải nghĩ. Tại sao bà chủ lại nói những ông chủ giàu có, thơm tho và đầy uy quyền ấy là rác rưởi? Taị sao em do má nó sinh ra là người mà họ lại đem vứt vào thùng rác? Tại sao má nó lại sợ em mà không thương em?
Họ bế em đi lâu rồi mà má cứ lui cui quét rác hoài chẳng buồn quay lại. Trời cận Tết tối nhanh, cả khu chợ tối tăm nhập nhoạng chỉ còn hai má con Bô Pha. Bô Pha chợt nhớ lời ông chủ già dặn khi đưa xấp giấy của cha. Đường về quê hương của hai má con nằm trong những dòng chữ ghi trên tấm giấy dán ảnh cha nhỏ xíu đó. Mùa rác lớn nhất năm đang tới. Bô Pha sẽ phụ má hốt rác, chăm chỉ lượm vỏ bia, chai nhựa để bán được nhiều tiền hơn. Bô Pha sẽ dẫn má về quê, tìm ông bà nội ngoại. Nơi đó có nhiều cau lắm, má sẽ tha hồ rắc hoa lên tóc, tha hồ uyển chuyển múa hát điệu Lăm Leo quen thuộc. Chiều cứ sẫm dần, tiếng chổi má lê quèn quẹt và Bô Pha ngồi lặng câm mong mùa rác qua mau.
Sài gòn 1/22
NTH