Chiều muộn, mặt trời đỏ bầm chìm dần, tôi thấp thoáng thấy đoàn người đến từ phía hẻm núi xa. Cả người và ngựa đi chầm chậm, vẻ mệt mỏi. Rất nhiều người gánh gồng, một số cưỡi ngựa, một số mang gùi, đi bộ. Chưa bao giờ tôi thấy đông người lạ đến làng mình thế. Người làng đều ra cửa ngóng, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn cha, già làng của bà con. Bạn hay thù? Cha tôi – già làng – đứng giữa sân nhà rông. Như mọi khi, dáng ông lực lưỡng, vững chắc như cây to. Nhưng vẻ lo lắng lại hiện lên trên khuôn mặt sạm đen. Lũ đàn bà lớn tuổi đôi bầu vú như xọp lại, thõng xuống vì lo sợ.
– Chuẩn bị. – Già làng hô.

Trong một lúc dài bằng tiếng hú của sói, trai tráng trong làng đã sẵn sàng rựa, nỏ, gậy gộc trong tay. Đàn bà cuống cuồng vơ vội muối và thức ăn cho vào gùi, tay cầm tên và đá nhọn, sẵn sàng hỗ trợ cho cuộc đấu mới.

– Không phải người làng Rấp. Cũng không phải bộ tộc Ho. – Cha tôi lẩm bẩm.

Cả làng im phăng phắc. Chỉ có mấy con heo vẫn bình thản đi lại, đong đưa cái bụng phệ dưới nhà sàn, mõm dúi xuống vục bùn và lũ gà thì nhảy lên cành cây chúi đầu xuống ngó nghiêng. Bầy chó săn ngồi sau lưng chúng tôi, hai chân trước thẳng, thỉnh thoảng lại co một chân cào cào mặt đất, chúng đã sẵn sàng cho một cú nhảy vọt lên bất cứ lúc nào.

Đoàn người tiến gần đến làng. Thong thả, uể oải.
– Ai?
– Đến đây làm gì?
Từng câu hỏi bật lên dưới những cái trán đang nhăn lại.

Đoàn người tiến vào khoảng đất trống trước nhà sàn, đi đầu là đức cha Guerlach dáng nhanh nhẹn, mặt hiền từ. Cả làng nhận ra cha, ai cũng mừng vui ùa tới. Mọi lo lắng, căng thẳng tan biến. Bọn đàn bà chạy đi rình bắt gà trên cây, bọn con trai lôi con heo to nhất ra suối chuẩn bị cho bữa tối có cha.

Bên cạnh đức cha, một người đàn ông da trắng to cao lực lưỡng, nổi lên giữa đám đông. Ông đóng khố, cởi trần như chúng tôi. Ông cười, đưa tay ra phía trước, hàng ria mép dài mấp máy.
– Đây là ngài nam tước Charles Marie David de Mayréna của nước Đại Pháp. Ngài đến để làm bạn với người làng Kon Gung và thực hiện sứ mệnh cao cả mà Toàn quyền Đông Dương  Ernest Constans đã ủy thác. Cầu mong Chúa sẽ phù hộ cho ngài và người làng Kon Gung. A men.

Sau lời giới thiệu của đức cha, Mayréna ôm lấy cha tôi. Cha tôi cười.
– Ơ, người làng Kon Gung gặp lại đức cha vui lắm. Đức cha là người tốt mà.
Đêm ấy, trên nhà rông, đức cha, Mayréna và người già trong làng ngồi ăn thịt nướng, uống rượu. Bọn gia nhân mới đến mê mệt tìm chỗ ngủ. Lũ trẻ chúng tôi đốt lửa nhảy múa đến khuya. Mệt, bọn con trai tìm chuột nướng ăn, bọn con gái túm tụm nói chuyện, khe khẽ hát.

Gần sáng thì cha tôi về. Ông ngồi bên bếp lửa, liên tục hút thuốc. Tôi ngồi cạnh ông. Cha tôi ít khi thức khuya. Chỉ những khi làng có chuyện, như lúc làng khác kéo đến cướp bóc, bắt đàn bà con gái hay săn đầu người, khi làng có người chết hoặc dịch bệnh thì ông mới thức trắng.

– Mày khôn như con chó, mày có hiểu chuyện gì không?
Tôi im lặng.
– Ngày mai đức cha đi rồi. Bọn người kia ở lại.
– Bao lâu?
– Không biết. Mayréna muốn mai mở hội.

Nghe nói có hội, lũ làng tôi vui lắm, sướng lắm. Cái bụng đang no, nhưng cái tai, cái mắt và đôi tay đang đói. Từng nhà, từng nhà mang rượu cần, gà và heo đến nhà rông tụ họp. Tiếng cồng vang lên. Mayréna cởi trần, đóng khố, đứng giữa sân trước nhà rông nổi bật lên như cái cây trắc lớn giữa đám cây bụi. Ô, hội làng mình năm nay mới, mới lắm. Cồng chiêng vẫn rộn ràng nhưng không phải để múa xoang, mà để đấu võ. Viên thông ngôn dõng dạc tuyên bố Mayréna thách đấu với thanh niên làng Kon Gung.

Một bên là dân làng tôi. Lũ đàn ông đứng thành một hàng phía trước, liền đó là đàn bà và trẻ con. Đàn ông mình trần đóng khố, đong đưa thân mình, háo hức chờ đợi. Đàn bà mặc váy, mình trần. Có cô gái trẻ tò mò nhìn sang phía bên kia, thấy rõ nhiều cặp mắt dán vào ngực mình, bất giác đưa tay che lại, ngại ngùng quay mặt, thì thào với người bạn bên cạnh. Bên kia là những người mới đến, Mayréna đứng vòng tay ở giữa, vây quanh là gần một trăm người, nghe nói có cả người Kinh, người Malaixia. Chúng mặc quần áo màu nâu, lấm tấm bụi đỏ. Có tên đứng không yên, cứ đi đi lại lại, huơ chân múa tay, miệng huýt sáo inh ỏi.

 

Untitled
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

 

Người ta phát hiện lão già người Hoa thường đổi muối lấy mật gấu và ngà voi đứng trong đoàn. Người lão nhỏ thó, đen đúa, khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ tối sầm. Tôi nhớ lão tên là Tối. Lão thường đến làng tôi, đi bộ, sau lưng là con ngựa già thồ hàng. Hai năm trước, làng vào mùa đói, nhiều đứa trẻ đói rét và đau ốm bỏ chúng tôi đi. Lão một mình đến, xin cha tôi vào làng dù đã có lệnh cấm. Lão đứng khóc như đứa trẻ. Cuối cùng, vào được làng, lão chia muối cho từng nhà. Ơ, nhưng mình không có mật gấu, không có ngà voi, không có cả mật ong nữa. Lão khom người, tay quệt nước mắt, nói bằng cái giọng lơ lớ: Cho má. Cho khổng má. Cha tôi nói lão là người tốt. Nhiều người làng thương lão lắm. Chỉ có bọn con gái là không thích lão, vì lão xấu xí và hôi hám.

Hai bên đều chờ đợi. Nghe rõ tiếng gió thổi rì rào và tiếng quạ kêu thảm thiết từ khu rừng rậm sau làng. Anh A Bung nhà tôi hậm hực. Xưa nay anh là thợ chuyên săn thú. Không có con thú nào trong tầm mắt anh thoát được đôi tay khỏe như lõi cây rừng và nhanh thoăn thoắt của anh. Cha tôi nhìn anh, cau mày.

Một thằng con trai nhảy ra. Tôi biết nó là bạn của Bung, nó khỏe như gấu và nhanh như chó sói. Nó xông tới, đầu chúi về trước, lao vào Mayréna. Mayréna tránh được. Cả làng ồ lên. Bạn của Bung còn đà lao tới đoạn nữa mới dừng được. Khi anh quay lại, lũ làng choáng váng. Dòng máu đỏ tươi từ mũi tuôn ra, chảy xuống ngực. Anh ta khựng lại, lảo đảo, rồi ngã sõng soài trên mặt đất đầy bụi đỏ. Đâu đó trong đám đàn bà con gái có tiếng khóc.

Mayréna khôn và nhanh hơn cả cáo, mạnh như hổ. Một người, một người, một người nữa, những tay cao thủ săn thú lão luyện của làng tôi lần lượt ngã xuống dưới những cú đấm như cây rừng, như đá núi đổ lên mặt, lên đầu, lên cổ. Bọn đàn bà khóc như ri. Lần lượt tìm lá cây rừng đắp lên từng khuôn mặt thâm đen sưng vếu.

Tay thông ngôn sung sướng nhảy lên tưng tưng, miệng không ngừng kêu: “Boxing, boxing. Thần diệu, thần diệu”. 
Trong người tôi, tất cả trở chứng, bụng như có bàn tay vượn cào cấu bên trong, máu nóng dồn lên mặt. Tự khi nào tay tôi đã nắm chặt con dao bén nhọn. Chỉ một nhát, một lần vung dao. Chưa bao giờ làng Kon Gung kiêu hùng bị hạ nhục dưới bàn tay một kẻ xa lạ. Tôi sẽ nhanh chóng thọc sâu con dao vào sườn, xuyên vào gan ruột hắn. Phải nhanh chóng và quỷ quyệt mới hạ được thú lớn. Cha tôi đã nhiều lần dạy.

Tôi nhìn cha, đôi mắt ông vằn vệt đỏ. Ông ra hiệu cho tôi đứng im. Tôi đút dao vào vỏ da trâu đeo bên mình, tai tôi không nghe thấy gì nữa, miệng tôi chát đắng. Giàng ơi!
Một bàn tay mát rượi đặt lên lưng tôi. Giọng nói trong trẻo thầm thì:
– Không được. Không được à. Không được đâu. Nó là người của đức cha. Mà nó tay không, không thấy à?

Giọng nói nàng trong trẻo như suối mát, tưới lên bếp lửa đang chực bùng lên. Tôi quay sang, đôi mắt Biêng mở to, môi mím chặt. Nàng đứng sát tôi đến mức đôi vú như núm chiêng cọ vào cánh tay mát rượi. Khẽ rùng mình. Tôi nhìn đôi vai, khuôn ngực trần màu nâu sáng của nàng, nhắm mắt, quay đi: “Kệ tao”.

Đến lượt Bung, cha tôi đã cho phép Bung giao đấu.
– Phải là tay không.
Tên thông ngôn nhắc lại. Vài ba người của nó chạy tới lần khố của Bung. Đôi mắt anh tôi như có lửa, nhìn thẳng vào Mayréna. Đã có lần, tôi nhìn thấy đôi mắt có ánh nhìn như thế khi đi săn hổ bên kia rừng lồ ô.

Bung bắt chước cách đánh của loài sói. Nhảy phốc lên cao, hai tay giữ chặt hai cánh tay, chân liên tục thúc vào bụng và cắn một nhát vào mũi địch thủ. Bung to lớn là thế, mà bên Mayréna, trông như một đứa trẻ cạnh người lớn. Mayréna lùi lại, quệt mũi. Máu bắt đầu ứa ra trên mũi hắn. Tôi chưa kịp reo lên sung sướng thì đã thấy một nắm đấm tông thẳng vào thái dương anh tôi. Bung bật ra, bay mấy bước chân rồi rơi xuống. Bọn đàn bà lại khóc rầm lên. Mấy đứa con trai chạy ra khiêng Bung vào.

Mấy đứa khác đang xin cha tôi ra đấu. Cha tôi ra hiệu dừng lại. Mayréna thở hổn hển nói với tay thông ngôn gì đó. Tay này mở túi, phát cho mỗi người thua trận một hạt nhỏ như hạt bắp sẫm màu, ra hiệu cho vào miệng.

Cả làng im phắc. Chưa bao giờ chiến binh làng tôi gặp phải đối thủ nhanh nhẹn và dũng mãnh như Mayréna.

Mayréna nói gì đó nghe như tiếng chim. Tay thông ngôn lắng nghe rồi quay lại nói lớn:
– Đây là môn võ của ngài Mayréna, ngài sẽ dạy cho trai làng để rèn luyện sức khỏe và chiến đấu với kẻ thù. Vừa rồi làm đau mấy người anh em, ngài đau cái bụng lắm. Ngài làm vậy là để lũ làng thấy được võ của ngài rất hay, cần phải học. Ngài xin lỗi. Ngài đã cho anh em uống thuốc chữa cái đau rồi.

Lúc sau có ai đó nói: “Đúng rồi, đúng rồi, mình hết đau rồi mà. Mình khỏe lại rồi. Cái thuốc của Mayrena hay quá”. Bọn con trai vừa bị đánh đều công nhận hết đau và còn khỏe hơn trước nữa.

Để cảm tạ lũ làng, ngài Mayréna cho làng một gùi muối trắng, ba gùi gạo trắng, chia đều cho các nhà. Cả làng ồ lên vui sướng. Chưa bao giờ người làng trông thấy một lúc nhiều muối đến thế. Hạt nào hạt nấy to như hạt bắp. Muối với làng chúng tôi là thứ quý giá nhất. Không có muối, ai cũng kiệt sức, có ăn thịt no, vẫn thấy mệt mỏi. Thiếu muối, da ai cũng sạm đi, bủng beo như con khỉ già. Tôi nhớ, có năm làng động, nhiều người sau một đêm đi ỉa liên tục thì chết. Không ai dám bén mảng đến làng, kể cả bọn buôn muối từ dưới xuôi. Cha tôi cử một nhóm mười thanh niên trai tráng đi xuống miền xuôi tìm đổi vàng lấy muối. Sau một mùa mưa chờ đợi cuối cùng chỉ có ba người trở về. Không có hạt muối nào, lại mất cả vàng, chỉ có mấy vết chém để lại trên lưng ba người sống sót. Trên đường trở về, bọn người của bộ tộc Ho đã cướp sạch muối và bắt bảy người làng chúng tôi làm nô lệ. Năm đó, người làng phải nhổ cỏ tranh, cắt lấy rễ, đốt lên lấy tro thay muối.

Biết vậy, nhưng già làng Kon Gung vẫn không thích Mayréna. Bung cũng không thích nó. “Nhìn đôi mắt nó, hãy nhìn vào mắt nó”. Cha tôi gầm lên khi mẹ tôi khăng khăng nó là người tốt.

*
*    *
Hai hôm sau, đàn ông làng tôi đi săn. Nhóm của Mayréna có hơn hai chục người, bọn còn lại dựng nhà ở bìa rừng, phơi phóng quần áo lên những bụi cây xung quanh. Chúng chặt cây xoan đào và lồ ô dựng nhà, có vẻ như muốn ở lại đây lâu.

Mayréna và toán người của hắn đi săn cùng chúng tôi. Hắn mang trên lưng một cây súng dài, có lưỡi kiếm dài trắng xám, nhọn hoắt. Con ngựa hắn cưỡi to, cái mông rộng, núng nính hai tảng thịt. Lũ chúng tôi đi bộ, mang theo nỏ và rựa. Dù không muốn, chúng tôi cũng phải chạy lúp xúp theo hắn. Lũ chó của chúng tôi chạy loăng ngoăng hai bên, khi luồn vào bụi cây, khi chạy lên trước, ngửi ngửi rồi chạy ngược lại. Cả khu rừng thâm u bỗng nhiên rộn lên tiếng người nói, tiếng chó sủa và bước chân người. Tôi không thích cuộc đi săn này, nó trái với thói quen hàng ngày. Không cần phải ồn ào náo nhiệt, chỉ cần ba người đi rừng, đặt mấy cái bẫy ở nơi con thú hay qua lại, chúng tôi đã đủ thịt cho cả làng trong mấy ngày. Với chúng tôi, rừng là ngôi nhà lớn, là nơi thần linh oai hùng trông coi, chúng tôi ăn rừng dưới con mắt quan sát của thần. Không ai được bắt về con thú khi nó còn quá nhỏ, không ai được phá cây rừng, mỗi cái cây, ngọn núi, con suối đều có thần linh cai quản. Ai cũng biết điều đó, ai cũng nhớ điều đó.

Bung luôn theo sát Mayréna. Bung cầm nỏ, cúi đầu, lầm lũi bước. Đêm qua, tôi đã nghe tiếng bước chân của Bung nhẹ nhàng như con mèo trèo qua những tảng đá bao quanh làng để vào rừng. Tôi biết, trong rừng, dưới một tảng đá, nó cất giấu một thức thuốc cực độc, lấy từ loài nhện sống trong hang.

Đột nhiên, Mayréna quay lại, hắn bắt gặp ánh mắt Bung. Hắn thì thầm gì đó với viên thông ngôn bên cạnh, một lát sau đã thấy bốn người của hắn kè kè bên cạnh Bung.

Chuyến đi săn không có gì đặc biệt ngoài việc Mayréna bắn được một con bò rừng. Viên đạn trúng giữa trán, toác một lỗ bằng nắm tay, con bò chưa kịp vùng vẫy đã lăn đùng ra dưới lòng suối cạn, người của hắn túm vào tròng dây, khó nhọc khiêng về.

*
*    *
Tôi thấy vào mỗi buổi tối, bọn thanh niên trai tráng thường lui tới viên thông ngôn nhận một hạt màu đen, cho vào miệng rồi lên nhà rông nhảy múa rất vui vẻ. Đang là mùa khô, không phải ngày hội, không có chuyện vui mà cả bọn nhảy múa suốt đêm không biết mệt. Tôi hỏi cha, ông lắc đầu bất lực. Bọn này đã bị con ma bắt mất hồn rồi, chúng không biết đang nghĩ gì, làm gì nữa. Tôi cũng muốn biết đó là hạt gì mà cả bọn sáng hôm sau ngủ cho đến chiều, khi con gà đi ngủ mới lòm còm bò dậy, quên cả rừng, quên ăn, quên tắm, quên cả bọn con gái. Bạn của Bung cho tôi một hạt, Bung một hạt, bảo cứ thế mà nuốt, hay lắm. Tôi rất thích, nhưng cha tôi không cho, ông đấm vào ngực tôi, mắng:
– Mày khôn như con chó, mà sao lại nuốt thứ đó. Không được đâu con à, có thấy bọn trên nhà rông không, nó quên người làng rồi, quên rừng rồi.

Mấy ngày sau, Mayréna đi vắng, nghe nói hắn đi đến các làng khác, các bộ tộc khác, kể cả bộ tộc Ho. Hắn mang theo bọn thanh niên khỏe mạnh, để lại mấy người trông coi lều và tìm thức ăn. Mỗi ngày, tin đồn như khói lan xa trong các bộ tộc gần xa, rằng Mayréna là người tốt, là người con của Giàng đến với lũ làng để xây dựng tình đoàn kết, để anh em được sống trong niềm vui, không còn phải đánh giết nhau nữa. Ai cũng phấn khích. Đêm đêm, bên bếp lửa nhà rông, nhiều người tập trung vui vẻ nhảy múa.

Một đêm, nhân lúc Mayréna đi vắng, trời tối đen như thể làng chui vào hang sâu, lão Tối rúm ró trong bộ dạng sợ sệt bò lên cầu thang vào nhà tôi. Lão bò lại gần bếp lửa, vừa thở hổn hển vừa nói:
– Tôi lói cho già làng biếc, cái thứ đó, cái thứ đó, à, thứ bọng kia hay uống… là thuốc phiệng đó. Uống nhiều là chếch người đó.
– Thuốc phiệng là gì?
– Không biếc, nhưng mờ uống chếch người đó. Nghiệng đó. Nhưng mờ đừng để Meyréna biếc, nó giếc.
Nói xong lão vội vã rút lui. Mùi hôi hám và ẩm mốc trên người tỏa ra hãy còn vương vất trong nhà.

Cha tôi tổ chức một cuộc họp kín ở rừng, sâu trong đám lồ ô rậm rạp. Chỉ có các ông bà già và một vài con khỉ nhỏ trong nhà đến. Cha tôi nói về cái gọi là thuốc phiện, nhưng không hé răng nói về lão già người Hoa. “Thuốc phiện? Nó là cái gì?” Bà lão cuối làng há mồm nghe rồi cười nắc nẻ, để lộ cái miệng trống không, chẳng còn cái răng nào. Mụ nói không có thứ thuốc nào tốt cho bằng cái thuốc phiện đó. Đời mụ đã qua bao mùa rẫy rồi, thân thể mụ đau nhức khắp nơi, mụ đã nhai biết bao là thuốc lá cây rừng, uống biết bao mật gấu, cúng xin thần linh không biết bao lần, nhưng cái đau nào tha cho mụ, nó cứ đeo đẳng làm mụ không muốn sống nữa. Ấy mà cái thuốc phiện như già làng nói đã chữa cho mụ hết đau, giải thoát cho mụ sự sợ hãi, mụ sẽ sống lâu như cái cây to trong rừng. Mụ đã cảm ơn đứa con gái đã chia cho mụ một nửa cái thuốc đó. Nhiều người già hỏi mụ làm thế nào để có được thuốc, làm thế nào để ăn và có xúc phạm đến thần linh không. Mụ người ngằn ngặt, đầu vẹo sang một bên: “Cứ gặp Mayréna, nó là người tốt mà. Nó là con của Giàng mà, có gì phải sợ”. Cha tôi im lặng, tôi thấy chưa bao giờ ông hoang mang như lúc này.

Số người uống thứ hạt đen ấy cứ nhiều thêm, kể cả mấy đứa con gái cũng lò dò đến nhà của Mayréna. Nó ở riêng một lều, che chắn kín đáo bằng mấy lớp lồ ô. Mấy đứa con gái đến cuối cùng, khi đã khuya, lần lượt bước vào, có đứa ở lại rất lâu. Trong ánh trăng chảy miên man qua tán rừng, tôi thấy đôi mắt chúng ánh lên niềm hớn hở, đôi chân đi liêu xiêu như kẻ mộng du.

Cả làng rơi vào cơn sốt thuốc, một trạng thái mất kiểm soát. Người ta quên mất việc đi săn, quên cả trỉa hạt lúa khi mùa đến, quên cả thần linh. Không còn ai đủ may mắn để nuốt cả một viên đen, mà phải chia ra nhiều phần rất nhỏ, nhỏ đến lúc nó trốn vào móng tay không lấy ra được, phải cho ngón tay vào miệng ngậm, nước miếng túa ra hòa tan cái thuốc thần diệu đó.

Riêng nhà tôi, không một ai đụng đến thứ thuốc đó. Mẹ tôi khóc, bảo số phận bà xấu xí phải lấy già làng là cha tôi, bà không được thưởng thức cái thứ thuốc thần linh ban cho người làng. Bung vuốt vuốt lên lưng bà an ủi, rồi nó sẽ săn thêm gấu, lấy thêm mật chữa cái chứng đau xương của bà, nó sẽ tìm da con thú tốt nhất làm áo cho bà, giống như người Kinh thường mặc để cho bọn muỗi mòng không thể đụng được vào thân thể bà. Mẹ tôi sụt sùi cho đến khi có tiếng gà rừng eo óc gáy xa xa. Tôi buồn quá, trốn đến nhà Biêng, chui vào cái cửa sau, nhẹ nhàng nằm xuống ôm lấy thân thể nàng ấm nóng. Biêng thức giấc, véo vào tai tôi, sao mày đến muộn quá, tay mày lạnh cóng hết rồi. Hồi đêm, bọn con gái rủ đi đến nhà Mayréna mà mình không chịu, sợ lắm. Con mắt nó trượt xuống chăm chăm nhìn vào ngực mình.

*
*    *
Lão già người Hoa lại bí mật đến nhắc chúng tôi không được ra rừng vào ban đêm. Bung cãi, rừng là của làng mình, mình phải đi tìm con thú mà ăn chứ. Lão rúm ró, khóc, chùi nước mắt rồi hong đôi tay với những ngón dài khẳng bên tàn tro còn ấm. Đêm nay, Mayréna đi xa, khoảng mấy ngày sau mới về. Lão thì thào: Sang bộng tộc Ho. Con gáy chẹp. Lão cười khèn khẹt, đứng khom dậy, vẽ trong không khí. Cấy gì cũng to to. Mẹ tôi tát cho lão một cái, lão im bặt, sợ sệt lùi lại mấy bước chân. Lão tính rút. Cha tôi gọi lại:
– Sao lại không được ra rừng?
– Hẻm nguy nắm.

Mấy ngày sau làng tôi cùng nhiều làng khác trên dãy núi dài mênh mông bất ngờ rơi vào một lễ hội chưa từng có bao giờ, kể cả thủ lĩnh bộ tộc Ho cũng có mặt. Không ai mang theo vũ khí. Họ mang theo bò, heo, gà, rượu và muối cho một bữa ăn lớn.

Tại làng Kon Gung chúng tôi, cuộc họp giữa Mayréna, đức cha với nhiều thủ lĩnh các bộ tộc trong vùng tuyên bố thành lập Vương quốc Sedang. Một bản hiến pháp soạn ngắn gọn, sơ sài được đọc lên. Các thủ lĩnh nghe xong không ai hiểu chuyện gì xảy ra. Từ khi chui ra khỏi bụng mẹ đến giờ mới nghe đến hiến pháp. Nó là cái gì, trong rừng có không, dưới suối có không, không ai trả lời được. Chỉ thấy cánh tay Mayréna giơ lên, mọi người cũng giơ theo, thế là Hiến pháp được thông qua.

Hôm nay, ngày 3 tháng 6 năm 1888, các thủ lĩnh của tất cả các lãnh thổ đã kí Hiệp ước với ông Marie de Mayréna và thừa nhận ông là thủ lĩnh tối cao, đã nhóm họp cùng người của bộ lạc mình ở làng Kon Gung, và, sau khi nghe dịch và giải thích, tuyên bố chấp nhận bản Hiến pháp.
– Các vùng đất độc lập liên minh với nhau ngày hôm nay lấy tên là “Hợp bang Mọi”. Hợp bang lấy tên là “Vương quốc Sedang”. Ông de Mayréna, là thủ lĩnh đã được công nhận, được bầu làm vua của người Sedang. Vương quyền được thế tập; nhưng nhà vua, nếu muốn, có thể chỉ định người kế vị ở ngoài gia đình của mình.

Quốc kì màu xanh tuyền, có một hình chữ thập gắn ngôi sao đỏ ở giữa. Nhà vua có quyền tuyệt đối: Nhà vua điều khiển tất cả các thủ lĩnh dân sự và quân sự và giải quyết các bất đồng có thể nảy sinh giữa các thủ lĩnh.
Nhà vua quyết định chiến tranh và hòa bình, với sự giúp việc của một Hội đồng gồm các thủ lĩnh của các bộ lạc.
Nhà vua chỉ huy các lực lượng quân sự ra trận, hoặc chỉ định người chỉ huy.
Đất đai chỉ có thể chuyển nhượng cho người ngoài với sự đồng ý của các Taoule, và mọi sự chuyển nhượng đó phải được nhà vua phê chuẩn.

Làm tại Kon Gung, ngày 3/6/1888
Cha Guerlach kí tên làm chứng, xác nhận bản Hiến pháp được kí kết một cách hợp thức.
Mayréna xưng đế hiệu là Marie đệ nhất. Lấy làng Long Răng làm Thủ đô với tên gọi Plei Agna (Làng Lớn), hoặc Marie Plei (Làng của Marie) và phong tước Quý tộc cho một số người, trong đó có cha tôi, thiết kế quốc huy, quốc kì, huân – huy chương, đặt in bộ tem thư riêng…

Những ngày sau đó, Mayréna tiếp tục đi đến các làng hữu ngạn hạ lưu sông Pô Kô. Lúc này, hắn mang nhiều thanh niên làng tôi, những người đã dùng thứ thuốc màu đen. Ma quỷ đã dẫn lối lũ chúng nó mất rồi, cha tôi rầu rĩ nhìn bếp lửa và không ngừng hút thuốc. Rồi ông nói, giọng như muốn khóc:
– Từ nay, mọi việc làng phải nghe theo Mayréna. Núi rừng này là của nó, cả người mình nữa, cũng là của nó. Nó muốn ai đi đâu, người đó phải đi.

Bung nổi giận:
– Hôm qua, chúng nó, cái lũ người mới đến đó, bảo con phải theo chúng đi xa. Tại sao làng này, đất đai này là của làng mình mà mình phải nghe theo nó?
– Nó là vua mà, vì mình đã giơ tay để nó làm vua mà.
Bung vào rừng, liên lạc với mấy thanh niên chưa dính phải thuốc phiện tìm cách nào đó không thể để cái thằng ngoại quốc đó làm vua. Cả bọn đi vào rừng sâu.

Một ngày, rồi hai ngày, không thấy Bung trở về, cha tôi vác rựa đi tìm. Ông rời nhà khi trời sẩm tối, men theo dòng suối cạn mải mốt bước đi. Tôi leo lên cây cao nhất mà nhìn theo bóng ông chìm khuất trong màu xanh bạt ngàn rừng núi. Ông đã không cho tôi đi theo. Tôi ngồi trên cây, ngó nhìn ngôi làng của tôi, nỗi chua xót tràn đầy lồng ngực. Bung ơi, bao giờ mày về? Rồi tôi nghĩ đến Biêng, đứa con gái nhiều lần tôi đến ngủ cùng trong căn nhà nhỏ nơi vách núi cuối làng, nhớ mùi mồ hôi mặn mòi trên ngực nàng, và cả tiếng thở đều đều êm dịu khi nàng ngủ. 
Bung không về, nửa đêm hôm sau thì thấy tiếng thở mệt nhọc của cha đi dần lên sàn nhà. Ông rên hừ hừ rồi đi nằm. Hỏi có gặp Bung không, có thấy lũ con trai không, ông bảo để ông yên, không thấy ai hết. Ta chẳng thấy chúng nó đâu hết. Rừng lạnh lắm. Nói rồi ông thiếp đi trong đêm khuya tối. Mẹ tôi đắp lên người ông cái áo làm bằng vỏ cây rừng, rồi đi ra, vừa đi vừa sụt sùi khóc.

Trưa hôm sau, khi mặt trời đỏ ối đứng thẳng trên đầu nhìn xuống, rừng không một tiếng gió, tất cả như chết lặng trong một bầu không khí trĩu nặng, tôi nghe tiếng chó ăng ẳng dưới sàn nhà. Tiếng nó kêu lạ lắm, tôi bước xuống. Con chó đang kéo lê trên nền đất một cánh tay người. Tôi hét lên.

Mẹ tôi lao xuống nhìn rồi khóc rống lên. Đây là tay của thằng Bung. Tôi nhìn kĩ cánh tay, đúng là của Bung rồi, cái ngón út nhỏ xíu bị cong vểnh lên. Mới đây thôi, ngón tay này thường cọ vào nách tôi nhồn nhột mỗi khi Bung trêu đùa. Một số người già đến đưa mẹ tôi đi ra, lũ thanh niên đứng từ xa nhìn lại, sợ hãi, dò xét. Ô, thần linh phạt thằng Bung rồi, nó là đứa chống nhà vua.

Tôi và cha cùng vài thanh niên bạn Bung luồn rừng tìm Bung, dẫn đầu là con chó săn đã đưa cánh tay Bung về. Lại men theo dòng suối, chúng tôi đi mãi, đến nửa đêm thì đến một cái hang to. Trước cửa hang còn đọng cả vũng máu đen. Con chó đi xung quanh kêu ăng ẳng. Nó bươi hai chân sau vào những tảng đá xám xịt rồi tru lên một hồi. Xác Bung bị thú rừng mang đi rồi, có người nói khi thấy vết máu kéo dài thành vệt trên lối đi lên ngọn núi đầy bụi gai. Cha tôi quỳ xuống khóc. Tôi không khóc được. Chợt nhớ đến lời lão Tối: Hẻm nguy nắm.

Đêm, tiếng mẹ khóc rấm rứt, bà đã chết đi rồi tỉnh lại mấy lần. Hai ngày, bà không hề ăn uống, sức bà đã cạn kiệt. Tôi không tài nào ngủ được. Tôi đi cho đến khi thấy mình đứng trước cái cây Pơmu quen thuộc, cách nhà không xa, tôi leo lên cành cây to nhất, nằm đó mặc sương núi lạnh buốt. Tôi thấy nhớ thương Bung. Tôi nhớ những mùa mưa, Bung cõng tôi vào rừng, tìm cho tôi những cái nấm tròn như nắm tay xinh xắn. Nhớ những ngày nắng nóng, tôi theo Bung ra suối, tìm bắt bọn cua núi ngu ngơ bò lổm ngổm trên mặt đất ẩm ướt rồi nướng trên bếp lửa hồng.

Thấp thoáng trong màu sáng nhờ nhờ của ánh trăng, phía xa xa, có bóng người đi ra từ nhà của Mayréna. Nó nhìn quanh rồi di chuyển vội vã về phía cuối làng. Tôi bò xuống, nhanh chóng bám theo. Đi được một quãng, bóng người gặp một bóng người khác:

– Mày về đây rồi à. Có thuốc không? Tao thèm quá, chờ lâu không chịu nổi nữa. Cả người tao đau nhức đến chết thôi.
– Thuốc đây. Lần này nữa thôi.
Người vừa nói chính là Biêng!

Tôi đi sâu vào rừng. Bước chân vô định, trái tim tôi có bàn tay sắc nhọn thò vào bóp nát. Tôi phải giết hắn. Phải giết bằng được hắn. Suy nghĩ đó như con rắn trồi lên quấn riết lấy tâm tưởng. Phải giết hắn. Bước chân đưa tôi vào hang đá, tận cuối hang có cất giấu thứ thuốc cực độc, thứ thuốc dùng tẩm mũi tên khi đi săn thú lớn.

Vừa quay ra khỏi hang, trước mắt tôi, cha tôi đứng đó, ông khom người, dáng vẻ đau đớn. Thì ra, ông đã rời chỗ nằm đi theo tôi tự bao giờ:
– Mày phải ở nhà. Mày đi, mày chết.
Tôi lầm lũi bước. Ông chặn lại, cởi phắt chiếc áo làm bằng vỏ cây, lộ tấm lưng trần, một vết chém dài còn toác miệng. Nó đấy, Mayréna cho người giết tao đấy. Mày có muốn chết thảm như thằng Bung anh mày không.

*
*    *
Thứ thuốc Mayréna cho người làng uống đã cạn dần. Làng tôi vào một cơn đói mới. Đói thuốc. Đêm đêm, những bóng người đứng, ngồi, đi lại vật vờ như những bóng ma. Muốn có thuốc, trai tráng làng tôi bất đắc dĩ thành chiến binh, phải ngoan ngoãn theo hắn đi chinh phục các làng xa bên dòng sông Pô Kô. Có người trở về, có người mất hút trong rừng thiêng nước độc.

Cha tôi, ban ngày nằm rên ở nhà sàn như con thú bị thương ngắc ngoải sắp chết, ban đêm, khi bóng tối phủ tràn khắp chốn, ông bí mật liên lạc với những thủ lĩnh của làng khác, bộ tộc khác. Đêm đêm, tiếng gió vẫn hú dài trên những cánh rừng, trong hang đá và trên những đỉnh núi. Tôi như nghe thấy tiếng thì thầm vọng về từ rừng sâu. Giết hắn. Phải giết con quỷ.

Làng rơi tõm vào một mùa mưa kinh dị. Những cơn mưa lê thê từ ngày này sang ngày khác mãi không dứt. Rừng ẩm ướt và nhớp nhúa. Những tảng lá mục bắt đầu lên men, nóng dần và bốc khói. Muỗi như từ dưới đất bò lên, từ rừng sâu ùa về, làng trở thành túi đựng muỗi. Cởi trần đứng trong bóng tối lâu bằng lần gáy của một con gà, và đưa tay vuốt lên lưng, cả tấm lưng sẽ nhuốm đầy máu đỏ. Bọn người theo Mayréna bắt đầu sốt rét, nhiều xác chết vứt trên đám lá mục trong rừng. Số chưa chết trốn đi dần. Mayréna ra lệnh giết kẻ nào bỏ trốn.

Tay thông ngôn cầm roi da đi đi lại lại quanh lều trại. Hắn tru tréo chửi bọn người ốm lê la bỏ đi tìm thức ăn. Hắn quất roi vào mặt, vào đầu, vào lưng lũ khốn khổ.
Cha tôi ghé miệng sát tai tôi:
– Âm mưu giết Mayréna càng nhiều. Các làng đã thấy được âm mưu hiểm độc của nó rồi. Đang bí mật chuẩn bị vũ khí, gom rắn độc, bọ cạp và nhện độc trong hang núi.

Một chiều muộn, giữa cơn mưa phùn, gió rét cắt vào da thịt, hơn mười người từ lều trại của Mayréna đau ốm và bệnh tật, trong bộ dạng xơ xác và tuyệt vọng, tìm đến nhà tôi, quỳ trước nhà, xin được chia cho chút thức ăn. Đói quá rồi. Chết mất thôi.

*
*    *
Bẵng đi một thời gian không thấy sự xuất hiện của vua. Ai cũng nghĩ Mayréna đi chinh phục các làng xa hơn nữa, thì bỗng nhiên lão Tối đến. Lão có vẻ tự tin, không khép nép hãi sợ như mọi lần. Lão cuống quýt, hoa chân múa tay, cười khe khé rồi nói:
– Thèng Meyréna trốn rồi. Nó đi reo béng Vương quốc Sedang dưng không ai mua, nó  bị trụt xuất khỏi Đông Dương rồi. Mẹ, cái thèng náu tôm náu cá. Cái thèng niu meng. Nó dém nừa cả đức cha, cả kéc bộ tộc người Thượng mình.

Lão nói rằng muốn được ở lại làng Kon Gung, rằng lão tình cờ được Mayréna cho đi theo là để làm nội gián, rằng ở quê hương lão, cha mẹ vợ con chết đói hết rồi, lão không muốn về lại nữa, rằng lão xin cho cả mười ba người khốn khổ bị bỏ rơi cũng được ở lại làng.

Tôi đi đến cuối làng tìm Biêng. Nàng ngồi bên bếp lửa, tay cời than, mắt đỏ hoe. Nàng ngước nhìn tôi, rồi nhìn nhanh xuống bụng mình. Tôi biết, ở làng Kon Gung này sẽ có những đứa trẻ không cha được sinh ra, da chúng trắng, mắt xanh, mũi lõ. Chúng cũng là người làng mình mà. Có hề gì đâu, Biêng à, rồi mình sẽ dạy nó bắn nỏ, dạy nó săn thú trong rừng và trỉa cây lúa trên rẫy. Rồi mình sẽ sinh thêm đứa con nữa, đứa nữa, nhiều đứa nữa. Vì rừng vốn bao dung, rộng lượng. Đã bao đời, từ ngày xửa ngày xưa…

Trại sáng tác VNQĐ Đà Lạt, tháng 3/2016

Đ.M.S
Exit mobile version