Cầm Kỳ Official499 người đăng kýSố liệu phân tích

Mưa ở bến Nguyệt Hàn

                     NGUYỄN PHÚ

1.

Vầng trăng mười sáu nhòe vỡ trên mặt sông vắng. Những con sóng nối nhau hối hả trôi về cửa bể. Mưa. Trời bất ngờ đổ mưa. Những giọt nước lạnh, nhớ và đau…

2.

Tôi sinh ra ở bến Nguyệt Hàn. Mẹ tôi là người đàn bà mò tôm, xúc tép ven sông Tiêu. Tôi không có cha. Như cách nói của người làng thì tôi là giống cỏ hoang. Đã là cỏ hoang thì cứ vậy mà lên, cứ vậy mà xanh, bất chấp người đời giẫm đạp. Mười bảy tuổi tôi đã có dáng dấp của một lực điền. Ngực vồng lên vạm vỡ như cánh bãi nâu nhuần. Bên trong là con tim khát khao, nóng hổi, thình thịch đập những nhịp khác lạ. Tôi thường có giấc mơ cứng và ướt, vừa thích vừa ngượng mỗi khi thức dậy. Châu Long! Tại sao lại là nàng mà không phải đứa con gái nào khác trên bến sông này? Nhưng làm sao tôi có thể lừa dối con tim mình? Làm sao tôi có thể đánh tráo những giấc mơ nhục cảm?

Nhiều lúc tôi cũng không hiểu nổi mình. Nhác thấy bóng nàng là hồn vía tôi lửng lơ, phiêu lạc. Đầu óc lúc nhớ lúc quên, chân tay bứt rứt không yên. Lại có lúc tôi ngồi trên bậu cửa, nghệt mặt ra toan tính làm thế nào để cưới được nàng. Rồi nhiều đêm lòng dạ đau xót hơn muối xát khi nghĩ có kẻ nào đó sẽ cướp mất nàng. Mẹ biết hết. Thì tôi có bao giờ giấu mẹ được điều gì.

Một hôm mẹ bảo tôi:

– Mẹ có vài đám hay đáo để. Chứ con bé Châu Long ấy, con nhà chữ nghĩa lại mỏng mày hay hạt, đừng mơ con à. Đũa mốc lại chòi mâm son…

– Không. Con chỉ thích nàng… Sao mẹ lại bỉ bôi? – Tôi cáu.

– Mẹ đẻ ra mày sao lại bỉ bôi mày? Nhưng nhà mình với nhà ấy khác lắm. Chớ đam mê mù quáng. Rồi lại một đời ôm hận.

Nói đoạn mẹ buông tiếng thở dài thườn thượt. Ngoài kia, bến Nguyệt Hàn hoa gạo như máu trời rớt xuống thảm cỏ ngằn ngặt xanh. Gió thổi từng cơn nhồn nhột. Có tiếng khắc khoải người đàn bà nào gọi “Đò ơi!”.

“Khổ vì tình. Lụy vì tình”. Mẹ lảm nhảm như người mê. Mẹ nghĩ về số kiếp mẹ hay nhớ đến những lời sấm truyền về cuộc đời tôi? 

3.

Cái tin Châu Long được ông huyện Dương Lễ hỏi làm thiếp ba như tiếng sét giáng vào tim óc tôi. Nghe nói ông bà đồ, cha mẹ nàng, đã đồng ý, hai bên cũng bàn bạc định ngày trọng đại rồi. Có người trong họ vặn hỏi cha nàng: “Con bé đẹp thế, sao lại gả làm lẽ người ta?”. Ông đồ bảo: “Một đêm tựa mạn thuyền rồng, còn hơn chín kiếp ngồi trong thuyền chài”. Bên nhà nàng đang rục rịch đi chợ sắm sanh, chuẩn bị cho ngày nạp tài, vu quy của nàng. Châu Long ơi, ta nhớ ánh mắt ấp e, bối rối mỗi khi nàng chợt gặp ta. Giờ ta phải làm gì đây?… Phải chăng ta là kẻ hèn nhát, chẳng dám thổ lộ lòng trai trước gái má hồng, để đến cơ sự này?… Trăm ngàn câu hỏi tựa những lớp sóng lạnh táp vào tâm can. Tôi không biết phải làm sao.

Đêm trăng suông. Tiếng côn trùng rên rỉ gọi tình. Tôi dốc ngược quả bầu hồ lô. Dòng trăng lấp lánh trôi vào miệng. Lần đầu uống rượu, không ngờ rượu làng này lại ngon, thơm, cay đến thế. Ván kia đã đóng thuyền tình/ Rượu thề uống nhạt một mình trăng xưa/ Nàng vào phủ chúa cung vua/ Có người ngồi với cơn mưa cuối trời. Tôi ư ử hát bài thơ khóa Liễn đọc hôm nào trên chuyến đò mấy anh em sang hội làng Sình. Khóa Liễn nổi tiếng thần đồng mà mấy lần chỉ qua nổi thi hương. Gia đình hôn thê bội ước, phẫn chí Liễn bỏ làng ra đi, giờ phiêu dạt phương nào chả ai hay. Người làng này, cả vùng này sẽ còn nhắc nhiều đến cái sự thông minh hơn người, lãng tử hơn người của Liễn.

Có bóng người dưới trăng. Hay rượu và trăng làm tôi ảo giác? Không, cái bóng mềm mại, cái cần cổ ngần ngận trắng trên tấm lưng muôn muốt trăng kia không phải là ảo ảnh. Châu Long? Dáng nhành hoa thướt tha kia đúng là nàng. Đã có lần tôi nhìn thấy nàng xuống tắm ở bến sông này. Lần đó lâu lắm rồi, có lẽ từ ngày ti nàng chỉ bằng cái chũm cau. Hôm nay sao nàng lại ra đây?

Hơi rượu đã tan biến từ lúc nào. Tôi nín thở, rón rén bám theo nàng như một gã mèo già rình chuột.

Tôi đứng nép sau gốc gạo. Nàng đã xuống gần mép nước, nàng đặt chiếc nón trắng, rồi từ từ cởi yếm váy. Tấm thân mười sáu ngà ngọc của nàng hơ hớ dưới trăng. Mắt tôi hau háu. Trăng hau háu. Da thịt nàng. Nàng bắt đầu vỗ nước bì bạch, mơn man. Những con sóng dâng nàng lên, đẩy nàng lên. Hai bầu vú nàng nhọn hoắt, trắng nhấp nhô trên sóng.

Tôi thấy máu trong người rần rật chảy. Từ lúc nào đũng quần đã quá chật chội, cái thứ bên trong lồng lộn muốn xé tung. Chỉ dăm bước chân thôi, nàng sẽ thuộc về tôi. Mãi mãi thuộc về tôi. Một bước… hai bước… thằng đàn ông trong tôi thúc giục. Nhưng rồi… Tôi thấy gương mặt nàng. Là hoa của mọi đóa hoa. Là trăng của mọi ánh trăng. Là những gì đẹp đẽ nhất và đau đớn nhất trên đời. Gương mặt ấy, vẻ đẹp ấy không thể thuộc về kẻ rình mò xấu xa? Không, mọi dơ bẩn, thấp hèn sẽ không bao giờ chạm được tới nàng.

Lửa dục tắt ngúm. Tôi thành pho tượng canh cho nàng thỏa thuê cùng trăng nước.

Khi nàng về tới đầu xóm tôi mới dám khe khẽ gọi:

– Châu Long!

– Ai?… Ai gọi tôi? – Giọng nàng run run.

Tôi lao ra đứng chặn trước mặt nàng:

– Tôi đây! Tráng đây!

Nàng đã rõ mặt tôi.

– Theo tôi làm gì?

-…

– Người làng nhìn thấy thì tôi còn ra cái giống gì? Anh về đi – Gương mặt nàng bỗng buồn bã. Nàng lướt ánh nhìn lành lạnh qua cái mặt đang rần rật nóng bừng của tôi.

– Tôi chỉ muốn nói với nàng…

– Muộn rồi. Tôi là gái đã có chồng…

– …

– Anh là thằng hèn… – Đôi mắt dao cau của nàng bắn ra những tia giận dữ.

– Vì nhà tôi như thế… Mà ông bà đồ bên đấy thì… Tôi đã thưa với mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi e ngại, cả tôi cũng sợ…

– Anh là thằng vừa nghèo lại vừa hèn. Không đáng để gái này gửi thân…

Lời nói của nàng làm tôi đau điếng. Nàng nói đúng lắm. Tôi là thằng không cha, vừa nghèo lại vừa hèn.

Tôi đứng chết trân trối. Bất ngờ nàng nắm lấy bàn tay tôi, rồi đặt lên bầu ngực trinh nữ căng cứng của nàng. Bầu ngực bỏng rát, tay tôi bỏng rát. Nàng vùng bỏ chạy. Có tiếng nấc lẫn vào ngọn gió sông vừa thổi tới.

4.

Mặt trời mới lên được một lúc mà đã nóng như thiêu như đốt. Tôi vẫn cúi gằm mặt, nghiến răng mài dao, mặc những tia nắng quái ác xiên vào lưng, thiêu khắp người.

– Mày định làm gì hả Tráng?

Mẹ hỏi, giọng nghẹn tắc. Đã ba đêm liền tôi mài dao bầu xoèn xoẹt vào đá, vào trăng. Chắc mẹ biết tôi định làm gì.

– Người ta là nhà quan đấy. Mày giết mẹ đi rồi làm gì hẵng làm…

– Mẹ kệ tôi…

Xoẹt… xoẹt… tiếng thép ăn vào đá mài rờn rợn.

5.

Tiếng nhạc rước dâu mỗi lúc thêm náo loạn như muốn xé tan cái oi bức đang từ trên trời đổ ụp xuống. Tôi nhúng lưỡi dao vào ang nước. Lưỡi dao sắc lẹm. Sáng loáng. Tôi xách dao lủi nhanh vào vườn cây, đi lối tắt ra bến sông. Một người từ bụi chuối hột lao ra ôm lấy tôi từ phía sau. Tôi vùng ra, định giáng cho một đòn. Mẹ! Tôi nhìn vào mắt mẹ. Nát ruột nát gan. Nhưng tiếng nhạc kia tiếp tục réo lên. Sôi máu. Tráng này không phải là thằng hèn. Một là có nhau, hai là cùng chết. Tôi giằng hai bàn tay khô đét của mẹ mà không tài nào thoát nổi. Mặt mẹ trắng bệch. Bà nghiến răng để giữ lấy tôi, bọt sùi ra cả hai bên mép. Tôi cố hết sức đẩy bà ra.

Tôi càng giằng, mẹ càng ghì siết. Bản năng đàn bà của những người mẹ thật ghê gớm. Tiếng nhạc. Vẫn là tiếng nhạc quái quỷ ấy. Nó làm thằng con trai thất tình đau đớn, uất hận đến phát điên. Trước mắt tôi lúc này không phải là người đẻ ra tôi nữa, bà chỉ là cái người đang muốn ngáng chân tôi, dập ngọn lửa ngùn ngụt trong tôi. Càng dập lửa càng bùng lên dữ dội.

Lấy hết sức bình sinh tôi đẩy mẹ ra. Bà ngã dúi. Nhưng nhanh như một con cắt già, bà lại nhoài tới quắp lấy chân tôi. Tôi vung chân còn lại đá một phát trúng ngực bà. Lửa. Lửa lại bùng lên dữ dội. Từ trong bụng, từ tim gan lên đầu tôi. Tôi lao đi, chỉ mơ hồ thấy bà ôm ngực, lăn trên đất.

Tôi ra được tới bến sông, ba chiếc thuyền hoa đã ở giữa dòng. Muộn mất rồi. Gió gầm gào, cào xé vào mặt nước. Tôi vung dao chém xuống lòng sông. Những con sóng bị băm nát, tung tóe. “Châu Long! Châu Long! Châu Long!…”. Tôi chạy dọc sông Tiêu, gọi nàng như một kẻ điên. Tôi thấy máu ở tay rỏ xuống, loang trên mặt nước, hòa vào xác hoa, xác pháo. Đỏ tơi bời. Đỏ tan tác. 

6.

Tôi bước và bước. Không biết mình đang giẫm lên trăng hay lên đường làng. Dưới chân trăng tãi dãi dề, trên đầu trăng ngoác miệng ra giễu cợt. Nhìn cái mặt trăng nguệch ngoạc, tôi ngửa cổ khành khạch cười. Nhiều lần người làng xì xào sau lưng tôi: “Thằng điên! Thằng điên tình!…”. Tôi thây kệ miệng lưỡi thế gian. Từ hôm Châu Long qua sông, chiều nào tôi cũng chạy dọc sông gọi tên nàng. Dao sắc chém xuống sông, sóng tướp tơ xối đỏ.

Sau năm ngày cưới Châu Long, mẹ tôi ngã bệnh. Bà không ăn được gì từ tay tôi nấu. Thi thoảng bà nhìn tôi, nước mắt cứ thế tứa ra. Bà bảo tôi: “Mẹ còn mấy nén bạc chôn dưới chân giường, định dùng vào việc cưới vợ cho con. Mẹ biết số mẹ nay đã tận. Chôn mẹ xong, con cầm số bạc này đi tìm Châu Long. Nếu có duyên tiền định, nguyện ước tất thành. Còn vô duyên thì…”. Tôi chả nói được gì, chỉ biết nắm bàn tay bà đang lạnh dần, để mặc cho nước mắt trôi vào miệng đắng xót. Tôi là thằng con khốn nạn, là đứa bất hiếu. Chính tôi đã giết mẹ tôi. Mẹ lại phều phào: “Mẹ đã không tin chuyện ngày trước. Nhưng cái số của con đã vậy rồi, không thể nào mà khác được. Thôi thì, gắng giữ lấy thân…”. Đấy là mẹ tôi muốn nhắc lại chuyện mươi năm về trước. Chiều ấy, có một người dáng tiên phong đạo cốt ngang qua bến sông, ghé vào nhà xin nước uống. Thấy tôi đứng nép bên bậu cửa, ông ta bẹo má tôi một cái, lại nhìn thật lâu rồi bảo: “Thằng bé này dung mạo đẹp đẽ, ngũ nhạc hài hòa… Nhưng đôi môi đỏ với cặp mắt ướt này e rằng không tránh khỏi khổ lụy vì đàn bà!”. Mẹ cho là lời xằng bậy, hậm hực, không tin. Mãi sau mới biết ông ta là thầy phong thủy, lúc ấy đang đi chọn đất cải táng cho nhà quan tuần phủ.

Phận nghèo hèn chỉ lo cái ăn cái mặc đã toát mồ hôi. Mẹ chả còn để tâm nhiều đến chuyện ấy nữa. Tôi là đứa trẻ ham chơi, nghe đấy rồi cũng quên ngay đấy. Nhưng từ ngày mẹ biết tôi phải lòng Châu Long thì đôi ba lần bà nhắc lại chuyện cũ. Tôi cho là mẹ quá lo mà đâm ra nghĩ ngợi.

Đêm ấy, chớm canh tư, mẹ tôi kêu khát. Bà đòi uống nước mưa. Tôi ra cái chum ở gốc cau, múc cho bà nửa gáo nước. Uống hết, bà đòi một gáo nữa. Tôi múc tiếp cho bà đầy cả gáo. Uống được nửa chừng thì bà nấc lên rồi đi. Tôi nhớ mẹ tôi từng bảo bà ước cuộc đời bà được thanh sạch như một giọt nước mưa, do trời đất sinh ra rồi lại trở về với trời đất.

Giờ mẹ tôi về với trời đất rồi, không biết bà có được là một giọt nước mưa?

7.

Trăng dẫn tôi đến sát nhà Châu Long. Qua khe vách hẹp tôi thấy Kim Phụng, em gái nàng đang ngồi quay tơ. Mới ngày nào con bé còn lũn cũn theo chân nàng, giờ đã biết ngồi vào chỗ của chị để làm cái việc của bao đứa con gái, bao người đàn bà xứ tầm tang này. Con bé có gương mặt sáng đẹp, vẻ nhẫn nhịn giống chị. Ông bà đồ mỗi người ngồi một phía trên bộ tràng kỉ. Ông đồ vuốt bộ râu bạc lưa thưa hai lần, chiêu một ngụm nước vối do bà đồ rót từ chiếc ấm tích, rồi mới cất tiếng:

– Tôi sang bên đấy lần thứ hai. Nhưng quan huyện đã quyết thế rồi. Ngài ấy bảo không ai làm được việc đấy ngoài con gái bà.

Bà đồ lấy vạt áo chấm chấm mắt, rồi bất ngờ khóc toáng lên:

– Ối con ơi là con ơi. Lúc đi thì hơ hớ như thế. Lúc về biết ra làm sao. Cái thứ rượu nhạt, cơm thừa còn thằng đàn ông nào nó muốn dùng…

Ông đồ đập bàn:

– Bà có im đi không! Láng giềng người ta cười cho. Nhà ta với nhà họ Dương là dòng danh giá!

– Ừ, tôi biết danh giá rồi ông ơi. Chỉ đàn bà chúng tôi là lũ khốn khổ, khốn nạn thôi… Châu Long ơi… là Châu Long ơi! – Bà đồ lại hờ to hơn.

– Đàn bà rặt một lũ thiển cận. Rể bà là dòng thi thư đọc nát sách thánh hiền. Nó lại là quan tri huyện chăn dắt cả cái huyện nhà bà. Nó không biết tính à?

Lần đầu bà đồ nghe chồng gọi ngài con rể là “nó” thì biết là ông đang nổi nóng. Bà không dám hé lời nữa. Ông đồ chiêu nốt ngụm nước, vung bát hắt cặn vào cột nhà rồi bỏ lên giường nằm. Con bé Kim Phụng đã ngừng quay tơ từ lúc nào. Nó ngồi bất động. Bà đồ cũng ngồi bất động trên tràng kỉ. Dưới ánh đèn dầu lờ nhờ, hai cái bóng như hai bức tượng câm nín được tạc trên vách.

8.

Trong tay nải là ba nén bạc, bộ quần áo và con dao bầu. Con dao tôi đã mài không biết bao đêm, chém xuống sông không nhớ đã bao lần. Tôi phải sang sông. Tôi phải đến nơi tôi cần đến. Tin bợm mất bò, tin bạn mất vợ nằm co một mình. Sao trên đời lại có thằng đàn ông đem vợ mình dâng cho thằng đàn ông khác? Huynh đệ ư? Nhân nghĩa ư? Có phải thế không, hay chỉ là tấn tuồng mua vui cho thiên hạ? Mẹ kiếp, thối lắm cái bọn nhiều chữ!

Gió quất trên bãi dâu vun vút. Mùa này nước sông nồng mà buốt. Đêm không trăng, chỉ vài ánh sao đơn lạc cuối trời. “Đò ơi! Đò ơi!”. Tôi gọi rát họng mà nhà đò không chịu sang. Tôi cởi quần áo nhét vào tay nải. Một tay khỏa nước, một tay giữ tay nải trên đầu, tôi bơi qua sông, trần truồng như con cá đuối bơi đi tìm bạn. Sông không còn rộng, nước không còn lạnh nữa.

Bơi ra giữa dòng, hai chân tôi cứng đờ. Rồi đến hai tay cũng tê dại. Tôi không tài nào cử động được. Vẫy vùng. Tuyệt vọng. Nước bắt đầu xộc vào mũi, xộc vào mồm, xộc vào phổi. Tôi tắc thở như con cá ngáp ngáp trên thớt. Rồi thân thể bỗng nhẹ bẫng, lửng lơ giữa một hố đen sâu ngun ngút…

Tỉnh lại, tôi thấy mình đứng trên một cây cầu. Phía xa thấp thoáng những bóng người như lướt trong sương. Tôi đang ngơ ngác thì có người đến vỗ vai:

– Mới xuống đấy à?

Sương khói phảng phất trên gương mặt người này nên tôi không biết tuổi tác anh ta thế nào để xưng hô cho phải. Tôi thủng thẳng đáp:

– Tôi không biết. Đây là đâu?

Người này nhìn tôi khắp lượt, thốt lên:

– Thằng Tráng phải không? Sao lại xuống đây, mà lại trần như lợn cạo thế này?

Tôi nhận ra mình đang trần truồng, vội lấy hai tay úp vào háng. Bây giờ thì tôi rõ mặt người này.

– Khóa Liễn, anh làm quan rồi à? – Hỏi thế là bởi tôi thấy khóa Liễn mặc bộ quần áo thùng thình thêu hoa lá, lại đội mũ cánh chuồn giống đám quan lại tôi từng nhìn thấy trong các đêm hội chèo bên làng Đoài.

– Ừ, tao làm quan được sáu năm thì phải xuống đây – Liễn lấy từ trong người ra một bộ quần áo sặc sỡ, nhẹ tênh, quăng cho tôi. Mặc xong, tôi hỏi khóa Liễn:

– Đây là chỗ nào?

Liễn cười khùng khục:

– Đây là cái chỗ từ thằng áo gấm đến thằng khố rợ đều phải đến.

– Âm phủ ư? – Tôi hét lên.

– Mày đừng làm kinh động nơi này. Sợ đếch gì. Chết sớm khỏe ma. Mà sao khốn khổ khốn nạn không có cái khố che chim? Hay đi ngủ lang với con đàn bà nào, chồng nó bắt được, giết tại trận?

Tôi thực sự hoảng sợ khi biết mình đã chết. Thì ra tôi đã chết đuối khi bơi qua sông Tiêu. Châu Long ơi, ta đã không thể gặp được nàng! Liễn không biết đến cái mặt đau đớn của tôi. Tôi khóc mà chả thấy giọt nước mắt nào. Liễn thì cứ nhơn nhơn, giọng phớt đời. Liễn kể mấy năm trước đã thi đỗ, được bổ làm quan huyện. Nhưng Liễn ôm mối nhục bị bội ước năm xưa nên chả lo việc công, chỉ mải kiếm tìm gái đẹp nạp thê thiếp hưởng lạc. Để phục vụ sáu bà vợ và lũ con đông đúc, Liễn phải bòn rút của công, ăn chặn của dân, nhận hối lộ xử án oan sai… Nửa năm trước, Liễn bị bắt về kinh, tội phải trầm hà.

Tôi bảo:

– Em bơi qua sông tìm Châu Long, đến giữa sông thì bị chuột rút.

– Mày ngu bỏ mẹ! Việc gì phải vì một con đàn bà mà chết tức chết tưởi – Liễn nhếch mép cười đểu.

Tôi gân cổ cãi:

– Không. Em yêu nàng thật lòng. Định qua sông xin tí tiết thằng chồng quan khốn kiếp của nàng.

– Lại càng ngu! Nhà quan nhiều phòng ngách như hang cáo, quân hầu quân lính cả đàn đông hơn rươi, mày chỉ có cái sức trâu thì làm được gì?

Tôi bảo tôi có con dao bầu đã mài sáng loáng, sắc hơn nước. Nghe tôi nói thế Liễn lại cười khùng khục rồi bảo suy cho cùng tao với mày đều chết vì đàn bà. Trên đời này không có cái gọi là tình yêu, không có người đàn bà nào yêu thương ta, trừ người đàn bà đẻ ra ta thôi.

Liễn nhắc đến mẹ làm tôi vục mặt vào lòng bàn tay rưng rức khóc. Không biết mẹ tôi giờ ở chỗ nào dưới cõi âm ti này. Lúc tôi ngẩng lên thì không thấy Liễn đâu nữa.

9.

Tôi chả biết đi đâu. Cứ ngồi trên cầu đợi khóa Liễn. Nghĩ về mẹ, nhớ đến Châu Long là tôi lại chực khóc. Lúc sau, tôi được một linh hồn ghé vào tai chỉ cho đường đến Vọng Hương đài. Nơi ấy tôi có thể nhìn thấy mọi sự ở cõi dương gian…

Trong nếp nhà tranh gọn ghẽ, Châu Long ngồi tỉ mẩn xếp đặt những thức hàng sớm mai mang ra chợ. Đôi thúng sơn nâu khá lớn so với thân hình mảnh dẻ của nàng. Xếp đặt đâu vào đấy, Châu Long xuống bếp bưng lên đĩa khoai luộc nghi ngút khói đặt trước mặt một gã đàn ông. Gã đang đọc cuốn sách chi chít chữ thì dừng lại nhìn nàng rất tình. Tôi nhận ra gã chính là Lưu Bình, tên công tử ăn chơi rách giời đến tán gia bại sản. Thì ra, tay bạn quý hóa của chồng nàng là cái gã họ Lưu này. Châu Long cúi mặt, dịu dàng bảo:

– Mời huynh xơi kẻo nguội!

Gã cầm tay nàng kéo lại:

– Muội ở với ta một chút!

Mặc gã chèo kéo, nàng kiên quyết buông tay rồi vào buồng trong. Cái áo sứt chỉ được nàng lấy ra, nhẫn nại khâu vá dưới ánh đèn vàng ệch. Nàng vá áo hay vá lại thân phận oái oăm của nàng? Đôi tay nàng trước trắng hồng, mềm mại giờ nhằng nhịt những đường gân xanh và những vết chai dày. Gương mặt nổi vài nốt tàn nhang. Ánh mắt heo héo, chả biết là đang nghĩ gì. Đã sống với hai người đàn ông, liệu có lúc nào nàng nhớ đến ta không, Châu Long ơi?…

Châu Long máy nhỏ ngọn đèn rồi lên giường đặt mình. Trằn trọc. Bứt rứt. Nàng xoay ra, xoay vào, rồi lại xoay ra, phía nào cũng thấy trống trải. Tiếng mọt nghiến trong những chiếc thang giường nghe buồn thảm.

Quãng nửa đêm, nàng vừa chợp mắt thì gã họ Lưu mò vào. Gã nhìn xoáy vào cặp vú trắng nõn lấp ló bên trong chiếc yếm sồi trễ tràng. Lửa dục ngùn ngụt trong mắt gã. Gã đặt tay vào bờ vai tròn trịa, rồi mân mê dần vào giữa. Châu Long thấy nhột thì mở mắt. Nàng vội hất tay gã ra, ngồi bật dậy.

– Huynh chó thế! Nói lời chả giữ lấy lời. Điếm cái miệng lắm… Quân tử đọc sách thánh hiền mà thế ư? Liệu có đáng để gái này khổ sở?… – Nàng không ngờ cơn giận làm mình thốt ra những lời như thế.

– Ta thương muội. Quân tử hay tiểu nhân thì đều có cái ấy. Nó làm ta sắp không chịu được nữa rồi. Trước sau gì ta và muội chả động phòng. Muội cho ta đi! – Gã van nài.

– Huynh còn giữ thói đàng điếm năm xưa. Người như thế làm nên trò trống gì? – Nói rồi nàng khóc nấc lên.

Gã họ Lưu nói với nàng câu gì đấy rồi cúi gằm mặt bước đi. Châu Long ra khay trầu lấy con dao nhọn dúi dưới chiếu. Nàng lại gục mặt vào gối rấm rứt khóc.

Tôi điên lên vì giận. Cái gã họ Lưu này đúng là ăn no dậm dật. Tôi chỉ muốn cho gã một dao. Châu Long ơi là Châu Long! Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục lại vần than rơm. Thằng chồng của nàng chán chường nàng rồi ư, mà nó đẩy nàng đến với cái gã nổi tiếng phóng đãng này? Sao nàng lại phải khổ nhục, đọa đày tấm thân bồ liễu?

10.

Lũ ngạ quỷ vẫn thường đi tuần tiễu. Tôi nấp vào trong cái hốc đá cạnh chân cầu để qua mắt chúng. Hằng ngày, lúc không thấy mống nào lởn vởn, tôi lại chạy lên Vọng Hương đài. Những gì nhìn thấy làm tôi lúc căm tức, khi đau xót. Căn nhà vách đất, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, nơi mẹ tôi tắt thở biệt đời, đã bị tên lý trưởng đốt phá. Hắn chiếm hết cả ruộng vườn của mẹ con tôi.

Châu Long ngày thêm xanh xao, gầy mòn. Càng gần đến ngày gã họ Lưu kia đi thi thì gánh hàng của nàng càng trĩu xuống. Nàng vẫn thường mất ngủ. Chỉ có ánh đèn leo lét góc buồng và tôi là biết cái hơ hớ của nàng vật vã hàng đêm. Giờ thì tôi làm được gì cho nàng? Từ đêm bị nàng mắng, gã họ Lưu không dám bén mảng tới cửa buồng nàng. Nhưng thi thoảng gã vẫn soi ánh mắt rất dâm về phía nàng nằm, rồi thở dài, nuốt khan. Tôi căm ánh mắt tội lỗi của gã…

Một sáng, lúc Châu Long đang ngồi bán hàng ở góc chợ thì con hầu nhà tên quan họ Dương đến. Trông thấy nàng, nó chả mở miệng, cứ nhìn chủ chằm chằm, mắt mòng mọng nước. Châu Long bảo: “Có chuyện gì? Hay trông ta thảm lắm mà em khóc?”. Bấy giờ nó mới ngùi ngùi: “Không, bà vẫn đẹp như xưa. Nhưng con thương bà, con nhớ bà!”. Nó bảo được quan cho về nhà ít ngày, tiện đường ghé thăm nàng. Nó kể với Châu Long mấy năm qua tên quan họ Dương đã nạp thêm hai đứa thiếp mới, đứa nào cũng trẻ, nòn nõn. Lại dặn nàng không được nói với ai rằng nó kể chuyện này. Mặt Châu Long trắng trơ, vô cảm như tượng sứ, hai con mắt không chút xao động. Thấy vậy con hầu lại bảo: “Thật con chả thấy ai như bà”. “Thì ta làm được gì nào? Rồi đây ta biết đi đâu về đâu?”. Giọng nàng xon xót. Con hầu bỗng đanh mặt lại, bảo: “Theo con bà cứ về, chẳng phải đi đâu. Con xin bà bỏ lỗi… Bà vì quan mà đi chăm nuôi ông bạn quý hóa của quan, chứ có phải đi đánh đĩ đâu mà sợ”. Ơ, sao con bé này giờ đáo để, như đi guốc trong bụng nàng. Ừ, mười năm rồi còn gì, biết bao thay đổi, nó đâu còn là con bé ngờ nghệch, vụng về hay được nàng che chắn năm xưa. Đã ngần ấy năm nàng vâng lệnh chồng rồi ư? Sao nàng có thể chịu đựng? Sao nàng không buông xuôi, không tung hê tất cả? Bao đêm canh vắng vò võ một tấm thân trong căn buồng hẹp, chiếc giường ngoài nhà người đàn ông ăn cùng mâm đang sục sạo, hổn hển, nàng thấy sao trớ trêu, bẽ bàng. Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày. Mười năm là ba ngàn sáu trăm năm mươi ngày. Ba ngàn sáu trăm năm mươi đêm cái hơ hớ của nàng rấm rứt, réo mòn. Nhưng nàng là con một ông đồ, là vợ một ông quan, nàng phải gồng lên để đi cho hết, cho trọn đoạn đời này. “Thôi, em về đi kẻo muộn. Ta sẽ biết đường định liệu”. Con bé đi rồi, mặt nàng mới chảy ra. Nỗi tủi nỗi hờn không sao ngăn được.

11.

Chán nản. Tôi ngồi ngáp vặt thì khóa Liễn đến. Thấy tôi, Liễn thốt lên:

– Từ hôm xuống vẫn ngồi đây à?

– Em không rời được cái Vọng Hương đài kia. Nói rồi tôi kéo Liễn vào hốc đá. Tôi thắc mắc với Liễn mỗi ngày nhìn lên dương gian thấy khác đi nhiều. Liễn cho tôi biết chín tháng dưới này bằng chín năm trên ấy. Tôi xuống đây đã chín tháng mà không chịu qua bảy ải để đến chầu Diêm Vương thì tội nặng lắm, chắc phải đày qua mười tám tầng địa ngục. Tôi không sợ gì, chỉ nhớ, thương xót Châu Long. Liễn bảo tôi: “Mày đến chết vẫn khổ vì đàn bà!”. Liễn lại bảo dương gian không còn gì với mình nữa. Mấy đứa đàn bà từng hú hí hưởng lạc với Liễn đứa quay lại làm ca kĩ, đứa làm lẽ thiên hạ, đứa làm tôi đòi cho người ta. Lũ con do chúng đẻ ra đều là của rởm, không đứa nào là con Liễn. Chúng là giống nghiệt chủng của thằng bếp, thằng thơ lại, rồi cả thằng lang băm từng chữa bệnh cho Liễn. Chỉ có người vợ cả và thằng con lớn là vợ thật, con thật của Liễn. Ngày Liễn bị xử tội, chẳng còn nơi bấu víu, mẹ con cùng uống canh thuốc độc mà chết. Lâu nay Liễn vẫn đi tìm vợ con dưới này. Còn bọn kia, Liễn muốn trở về móc mắt, bóp cổ cho chúng chết ráo. Nhưng rồi lại nghĩ chả để làm gì, chỉ tội lỗi thêm chất chồng. Liễn với chúng âu cũng là lừa nhau cả. Tôi bảo muốn một lần được gặp Châu Long. Nghĩ Liễn từng làm quan chắc lắm mưu hay kế hiểm, tôi cầm tay Liễn cầu cứu, khóc rống lên. Đăm chiêu một lúc, Liễn rút từ ống tay áo ra một túi gấm, bảo: “Thôi được, tao sẽ giúp chú. Đây là lá bùa do lão đạo sĩ luyện cho lúc tao đang làm quan. Theo lão ấy, người chết rồi giữ được lá bùa này trong tay có thể trở về dương gian. Nhưng mãi mãi chỉ là một linh hồn lang thang, vất vưởng, không thể quay lại âm ti để đầu thai chuyển kiếp… Chú suy nghĩ cho kĩ”. Không có Châu Long với tôi sống chết nghĩa lí gì. Tôi cũng không muốn gặp mẹ. Tôi sợ bà chưa tha thứ cho tôi và sẽ thêm đau lòng khi thấy tôi thế này. Liễn lại bảo vào đúng giờ tí ngày bảy tháng bảy nếu có phúc được sao Nam Tào chiếu trúng, có thể mượn thân xác người khác để neo lại dương gian. Tôi quỳ sụp xuống lạy Liễn như tế sao. 

12.

Tôi nhập vào một con đom đóm to bằng đầu ngón tay, bay đến nếp nhà tranh mà tôi thuộc từng cái gianh khi còn ở Vọng Hương đài. Nhà hoe vắng, người không có, chó mèo cũng không. Quang gánh và đôi thúng sơn của Châu Long vẫn nằm một góc nhà. Trong buồng, đầu giường nàng vài miếng trầu têm cánh phượn

g đã héo. Cái chiếu bị xô dạt những sợi cói ở đoạn giữa. Tôi sà vào đấy, mùi đàn bà nồng nã xộc lên.

Đêm. Tôi giấu mình trong vườn nhà tên quan họ Dương. Bằng ánh sáng xanh lét tôi thấy rõ những gương mặt đàn bà cong cớn, ngấm nguýt, lại nghe được những lời thật nghịch nhĩ về nàng từ đám vợ lớn bé của họ Dương. Từ chập tối Châu Long đã được con hầu đưa đi tắm nước thơm, chải chuốt, điểm trang cho. Giờ nàng đang ngồi trên giường đợi hắn. Mặt nàng vẫn như tượng sứ, chỉ đôi mắt là có phần hồi hộp. Tên quan họ Dương dốc cái bình rượu ngọc dương ra chén tống, tợp một hơi cạn sạch, rồi đủng đỉnh bước về phía phòng ngủ của Châu Long. Trông cái mặt ụ thịt, cái bụng cóc của hắn, tôi muốn vật cho hắn một nhát chết tươi.

Tôi bay vào phòng Châu Long, nằm ép trên xà nhà, nín thở. Thấy mình khốn khổ, khốn nạn. Nhưng tôi bất chấp… Tên họ Dương lột trần nàng ra. Hắn hít hít khắp người Châu Long như muốn tìm kiếm thứ gì. Tê tái. Ê chề. Nàng nằm trắng trơ như một pho tượng sứ. Hắn chìa cái của đàn ông rồi thúc mạnh vào nàng. Sóng vừa nổi lên được vài nhịp thì hắn sựng lại. Cái của hắn nhũn như một con sên, chuồi ra khỏi nàng. “Ta thấy khác!…”. Hắn rin rít qua kẽ răng. Hắn không biết Châu Long đang cắn răng vào môi để khỏi bật ra thành tiếng nấc. Mặc lại xống áo rồi hắn xây lưng lại phía nàng. Một lúc sau đã nghe tiếng ngáy o o.

Sau đêm ấy, nhà họ Dương nháo lên nửa ngày vì không thấy Châu Long. Hắn cho người đi tìm nàng, nhưng chỉ là đi cho có.

Tối hôm sau, tôi quay lại nhà họ Dương thì bị thằng nhãi con lão quản gia bắt được. Nó nhốt tôi vào một cái bình đất nung tối hơn cả âm ti. Dễ đến mấy ngày sau, thừa cơ thằng nhãi mở nắp bình ra xem, tôi mới thoát thân được. Nhưng từ đó, tôi lạc mất Châu Long. Tôi lần theo những tin đồn để tìm dấu chân nàng.

Đã mấy trăm năm, tôi vẫn chưa gặp được nàng.

13.

Đêm nay tôi về lại bến Nguyệt Hàn. Trăng tê tái trong mưa. Những giọt nước trong suốt, buốt như kim châm.

… Có phải là mẹ đấy không?

Có phải là nước mắt Châu Long đấy không?…