Mỗi khi ai đó gợi nhớ lại mùa kỷ niệm đã xa thì trong lòng càng da diết, nhớ thương…
Người ta cứ nhớ hoài, nhớ đến những năm tháng ấu thơ, cứ rủ trái tim mình mơ về những hồi ức thời thanh xuân. Dẫu trong mỗi khoảng trời, ‘‘cõi riêng ta ấy’’ có nước mắt, có nụ cười, có hạnh phúc và cả những nỗi khổ đau: ‘‘trong veo và buốt giá như sương lạnh mùa đông nhưng người ta lại chẳng thể quên, quên đi cái ngọt ngào trong cay đắng ấy’’.
Kỷ niệm càng mong mang, càng hư vô và ảo ảnh thì người ta lại càng nao nao nỗi lòng nhớ đến không ngừng, cứ thôi thúc đêm ngày tâm tưởng của con người ta tìm về chốn quá khứ ấy.
‘‘Quá khứ’’ đối với mỗi người, nó giống như một căn nhà ở trong một cõi riêng tư được bày đặt, được treo xếp gọn gàng, giản dị và xinh xẻo nhưng cũng có cái bất cẩn bị xáo trộn trong niềm đau khổ tột cùng. Không phải ‘‘thế giới chung’’ mà là một ‘‘Cõi riêng’’, là những linh vật, những kỷ vật của riêng ai đó được chưng cất bằng cả một tâm hồn và trái tim đa cảm.
Kỷ niệm có thể đánh thức con người ta sau cơn mê sảng để trở về ‘‘cái gọi là lương thiện’’, và cũng sẽ làm lòng người chìm lặng trong nỗi âm thầm, xót xa của đau đớn.
Có những người khi đi qua ‘‘Cõi riêng ta ấy’’ lại muốn đời được bình lặng, được dịu dàng thắm tình hơn, được ấm áp như nắng tỏa trên gương mặt già nua và nhăn nheo vì tuổi tác đã phải sống qua bao tháng ngày thăng trầm, vần vũ mưa bão ấy, sao cho thoát khỏi nỗi reo neo oan trái của đời.
Người có nụ cười thì ai ai cũng thấy hạnh phúc. Người có nước mắt thì lặng thầm chảy ngược trong tim. Nước mắt khóc mà không ai kịp nhìn thấy thì chính là vết xước, là mảnh vỡ của trái tim người ta đang dãn nở co thắt đau từng cơn nhức nhói…
Kỷ niệm một thời đó, dẫu có xa, xa đến mấy đi chăng nữa thì con người ta vẫn cố lục tìm trong hồi ức hay cất giấu đi?
Đối với riêng lòng tôi, ‘‘đắng đót nhiều hơn cái ngọt ngào’’, nước mắt khóc cũng nhiều… Hạnh phúc cũng là đau khổ. Niềm vui có thể làm người ta hay bồng bột, nông nổi. Nhưng chính những nỗi đau khổ bất hạnh lại giúp ta sâu sắc, trưởng thành hơn.
Trong ‘‘Cõi riêng tôi ấy’’ có những điều mất mát, có những niềm nuối tiếc thời gian quay trở lại, nhưng vốn dĩ câu nói nhân sinh ở đời ‘‘ngày qua thì ngày không trở lại’’. Mất mát là điều mà chẳng ai có thể lấy lại được hoàn hảo và tốt đẹp như ban đầu. Nên trong ‘‘cõi lòng ta ấy’’ có những nỗi niềm riêng tư không dễ gì sẻ chia. Cả trong những giây khắc tuyệt vọng nhất của cuộc đời, người ta cũng chỉ biết vầy vò nỗi cô đơn, có khi cười lại khi khóc, lại khi úp mặt vào đêm trằn trọc không ngủ được.
Kỷ niệm thì bao giờ cũng thế, cũng vẫn là những mùa kỷ niệm thổn thức trong thương nhớ, trong chờ mong khắc khoải một người.
Khi sống trong quãng đời thơ bé, người ta biết khóc rồi lại cười, cái nụ cười ấy sao hồn nhiên, trong trẻo và lạ lẫm lắm. Người ta không biết đến đớn đau, không biết nước mắt và có thể xoa dịu cơn đau ấy bằng những nụ cười vô tư thời tuổi ấu thơ.
Trưởng thành hơn, người ta lại biết che giấu nỗi đau mình bằng nụ cười gượng vui trên môi, như cố dùng son phấn và đồ trang sức, làm tôn lên những vẻ đẹp quyến rũ và giấu đi những điểm khiếm khuyết bẩm sinh trên gương mặt của mình. Nhưng càng cố che đậy thì người ta lại càng thấy đau thêm trong lòng. Tại sao vậy?…
Tôi không phải là một nhà văn hay một nhà thơ nổi tiếng gì đó, nhưng biết cầm cái bút để viết, viết tiếp những điều trăn trở còn trong lòng mình, viết tiếp những nỗi đau khổ hạnh của kiếp người trong cuộc đời này từ một ngòi bút mạnh mẽ và chân thực nhất.
Cuộc sống này đầy rẫy những bi hài, nghịch lý, đầy rẫy những cảnh éo le thương tâm…Quá xót! Người ta có thể đành lòng, nhắm mắt bỏ xuông và làm ngơ khi thấy cảnh những đứa trẻ thơ lang thang trên phố giữa mùa đông giá rét mà không được ăn no, ngủ ấm, không được chiếc giầy xỏ ấm, không được ở bên cùng gia đình đón đêm Noel và Tết cuối năm trong lung linh ánh sáng và hoa thơm nồng nàn? Người ta sẽ đành lòng sao, khi thấy những bà mẹ già khổ đau mất con, những người vợ mất chồng như thế, họ sống trong khổ đau tuyệt tàn của số phận ruồng rẫy… Người ta có thể câm lặng trước cái chết của một đứa bé vì nghèo đói mà kết thúc cuộc đời mình: ‘‘Sự sống sót chỉ được gói gọn trong hai chữ chết chóc!’’. Nghèo nàn cũng có tội ư? Cái nghèo, cái khổ đâu có cho con người ta được cuộc sống hạnh phúc và an nhàn được. Cô gái còn trẻ tuổi khi bước vào một tình yêu, cô yêu yêu đến đau lòng, yêu trong nước mắt đau đớn về thể xác và tâm hồn khi người tình phụ bỏ vì nghèo… Tình yêu đâu có lỗi, nhưng nó lại là thứ mù quáng mù mờ nhất, điều có thể khiến con người ta đi đến cái chết khi lòng người đã hết tình, tước bỏ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc thuộc về danh dự mình.
Cuộc đời đâu có công bằng, đâu có phải là niềm vui trọn vẹn hết. Ta không lựa chọn, định đoạt được đời mình mà số phận cầm giữ cuộc đời ta.
Tôi đã từng sống trong ký ức buồn bã, đã từng hằng mơ những kỷ niệm ngọt ngào ấu thơ và thời thanh xuân của mình trong mỗi đêm khi tôi nhắm mắt ngủ sau chuỗi ngày dài mệt mỏi ấy. Những cơn đau lòng mình là không thể cố gỡ bỏ, là không thể xóa bỏ và lãng quên nó đi. Người ta vẫn phải chấp nhận sự thật phũ phàng đó, để rồi có một ngày lòng tràn đầy niềm cô đơn hoang hoải thì trái tim mồ côi lại khao khát ‘‘được hạnh phúc, được yêu thương đủ đầy’’, dẫu trong tim người còn những vết sẹo chưa lành lặn.
Yêu thương là thế!
Yêu là khi người ta đã đi qua hết yêu thương, đã nếm trải đủ đau thương nhưng vẫn ước một điều kỳ diệu được yêu lại thêm một lần nữa.
Đối với riêng tôi, trên đời này, chẳng có gì vĩnh viễn. Tình yêu càng mong manh thì tình càng khổ đau thêm. Ngay cả khi có nhau, ở bên nhau, cái vẻ đẹp huyền diệu hạnh phúc kia, là như thật hay trong ảo ảnh của người? Và cả khi tìm nhau. Người ta vẫn để lạc mất nhau vì yêu thương quá đỗi mong manh rồi…
Tôi luôn đau đáu tìm kiếm? Như tìm kiếm một thứ gì mỏng manh của mình đã từng bị ăn cắp mất. Là yêu thương. Là hạnh phúc. Là những niềm vui và sự hồn nhiên, tươi trẻ nhất của một cô gái tuổi đôi mươi với tâm hồn trinh bạch của tuổi hoa tuổi ngọc yêu dấu!
Ước muốn được xóa đi vết hằn năm tháng trên mái tóc pha sương, trong khoé mắt, con tim của người để thắp lại niềm tin cuộc đời hạnh phúc.
Ước muốn sao lòng thôi cô đơn và khắc khoải nỗi đắng đót. Tim sẽ vẹn nguyên và chưa từng vỡ nỗi đau đời, chưa bao giờ từng khóc vì cơn đau và cười khi vui.
Ước muốn được trở về tuổi thời thanh xuân của mình với trong trẻo tiếng cười lay động cả sắc trời xanh bao la ấy. Đời ta vui, đời ta hát như chưa từng bao giờ bị nhuốm khổ đau, bị tổn thương sâu sắc.
Kỷ niệm thì cứ mãi qua, qua đi, không kịp ngoảnh lại nhìn năm tháng, không ngừng lại để con người ta kịp nắm giữ, kịp nhận ra những thứ mất và còn.
Phải chăng khi nỗi đau dầy lên, khi nỗi bất lực tuyệt tàn trong tâm thì con người ta sẽ buông xuôi mọi thứ ư?
Tôi đã từng mất đi một khoảng thời gian chỉ vùi mình trong nỗi đau, cô đơn và nước mắt. Thậm chí, tôi còn lãng quên luôn đi cả nụ cười của chính mình. Tôi chấp nhận cuộc sống này, cuộc sống của một kẻ thầm lặng và buồn bã. Tôi đã không thể vực dậy được tiếp vì những nỗi đau mất mát của cuộc đời mình.
Hài lòng với số phận với những gì tôi đang sống chính là bằng lòng với sự thất bại và gục ngã của con người mình.
Nỗi đau tưởng chừng như không thể chia cắt và nó có thể làm con người ta sống trong ủ mê đến chết.
Tôi nghĩ mình đã không thể viết được nhiều nữa…
Nhưng rồi một đêm đau khổ, mưa gió, đầy buốt giá trong lòng, tôi đã cầm bút viết đến với văn chương. Tôi viết để than thở cho cuộc đời quá ngắn ngủi này, viết cho tan đi những nỗi đau quá dài mà không thể nào dập tắt, viết khi nỗi buồn cứ ngày đêm bủa vây lấy tôi, viết như để giải tỏa cuộc đời đầy bất an của mình.
Những con chữ trên trang viết thẫm đẫm đầy nước mắt của tôi. Những trang viết như thôi thúc nỗi lòng trong tôi, càng viết tôi càng tìm lại được là mình, tìm về được nơi an ủi, chia sẻ cùng mình.
Văn chương như một người bạn tri âm tri kỷ của tôi, biết lắng nghe biết cảm hóa trong lòng tôi: cả những cảm xúc đong đầy và thương nhớ, làm tâm trí tôi yên tĩnh lại, bảo vệ và che chở từng khoảnh khắc đau đớn trong tim tôi. Văn chương như một người bạn bé nhỏ có sức mạnh kỳ diệu lau khô giọt nước mắt cho tôi, đang mang đôi bờ vai cho tôi dựa vào, xua đuổi những đớn đau lòng tôi. Và từ trong nỗi lòng đau đớn ấy, tôi đã có thể viết ra những bài văn, những câu chuyện cuộc đời người.
Như một định mệnh mà ý trời đã định: Văn chương đã không bao giờ rời bỏ tôi, đã luôn bên tôi như một phép màu kỳ diệu. Người bạn bé nhỏ ấy luôn đón đợi tôi đến bất cứ lúc nào. Và đó cũng là duyên nợ của tôi đến với văn chương…
Trong ‘‘Cõi riêng tôi ấy’’ có những dư vị ngọt ngào của ký ức đẹp đã đi qua mà có tâm hồn tôi rất trong trẻo bởi những yêu thương, bởi những ngọt ngào, hạnh phúc. Tôi sao có thể quên những ký ức tươi đẹp ấy.
Trong cõi lòng tôi ấy có nếm đủ cả vị đắng chát, mặn mòi của cuộc đời nhưng nỗi đau dù lớn dù găm sâu vào lòng mình đến đâu thì cũng có lúc nó bình lặng lại với đời, yên lặng lại như sóng không còn bão tố nổi giông nữa.
Tôi viết, viết bằng sự đam mê thực sự chứ không phải khi viết với tư cách nào đó. ‘‘Viết khi giận hờn, khi vui hay buồn… với đầy đủ các cung bậc cảm xúc có thể đẩy đến tột cùng. Thực sự, lúc đó tôi thấy thật thà nhất khi được là mình, đó là một điều hạnh phúc, hạnh phúc trong thứ nghệ thuật tôi cho là chân chính nhất’’.
Khi cầm bút, tôi luôn suy nghĩ về ‘‘sống và viết’’, người cầm bút không được trốn tránh sự thực, mà hãy đứng trong lao khổ để mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời… Để được một tác phẩm nghệ thuật ‘‘thật giá trị’’ thì nó phải chứa đựng nội dung nhân đạo sâu sắc nhất: phải chứa đựng một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, viết về tình thương, tình bác ái và sự công bằng ở đời… đồng thời làm cho người gần người hơn, yêu thương và biết trân trọng những tình cảm tốt đẹp của nhau hơn.
Bởi văn chương không phải là dòng ngôn ngữ nghệ thuật lừa dối, không nên lừa dối bởi sự giả tạo nhỏ nhen của lòng người.
Văn chương được sáng tạo, được tìm tòi nghệ thuật chân chính bằng nhân cách và lương tâm của mỗi người cầm bút.
Tôi cứ đứng trong lao khổ, trong đau đớn của đời thực mà viết…
Và tập truyện ngắn đầu tay: ‘‘Mùa Gió Khô” của tôi đã ra đời trong hoàn cảnh sáng tác như vậy.
Trong tập này, với 14 truyện ngắn, ta bắt gặp được hình ảnh ‘‘Ba con người’’ trong ‘‘Mùa Gió Khô’’ – là những đứa trẻ không gia đình, sống nương tựa vào nhau trên mảnh đất nghèo đói và đầy khắc nghiệt. Cuộc sống tưởng rằng sẽ bình yên, nhưng sự tàn khốc của năm tháng đã làm cuộc đời người của ba con người ấy thay đổi. Yêu thương lỡ làng, mất mát và sự khổ đau âm thầm không dứt. Kết thúc truyện là nỗi ám ảnh trong lòng người đọc về hình ảnh Mùa Gió Khô thổi thốc con sông. Mùa gió khô khốc như ném từng hạt bụi vào mặt mặn đắng nước mắt…
Đến với truyện: ‘‘Những ngày ở quê’’ lại là một không gian tươi tắn của sắc màu thôn quê bình dị và chìm ngập trong những miền yêu thương nỗi nhớ da diết của cô gái tên Lam đã xa quê lâu khi trở về cùng mẹ, cùng Bình – người mà Lam thương nhớ. Truyện dung dị nhẹ nhàng – trong sáng, giản dị mà sâu sắc, thâm trầm.
Truyện: ‘‘Người mẹ đau khổ’’ là tiếng lòng đau khổ của hai người đàn bà nghèo đói, nhẫn nhục, cam phận chịu đựng số phận, nỗi oan trái nghiệt ngã ở đời. Sự đau đớn của một đứa trẻ khốn khó, bất hạnh về tuổi thơ. Truyện nhiều nỗi đau nhưng mang đậm chất nhân văn sâu sắc về tình thương vô bờ bến.
Truyện ‘‘Chợ Tết’’ nói về cuộc sống của một người đàn bà già xấu số đã qua hai đời chồng. Người đàn bà sống trong cảnh nghèo túng vẫn luôn khao khát được sống có ngày hạnh phúc, an nhàn và ấm áp với những mùa hoa xuân đến nồng hậu tình người, tình đời.
Nối tiếp với truyện ngắn: ‘‘Vẻ đẹp tình quê’’ là cuộc sống thanh bình và tràn ngập tiếng cười, niềm vui của những cô bé, cậu bé nhỏ bên sông, của tình yêu đôi lứa đẹp như trang cổ tích. Truyện bao trùm toàn cảnh vật thiên nhiên sông nước bao la, màu mây trời bất tận, những gam vẽ màu xanh lãng mạn, những hương vị ngọt ngào của Sen và mùi thơm của lúa chín vàng óng ả nơi một miền quê sơn dã, yên bình ấy. Trong trẻo là nắng ấm, là những tiếng chim dịu dàng thân thiết gọi mùa quả dậy nên của những mùa bình yên.
Và trong truyện ngắn ‘‘Tiếng cuốc kêu cuối mùa’’ như một hồi chuông rung động đau đớn về những cái chết thương tâm, tái hiện cảnh sống lam lũ, khổ của một Làng Gọi nhỏ trong sông nước. Chuyện của một cô gái đầy đau thương khi nhận ra mình là một đứa trẻ bị bỏ hoang và cái kết đau lòng đã xảy ra khi cuộc đời cô chìm ngập trong nỗi đau về thể xác và tâm hồn khi không còn nguyên vẹn, trong sáng và hồn nhiên một thuở. Truyện nhiều khúc mắc, quẩn quanh cuộc đời người, mà không thể tìm ra được lối thoát, tìm lại được hai chữ yên bình nơi Làng Gọi ngày ấy…
‘‘Một đám cưới’’ và ‘‘Chuyện cái Tí Nó và cậu cu Lèo’’ lại là một tràng cười hóm hỉnh và vui nhộn nhưng ở ‘‘Một đám cưới’’ thì tiếng cười lại bật thành tiếng chua xót cuối cùng khi đám cưới được tổ chức linh đình mà lại không có cô dâu để cưới, thành một trò hề đầy nước mắt đắng vì ‘‘cô dâu Tây đã lấy hết số vàng quý rồi cao chạy xa bay đi mất’’ nên: ‘‘Giờ đón dâu sắp tới, nhưng sẽ cưới ai?…’’.
Đến ‘‘Chuyện cái Tí Nó và cu cậu Lèo’’ thì ở đây lại rộn rã tràng cười hơn vì xuất hiện hai nhân vật Tí Nó và cu cậu Lèo. Truyện dở khóc, dở cười vì nhân vật ngốc nghếch, thêm phần dở hơi của Nó. Nhưng cũng thêm phần thú vị và hạnh phúc khi hai con người bần cùng trong xã hội nghèo khổ đó lại đến với nhau và yêu thương nhau bằng tình cảm chân thành, nồng hậu hơn, dù giữa dòng đời bất trắc và nhiều phi lí.
Kết thúc câu chuyện thật có hậu khi tình yêu là sức mạnh tối cao nhất có thể vượt lên tất cả sự trở ngại để trở về hạnh phúc bên nhau.
Và khi đến với: ‘‘Những mùa hoa trổ’’ lại là những ước mơ rất hồn nhiên và trong sáng của hai đứa trẻ nghèo ở một làng quê sơn dã, yên bình. Điều ước được hạnh phúc, được có ba và mẹ là những nguyện ước an lành nhất của trẻ thơ.
Cùng là những cung bậc cảm xúc yêu thương và khao khát được yêu thì trong truyện ngắn: ‘‘Một thoáng gió bay, Chiều nắng tắt, Cánh hoa màu thương nhớ’’ lại là những kỷ niệm ngọt ngào và đắng cay đong đầy niềm nhớ của yêu thương. Khi yêu, người ta luôn đợi chờ, luôn hy vọng, luôn ước mơ tươi đẹp về tình yêu ấy. Có tình yêu thì chân thành và có hạnh phúc nhưng cũng có yêu thương lại xa cách, đau đớn trong lòng người.
Khi tình yêu bị phản bội, bị lừa lọc, dối trái thì tim người ta như vỡ ra, như chết đi vì một câu yêu của người. Nhưng cho dù tình yêu đó có đớn đau thế nào thì người ta vẫn khao khát được yêu thương như ban đầu như trong truyện ngắn: ‘‘Mắt buồn nhìn nắng’’ là một tình yêu đau khổ đối với một cô gái khi yêu thương chân thật, yêu đến đau đớn lòng mình mà vẫn cứ yêu thương.
Nhưng dù tình yêu là hạnh phúc hay đau khổ thì con người ta vẫn luôn khao khát được yêu, được nhớ và được sum vầy yêu thương. Tình yêu dù đắng hay ngọt ngào, có muốn quên nhưng càng quên ta lại càng nhớ mong da diết hơn thế. Như ‘‘Tình đầu khó phai’’, ái tình sao có thể quên mau khi người ta đã yêu thương, đã nhớ mong hơn. Dù năm tháng có nhạt phai nhưng tình yêu trong nhau mãi luôn là dấu ấn, mãi luôn là một thuở ngọt ngào cho nhau.
Trong tập truyện ngắn này là những gì đớn đau, là những gì cay đắng, là những gì ngọt ngào, êm dịu trong lòng người, thổn thức với biết bao kỷ niệm vui – buồn trong: ‘‘Cõi riêng tôi ấy’’.
Cầm tập truyện ngắn ‘‘Mùa Gió Khô’’ này trong tay tôi thật hạnh phúc, hạnh phúc thật sự hơn nhiều vì niềm vui trọn vẹn, vì ước mơ hiện thực khi những câu chuyện của mình viết đã được tuyển tập và in thành sách của: ‘‘Tập truyện ngắn: Mùa Gió Khô” tới đông đảo người đọc gần xa.
Và một lần nữa, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đặc biết tới cô nhà văn Võ Thị Xuân Hà và Công Ty Văn Hóa và Dịch Vụ Thiên Đức đã giúp đỡ tôi hoàn thành được tập truyện ngắn đầu tay này: ‘‘Mùa Gió Khô’’ – Mùa Kỷ Niệm Thổn Thức Trong Thương Nhớ!’’.