Mấy ngày nay, những cơn gió đông lạnh buốt đã tràn về kéo theo những cơn mưa nhè nhẹ. Tôi ngồi im lặng trong phòng đọc sách, lúc mệt, ngồi nhìn ra ngoài không trung, trời xầm xì, bốn bề toàn những nhà cao tầng san sát. Con gái tôi lơ đễnh lật giở những trang sách đã xem qua không biết bao nhiêu lần, trách móc mùa đông thật là vô vị. Kỷ niệm về một mùa đông ấu thơ bỗng nhiên ùa về trong tôi.


Mùa đông thời thơ ấu đối với tôi dường như lạnh hơn mùa đông của hiện tại. Ngày đó, nếu phải đi học buổi sáng thì việc sáng sớm thức dậy khỏi giường là cả một quá trình khó khăn đối với tôi. Tôi cuộn tròn trong chiếc chăn ấm chần chừ không muốn ra khỏi giường. Mẹ ân cần mang đến bên giường áo bông với quần bông đã hơ ấm trên bếp, kiên nhẫn giục tôi hết lượt này đến lượt khác. Cuối cùng, khi bố tôi mắng cho tôi một trận và dọa sẽ xé chăn đi thì tôi mới sợ sệt đi mặc quần áo ấm, ra khỏi giường.


Tôi bê bát đứng ở nơi có ánh nắng rọi vào phía chân tường nhà cũ để tránh gió, ăn xong bát cháo khoai mẹ vừa nấu, cúi đầu co vai, trùm tay áo kín, bước men theo con đường ruộng tới trường. Mặt trời đã lên rất cao. Chỉ còn vài bóng học sinh trên đường. Tôi bỗng thấy lo lắng, lo bị muộn giờ học. Tôi rảo bước nhanh hơn, đến khi nhìn thấy bức tường lớp học, tiếng đọc bài cũng rõ dần. Tôi cẩn thận bước tới dãy lớp học, nhìn phía hành lang có mấy bạn đang đứng đấy cầm sách đọc, tôi giật mình, chắc chắn là mình đi học muộn rồi! Nhưng trong lòng tôi vẫn hy vọng biết đâu mình may mắn. Tôi đánh mắt vào lớp, nhìn thấy cô giáo đang khom khom sửa bài tập trên bục giảng, trong lớp các bạn vẫn đang ngồi tại vị trí để đọc bài. Tôi tự giác rón rén đứng bên hành lang, cũng lấy bài ra đọc. Lũ bạn rất sợ cô chủ nhiệm, nếu có bạn nào bị phạt mà tính nghịch ngợm không chịu đọc bài, thỉnh thoảng chọc ghẹo bạn khác thì cũng không dám phát ra tiếng vì sợ cô giáo chủ nhiệm biết.

 

Minh họa: Phạm Hà.

 

Mỗi khi bước vào tiết học chính buổi sáng, cô chủ nhiệm thường bắt tất cả những học sinh đi muộn phải đứng dậy và hỏi từng em một lý do muộn học. Có lúc cô tỏ ra không tin lắm, nhìn chằm chằm vào mắt từng đứa xem có nói thật không, tuy nhiên cô cũng không làm khó cho ai. Nếu như có học sinh nào liên tục đi muộn, cô cho gọi phụ huynh đến trường để hỏi rõ tình hình. Từ nhỏ tính tôi đã hiền như khúc gỗ lại nhát gan, cứ căng thẳng là lại không thốt ra được câu nào. Khi cô giáo chủ nhiệm hỏi đến tôi, tôi cứ cúi gằm mặt, không nói lời nào. Cuối cùng cô chủ nhiệm hỏi tôi là có phải do ngủ nướng nên đi học muộn không, tôi đành gật đầu đáp lại, làm cho cả lớp được trận cười. Cô chủ nhiệm cũng không nhịn được cười rồi nói: “Dù sao em cũng rất trung thực! Tất cả các bạn ngồi xuống, chúng ta bắt đầu học!”. Đến lúc đó tôi mới như trút được gánh nặng. Khi về nhà kể lại câu chuyện này với bà tôi, bà khuyên răn, rằng đi học thì phải đi cho nghiêm túc. Bà bảo: “Không nói đâu xa, ngay bác cả nhà cháu ngày xưa học tư thục, chưa nói đến đi học muộn đâu, mà chỉ cần không thuộc bài là đã bị thầy dùng thước đánh cho!”. Tôi bỗng thấy mình chả còn lý do gì để giải thích, tự hứa với lòng mình từ giờ phải cố gắng dậy sớm, không để bị đi học muộn nữa.


Gặp ngày mưa tuyết, đường đất đến trường vừa ướt vừa trơn, rất dễ trượt chân. Mẹ tôi thường dặn tôi là buổi trưa không cần đi về nữa, rồi bảo bạn cùng xóm mang cơm đến cho tôi. Mẹ thường chất đầy ắp thức ăn vào chiếc âu tráng men cũ, dùng khăn bọc lại, bên ngoài mẹ lại bọc một lớp áo bông cũ nữa, dặn đi dặn lại đứa bạn cùng xóm là phải cầm chắc, không để bị mưa tuyết vào, không để bị ngã! Khi đến trường tôi mở ra, cơm canh vẫn còn nóng nguyên. Tuy gia đình khó khăn, thức ăn thức uống cũng không được ngon, nhưng mẹ luôn dành thật nhiều thức ăn cho tôi, bên trên còn rưới một thìa tương ớt của nhà làm để cho tôi được ấm bụng, ăn ngon trong mùa đông lạnh giá, để tôi yên tâm học.


Có một lần, vào một buổi sáng tuyết bay lất phất, khi vào tiết thứ 2, tuyết bỗng rơi ngày một dày và to, chẳng mấy chốc tuyết đã phủ một lớp dày trắng trời, trắng đất. Hết giờ học buổi trưa, tôi đi đôi giày mỏng, vừa đói vừa rét, vẫn đứng ở cửa lớp ngó Đông ngó Tây đợi chờ. Cuối cùng cũng thấy hình bóng thân quen xuất hiện, tay cầm chiếc ô đen cũ, đúng là mẹ mình rồi! Hai mẹ con vào trong phòng học, mẹ bảo tôi ăn luôn bát cơm đang nóng hổi. Mẹ lôi trong túi vải ra đôi ủng cao su vá duy nhất của nhà, lấy lót giày của mẹ lót đệm chân vào đôi ủng rồi cúi xuống cởi đôi giày vải của tôi ra, nhẹ nhàng lồng đôi ủng vào chân tôi. Nhìn thấy lũ bạn trong lớp đều đang nhìn tôi chằm chằm, tôi đỏ hết mặt và cảm thấy hơi bực mình liền nói: “Mẹ! Con tự đi được, con tự đi được!”. Mẹ rất nhanh đã đi xong ủng cho tôi. Tôi được ăn cơm nóng, được đi giày ấm nên lúc sau người đã thấy ấm lại. Mẹ cười âu yếm, nhìn tôi ăn hết âu cơm, cầm đôi giày vải với âu cơm rỗng, dặn tôi thật cẩn thận chiều về chú ý kẻo đường trơn lắm, thoắt cái, dáng mẹ đã lẫn vào con đường mưa tuyết. Tôi bám theo lan can hành lang lớp học, âm thầm dõi theo bóng mẹ xa dần. Bỗng tôi phát hiện mẹ chỉ đi một đôi giày vừa mỏng vừa ngắn, cứ mỗi bước đi đôi chân ấy lại bị tuyết vùi xuống. Tôi sực nhớ ra phải hỏi xem mẹ đã ăn gì chưa, nhưng không kịp nữa, bóng mẹ đã xa dần trong màn mưa tuyết.


Tôi và mấy đứa bạn ngay cả trong mơ còn thích được mua những món ăn ngon và đồ chơi đẹp, nhưng tiếc rằng chả có một xu dính túi. Thấy có người mua lông ngỗng, tôi với lũ bạn chợt có sáng kiến chạy về phía ao, đuổi lũ ngỗng trong ao về phía ruộng vắng bóng người rồi bắt lấy chúng thi nhau vặt lông. Bị chúng tôi vặt lông, lũ ngỗng kêu lên quang quác, thậm chí có đứa còn bị ngỗng cắn cho đau lắm nhưng vẫn rất “yêu nghề”, vừa lau nước mắt, vừa tiếp tục vặt lông ngỗng. Đúng lúc chúng tôi đang hăng hái nhất thì bà Lý, chủ của đàn ngỗng, vốn rất đanh đá, không biết nghe ai nói liền chạy vội đến, từ xa đã nghe thấy tiếng bà quát mắng ầm ầm. Bà Lý vừa chửi vừa không ngừng giậm chân, hai tay vỗ vào đầu gối, mắng chúng tôi là đồ trẻ con thiếu đạo đức sẽ bị trời đánh. Chúng tôi vụt chạy đi, vứt lông ngỗng trong tay, chạy thục mạng theo con đường ruộng bé tí, rồi chạy tắt phía sau làng về nhà.


Lúc ăn cơm tối, mẹ tôi nói bà Lý đi hỏi thăm các nhà để tìm lũ trẻ đã vặt lông ngỗng. Tôi giật bắn mình, tim đập thình thịch, cúi gằm mặt lầm lũi ăn cơm. Mẹ nói: “Bà Lý nhà đông con, chẳng có tiền, cũng dự định Tết sang năm khi đàn ngỗng đẻ trứng thì bán cho chủ tiệm kiếm vài đồng rau đồng muối, các con đừng bao giờ vặt lông ngỗng như thế, con vật nó cũng biết lạnh đấy, con ngỗng nó cũng chỉ trông chờ vào bộ lông để chống lại cái rét mùa đông”. Tôi cứ tưởng bố sẽ nổi trận lôi đình với tôi, nhưng ông chỉ thở dài, bảo tôi từ lần sau không được như thế nữa rồi không nói gì thêm. Sau này, nghe mẹ kể, tôi mới biết đó là ý của bà Lý đã dặn dò lại, bà Lý bảo đừng bao giờ đánh trẻ con, chúng còn nhỏ chưa hiểu chuyện. Trong đầu tôi bỗng nóng lên, hình ảnh bà Lý đanh đá bấy lâu nay bỗng trở nên hiền lành hơn bao giờ hết. Từ đó, tôi với lũ bạn chẳng bao giờ đi vặt lông ngỗng nữa.


Mùa đông ký ức. Những câu chuyện trong mùa đông tuổi thơ ngày càng xa dần, những chuyện cũ hầu hết đã nhạt phai trong ký ức, thậm chí là đã quên. Chỉ có những chuyện trên đã đi sâu vào tâm hồn tuổi thơ tôi, lúc nào cũng giữ ở trong tim tôi và cứ rõ mồn một. Mỗi lần khi nhớ lại, tôi không khỏi cười một mình, trong lòng trào dâng niềm xúc động. Những ký ức đó đã mang đến cho tôi niềm vui và sự ấm áp trong cuộc sống đầy vất vả khó khăn của mình.

 

Theo Quân đội nhân dân

Exit mobile version