Truyện ngắn. HÀ NGUYÊN HUYẾN
Huy đi tìm lão Thận, tìm mãi mới thấy cái tum cắm bằng những cành lá móc bạc thếch lẫn vào cây cỏ đầu thu. Là người mê chim, mê cá từ nhỏ, Huy biết chắc chắn lão Thận ở trong đó. Nhẹ nhàng Huy lách vào, lão Thận chẳng hề giật mình. Trái lại, lão Thận hỏi bằng một câu như đã được chuẩn bị từ trước: Cậu tìm tôi có việc gì? Chưa kịp trả lời thì lão Thận đưa tay ra làm hiệu, cả hai đều im lặng và căng mắt nhìn ra ngoài. Trên mặt ruộng rải lớp rơm vàng là tấm lưới mỏng mơ màng như không hề có thật. Con chim “mồi cành” đứng trên chiếc vỉ đan bằng tre bị lão Thận giật giây “lèo” làm cho mất thăng bằng bỗng vỗ cánh phành phạch. Đám “mồi đất” đứng trên lưới vẫn rúc đầu cần mẫn rỉa sợi dây đang buộc vào chân chúng, từ xa nhìn lại ai cũng tưởng chúng đang thưởng thức những cum lúa nếp vàng óng…Vừa lúc đó Huy thấy trước mắt mình mặt đất như vừa bị hất tung lên. Nhanh như cắt, lão Thận lao ra. Huy chạy theo, trước mắt anh là hơn chục con chim ngói vừa bị sa bẫy.
Ôi những con chim ngói, bước chân tha hương mấy chục năm trời vẫn không thể nào làm cho Huy quên được. Hồi còn thơ bé, vào những ngày cuối tháng bảy sang tháng tám âm lịch. Trên những quả đồi thấp quê anh, lúa rí bắt đầu chín và cũng là lúc chim ngói bay về. Dân làng chuẩn bị liềm hái, Huy theo mẹ ra đồng. Đây là những tháng giáp hạt nên hạt lúa quý như vàng. Lúa rí là giống chịu hạn và chín sớm nhất, các giống khác phải đợi đến tháng mười. Mỗi nhà vài gánh, về nhà phơi khô, xay giã giần sàng… Huy nhìn vào thúng gạo, từng hạt gạo dài như những cái gai trắng muốt. Mỗi hạt gạo rí lại có một cái chấm hồng lơ lửng bên trong. Nhìn cả thúng gạo như có một màu hồng phảng phất. Mẹ Huy bảo: Chẳng biết đó là máu của đất hay máu của người làm ruộng từ bao đời nay tạo nên giống lúa này. Huy đã đi nhiều nơi, chẳng nơi nào có giống lúa như ở quê anh. Đó là một thứ đặc sản chỉ riêng làng anh gieo cấy trên những vạt đồi ấy mới có được, gạo này mang ra chợ, những người sành ăn và may mắn mới mua được bởi rất ít người bán, bởi năng suất lúa rí không cao và diện tích gieo trồng hàng năm có bấy nhiêu thôi. Cũng giống đó cấy ở chỗ khác không cho gạo rí đặc sản này.
Vào những năm đó, cái thiếu cái đói như lũ “quan ôn” tuần tiễu khắp làng, vườn tược nhà nào cũng xác xơ. Không biết nhà khác thế nào, nhà Huy nhất định phải được vài bữa cơm gạo rí ăn với thịt chim ngói. Nhớ một lần đang ăn, Huy ngẩng đầu nhìn vào nồi cơm, mẹ Huy gạt nước mắt bảo: Các con cứ ăn cho no, mẹ nấu đầy nồi đây… Ngần này tuổi đầu, đi đã nhiều nơi, ăn mày thiên hạ đã nhẵn đũa bát. Vài năm gần đây, sau “đổi mới” cả nước không còn ai phải thiếu đói như mấy năm trước nữa. Nhờ trời, cũng có lúc trà dư, tửu hậu, thịt cá ê hề nhưng chưa khi nào Huy có cảm giác được ăn ngon như những bữa cơm gạo rí mộc mạc ở quê mình. Nhiều khi cầu kì, Huy vào các nhà hàng đặc sản, gọi món chim ngói “nướng mọi”, vẫn không tìm lại được hương vị những ngày thơ bé…
Huy nhìn vào tấm lưới vừa sập xuống, những con chim ngói màu xanh xám nhỏ như những con bồ câu núi đang hoảng hốt vỗ cánh loạn xạ. Huy định cất lời bảo lão Thận để lại cho một đôi thì anh không tin vào mắt mình nữa. Lão Thận mở tung cánh lưới, sau một phút lưỡng lự đàn chim nhất loạt bay lên. Thoáng chốc những cái chấm nhỏ li li như lẫn vào rặng núi xa mờ xanh. Huy thét lên: Sao bác lại làm thế! Lão Thận đủng đỉnh giải thích: Vài năm nay tôi đi bẫy chim nhưng không bao giờ ăn và cũng không bán cho bất kì ai. Loài này sắp tuyệt chủng, đây có lẽ là những con chim cuối cùng. Huy biết chắc chắn rằng, những con chim này trong đời chúng không bao giờ sa lưới kiểu này một lần nữa. Chim ngói rất tinh khôn. Huy bỏ lão Thận một mình giữa cánh đồng, anh đi về làng, miệng lẩm bẩm: Lão già này điên thật rồi!
Sau này nghe người làng nói lại Huy mới biết: Từ ngày nghỉ hưu lão Thận quay lại nỗi đam mê mà cả đời lão không thể nào bỏ được, đó là cái thú chim trời cá nước. Huy cũng là một trong số những người làng bị cái thú này cuốn hút cả một thời trai trẻ. Ngày ấy, vào cữ tháng mười âm lịch, khi nước con sông Tích quê anh bắt đầu cạn cũng là lúc đoàn đánh cá rập sào vào hội. Bắt đầu là một tiếng hú gọi, người hú rền vang nhất là lão Thận. Không ai bảo ai, những người đam mê từ các con ngõ ùa ra rồi nhập thành đoàn. Hàng trăm con người không kể lớn bé, trẻ con quần đùi, người lớn đóng khố, tất cả mình trần trùng trục, mang dụng cụ bắt cá kéo ra sông Tích. Lão Thận bơi lội nổi tiếng một vùng, lão đánh “xiếc”. Người đánh “xiếc” thường dẫn đầu đoàn đánh cá. Mỗi lần cá vào lưới, tiếng lão Thận hò vang cả một khúc sông. Nghe tiếng lão, đoàn đánh cá như được tiếp thêm sức mạnh, tất cả ào ạt xuôi dòng. Cả một đoạn sông dài vang lên tiếng reo hò náo loạn… Những lúc ấy, lão Thận hồn nhiên đến lạ kì. Không ai nghĩ lão Thận đang là Bí thư đảng ủy xã, một bí thư khét tiếng trong tỉnh. Sau khi nghỉ hưu lão vẫn đi đánh cá. Song cũng từ lần ấy, lão Thận từ bỏ dòng sông, bỏ đi một niềm đam mê mà cả làng Yên Xá không ai có thể ngờ tới.
Lần ấy lão Thận bị lão Độ xóm Đình úp nơm vào chân. Lão Độ miệng hò như úp được con cá lớn lắm, hai chân lão Độ đứng lên “óc” nơm dận xuống. Những cái nan nơm được kén từ những lóng tre già to hơn chiếc đũa,vót nhọn hoắt và cứng như sắt nguội xuyên vào mu bàn chân làm cho lão Thận suýt bị què. Nghe tiếng lão Thận kêu cứu nhưng cả đoàn đánh cá làm như không biết. Chẳng ai đoái hoài…Nghe nói lão Độ trả thù vì trong lúc làm việc, lão Thận đã kí một văn bản lấy đi của lão mấy chục mét đất mặt đường làm công ích cho địa phương. Sau đận ấy lão Thận không bao giờ đi đánh cá nữa. Lúc còn công tác người ta sợ, nay lão nghỉ chẳng còn ai tôn trọng. Lão Thận đi đánh chim. Dân làng bảo: Lão Thận cả ngày thui thủi một mình nơi chân đồi heo hút là vì lão không muốn gặp ai và cả cái làng này không ai chơi với lão.
***
Dân làng Yên Xá kể lại. Hôm ấy, lão Thận đến nhà người cháu trưởng dự đám cưới đứa cháu đích tôn của chi họ nhà lão. Lâu lắm rồi lão Thận lại có một ngày thong thả. Thoáng chốc đã mấy chục năm… Ngày ấy, cũng trên con đường này, lão Thận cũng với trai đinh làng Yên Xá ra đi. Ra đến đầu làng thì nhập với các làng lân cận. Tất cả kéo lên huyện đường cướp chính quyền. Rồi “chín năm kháng chiến”, rồi “hòa bình lập lại”, lão Thận giải ngũ chuyển sang ngạch dân sự. Từ bấy đến ngày nghỉ hưu lão Thận không đi đâu khỏi cái làng Yên Xá, xã Yên Hòa. Hết bí thư lại sang chủ tịch, ở cương vị nào lão Thận cũng là người “cầm cân, nảy mực” cho công việc của xã Yên Hòa. Cho đến tận hôm nay, nhiều khi lão Thận cũng phải ngỡ ngàng với mình vì đã đi được một chặng đường dài và nhanh như vậy. Giờ đã đến lúc nghỉ ngơi, lão phải quay về chăm lo cho gia đình mình. Hôm nay là đám cưới đứa cháu mà lão định bụng sẽ dành tất cả thời gian cho nó. Sự có mặt của lão là sự có mặt của thế hệ cha ông, lão Thận tin rằng cả gia đình sẽ tự hào về điều đó. Vừa đến cổng, lão Thật giật nẩy mình, trố mắt nhìn hai vợ chồng anh cháu trưởng. Lão Thận đến gần cất tiếng hỏi, giọng rất kẻ cả:
– Sao hai đứa bay lại bày vẽ quỳ trước cổng đón ta thế này?
– Vợ chồng cháu lạy chú… chú… về đi – Ấp a, ấp úng mãi anh cháu trưởng mới thốt nên lời: Dân làng Yên Xá truyền tai nhau, nếu trong đám cưới này có mặt chú thì không ai đến dự cả. Chú ơi, gần trăm mâm cỗ, chúng cháu biết đổ đi đâu cho hết… Ông trẻ tha tội cho vợ chồng chúng con!
Lão Thận như chợt hiểu ra tất cả. Vài đám gần đây lão có đến dự. Tùy theo quan hệ, vai vế mà đến. Khi đến muộn, mâm cỗ trang trọng nhất trong đám dành cho người cao tuổi, người có vị trí trong gia đình hay ngoài xã hội đã có một hai người ngồi. Lão Thận được mời ghép vào. Chẳng hiểu sao khi có mặt lão người nọ cứ nhường người kia… rốt cuộc còn trơ khấc lại một mình. Khi đến sớm, dĩ nhiên ở tuổi này và vị trí công tác của lão, người ta phải mời lão vào vị trí quan trọng nhất. Vậy mà vẫn phải chờ, dân làng cứ đùn đẩy nhau… Rồi lão lại phải ngồi với người làng bên cạnh hoặc các vị khách, chẳng ai biết ai. Ăn uống, nói năng chiếu lệ, giao đãi nhạt thếch, chẳng ra làm sao cả. Thì ra dân làng Yên Xá không ai muốn ngồi cùng mâm với lão!
Lão Thận đau lắm, dân làng Yên Xá đối xử với lão như thế khác nào coi lão là hủi, mõ. Cả một đời lão Thận đã tận tâm, tận lực với mảnh đất này. Ngày ấy, sau khi ra quân lão Thận về quê và được cử làm xã đội trưởng dân quân du kích. Mấy năm sau lão trúng ngay chân bí thư xã Yên Hòa. Ngồi chưa ấm chỗ lão Thận đưa ra một đề án, trình lên trên, được đồng ý ngay. Đề án đó là “Đưa đảng viên vào vị trí chiến đấu”. Với lí luận của lão Thận: Đã là đảng viên không bao giờ thoái lui. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc nghỉ hưu, nhiều người ru rú ở nhà, rồi cứ thế mòn mỏi, thui chột. Theo lão Thận, phải vận động họ, trao cho họ nhiệm vụ, đưa họ vào vị trí…
Có như thế mới phát huy được tinh thần vốn có của một người đảng viên. Với chủ trương đó, hầu như tất các đảng viên của xã Yên Hòa đều được đưa vào “vị trí” để “chiến đấu”! Chỉ một thời gian ngắn, bộ mặt của xã Yên Hòa thay đổi thật sự. Từ văn phòng của các cơ quan công quyền đến trường học, trạm xá. Từ các ban ngành đoàn thể, đến thợ cắt tóc, chữa đồng hồ. Thợ may, thợ xây đâu ra đấy. Tất cả đều có một đảng viên lãnh đạo. Chủ trương nghị quyết từ Đảng ủy xã triển khai xuống cứ thế mà làm. Đến mấy người thổi kèn đám ma cũng được gọi là “Đội nhạc hiếu” do một đảng viên đứng đầu… tất cả cứ sôi lên sùng sục. Làng xã phong quang sạch sẽ, nề nếp hơn. Đảng ủy cấp trên bước đầu đánh giá tốt và động viên đồng chí Nguyễn Văn Thận trên tinh thần đó làm tốt hơn nữa…
Một thời gian sau, rà soát lại lí lịch đảng viên, lão Thận nhận thấy một số đảng viên có lí lịch không tốt. Hầu hết họ đều xuất thân từ hàng ngũ địa chủ phong kiến, con cháu mấy ông lí dịch, mối việc ở địa phương thời trước. Loại này ở địa phương làm sao có thể chui vào hàng ngũ của Đảng được. Trong Chi ủy, Chi bộ một số người nêu ý kiến: Họ là lứa đảng viên được kết nạp ở chiến trường trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Họ đã bỏ xương máu của mình ra mới có được. Không thể so sánh họ với lứa đảng viên… “bèo hoa dâu”! Song, lão Thận vẫn quyết làm. Thời cơ đã đến, đó là năm 1979. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, tại xã Yên Hòa bỗng có lệnh động viên những cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ nay đang ở địa phương tái ngũ. Rất nhiều người do hoàn cảnh gia đình đã làm đơn xin hoãn nghĩa vụ quân sự với lí do: Họ vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mĩ với những năm tháng dài ở chiến trường miền Nam. Nay về địa phương cha mẹ già, con thơ dại…
Mấy tháng sau, vấn đề này được đưa ra chi bộ kiểm điểm. Trong số đó rất nhiều đảng viên là con em, cháu chắt “giai cấp bóc lột” thoái thác nhiệm vụ. Họ lập tức bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ Đảng. Mãi sau này mọi người mới biết, hình như đó chỉ là chủ trương của xã Yên Hòa. Lão Thận bảo: Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trong hàng ngũ của Đảng không thể có những cá nhân như thế! Rất nhiều ý kiến đồng tình với lão Thận. Họ bảo: Chỉ là một phép thử đã thấy ngay những phần tử cơ hội… Số đảng viên này có đưa đơn đi vài nơi nhưng chẳng thấy đâu trả lời. Sự việc trôi dần theo năm tháng thời gian…
Minh họa Ngô Xuân Khôi
Nhớ lại chuyện cũ cho đến tận bây giờ Huy vẫn còn sợ. Hồi ấy Huy đang học lớp mười, chỉ còn năm nay nữa là cậu bước vào kì thi tuyển sinh đại học. Hôm ấy tại Trường cấp II Yên Hòa tổ chức kì thi hết cấp. Được về sớm một tiết do cô giáo dạy “Chính trị” bị ốm. Huy tạt vào xem mấy đứa em thi cử thế nào. Vừa ló đầu vào trường thì gặp ngay một bà già răng đen, đầu vấn khăn. Nhìn thấy Huy, bà nhổ toẹt cốt trầu đỏ loét xuống sân trường quát: Thằng kia, mày đi đâu vào đây? Huy quay lại trừng mắt: Bà là ai mà lại quát tôi! Huy cứ tưởng đó là một bà mẹ đi “ném giấy” cho con. A, thằng này láo. Mày là con cái nhà ai… Nhìn Huy từ đầu đến chân bà ta róng riết: Mày là con nhà ai thì cũng không thể đi đâu khỏi cái xã này, nhá!… Huy thoáng giật mình, biết bao nhiêu chuyện xảy ra trong thời gian qua những tưởng là chuyện “vô thưởng, vô phạt” không ngờ làm hỏng cả một đời người chỉ vì mấy dòng nhận xét của địa phương trong lí lịch. Mấy ngày sau, Huy cùng mẹ chăm sóc rau ở thửa đất “phần trăm” của gia đình ngay gần đường cái lớn. Khoảng cuối giờ chiều, một tiếng phanh xe đạp kít ngay bên cạnh, Huy giật mình: Lão Thận!Tiếp theo đó là một vụ nữa khiến bà con nhân dân xã Yên Hòa khiếp vía. Số là ở địa phương có một số trẻ nghịch ngợm. Chúng thường tụ tập mò vào vườn tược trộm cắp hoa quả. Những đêm mưa gió, chúng đem dụng cụ ra ao cá hợp tác đơm, chắn. Thời kì này, lão Thận cho thành lập một lực lượng lấy tên là “Tổ bảo vệ”. Trong tổ này hầu hết là những thành phần “rắn mày, rắn mặt”. Lão Thận bảo: Lấy độc, trị độc! Quả nhiên sau vài tháng, mấy đứa trẻ vị thành niên bị bắt quả tang. Chúng bị chính quyền đưa ra kiểm điểm rồi không ai ngờ, số trẻ này phải đưa lên “Trại giáo dưỡng trẻ vị thành niên” trên tỉnh. Vài tháng sau, một trong số đó được “Trại” gọi lên nhận xác về gia đình chôn cất với lí do… bệnh tật hiểm nghèo. Số còn lại sau vài năm được tha về. Cho đến tận bây giờ một vài người đã trạc “lục tuần” nhưng vẫn ngơ ngẩn như một… đứa trẻ! Tiếng ca thán rền rĩ khắp làng trên, xóm dưới nhưng dân làng chẳng biết kêu ai. Kêu ca lắm có khi còn nhận thêm vài “đòn âm” nữa còn đau đớn hơn nhiều. Tình hình trật tự trị an của Yên Hòa ổn định hơn bao giờ hết. Sau mấy vụ việc, danh tiếng lão Thận nổi như cồn.
Lão Thận vẫn ngồi trên yên chiếc xe đạp Thống Nhất nam, cái cặp da bò sờn mép màu vàng vắt vào gióng xe phía trước, một chân lão chống xuống đường. Lão bảo: Chị Ngọc, chị về dạy con chị nhé. Hôm nọ giao ban, bà Na, phó bí thư thường trực phản ánh con nhà chị vào quậy phá trường thi… May là tôi nể tình nếu không thì “bảo vệ” bắt nó lên huyện rồi đấy! Lão Thận đi rồi mẹ Huy vẫn còn run.
Lão Thận với bố Huy là lứa thanh niên tham gia cướp chính quyền huyện trong Cách mạng tháng Tám. Trong “chín năm” bố Huy có trình độ nên được phân về làm Chánh văn phòng Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Sơn Tây. Cơ quan đầu não của tỉnh đóng ở sâu trong chân núi Ba Vì. Lão Thận ở lại làng tham gia du kích địa phương. Chính lão Thận đã được “tổ chức” phân công đón mẹ Huy đi vòng qua mấy làng “tề” ra “tự do” với bố. Chẳng hiểu sao ngay từ khi biết việc ấy, Huy tự coi mình là người phải mang ơn lão Thận.
***
Tiếng tăm của lão Thận được khẳng định từ địa phương đến trung ương là vào khoảng những năm “tám mươi” của thế kỉ trước. Thời gian đó, trong công cuộc tiến lên chủ nghĩa xã hội, cả xã Yên Hòa có chín làng, cả chín làng nhập thành một hợp tác xã lớn. Xốc lại đội ngũ đảng viên, sẵn có các tổ ngành nghề được thành lập từ mấy năm trước làm kinh nghiệm. Lần này dưới bàn tay lão Thận, hợp tác xã Yên Hòa có quy mô, dáng dấp như một đại công xã. Một ngày không biết bao nhiêu đoàn khách từ các tỉnh về Yên Hòa tham quan, học tập. Cả một bộ máy cồng kềnh nhưng dưới bàn tay lão Thận mọi việc vận hành rất trơn chu. Sau đó lão Thận bù đầu trong việc đi báo cáo “Mô hình Yên Hòa” để từ đó nhân rộng ra toàn quốc.
Sau những ngày đi báo cáo, “trên” điều về cho Yên Hòa cơ man nào là máy móc. Đây là máy phát điện, nó to như thế biết để vào đâu. Lão Thận bảo: Cho nó vào hậu cung đình làng! Thế là hậu cung đình được dỡ ra, mỗi lần cho máy chạy, cả ngôi đình đồ sộ, nguy nga mù mịt khói đen như đang bốc cháy. Dân làng Yên Xá chép miệng: Đến Thánh, Thần cũng phải bạt! Rồi máy cày, máy kéo, xe vận tải…Yên Hòa nhận về nhưng không thể vào làng được. Thứ nhất là con đường vào làng chẳng hiểu sao tiền nhân lại đắp vòng vèo rắn lượn. Lại nữa, cổng làng thế kia làm sao cho mấy cái xe chui lọt… Chỉ thị của Đảng ủy đưa ra: Phá bỏ cổng làng, nắn lại con đường cho thẳng. Vướng chỗ nào cho bạt bỏ ngay. Hôm nắn đường, có một cụ già trong làng đi ra tận nơi bảo: Ngày xưa, người nào đỗ đạt vinh quy, dân làng ra rước về. Hôm nay lão ra đây nhìn con đường lần cuối. Ngày ấy, lão còn nhỏ, thân phụ lão đỗ phó bảng. Lão nhìn đám rước phấp phới cờ quạt, võng lọng uốn lượn trên đường như con rồng đang bay… Chuyện đến tai lão Thận, lão bảo: Thời đại mới ai còn rước sách làm gì nữa. Nhiễu sự! Chính lão Độ xóm Đình bị mất đất mà không nhận được một đồng, một thước đền bù nào là trong thời gian này. Sau đó là một loạt các trạm bơm cấp II tưới nước từ trên xuống làm cho các quả đồi của làng Yên Xá không còn khô khát. Giống lúa rí đặc sản của làng cũng bị mai một từ ngày ấy. Thay vào đó là các giống mới có năng suất cao hơn. Dân làng bảo: Thời kì này, các công trình tín ngưỡng và văn hóa làng Yên Xá bị tàn phá ghê gớm nhất!
Ầm ĩ vậy nhưng mà đói, cái đói cái khổ vẫn còn hằn sâu trong kí ức dân làng. Riêng đối với Huy anh không thể nào quên được. Hôm ấy đi học về, Huy đi vòng ra sau đình nơi có “Tổ bảo vệ” khét tiếng chốt giữ. Huy nhìn vào thấy mỗi ông chú họ đang ngồi vắt vẻo ăn bánh. Người chú vẫy, Huy rẽ vào. Trong nhà cơ man nào là bánh kẹo. Bánh tẻ, bánh chưng, bánh rán, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi chó… đổ thành đống. Người chú bảo: Ăn đi, chúng tao phải mật phục từ nửa đêm mới bắt được đấy. Đã có chủ trương là cấm mà vẫn lén lút chạy chợ. Ăn đi, chẳng có lát nữa người ta mang đi đổ vào trại chăn nuôi đấy! Sau này Huy mới biết: Các làng khác dân vẫn lén lút chạy chợ nên có đồng ra, đồng vào. Riêng làng anh, xã anh thì không bởi vì Yên Hòa được mang cái danh: Hợp tác xã cao cấp điển hình.
***
Đòn chí tử cuối cùng giáng xuống Yên Hòa là chủ trương lấy đất vườn tược của các hộ gia đình nhập hợp tác xã. Các làng trong xã nhiều đất nhất vẫn là Yên Xá. Hiểu Yên Xá không ai bằng lão Thận, bao nhiêu đời nay, diện tích đất này kể cả trong thời Pháp thuộc, với những chính sách điền địa gắt gao để bòn rút thuế khóa vẫn không có một con số cụ thể. Bước đầu lão Thận cho cán bộ địa chính đi đo thực địa từng hộ, rồi chính quyền cho người đến từng nhà vận động hiến đất. Lúc đầu không ai đồng tình. Cũng trong thời gian đó, một loạt con em trong làng đỗ đại học hoặc xin đi công tác đều không được cơ quan chủ quản gửi giấy tiếp nhận về. Rồi một số con em đi ra ngoài, khi có người về xác nhận lí lịch với địa phương để kết nạp Đảng đều không đạt kết quả. Mãi sau dân làng mới biết, lí do đơn giản chỉ vì một câu nhận xét của địa phương: Gia đình không chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước! Thế là chỗ dựa bao đời nay nhất là vào kì giáp hạt không còn nữa. Sâu xa hơn để có được diện tích này, bao thế hệ tiền nhân của mỗi gia đình phải đem mồ hôi và sức lực ra khai phá mới có được. Lại nữa, mai này con cháu đông lên, việc “trồng cả, xẻ cây” biết dựa vào đâu. Nhưng dân Yên Xá đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không ai bảo ai, ai muốn vì tương lai con em thì tự động làm đơn hiến đất. Sau vụ này lão Thận phát biểu trong một cuộc họp xã viên: Tiến lên chủ nghĩa xã hội là không còn tư hữu nữa. Công đầu trong việc này thuộc về bà con Yên Xá.
Những tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đấy, năm sau trong làng có người chết. Ông này lúc còn công tác là trưởng ty giao thông tỉnh, là bạn tâm đầu ý hợp cả đời với lão Thận. Khi về nghỉ hưu được lão Thận đưa vào “vị trí tham mưu” cho chính quyền. Nghe nói chính lão này là người nghĩ ra cách cho lão Thận lấy đất làng Yên Xá. Tục làng là vậy, khi trong làng có người nằm xuống, dân làng đứng ra lo việc chôn cất, mồ mả. Đến đám này mọi người cũng cứ tưởng sự việc sẽ diễn ra như thế. Gia đình người quá cố đợi mãi không thấy dân làng đến thăm viếng. Sắp đến giờ “cất đám” mà không có người đào huyệt, nói gì đến việc “hộ phúc”. Gia đình cho người đi gọi mời, rồi tổ trưởng các tổ sản xuất phân công cho các xã viên, vẫn không được ai. Ai cũng có lí do để vắng mặt. Giữa lúc đó lão Thận xuất hiện, lấy tư cách là Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa triệu tập gấp một cuộc họp. Rốt cuộc các đảng viên trong Chi bộ Yên Hòa phải đứng ra lo việc tang ma. Sau đám này, dân làng xì xào bàn tán: Còn một con cóc nữa, khi nó chết cứ để thối ra đấy!
Trong lịch sử làng Yên Xá mới có đám ma này là thứ hai. Đám trước xảy ra cách đây có lẽ cả trăm năm rồi, nên mỗi khi trong làng có người nằm xuống, mọi gia đình đều bảo con cháu tự nguyện tham gia “hộ phúc” và coi “việc hôm nay của nhà người cũng là việc ngày mai của nhà mình”, ai là người sống mãi được. Sự đông đủ của dân làng trong đám ma là thước đo tình cảm đối với người quá cố và gia đình họ. Với Yên Xá đây là một biệt lệ, việc tang ma không thể thuê mượn được. Ai mà thuê mượn có lẽ chỉ có cách bỏ làng mà đi. Đám trước xảy ra với lão quản Nghị. Lão Nghị đi lính thuộc địa, khi về nghỉ hưu lão được hưởng lương chánh quản “khố lít” (cảnh sát). Nghe nói lão làm việc ở Hồng Kông. Chẳng biết lão cậy tiền, cậy của hay mang cái lối sống ở đất nhượng địa về quê nên dân làng cũng… đối xử với lão như thế. Hôm đi chôn lão, con cháu tụt khăn tang đút túi quần mà đào hố chôn người thân của mình, đau lắm! Lời nói chẳng biết vô tình hay hữu ý lan đi trong làng Yên Xá như một cái án đã được tuyên treo lơ lửng trên đầu lão Thận.
***
Nghe tin lão Thận mất Huy chạy bổ về làng, đến đầu làng anh muốn kêu lên thật to: Không được đối xử với lão Thận như thế, nào đâu lão có tội tình gì! Không rẽ về nhà Huy chạy ngay đến nhà lão Thận với một ý nghĩ sôi sục trong lòng. Nếu dân làng Yên Xá không chôn cất lão Thận như một người làng thì anh sẽ làm tất cả… Gần đến nơi Huy sững người kinh ngạc, trong nhà lão Thận người người ra vào tấp nập, hình như hôm nay cả làng Yên Xá đều có mặt nhưng tất cả đều lặng lẽ. Chỉ có tiếng kèn đám ma rền rĩ khúc “lâm khốc” não nề. Nghe tiếng kèn Huy biết ngay là tiếng kèn của lão Cỏn Vẹo. Lão Cỏn Vẹo thổi kèn đám ma có tiếng một vùng. Đám nào được đội nhạc hiếu của lão phục vụ phải đặt “tiền cọc” rất cao, ngược lại nghe tiếng kèn của lão nhiều người phải rơi nước mắt. Từ ngày lão Thận thành lập đội nhạc hiếu do một đảng viên lãnh đạo, lão Cỏn Vẹo không đi thổi kèn nữa. Lão Bảo: Phường của lão phải do lão đứng đầu, được như thế mới có nghi lễ, văn hóa… Vậy mà hôm nay, sau gần hai chục năm mới hành nghề lại, tiếng kèn của lão Cỏn Vẹo nghe còn bi ai, sầu thảm hơn xưa. Hôm ấy, dân làng Yên Xá được chứng kiến tài nghệ của lão Cỏn Vẹo. Lão thổi một hơi kèn từ nhà lão Thận ra đến nghĩa địa, gần ba cây số mà không đứt một chỗ nào. Lúc trả tiền cho phường nhạc hiếu, lão Cỏn Vẹo chỉ một mực lắc đầu, bảo: Tôi có làm nghề nữa đâu, hôm nay thổi một hồi tiễn ông Thận để… bày tỏ một chút tình!
Sau đám ma lão Thận chẳng hiểu sao Huy như cất được một gánh nặng trong lòng. Anh đi một mạch mấy năm mới lại về làng. Trong những ngày nghỉ anh đến thăm nhà lão Thận. Căn nhà vẫn như xưa, bình lặng dưới những tán nhãn lồng cổ thụ.Trước cổng vẫn cây mít mật, giống mít đến lạ, càng già càng cho nhiều quả mà lại chẳng phải bón phân, phun thuốc gì. Huy bước lên thềm, ba gian nhà ngoài một gian buồng, sườn mái bằng gỗ xoan và tre ngâm còn vững vàng lắm. Trong nhà hầu như không có thay đổi gì so với lúc lão Thận còn sống và cũng chẳng có gì đáng giá. Hầu như cả đời lão Thận không có gì tư túi cho riêng mình. Huy ngước nhìn lên cái bàn thờ gỗ mộc và sực nhớ ra hôm nay là một ngày đầu tháng, anh thắp ba nén hương cúi đầu rồi ra gốc cây mít ngồi đợi. Đợi mãi đến quá trưa mà chẳng thấy ai về. Mãi sau mới gặp lão Phục làm từ đình đi ngang qua, Huy hỏi thì được biết. Sau khi lão Thận mất được một năm thì người con trai Lão Thận cũng lâm bệnh qua đời. Người con dâu sau khi chôn cất chồng chắc quá buồn nản nên ra phố ở với con trai. Mấy tháng sau dân làng mới biết là cổng và cửa căn nhà này đều không khóa. Thấy vậy hàng xóm hôm nào cũng có người đến quét dọn, hoa lợi trong vườn thu được đều dành cho việc hương khói. Sáng nay tôi vừa qua đây thắp hương đấy…
Huy đi lang thang ra cánh đồng làng, kể từ ngày bố anh mất chưa bao giờ nỗi nhớ thương day dứt Huy như lúc này. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, mất mát nào cũng là nỗi đau cả, song bố anh ra đi vào thời điểm đó có khi lại là… may, bởi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay ông cụ không phải chứng kiến sự thay đổi thế hệ ông không bao giờ ngờ tới. Còn như lão Thận, chỉ mất sau đó có mươi năm. Trong thời kì “đổi mới” mọi thứ đều bị đảo lộn, Huy không dám nghĩ tiếp nữa, đời người mà như thế chẳng hay ho gì. Huy giật mình sực tỉnh nhìn về phía những quả đồi thấp nơi cấy lúa rí ngày xưa, hình như có bóng dáng của những con chim ngói bay về… Huy đi về làng, anh cảm thấy lòng mình bình lặng hơn.
H.N.H
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài