Hết tháng giêng âm lịch, trời bắt đầu có nắng ấm. Muôn cây cành nẩy lộc đâm hoa, toả hương khoe sắc. Màu xanh lan từ mặt đất lên tận trời cao. Duy chỉ có cây xoan vẫn giơ lên nền trời muôn cánh tay với tua tủa ngón gầy guộc, khẳng khiu. Dưới những ngón tay ấy đeo đầy chùm quả xoan khô héo, màu vàng sậm. Thời tiết càng lạnh quả xoan càng quắt queo. Chỉ có sương giá mới tẩm ướp được trái xoan. Nó trở thành một loại “mứt xoan”, gần giống món ô mai chua chua, ngọt ngọt, hấp dẫn các cô, các cậu tuổi học trò. Ngày nhỏ tôi cùng bọn trẻ trong làng thường dùng súng cao su bắn xoan rồi tranh nhau bắt từng chùm quả từ cành cao rơi xuống. Bóc lớp vỏ mỏng nhăn nheo là lớp bột cỏ màu nâu vàng bao quanh cái hạt hình thoi. Lúc đầu ăn chưa quen, có vị chua hăng, nhưng ăn vài lần thấy có vị ngọt, đầm đậm. Khi xoan chín héo vào độ ngon nhất, đấy là mùa chim héc. Quê tôi, ngoài những dãy tre ôm bọc lấy làng xóm thân thương thì bạt ngàn là xoan. Có những vườn, đồi xoan  tới ngàn mét vuông. Dưới bóng xoan là chè, sắn và chuối. Xoan làm cột nhà, làm cánh cửa, ván bưng...

Cả một bầu trời chim héc. Chẳng biết ở đâu mà nhiều chim đến thế. Chúng tới tấp, dồn dập như những đám mây đen ập đến lợp kín trời quê. Tôi có cảm giác như nó đã chờ sẵn ở cuối cánh đồng, nơi có dãy đồi, núi xa xa phía đông nam, chỉ đợi “lệnh” là xuất phát. Đám mây héc sà xuống cây xoan. Chúng không đậu vào cành tre, ngọn mít. Đương nhiên món “mứt xoan” là thứ khoái khẩu của héc. Chúng tranh nhau mổ, giằng giật bứt quả từ những chùm dây dai và chắc. Giống héc ngày ấy rất dạn người. Lũ trẻ kháo nhau: bọn héc rất “ngu”, có con bị bắn rơi xuống đất mà bầy đàn vẫn thản nhiên ăn quả. Hay chúng quá đói, sau cả chẳng đường dài bay không ngừng nghỉ? Cái mỏ vàng da cam bổ thẳng vào quả xoan, cặp chặt, lừa rất nhanh phần cùi rồi thả hạt xuống đất. Có lần chúng thả hạt rơi vào đầu chúng tôi, hoặc lộp bộp vào lá chuối. Héc trống thường có chòm lông trắng ở trên đầu, có con vùng lông trắng còn tạo thành khoang trắng quanh cổ. Những con mái to tiếng hơn. Vừa ăn héc vừa chạnh choẹ. Cả đàn bay đến đâu là nơi đó huyên náo, ầm ĩ. Bọn trẻ cũng vác súng cao su chạy theo.  Vừa có đàn trước bay qua, đàn khác lại bay đến. Một lần tôi giương súng cao su lên ngọn xoan, thực tình tôi chẳng ngắm vào một con nào, thế mà bỗng nhiên một chú dính “đạn”. Nó rơi thẳng ngay chỗ tôi đứng. Tiếng rơi vang vọng làm tôi hồi hộp cho đến tận bây giờ. Tôi nhanh tay chộp gọn con héc. Tim nó đập rất nhanh. Toàn thân nóng hổi, giẫy giụa. Nhưng thoát thế nào được tay tôi. Mang chú héc về nhà, tôi nhốt ngay vào cái giỏ đựng cua. Héc chỉ bị thương, tím bầm bên cánh trái. Đang ngập tràn khát vọng bay cao của tuổi thơ, tôi lấy giấy bút ghi ngày và nơi con héc bị bắt, viết tên mình, buộc thông điệp ấy vào chân chim bằng dây chun rồi tung chú héc lên cây xoan. Con chim gắng gỏi cất cánh…

Tất cả các đàn héc đều bay ngược lên cánh rừng phía sau làng rồi mất hút phía bạt ngàn màu xanh của núi rừng.

Mùa héc cũng là mùa lúa non mơn mởn trên cánh đồng làng. Mẹ tôi thường ra đồng rất sớm. Lúc nào ở thắt lưng mẹ, cũng đeo một chiếc áo mưa gấp gọn, vuông vức. Mưa tháng ba thường đến bất chợt. Nó không hẹn trước như bầy héc. Mưa về như rắc bạc, vãi vàng cho lúa. Cả một vùng ruộng bỗng chốc trải thảm xanh kín. Dân làng ra đồng mang theo tiếng cười và câu hát như ngày hội. Người già, phụ nữ, trai gái thường tụm theo nhau từng tốp để trò chuyện, tán gẫu. Cả mấy chục người xếp hàng làm cỏ lúa. Ruộng hợp tác nên thường mang niềm vui động viên bà con.

Các cụ ông lên rừng trồng, chăm sóc cây. Vào những năm bảy mươi thế kỷ trước, làng tôi nổi tiếng với phong trào phụ lão trồng cây gây rừng. Đồi lát, đồi mỡ của các cụ quê tôi đã lên báo, lên đài, cả nước biết đến. Đến bây giờ thì rừng mỡ, đồi lát cũng chẳng biết đi đâu, hay là theo các cụ. Làng có ngôi chùa, xa gần đều biết, xưa vẫn gọi là chùa Làng Dao. Bây giờ có tên mới chùa Phổ Linh. Ngày ấy, đồi Chùa có cây thông mấy người ôm không hết. Bóng che trùm xuống cả hồ sen. Chị em tôi đi nương qua đường nhặt quả, lấy nhựa thông đốt. Rồi vào một ngày mưa, cây thông đổ vật xuống, vắt qua đường, cành ngọn ngâm xuống hồ sen. Chẳng ai dám chặt…

Bà tôi địu sau lưng chiếc thạ – một dụng cụ đan bằng tre, theo các cụ vào đồi hái chè xuân. Đây là vụ chè xuân có năng xuất cao nhất. Luống chè lượn cong tít tắp. Muôn ngàn búp non tở mở, căng mập. Trên đồi chè thường có vài ba cây xoan, cây đa, nên sau khi qua làng, chim héc thường bay qua đây.

Bà tôi, có lẽ những ngày xuân này vẫn đi hái chè ở thế giới bên kia. Năm vừa qua rét nhiều chắc nương chè của Nhà Trời cũng chậm lên búp. Tám mươi tuổi, mẹ tôi không ra đồng được nữa. Vuông áo mưa không còn đeo sau lưng mẹ mà được cất dưới đáy hòm. Nắng ấm, mẹ thường chống gậy ra cửa nhìn xuống cánh đồng biếc xanh trước nhà. Bố tôi nghỉ hưu đã ngót nghét hai chục năm lại sống với vườn cây trái quanh nhà. Khi đến mùa héc, nắng ấm, ông cụ lại chuẩn bị cho đàn gà mới xuống ổ. Bố tôi chặt cây tre bánh tẻ, đan quây nhốt gà. Tôi hỏi về đám mây héc bố tôi bảo: mùa này héc vẫn về, nhưng càng ngày càng thưa thớt. Xoan trong vườn đứng im lìm, giơ lên trời những cánh tay khẳng khiu. Những ngón tay xoan vẫn treo đầy chum quả khô héo màu vàng sậm. Thế mà, bầy héc đã bay đi chân trời nào…

Tôi chợt nhớ, đâu đó nhiều loại chim rừng được bày bán dọc Quốc lộ. Những chú chim héc, sáo đá, chào mào, chích chòe… bị giam nhốt trong lồng sắt chờ hóa thân thành món đặc sản. người chủ hàng rao giá tới cả trăm ngàn đồng một con héc. Anh ta còn khoe nguồn hàng vô tận vì nhiều nơi kỹ nghệ bẫy chim rừng đã trở thành siêu đẳng.

Có phải vì thế mà đã thưa dần bóng héc. Về quê mùa chim héc, sao tôi ngơ ngẩn trên đường làng. Thương những cây xoan giương cành chờ héc về ăn trái. Tôi chỉ có một mơ ước cho những con chim đang bị giam giữ được phóng sinh trở về với rừng núi.


(Nguồn: Báo Văn nghệ số 16/2016)