Nam Tây Nguyên đã qua mùa khát. Mây đã về với núi, nước lại về trên sông. Sau những ngày dài quẩn quanh nơi chốn hẹp, đôi chân lại háo hức đi về miền xanh thẳm, về với buôn làng trong mùa “ăn năm, uống tháng” để nghe tiếng chiêng vang xa trên mặt sông, dội vào vách núi, thổn thức trong lồng ngực…
Sông Krông Nô khởi nguyên từ những đỉnh núi cao vời vợi giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắc Lắc, khi tới thung lũng Đầm Ròn lượn vòng hình cánh cung ôm trọn lấy buôn làng, ruộng đồng nằm về phía tả ngạn. Với những cư dân bản địa sống ở đôi bờ, Krông Nô là dòng sông thiêng, nơi cung cấp nguồn nước mát lành cho sự sống và góp phần kiến tạo nền “văn minh nương rẫy”. Vào đầu mùa mưa, trên những bến nước, người M’nông thường tổ chức lễ cúng thần Nước. Lễ vật có gà, lợn, xôi nếp, rượu cần và tất nhiên không thể thiếu màn cồng chiêng. “Ơi Yàng! Hôm nay chúng tôi làm lễ này tạ ơn Yàng đã cho chúng tôi nước để uống, cho cây lúa, cây bắp mọc trên rẫy, cho chúng tôi cây rau, con thú để ăn. Tôi có con gà, tôi có thịt con heo, tôi có cơm, có rau cho Yàng ăn, có rượu cho Yàng uống. Yàng ăn xong tôi đánh chiêng cho Yàng nghe. Xin Yàng che chở cho chúng tôi, đừng làm bệnh đau ai, đừng làm chết ai, đừng làm cho con suối hết nước, đừng làm nắng chết cây, đừng cho con rắn cắn người, đừng làm con nước to bắt người đi. Từ nay hãy cho chúng tôi cái chân đi rừng không biết mệt, cái mắt nhìn thấy trong đêm tối…”.
Già làng vừa khấn vừa vẩy rượu lên đồ thờ trong khi dàn chiêng tấu lên những âm điệu nguyên thủy, lúc ào ạt như mưa đá, thác reo, khi dìu dặt như làn gió thoảng qua rừng già. Tiếng chiêng như có hồn, như lời khẩn cầu, thương nhớ, gọi mời. Rượu cần đã cột, lửa cũng đã cháy lên, lũ con gái, con trai tay trong tay, hông kề hông cùng bước vào vòng xoang. Càng về khuya, ngọn lửa càng nồng đượm, nhịp chiêng thêm giục giã, men rượu cần chếnh choáng, bước chân liêu xiêu, hồn người như thoát xác bay lên, chênh chao giữa trời đêm đại ngàn…
Giống như các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, người M’nông coi chiêng là báu vật. Không chỉ là nhạc cụ chủ yếu, cồng chiêng còn đóng vai trò đặc biệt trong các nghi lễ, là phương tiện giao tiếp giữa người với thần linh, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Ở một khía cạnh khác, cồng chiêng còn thể hiện đẳng cấp, địa vị của chủ sở hữu. Trước đây, một bộ chiêng thường có giá rất đắt, phải mua bằng rất nhiều tiền hoặc đổi bằng nhiều trâu, bò. Chỉ những người có quyền lực hoặc có tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể sở hữu cồng chiêng. Buôn làng nào càng nhiều cồng chiêng chứng tỏ người dân ở đó càng sung túc, giàu có.
Cồng chiêng Tây Nguyên là sự thống nhất trong đa dạng. Như cồng chiêng của người M’nông ở xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) chẳng hạn, 1 bộ luôn gồm 6 chiếc, đều là chiêng không núm. Trong khi 1 bộ chiêng ở nơi khác có thể gồm 3, 5, 6, 7, 9 chiếc. Trong bộ chiêng của người M’nông, chiêng lớn nhất được gọi là chiêng cái (Mê), 5 chiếc còn lại từ lớn đến nhỏ được gọi là NDor, Rơ Nul, Doa, Thơ, Thết. Nếu chiêng Ê Đê thường được tấu lên với những âm điệu phức hợp, tốc độ nhanh, cường độ lớn, chiêng Gia Rai thiên về tính chủ điệu với một bè trầm của cồng mang âm sắc vững chãi và một bè cao của chiêng không núm với âm sắc cao lảnh lót thì chiêng M’nông là màn hợp xướng đầy biến ảo của những chiếc chiêng không núm với nhịp điệu lúc nhanh, lúc chậm, cường độ âm thanh không lớn nhưng luôn mang đủ sắc thái buồn vui.
Cũng như nhiều dạng thức văn hóa bản địa cổ truyền khác ở Tây Nguyên, cồng chiêng của người M’nông ở Đạ M’rông đang phải đối diện với nhiều thách thức. Anh Pang Ting Ha Quý, người chơi chiêng khá thành thạo và cũng là cán bộ văn hóa xã ở đây cho biết, trước kia, xã có hàng chục bộ chiêng thì nay chỉ còn khoảng 10 bộ. Nhiều bộ chiêng quý đã rơi vào tay những người buôn đồ cổ, một số bị mất cắp, bị thất lạc. Không chỉ “chảy máu” về số lượng mà hồn vía của nét văn hóa này cũng đang dần phai nhạt. Cồng chiêng chỉ thực sự linh thiêng, hoang dã, đắm say khi được tấu lên giữa không gian thiêng của đại ngàn, trong các nghi lễ cổ truyền, bên những mái nhà “dài như một tiếng ngân” quần tụ nhiều gia đình và thế hệ. Cồng chiêng cũng không thể tách rời các yếu tố văn hóa khác như ẩm thực, múa, trang phục, hát kể… Nhưng giờ đây, các yếu tố “bổ trợ” đã bị mai một, nhiều cánh rừng đã khép, nhà dài chỉ còn trong ký ức, người M’nông không còn theo tín ngưỡng cổ truyền mà chuyển sang tôn giáo khác, tục thờ cúng Yàng dần bị lãng quên.
Nhằm giữ lấy hồn chiêng, những năm qua, ngành văn hóa và người dân nơi đây đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy di sản của cha ông. Các chủ nhân và nghệ nhân cồng chiêng hiện nay như Tư Thươn, Pang Ting Ha Sanh, Nhơm Ha Song… đang chạy đua với thời gian, tuổi tác để truyền dạy cách chơi chiêng cho con cháu. Nhiều gia đình quyết không bán những bộ chiêng quý dù số tiền bán chiêng có thể giúp họ thoát nghèo. Những lễ hội cồng chiêng đã được tỉnh, huyện tổ chức thường xuyên hơn nhằm giúp các đội “khoe” được vốn chiêng phong phú của mình và học hỏi thêm từ đội bạn. Những ngày rong ruổi bên dòng Krông Nô, lắng nghe trăn trở của các nghệ nhân và chứng kiến việc làm của họ khiến lữ khách thêm niềm tin, rằng cồng chiêng M’nông dù có thăng trầm, biến cải nhưng không thể mất, như dòng Krông Nô chẳng bao giờ khô cạn, như cánh diều dù chênh chao trong gió nhưng không bao giờ bay đi.
Bài và ảnh: Vũ Đình Đông
Nguồn: QDND