Có một chiều thôi bận bịu. Tôi trở về nơi mình đã ra đi, dáng cha già vẫn ngày ngày lầm lũi trên những cánh đồng. Hoàng hôn đổ tràn trên từng nếp nhăn hằn lên vầng trán cha. Bao mùa xuân đã đi qua, cha tôi vẫn lặng lẽ nhìn những đứa con trở về trên đôi chân không bám víu. Bỗng thấy dù mình trưởng thành, đã đi trăm núi ngàn sông vẫn không thể nào đi hết nỗi lòng của cha. Mái tóc muối tiêu của cha khẽ bay trong cơn gió mùa về vội vã, bật tung cả khoảng trời mơ thức. Tấm áo bạc sờn quanh năm không kết nút, thấm đẫm những giọt lo toan cơ cực. Cha dành phần khó nhọc về mình, để mùa xuân về trong mắt con thơ là mùa xuân của yêu thương, của khát vọng.
Tôi vẫn đi qua những mùa xuân như thế. Và mùa xuân tuổi thơ luôn bình yên nhất. Cảm giác được chở che và chào đón dẫu cho ta có lạc lối muôn nẻo đường vòng luôn giúp tôi đủ dũng cảm bước qua những đổ vỡ trong đời. Một mùa xuân nữa lại về. Những đứa trẻ ngày xưa quanh chân cha ríu rít, giờ đã trưởng thành khôn lớn. Đã đủ khả dĩ để chợt thắt lòng khi nhìn đôi tay gầy guộc của cha, đủ quên đi gã đàn ông mạnh mẽ trong ta để bật khóc khi nhìn cha bước đi trong chiều chênh vênh… Cha tôi chỉ là một người nông dân ít học, cái ít học đó đã từng khiến tôi tự ti khi bỏ trống ô nghề nghiệp của cha trong những lần tôi xin việc. Ba tôi ít chữ nghĩa. Nhưng hơn ai hết, cha là người gieo vào anh em tôi những con chữ đầu tiên. Cha dạy anh em tôi cách sống, cách đứng lên sau những lần thất bại.
Nhiều lần trong đời, tôi thấy cha ngồi trầm ngâm trong chiều lặng lẽ, nhìn về phía xa xa nơi con gái làm dâu xứ lạ. Cha ít nói. Cha ít để những đứa con biết cha nghĩ gì. Cha âm thầm dõi theo từng bước chân của những đứa con. Ngày anh Tư về với đất. Cha không khóc, tôi chỉ thấy đôi mắt vô hồn của cha. Những ngày sau đó, cha chỉ ở miết ngoài đồng, trốn những ánh nhìn của những đứa con. Cha yêu thương anh em chúng tôi. Nhưng chẳng khi nào cha nói, cha không được dịu dàng như mẹ nhưng cha thương con theo cách của cha. Cách của người đàn ông quê mùa, thất học mà sao tôi thấy nó ấm áp và bao la quá đỗi. Và khi đã trưởng thành tôi mới hiểu tình thương của người cha nào cũng rộng lớn như nhau.
Trải qua những tháng ngày khó nhọc, cha già đi theo năm tháng, làn da trổ đồi mồi kéo những vệt dài khắc khoải. Cha vẫn mãi trầm ngâm với những trở trăn, hoài niệm. Người ta bảo nuôi con trăm tuổi, lo hết 99 năm. Cha vẫn lo thay cho anh em tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, cách đối nhân xử thế… Tuổi già quàng lên vai cha những nắng mưa bất chợt, cha vẫn quên bản thân mình, để lo nghĩ cho đàn con. Những đứa con mãi không thể lớn lên trong mắt cha.
Chiều nay, ngọn gió xuân thổi qua hiên nhà. Ấm trà thơm, cùng bánh, mứt mẹ vừa làm xong. Cả gia đình ngồi quây quần bên nhau. Cha kể tôi nghe những mùa xuân đã qua, những ký ức tôi luôn gói ghém, giấu kín của những lần xa nhà, của những lần tôi thấy mình bị cám dỗ bủa vây thì lời dạy của người đàn ông thất học, quanh năm chỉ biết cày cuốc lại đưa tôi qua những bế bồng náo loạn.
Đón bao lì xì đỏ cha cho, cảm giác vẫn y như những ngày còn thơ, dẫu cho đầu ta đã lấm tấm bạc. Mùa như chậm trôi với những phút giây bên cha. Ở bên cha, tôi thấy lòng mình nguyên sơ, đôi chân chẳng còn nặng ì khi bước ra đường, chẳng còn những ganh đua.
Ngoài kia, xuân thì thầm những bản tình ca rộn rã, nắng xuân dệt vàng ô cửa, những giàn hoa đỏ ối một góc trời quê. Tôi bước ra vườn, đón những tia nắng đầu xuân, thứ ánh sáng muôn đời ta khao khát. Cha đến bên tôi như những ngày tôi còn bé. Cha kể tôi nghe về chậu hoa quý cha gửi người ta mua tận bên Nhật, cha chỉ tôi cách trồng hoa, uốn cây, cách bón phân, vun xới… Những câu chuyện vốn dĩ đã quen ấy, cứ đưa tôi đến những hành trình không bao giờ ngơi nghỉ. Và cha vẫn mãi cùng tôi đồng hành trên những cuộc hành trình đó.
Có cha, chẳng bao giờ tôi thấy mình đi lạc…
Có cha, mùa chậm trôi đi điều cũ kỹ.
Theo SGGP