Tôi thực sự lấy làm bất ngờ khi được chứng kiến một buổi biểu diễn múa Bài Bông. Những người cao tuổi cho biết: Người múa điệu múa này dứt khoát phải là những cô gái trẻ, còn trinh trắng và phải là người con của làng. Người nữ khác không được phép múa. Không lẽ “truyền thuyết” về những cung tần mỹ nữ thuở nào trên Yên Tử dường như đã làm nên “điều luật bất thành văn” này?

Giả thiết cũng chỉ là giả thiết

Có giả thiết cho rằng: Điệu múa Bông hay múa Bài Bông, hoặc có nơi còn gọi là múa Hoa, có nguồn gốc Phật giáo. Bởi hình tượng hai bông hoa sen đã cách điệu thành hai ngọn đèn hình bông hoa sen được xem như là thứ đạo cụ không tách rời trong điệu múa. Và theo giả thiết ấy thì điệu múa Bông là điệu múa có tính chất tôn giáo, được du nhập vào nước ta cùng với đạo Phật.

Chứng minh cho giả thiết này, người ta đã viện dẫn rằng: Múa Bông rất thịnh ở Huế, nơi Phật giáo phát triển và được trình diễn riêng cho vua quan nhà Nguyễn thưởng ngoạn. Nói như vậy thì múa Bông từ điệu múa mang yếu tố có tính Phật giáo đã trở thành điệu múa Cung đình Huế.

Lại có giả thiết khác khẳng định: Điệu múa Bông xuất hiện cách đây chừng bảy trăm năm và nó hoặc do Thượng tướng – Thái sư Trần Quang Khải ứng tác ra hoặc do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nghĩ ra. Do ai thì chưa rõ nhưng giả thiết đều thống nhất: Điệu múa Bông ra đời sau chiến thắng quân Nguyên Mông của quan quân nhà Trần ở thế kỷ thứ XIIV. Nó ra đời nhằm để ca ngợi chiến thắng lẫy lừng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và cũng để lấy làm vui cho quan quân trong triều sau những năm chiến chinh gian khó. Cũng theo suy luận đó thì điệu múa Bông là điệu múa có tính Cung đình.

Múa bài Bông ở làng Phú Nhiên, xã Quảng Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Lại có ý kiến khác cho rằng: Điệu múa Bông là do các cung tần mỹ nữ, những người được triều đình nhà Trần bí mật sai cử lên Yên Tử hòng dùng nhan sắc của mình để níu kéo Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ý định đi tu. Các mỹ nhân ấy đã thất bại trong việc “lôi kéo” Thượng hoàng về lại Kinh thành nên rủ nhau nhảy xuống suối (suối sau này được gọi là suối Giải Oan) mà tự vẫn, hành động ấy được xem như là sự thể hiện trung thành với vị Quân vương của mình.

May thay, các vị cung tần mỹ nữ tuyệt sắc giai nhân ấy đã được nhân dân mấy làng dưới chân núi Yên Tử cứu vớt. Họ sống sót nhưng chẳng một ai màng việc dấn thân trở lại Kinh thành nữa. Người thì ở lại chốn rừng xanh mà lập gia với trai làng dưới chân núi, yên ổn sống hết đời trong cuộc sống dân dã thôn trang. Lại có người còn mang nỗi nặng lòng với Thượng hoàng Trần Nhân Tông mà cũng ở lại nơi này nhưng không đi xây dựng gia đình, cũng không theo đường tu đạo. Nghe nói thì chính họ lại là những người đã nghĩ ra điệu múa Bông nhằm biểu diễn trong dịp hành lễ trên núi Yên Tử. Hoặc cũng để có được sự khuây lòng khi biết mình vẫn còn ở bên cạnh Phật hoàng Trần Nhân Tông, người mà hồi ở trong triều họ luôn tôn kính.

Như vậy, theo giả thiết này thì điệu múa Bông là điệu múa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử riêng có của Việt Nam.

Và còn một số giả thiết khác nữa.

Điệu múa của lối sinh hoạt cộng đồng

Tôi thực sự lấy làm bất ngờ khi được chứng kiến một buổi biểu diễn múa Bài Bông. Những người cao tuổi cho biết: Người múa điệu múa này dứt khoát phải là những cô gái trẻ, còn trinh trắng và phải là người con của làng. Người nữ khác không được phép múa. Không lẽ “truyền thuyết” về những cung tần mỹ nữ thuở nào trên Yên Tử dường như đã làm nên “điều luật bất thành văn” này?

Một màn múa Bài Bông được chia thành 2 đội múa. Thường thì mỗi đội múa Bài Bông có 4 cô gái trẻ đảm nhiệm, do vậy màn múa Bài Bông thông thường do 8 cô gái trẻ thể hiện, tùy tính chất và yêu cầu của hội làng mà số người múa có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba hoặc gấp bốn. Sân khấu cho buổi biểu diễn là khoảng sân rộng trước cửa đình làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội.

Và tôi thực sự bất ngờ tiếp nữa khi biết rằng: Điệu múa Bài Bông này luôn đi kèm với một lối hát thơ đồng thời ngay đó, lối hát đó được gọi là hát Cửa đình bởi đơn giản là vì nó được hát ngay trước cửa đình. Điều thú vị nữa cũng không kém bất ngờ là những người cất lên hát 517 câu hát Cửa đình ấy cũng dứt khoát phải là 18 trai đinh của làng. Nét sâu sắc của 517 câu hát là ở chỗ, cho dù câu hát đó có là thể thơ khác nhau nhưng tất cả đều tập trung vào ca ngợi quê hương, đất nước, mong con cháu trong làng học giỏi, xóm làng thanh bình, gia đình thịnh vượng, người già mạnh khỏe. Múa Bài Bông đi kèm với hát thơ xem ra cũng chỉ có ở Phú Nhiêu mà thôi?

Như vậy màn múa Bài Bông làng Phú Nhiêu với sân khấu biểu diễn không đâu khác ngoài khoảnh sân trước cửa đình làng.

Điều lý thú là khoảnh sân đình này còn thông với sông Kim Ngưu bằng một bến thuyền rộng rãi với nhiều bậc dẫn xuống sông được xây bằng gạch. Bến thuyền bên sông, hay nói cách khác là mấy “bậc cầu ao” thân thuộc trong các làng quê Bắc Bộ này chính là nơi người dân làng Phú Nhiêu ngày ngày xuống bến giặt giũ và kín nước về dùng.

Điều làm chúng tôi vô cùng phấn khích là khi ở khoảnh sân trước cửa đình làng đang vang lên câu hát cùng những bước đi nhún nhảy trong điệu múa Bài Bông thì ngoài mặt sông lại ầm vang nhịp khua chèo sôi động cùng tiếng trống thúc dập dồn lay động mặt sông. Cuộc thi bơi chải của những tay chải trong làng đang vào hồi sôi động nhất. Thi bơi chải cũng là một phần cùng với múa Bài Bông và hát Cửa đình hợp thành lễ hội làng Phú Nhiêu.

Tôi mấy lần tự hỏi, không biết từ bao giờ và nguồn cơn như thế nào mà người nông dân của một làng quê hẻo lánh như làng Phù Nhiêu này lại biết đến điệu múa Bông đài các ấy? Tôi tự hỏi và không sao tự trả lời được điệu múa ấy đã về với làng, nhập vào làng, sống với làng và đi cùng làng qua ngần bấy thời gian cho tới tận bây giờ. Tận bây giờ và trở thành điệu múa Bài Bông làng Phú Nhiêu, điệu múa cổ của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến?

Múa bài Bông và biểu diễn hát cửa đình.

Theo ông Đỗ Xuân Tích, một người dân làng Phú Nhiêu cho hay thì điệu múa Bài Bông này “bén duyên” với làng Phú Nhiêu đâu như vào nửa đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Không rõ nguồn cơn vì đâu mà điệu múa vừa mang tính Phật giáo, vừa đậm chất Cung đình này lại “về làng” và vì sao lại chỉ có làng Phú Nhiêu, huyện Phú Xuyên ngoại thành Hà Nội mới là làng quê có được cơ may đó? Và bằng cách nào mà người dân quê nơi vùng chiêm trũng này lại truyền nhau đời này qua đời khác nên điệu múa chẳng những không bị thất truyền mà ngày nay nó đã trở nên thân thuộc? Chỉ biết rằng kể từ đó trở lại đây thì cứ vào dịp ngày rằm tháng tám hằng năm là làng Phú Nhiêu mở hội. Hội làng Phú Nhiêu diễn ra trong bốn ngày (từ ngày 15 đến hết ngày 18 tháng 8 âm lịch).

Làng Phú Nhiêu là một làng Việt cổ nằm bên sông Kim Ngưu, một con sông của Thăng Long cổ, nó bắt nguồn từ mạn Hồ Tây, xuôi về miền đất Sơn Nam Hạ. Truyền thuyết kể rằng: Làng Phú Nhiêu mang dáng hình của con trâu vàng. Làng có bốn xóm tượng trưng cho bốn chân trâu. Sống trâu là con đường trục chính chạy giữa làng. Đình làng là đầu trâu và hai giếng nước hai bên đình là hai con mắt trâu.

Chúng tôi có trao đổi và được biết rằng: Không giống như đa phần các lễ hội làng quê truyền thống khác là thường tổ chức vào dịp mùa xuân hằng năm. Lễ hội làng Phú Nhiêu lại diễn ra vào dịp nông nhàn giữa hai vụ lúa (tháng tám âm lịch). Phải chăng mảnh đất mang dáng hình con trâu này luôn biết chọn dịp trăng trên trời mọng tròn và sáng nhất để làm lễ dựng hội. Phải chăng truyền thống làm nông nghiệp trên vùng đất quanh năm chiêm trũng này chỉ có dịp đó mới có thể ngẩng mặt lên được. Phải chăng thế mà người làng mới tổ chức lễ hội.

Đó đã vào đầu thu, cánh đồng đã bớt đi màu nước chang trắng, những ngả đường cũng đã se sắt bước chân, và lòng người đã thư thả đôi chút. Lễ hội được mở ra với các màn thi bơi chải, hát và múa tưng bừng phải chăng là dịp để người làng củng cố tinh thần, nâng cao sức lực trước khi bước vào một mùa đông lạnh giá giữa bao la của vùng thấp trũng.

Mới hay, đất và người hòa quyện đã làm nên một không khí vui tươi, đầm ấm mà cũng hết sức thanh cao. Điệu múa Bài Bông vốn được xem chỉ để mua vui cho giới cung quyền hoặc để dành riêng cho nghi thức tôn giáo, đã được tám cô gái trinh trắng của một làng quê hiền lành tấu lên sinh động. Điệu múa có tính tôn giáo và quyền quý ấy đã được dân dã hóa, đã được thôn quê hóa khi nó được kết hợp với màn thi bơi chải và xen trộn trong câu hát ấm trầm của mười tám trai đinh.

Thì ra chẳng có gì mà người dân không làm được. Thì ra chẳng có gì mà người dân không được sử dụng. Văn hóa văn nghệ truyền thống cho dù có giả thiết này giả thiết khác thì bất luận cuối cùng nó cũng từ nhân dân mà ra. Và chỉ có nhân dân mới biết sử dụng nó đúng nơi đúng chỗ và đúng mục đích. Văn hóa văn nghệ sinh ra từ dân và trở lại phục vụ nhân dân.

Tôi chợt nghĩ: Một khi văn hóa văn nghệ trong dân còn thì nước non còn, người Việt mình còn.

Theo Nguyễn Trọng Vân – Văn nghê công an