(Phạm Giai Quỳnh)
Lời nguyền kiếp khác bền như sắt,
Thề bỏ xuân xanh một kiếp này.(1)
Câu chuyện của Nàng Thê” gợi nên một cơn mưa xuân, trong cơn mưa xuân ấy, mầm sống được ấp ủ từ mùa đông giá buốt như động cựa và được đánh thức, đâm chồi nảy lộc, rần rật nhựa sống, tựa như tình yêu của hai mảnh linh hồn Nàng Thê và Nam Mộc. Thế nhưng sinh cũng là diệt, sự việc vốn đi ngược lại với sự cân bằng lại thường gặp phải tai ương, bất trắc, tình yêu của họ cũng vậy
Khác với Nàng Thê và các nhân vật phụ khác, Nam Mộc xuất hiện rất ít và mờ nhạt trong tiểu thuyết, nếu không để ý, ta sẽ không thể nào nhận ra chàng. Ngược lại, một phiên bản linh hồn khác của Nam Mộc tức nhánh cây mọc lên từ nơi vết thương thân cây gỗ bị đốn ngã, mang theo một phần ý chí và tình cảm của cây chính, sau khi tu tập trưởng thành đồng thời luân hồi chuyển thế theo cuộc đời Nàng Thê lại là hình bóng xuất hiện nhiều hơn. Cũng bởi có ý chí và tình cảm đó, mà Nàng Thê nguyên thân là cây Sứa Đam từng được Nam Mộc che chở đã lầm lẫn giữa cành Nam Mộc thứ hai này và bản thân Nam Mộc. Sự lầm lẫn xuất hiện ở nhiều kiếp sống, và chính nàng có lẽ cũng đã cảm nhận được điều đó, bởi trong nàng luôn dội lên khúc Ngoài trời sương hoa rơi lạnh.
Ngoài trời sương hoa bay lất phất
Nàng sẽ cho ai tất cả tình yêu?
Kiếp người ngắn ngủi, chỉ là một sát na, kiếp người ngắn ngủi nhưng cũng lại kéo dài đằng đẵng. Khúc ca của kẻ lỡ chạm vào gót chân Nàng Thê ở kiếp sống thứ nhất ấy đã tiên dự cho các kiếp sống sau này của cả hai người. Họ mải miết tìm nhau, không mong cầu bất cứ một lời hồi đáp hay kết quả, họ tìm kiếm nhau theo bản năng, nếu không tìm được nhau thì thà rằng thân nát hồn tan quyết chẳng hai lòng. Dẫu nàng đã uống nước Đoạn Hà – một thứ nước khiến người ta lãng quên hết thảy, dẫu ông già Tiểu Ngục đã dặn dò rằng nàng chẳng thể nào nhớ được gương mặt của người kia thì nàng vẫn quả quyết chèo đi chỉ bởi thấu tỏ người đàn ông mình yêu vẫn đang tồn tại giữa nhân gian, vũ trụ này.
“Như là nàng từng gặp người ấy ở đâu đó trong những giấc mơ vạn vạn kiếp của mình.”
(Câu chuyện của Nàng Thê, tr.189)
Các nhân vật khác trong tiểu thuyết được xây dựng phong phú, từ chung một vùng đất họ đến với nhân gian, biến thành những người khác nhau đan chêm vào mỗi bận luân hồi của Nàng Thê và Nam Mộc, có khi là trợ thủ, cũng có khi là kiếp nạn, có người ôm nỗi oán hận tắm đầy máu tươi để rồi sau khi tu tập qua nhiều kiếp thì dần buông bỏ chấp niệm, điển hình nhất có lẽ là nàng cung nữ nước Lệ đi từ oán đố sân si cho đến lúc từ bi bác ái trở thành mẹ của Bạch Mã Hoàng Tử. Nhân vật Lưới Sông (nguyên thân lính cai, đẩy Nàng Thê xuống trần) mang theo sự thú vị của riêng mình, ở kiếp trước y là kẻ thủ ác cưỡng bức nàng đến chết, nhưng vào kiếp này y lại biến thành người bảo vệ nàng dẫu tình yêu y dành cho nàng vốn chỉ là sự mê luyến ích kỷ điên cuồng.
Anh hùng đa nạn, hồng nhan đa truân, mỗi lần luân hồi là thêm một lần đau đớn, nhưng Nàng Thê và Nam Mộc vẫn đi tiếp, có khi họ đã chạm mặt nhau, lướt qua nhau nhưng chẳng thể đến được với nhau, dẫu chết đi cũng phải chết theo nhau. Tựa như ước nguyện cố chấp của Nàng Thê, kiếp kiếp muốn được làm phụ nữ để tìm người đàn ông mình yêu thương. Twin Flame đâu chỉ đơn thuần là mảnh ghép của hai linh hồn phản chiếu, sẽ mãi là đớn đau nếu chính mình vẫn khuyết thiếu, thế nên đôi bên buộc phải ngụp lặn trong bóng tối rồi thắp nên ánh sáng từ đó, mài giũa bản thân để trở nên thản nhiên với thế gian và hoàn thiện chính nội tâm mình, có thế mới tạo thành liên kết đẹp đẽ nhất.
Điều tạo nên được sự thú vị của cuốn tiểu thuyết không chỉ nằm ở văn phong, kết cấu mà còn ở cách gài cắm tình tiết. Tôi thích cách nhà văn Võ Thị Xuân Hà không để cho nhân vật Nam Mộc dễ dàng xuất hiện, mà độc giả vẫn luôn biết chàng vẫn ở đó, ngay bên Nàng Thê, yêu nàng tha thiết – Cái bóng hùng vĩ của chàng phủ lên tiểu thuyết giống như cái bóng đã từng che chở cho Sứa Đam.
Ưu điểm của cuốn sách là nén gọn, ôm trọn các kiếp luân hồi, các thân phận, lí giải sự bao dung của vũ trụ chỉ với hơn hai trăm trang sách, nhưng nhược điểm của cuốn sách cũng là ở đó, nếu sảy ý không tập trung thì độc giả rất dễ “đi lạc”. Hoặc đó chính là sự cố ý của tác giả? Bắt buộc người đọc của thế hệ tư duy mở phải đánh thức nhãn quan thứ Ba của mình.
Ta thường hằng và ta cũng không thường hằng, đấy là điều mà độc giả có thể cảm nhận được sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này. Đây là cuốn sách đậm mùi thiền và cũng đậm mùi Lão – Trang, là họa đấy mà cũng là phúc đấy, là mộng đấy mà cũng là thực đấy, đại đạo vô tình, chúng sinh bình đẳng, nhân vật Nàng Thê cũng giống như cái tên của mình trôi miên man qua nhiều kiếp sống bất hạnh dù có là con gái của vua Thanh Đế đi chăng nữa, sau rốt được ban phát một ân huệ để nhìn lại (có thể đấy là điều may mắn hoặc là không) muôn kiếp mình từng sống. Đó là một quá trình đau đớn. Bởi dù ai nấy trên cõi đời này đều hy vọng biết được kiếp trước của mình, song không phải ai cũng có thể chịu đựng được quá khứ đó, đôi lúc một kiếp tươi đẹp lại trở thành nước mắt ở kiếp sau.
Xin hẹn nàng một kiếp phù du.
Câu chuyện của Nàng Thê và Nam Mộc khép lại, muôn vàn chiều kích vô thuỷ vô chung cứ thế mở ra, con người thoát thai từ sự hư không được vạn hoá ôm ấp nuôi dưỡng, rồi mang theo ý thức mới hình thành đầu thai xuống mảnh đất ngập nắng, gió, sương, hoa, tình yêu, đớn đau, nụ cười và những giọt nước mắt mất hút vào quá khứ. Quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen, băn khoăn dằn vặt từ hàng vạn năm rồi mai đây sẽ có câu trả lời./
(1) Chú thích: Trích: Ngọc Lê Hồn, Từ Chẩm Á, bản dịch Nhượng Tống.
()Bài viết đã được trích giới thiệu trên báo Thời Nay)