Trải một số phận long đong vất vả, nhà văn Nga Alexander Romanovich Belyayev (1884 – 1942) vẫn không ngừng khám phá và sáng tạo, để lại những thiên truyện khoa học viễn tưởng bất hủ: Đầu giáo sư Dowell, Bột mì vĩnh cửu, Người cá, Người bay Ariel…

Số phận long đong


Nhà văn Alexander Belyayev
A. Belyayev chào đời tại Smolensk trong một gia đình linh mục rất mộ đạo, cha mẹ giữ đức tin sâu sắc vào những điều thánh thiện nên thường quan tâm đỡ đần họ hàng thân thích và đám con chiên, cho nên nhà lúc nào cũng đông khách. Vậy mà trong nhà vẫn không tránh khỏi rủi ro: người con gái tên là Nina sớm qua đời vì bệnh ung thư xương, rồi người con trai lớn Vasily đang học Đại học Thú y, chơi bên hồ lỡ chân chết đuối. Còn Alexander: cậu cũng hiếu động và nghịch ngợm đủ trò, đến nỗi sớm bị thương ở mắt nên thị lực rất kém. Chính vì vậy mà cha mẹ thường xuyên hun đúc cho cậu tính nền nếp và nghiêm túc trước bất cứ việc gì. Theo ý cha, cậu vào học trường dòng cho đến năm 1901 thì thôi, chuyển sang trường Demidovsky ở Yaroslav mong trở thành luật sư. Đang học dở thì người cha qua đời, kinh tế gia đình trở nên eo hẹp, để đỡ gánh nặng cho mẹ, cậu phải làm đủ thứ việc: làm gia sư, vẽ phông cho nhà hát, kéo vĩ cầm trong dàn nhạc đoàn xiếc…

Vốn có khiếu âm nhạc, từ tấm bé Alexander chỉ tự học mà chơi thành thạo vĩ cầm, phong cầm, lại còn hứng thú chơi trò ghép ảnh kinh dị, mà rợn người nhất là bức “đầu lâu trên chiếc đĩa xanh”. Để thỏa ước mơ bay, cậu leo lên mái nhà, một tay cầm cây chổi, một tay giương chiếc ô thả mình xuống đất, làm được một chuyến nhảy dù…

Phần lớn chặng đời tuổi trẻ của nhà văn tương lai gắn bó với sân khấu: cậu lập một nhà hát gia đình để tự mình kiêm tất các vai: soạn kịch, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên, và chính nhà hát này đã được mời lưu diễn khắp vùng Smolensk. Có lần, đoàn kịch do đạo diễn trứ danh Stanislavsky từ thủ đô về biểu diễn, kép chính bị ốm đột xuất, vậy mà A. Belyayev được mời vào đóng thay hết sức ngon lành, hết vở này sang vở khác. Đạo diễn Stanislavsky tha thiết mời “diễn viên đóng thế” gia nhập đoàn kịch của mình, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà A. Belyayev từ chối.

Có những trùng lặp ngẫu nhiên lạ lùng, mà ấn tượng nhất là một bi kịch. Một lần anh em đến chơi nhà ông bác họ, rủ lũ trẻ lên thuyền, nhưng rốt cuộc anh Vasily không nhập hội. Alexander mang lên thuyền một cục đất sét, vừa ngồi vừa nặn tượng đầu người anh trai, thấy khá giống, duy có điều nom thiếu sức sống nên quẳng tác phẩm đó xuống hồ. Ngay lúc đó, cậu thấy bất an, bảo cả hội bơi thuyền trở về, thấy cả nhà người bác đang kêu khóc rền rĩ: anh Vasily bị trượt chân xuống hồ, chết đuối, đúng vào thời khắc Alexander quẳng pho tượng…

Học xong trường Demidovsky, Belyayev được phân bổ về Smolensk và trở thành một luật sư có tín nhiệm. Điều kiện vật chất được cải thiện, mua được căn hộ, sưu tập được bộ tranh có giá trị và một thư viện phong phú. Giải quyết xong mỗi vụ việc, luật sư thường đi thăm thú Pháp, Italy…

Ba mươi lăm tuổi, A. Belyayev bị viêm màng phổi, chữa mãi không khỏi, căn bệnh nhiễm vào khắp xương sống và làm liệt hai chân, ông chịu đựng trong suốt sáu năm và bị vợ bỏ. Để tiện cho việc điều trị, ông dời tới Yalta ở chung với người mẹ và bà vú già. Trong suốt thời kỳ dưỡng bệnh, ông đọc khá nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn như Jules Verne, H. G. Wells và Konstantin Tsiolkovsky, đấy là nguồn cảm hứng để ông sáng tác, đầu tiên là thơ. Khi bệnh tình thuyên giảm dần dần, ông nhận một chân giữ trẻ, sau đó làm cho cơ quan điều tra hình sự, cụ thể là xây dựng phòng ảnh, rồi rút vào thư viện.

Gia nhập làng văn

Cuộc sống ở Yalta rất chật vật, Belyayev phải nhờ cậy bạn bè, chuyển về Moskva làm tư vấn luật. Những lúc công việc rảnh rỗi, ông viết văn, và truyện ngắn Đầu giáo sư Dowell (1925) được in nhiều kỳ trên báo Tiếng còi, sau đó in trọn vẹn trong hai tạp chí Trinh sát toàn cầu và Vòng quanh thế giới. Sống ở Moskva cho đến năm 1928, ông viết được Hòn đảo tàu ma, Người đàn ông cuối cùng đến từ Atlantis (1926), Người cá, Cuộc chiến trên hành tinh Ether (1928) và ra được một tập truyện ngắn. Viết văn, ông dùng tên thật Alexander Belyayev, có khi còn ký dưới bút danh A. Rom và Arbel.

Năm 1928 Belyayev cùng gia đình chuyển về Leningrad và chuyên chú vào sáng tác, từ đó ông hoàn thành và gửi in chủ yếu ở Moskva những Chúa tể thế giới (1929), Những người canh tác dưới nước (1930), Con mắt diệu kỳ (1935), loạt truyện ngắn Sáng chế của giáo sư Wagner. Bị bệnh tật hành hạ, ông phải rời Leningrad ẩm ướt (Saint Petersburg ngày nay) đến sống tại Kiev nắng ấm, sức khỏe có khá hơn, nhưng ở đây chỉ tiếp nhận bản thảo bằng Ukraina ngữ, nhà văn đành gửi cả về Moskva hoặc Leningrad. Năm 1930, tai họa lại ập đến: cô con gái sáu tuổi bị viêm màng não không cứu được, con gái nhỏ cũng bị còi xương, và bệnh viêm cột sống trong ông tái phát nên lại phải chuyển nhà về Leningrad từ năm 1931. Cuộc sống nhọc nhằn không làm nhà văn lụi óc sáng tác: trong những năm đó, ông cho ra đời vở kịch Những nhà giả kim và tiểu thuyết Nhảy vào khoảng không.


Hai cảnh trong phim Người cá
Ngoài những vấn đề đời sống và sức khỏe, nhà văn còn gặp khó khi các nhà xuất bản thường bạo tay rút gọn hoặc “chặt chém” tác phẩm, đến nỗi truyện Ngôi sao KEZ (1936) ban đầu bị biến thành một cuốn cẩm nang… kỹ thuật, mãi về sau mới được phục hồi nguyên tác.

Những giá trị bất hủ

Ở một góc độ nào đó, sáng tạo của Alexander Belyayev không được đều tay: những tác phẩm viết trước thú vị hơn những cuốn viết sau, những vấn đề đạo đức thường hấp dẫn hơn bản thân các giả thuyết khoa học, âm hưởng lãng mạn lấn át cốt truyện li kỳ. Nhà văn đi sâu vào tâm lý con người: chức năng của bộ não, mối quan hệ của nó với cơ thể, với đời sống tinh thần và tâm hồn. Liệu bộ não có còn tư duy khi bị tách rời khỏi cơ thể? Có thể cấy ghép não hay không? Khả năng hồi sinh người đã chết nếu đem áp dụng rộng rãi sẽ dẫn đến những hậu quả gì? Có ranh giới chăng trong khả năng thôi miên ám thị, và trong lai tạo gene? Giải quyết những vấn đề đó là các cuốn Đầu giáo sư Dowell, Chúa tể thế giới, Bột mì vĩnh cửu, Người đàn ông bị mất mặt, truyện ngắn Người không ngủ, Chú voi Hoity Toity. Tiếp tục mạch suy nghĩ đó, ông đưa nhân vật vào những môi trường sống khác nhau trong các tiểu thuyết giả định Người cá, Người bay Ariel. Đằng sau những tác phẩm đó là khát vọng của một nhà văn bệnh tật dám tuyên chiến với nỗi hạn chế của thể chất trong cõi vô biên của tinh thần, là khí phách con người, là bản tụng ca tự do bất tận, là niềm hy vọng rằng sự tự do như thế sẽ làm cho con người tốt đẹp hơn, đạo đức hơn và tử tế hơn. Nhưng, những sáng tạo như thế lại nhận về sự phê phán gay gắt từ phía nhà chức trách, là “óc tưởng tượng vô căn cứ, lảng tránh các vấn đề cấp thiết trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, cho nên giai đoạn sau, Belyayev buộc phải viết những tác phẩm chủ yếu là liệt kê các phát minh sáng chế, các thành tựu kỹ thuật và ca ngợi tương lai của chủ nghĩa cộng sản. Thành ra các cuốn Những người canh tác dưới nước, Dưới bầu trời Bắc Cực, Con mắt diệu kỳ… ít thú vị trên phương diện nghệ thuật văn chương. Về cuối đời, Belyayev gỡ bỏ ràng buộc của các vấn đề xã hội và kỹ thuật, dành toàn tâm toàn ý vào công việc mà ông hằng ưa thích – mô tả con người sao cho thật lãng mạn, trữ tình khi vượt khỏi sức hút của trái đất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết cuối cùng Người bay Ariel viết năm 1941 được coi là di chúc thực sự của nhà văn Alexander Belyayev, nó đồng thanh tương ứng với Thế giới rực rỡ của Alexander Grin, vừa có phần tiếp theo, vừa có phần phản biện tác phẩm kia. Nhân vật chính có khả năng bay mà  tác giả không đưa ra một căn cứ khoa học nào về tài năng đó. Hình tượng Ariel là thành tựu cao nhất của nhà văn, trong đó niềm tin của tác giả vào khả năng sáng tạo vô hạn của con người được thể hiện rất rõ.


Cảnh trong phim Người bay Ariel
Với hơn 70 tác phẩm văn học, trong đó có 13 tiểu thuyết, Alexander Belyayev được liệt vào số người đặt nền móng cho dòng truyện khoa học viễn tưởng Xô Viết và được đứng tên một giải thưởng văn học của hội Nhà văn Leningrad. Đến nay, chín tác phẩm của ông đã được chuyển thành phim: Người cá (1961), Người bán không khí (1967), Di chúc của giáo sư Dowel (1984), Hòn đảo tàu ma (1987), Vệ tinh của hành tinh Uran (1990), Người bay Ariel (1992), Mưa trên đại dương (1994), Quỷ biển (2004), Cuộc săn Gấu mẹ vĩ đại (2010).

Chết rồi chưa hết lận đận

Trước khi mở màn cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nhà văn Alexander Belyayev được đề nghị sơ tán vào sâu vùng hậu phương, nhưng ông từ chối vì mới qua một ca mổ. Thành phố Pushkin – nơi ông cùng gia đình sinh sống – bị giặc Đức chiếm đóng để vây hãm thành Leningrad. Tháng 1.1942, nhà văn đã chết thảm, vì đói. Người vợ và cô con gái duy nhất bị bọn Đức bắt sang Ba Lan và Áo, sau khi được Hồng quân giải phóng phải mười một năm sống lưu đày ở Đông Siberia. Vị trí ngôi mộ của Belyayev đến giờ vẫn chưa được xác định, chỉ có một bia đá tưởng niệm nhà văn được đặt trên khu mộ tập thể tại nghĩa trang Kazanskoe ở thành phố Pushkin, theo giả định là có di hài của ông trong đó.

Tác phẩm của Belyayev cũng chịu chung số phận nghiệt ngã. Theo luật pháp thời Xô Viết có hiệu lực đến ngày 1.10.1964, sau khi tác giả qua đời mười lăm năm, tác phẩm mặc nhiên được chuyển sang sở hữu xã hội. Liên Xô tan rã, luật về quyền tác giả trong lãnh thổ nước Nga có thay đổi, thời hạn giữ quyền tác giả được kéo dài 50 năm, rồi từ năm 2004 – tới 70 năm sau khi tác giả qua đời. Nếu tác giả sáng tác trong thời gian chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại hoặc trực tiếp tham gia chiến đấu, còn được tính thêm bốn năm nữa. Do đó mới có chuyện nhà xuất bản Terra năm 2008 ký hợp đồng với người thừa kế hợp pháp để độc quyền in toàn bộ tác phẩm của Belyayev, sau đó đâm đơn kiện hai nhà xuất bản khác AST-Moskva và Astrel (cùng thuộc tập đoàn AST) đã xuất bản sách của Belyayev mặc dù hợp đồng độc quyền đã có trong tay Terra.  Hai nhà xuất bản kia đã bị tòa án Moskva bắt bồi thường cho Terra hơn 7,5 triệu rub và cấm phát hành những ấn phẩm của Belyayev xuất bản trái pháp luật. Nhưng, đến phiên phúc thẩm, tòa Moskva tuyên hủy các bản án đã xử vì coi các tác phẩm của Belyayev đã được chuyển sang sở hữu xã hội từ ngày 1.1.1993. Ngày 4.10.2011, tòa Tối cao Liên bang Nga ra quyết định thay đổi kết luận của tất cả các phiên tòa cấp dưới, công nhận quyền tác giả đối với Alexander Belyayev vẫn còn được bảo hộ cho đến chí ít là ngày 1.1.2017, theo các điều khoản mới nhất của luật về quyền tác giả. Thế là vụ kiện nọ phải được xem xét lại từ đầu, như một cách chứng tỏ nhà văn Alexander Belyayev vẫn đang sống.

Nguồn: daibieunhandan.vn

Exit mobile version