Thời bây giờ là “thời của tiểu thuyết”. Đó là một kết luận khiêu khích làm cho không ít người không thể không gật gù. Trong bối cảnh thơ ca đang cố “cách tân” để đi tìm quy phạm thẫm mỹ của riêng mình và mất dần người đọc, việc tiểu thuyết “lên đời” cho thấy tiềm năng và sức hấp dẫn thể loại của nó. Chả thế mà nhiều nhà văn đã rất thành công với truyện ngắn nhưng vẫn được khóa lên mình cái vinh quang của tiểu thuyết gia. Nhìn lại mười năm qua, tiểu thuyết Việt Nam đã phát triển theo nhiều hướng hết sức năng động, kiến tạo bức tranh đa dạng với những màu sắc riêng.
Trong mười năm, có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử ra đời, trong đó nổi bật nhất là các tác phẩm như Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải)…Bên trong cái bộn bề và đa dạng của bức tranh tiểu thuyết, có thể nhận thấy tiểu thuyết lịch sử là dòng chủ lưu và có nhiều đóng góp về tư tưởng và nghệ thuật cho thể loại này thập kỷ qua. Về cơ bản, tiểu thuyết lịch sử có hai hướng chính. Một là xu hướng văn học hóa những sự kiện lịch sử, làm cho lịch sử đến với công chúng trong diện mạo mới hấp dẫn hơn nhưng vẫn là kể chuyện lịch sử, theo sát tiêu chí “tính chân thực lịch sử”. Nhiệm vụ chủ yếu của tác giả tiểu thuyết theo hướng này là “phổ cập lịch sử”, đáp ứng tốt nhu cầu “dân ta phải biết sử ta”. Hai là, tiểu thuyết hóa lịch sử. Lịch sử được các nhà tiểu thuyết tư duy lại ở tầm triết học lịch sử, không loại trừ thời sự hóa các vấn đề lịch sử, dựa vào các sự kiện lịch sử có thật để đánh thức ở độc giả những nhận thức mới về lịch sử và về thực tại. Nhà tiểu thuyết lịch sử không lùi về dĩ vãng để trang trí lại lịch sử, than tiếc một thời quá khứ lộng lẫy và oai hùng đã qua mà thực chất là tìm sự đồng vọng với cuộc đời, số phận, suy nghĩ của các nhân vật lịch sử nhằm biểu đạt chính những suy tư của mình về thời cuộc, về vận mệnh của cộng đồng, dân tộc trước những thách thức và cơ hội lịch sử mới của đất nước. Do đó, xu hướng này thường tìm đến những sự kiện lịch sử mang tính chất xung đột, bi kịch, lưỡng lự, nan giải và đào sâu vào số phận người trí thức trong cơn ba đào lịch sử, vạch rõ tính chất “phản động”, “trì trệ” của đám đông và sự cô đơn lẻ bầy của cá nhân trước tấn kịch lịch sử. Thành công nhất của tiểu thuyết lịch sử thập kỷ qua là tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh.
Dòng tiểu thuyết nông thôn nổi tiếng với Ba người khác (Tô Hoài), Dòng sông Mía (Đào Thắng), Đồng sau bão (Hoàng Minh Tường)… Những tiểu thuyết này tiếp tục cung cấp cho người đọc những kiến giải riêng của nhà văn về tâm lý người thôn quê trong những hoàn cảnh đau thương của lịch sử. Trong cách mạng, cải cách ruộng đất, chiến tranh bom đạn, xây dựng hợp tác xã, đô thị hóa và thị trường hóa các quan hệ cá nhân – gia đình – làng xóm, con người nông thôn chịu những tấn kịch ghê gớm và bị tha hóa đến tột đỉnh. Tiểu thuyết nông thôn trưng ra một hiện thực ngồn ngộn: các cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất đầy máu và nước mắt, nông thôn tiêu điều trong chiến tranh và xây dựng hợp tác xã, những mất mát không thể bù đắp được và những hi sinh thầm lặng của người vợ, người mẹ sau lũy tre xanh, người lính trở về mang nỗi đau không gì xoa dịu, làn sóng đô thị hóa và những hệ lụy tất yếu của nó…Tiểu thuyết đã trình bày sâu sắc bi kịch tột cùng của văn hóa thôn quê là việc thiếu vắng đức tin. Không phải ngẫu nhiên mà ở tiểu thuyết Ba người khác, Tô Hoài cứ trở đi trở lại mãi hình ảnh những ngôi miếu hoang tàn, đổ nát. Những biến cố lịch sử đã khiến cho những nền nếp cổ truyền bị đánh bật gốc, con người nông thôn không còn điểm tựa văn hóa dần dần hoặc đột ngột trở nên mất nhân tính, biến thành ác nhân một cách rất bản năng và rất hồn nhiên (lão Chép, Lẹp – Dòng sông Mía). Phần còn lại, một đám đông nông dân ngu muộn, hèn yếu, đầy định kiến mang “nỗi sợ cố hữu của ngày xưa” đã tạo ra một môi trường hoàn toàn thuận lợi cho cái ác hoành hành. Khi con người nông thôn không còn biết kính sợ một cái gì thì không còn khuôn thước nào để đo sự tàn ác và phi nhân của họ. Đình làng trở thành chốn dâm bôn, bạo tàn; dòng họ và nguồn gốc xuất thân trở thành một hành trang nặng nề, nghẹt thở đối với mỗi cá nhân; gia đình nông dân biến thành ngục tù: vợ chồng, cha con thù ghét nhau đến mức không đợi trời chung, vô số cảnh loạn luân, hãm hiếp, vu vạ, báo thù ngập trong tiểu thuyết. Bi kịch nối tiếp bi kịch, kéo dài dai dẳng từ thế hệ này đến thế hệ kia làm nhức nhối nông thôn đằng sau bờ tre, mái dạ. Người nông dân dù có là chủ tịch xã, chủ tịch huyện, bí thư tỉnh ủy, anh hùng trận mạc hay kẻ cùng đinh khố rách…cũng không vượt ra khỏi cái thấp hèn của thân phận, cái bi kịch của kiếp người “chịu nạn lịch sử”. Họ trở thành những con người chấn thương, tội đồ, tha hóa, lưu manh, gian ác một cách vô tâm, hồn nhiên. Trước cơn sóng cuồng “từ trên trời rơi xuống”, toàn bộ văn hóa nông thôn trầm tích từ bao đời bị lung lay đến tận gốc rễ. Những cái hay của văn hóa cộng đồng thoái hóa thành văn hóa phe cánh bè đảng, những cái dở của lề thói tiểu nông khuếch đại thành vô số khuôn mặt ti tiện, lưu manh, gian ác. Hầu như tất cả các tiểu thuyết đều muốn đi tìm căn nguyên của cái ác để rồi đi đến một kết luận đau lòng: những giá trị nhân bản dường như đang thiếu vắng ở những vùng quê nông thôn trong thế kỉ li loạn đã qua. Tuy nhiên những thành công đã có, đặc biệt với Dòng sông Mía của Đào Thắng chưa làm nên tầm vóc cho tiểu thuyết nông thôn mà những truyện ngắn như Chí Phèo, Phiên chợ Giát trước đó đã đạt được.
Nếu tiểu thuyết lịch sử là chiến địa của đội cận vệ già, thì tiểu thuyết thử nghiệm dường như là đặc sản của các nhà văn thế hệ 40 – 50. Đây là những tiểu thuyết mà đề tài rất đa dạng, bao gồm những vấn đề của đời sống con người cá nhân ở các đô thị, đặc biệt là con người văn nghệ sĩ, trí thức, thương nhân trong đời sống đương đại cho đến đám đông cùng đinh ô hợp. Đặc điểm chung của những tiểu thuyết này là “khó đọc” đối với đa số công chúng nhưng lại được giới đại học và các nhà văn chuyên nghiệp rất quan tâm. Xu hướng này có những tiểu thuyết tiêu biểu: Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Những đứa trẻ chết già, Thoạt kì thủy, Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Người sông Mê (Châu Diên), Song song (Vũ Đình Giang). Đây là những tiểu thuyết có nhiều tìm tòi, khám phá mới lạ về hình thức. Trong khi tập trung khai thác những góc khuất trong nhân cách, đặc biệt là cõi thâm sâu vô thức, các tác giả chú ý tìm nguyên nhân sâu xa của vấn nạn bạo lực, sự vô luân và tàn ác, lối sống cường bạo của con người hiện tại từ bản chất văn hóa thấp kém của đám đông với nhiều tìm tòi cách tân về hình thức. Tuy nhiên, việc lạm dụng các chi tiết gây sốc, nhất là thai nhi, hài nhi để phát ngôn cho tư tưởng nhà văn đã làm cho nhiều người đọc khiếp sợ. Vấn đề cơ bản là cần làm cho độc giả phải suy tư nghiêm túc về những tồn tại hạn chế của chính đồng loại mình để hướng đến những giá trị nhân bản sâu sắc hơn dường như vẫn là điều tiểu thuyết thử nghiệm chưa làm được.
Ngoài ba xu hướng cơ bản trên đây, tiểu thuyết 10 năm qua còn phát triển với nhiều tìm tòi khác. Chủ đề tha hương có các tiểu thuyết Paris 11 tháng 8, Phố Tầu (Thuận), Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng). Những tiểu thuyết này đã nới rộng phạm vi quan tâm của văn học về sự vong thân của con người trong một thế giới xa lạ, lạnh lẽo. Con người tha hương, nỗi cô đơn sầu xứ được nhà văn Đoàn Minh Phượng thể hiện trong một văn phong trong suốt, mạch lạc, đầy chất thơ và rất lôi cuốn. Trong khi đó, nhà văn Thuận thiên về khai thác sâu tình trạng con người tự lưu vong, đánh mất bản sắc trong một thế giới xa lạ, nhưng đồng thời cũng không tìm thấy hơi ấm kí ức ấu thơ nơi quê cha đất mẹ nhọc nhằn. Và khi tro bụi rất gần với điện ảnh, và ưu điểm của nó lại nằm ở cốt truyện, dù tác phẩm đào sâu vào đời sống tâm linh và tâm trạng tha hương của con người hiện đại ngay trên đất nước mình. Tiểu thuyết chiến tranh như Cuộc đời dài lắm (Chu Lai), Sóng chìm (Đình Kính), Thượng Đức (Nguyễn Bảo), Tiếng khóc của nàng Út (Nguyễn Chí Trung) vẫn viết theo một lối kể sử thi nhưng làm mới bằng những trang viết về tình dục và kiểu nhân vật lưỡng diện, những sai lầm và khuyết điểm ở cả hai phía địch – ta. Tiểu thuyết thế sự như Cơn giông (Lê Văn Thảo), Đèn vàng (Trần Chiến), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân) đặt vấn đề về số phận con người trong cõi nhân sinh nhọc nhằn. Tiểu thuyết gia đình như Cuồng phong (Nguyễn Phan Hách), Biết đâu địa ngục thiên đường (Nguyễn Khắc Thạch) tiếp tục một mô típ thường thấy: lịch sử gia đình trong cơn ba đào của lịch sử dân tộc. Nguyễn Khắc Thạch gây được ấn tượng vì đã xây dựng thành công bi kịch gia đình trí thức trong cơn cuồng phong của lịch sử Việt Nam hiện đại.
Nhìn chung, tiểu thuyết đã mở rộng biên độ của đề tài. Dường như không có vùng cấm trong việc khai thác các phạm vi hiện thực. Mọi thử nghiệm hình thức đều được khuyến khích và nhận sự cổ vũ của người đọc. Tuy vậy, có cảm giác sức ỳ của sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam vẫn còn đó: từ người kể chuyện đến nhân vật, từ hành động đến tâm lý, tình cảm, từ tư tưởng cho đến giao tiếp đối thoại, từ đề tài cho đến chủ đề…đa số đều “rõ như ban ngày”, đọc là “thấy đáy”. Tiểu thuyết rất ít tính đối thoại, các nhân vật tiểu thuyết không đủ sức đại biểu cho một luồng tâm trạng mang tính thời cuộc của một lớp người. Một vài tiểu thuyết tránh được điều này lại nêu những vấn đề còn khá xa lạ với sự quan tâm của đa số công chúng cho nên không gây được vang động. Tất nhiên, thành tựu của tiểu thuyết 10 năm qua vẫn chưa xứng với kỳ vọng của văn giới và người đọc.
Nguồn: phebinhvanhoc.com.vn