Hồi kí là thể loại văn học có quá trình phát triển gắn chặt với những biến thiên lịch sử. Mỗi chặng đường, mỗi khuynh hướng của nó đều mang vẻ đẹp riêng.  Hai cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển khuynh hướng hồi kí cách mạng. Trước quá khứ đáng trân trọng và tự hào, việc tái hiện quá khứ “người thật, việc thật” của thể hồi kí trở thành một lựa chọn hợp lí. Qua hình thức hồi kí, người viết muốn lưu giữ kí ức đẹp của dân tộc, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lịch sử của Đảng và nhân dân anh hùng. Những trang viết về hiện thực đấu tranh cách mạng nóng hổi hơi thở thời đại trở nên có hồn hơn, riêng tư hơn nhờ gắn với những kỉ niệm, ấn tượng khó phai của người trong cuộc. Rõ ràng, hồi kí là phần bổ sung cho chính sử, góp phần làm cho lịch sử dân tộc hiện lên phong phú, hấp dẫn hơn…

Với ý thức tái hiện quá khứ để tri ân cách mạng, hồi kí cách mạng chủ yếu ngợi ca cái đẹp, cái cao cả, hào hùng của sự nghiệp cứu nước, tạo nên một thế giới nghệ thuật mang vẻ đẹp riêng, đậm cảm hứng sử thi và chất lãng mạn. Quá khứ được tái dựng luôn là hiện thực lớn, hiện thực cao đẹp rất đáng tôn vinh. Các hồi kí đều say sưa trong cảm hứng ngợi ca cách mạng, khẳng định niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào chủ nghĩa xã hội và tương lai đất nước. Trong Những năm tháng không thể nào quên, đại tướng Võ Nguyên Giáp xem Cách mạng tháng Tám như một cơn lốc xua tan bóng đêm, mở ra một bình minh chói lọi, tạo sức sống kì diệu cho cả dân tộc. Tin tưởng vào Đảng cũng là tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa xã hội, mô hình lí tưởng của người cộng sản. Qua nhận thức của những người tù trong Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận) thì: “Chủ nghĩa cộng sản phát triển từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh rồi cuối cùng thực hiện ở toàn thế giới… Tôi tin chắc chắn rằng cộng sản dứt khoát sẽ thắng”.

Trong bức tranh hoành tráng về cuộc đấu tranh của dân tộc, hình ảnh con người được khắc họa theo khuôn mẫu những anh hùng sử thi. Đó là con người thuộc về sự nghiệp cộng đồng, mang vẻ đẹp ngời sáng, tiêu biểu cho khát vọng, ý chí chiến đấu và quyết thắng của nhân dân. Hồi kí cách mạng tập trung khai thác con người ở tư cách công dân, ý thức chính trị. Con người được đặt trong dòng chảy của các biến cố lịch sử. Họ sống cùng một nhịp với dân tộc, tìm thấy sức mạnh trong tập thể, trong sự gắn bó thống nhất muôn người như một. Nhân vật dường như chỉ sống cuộc sống chung đó bởi nó được cảm nhận như lẽ sống riêng. Cuộc đời họ chỉ hiện ra trong lát cắt đấu tranh cách mạng, sống trong quan hệ cách mạng với những hành động cách mạng. Hồi kí Người trước ngã, người sau tiến (Nhiều tác giả) làm nổi bật chân dung đồng chí Trần Phú với những hoạt động của một Tổng bí thư Đảng. Cuộc sống của nhân vật chỉ là một chuỗi liên tục những công việc cách mạng: đọc sách báo, viết tài liệu, gặp gỡ người của tổ chức… Nhân vật Hoàng Văn Thụ trong Ánh sáng mùa xuân (Nhiều tác giả) tạo ấn tượng sâu sắc về tinh thần gang thép của một chiến sĩ cách mạng. “Hình ảnh chói lọi” của anh để lại sự trầm trồ thán phục trong kí ức mọi người. Dòng hồi tưởng của hồi kí sử thi chỉ bắt lấy những gì lớn lao, cao cả, bởi nó là dạng thức diễn ngôn cách mạng, diễn ngôn lịch sử, ở đó cái cá nhân dường như không tồn tại, chỉ có các hình thức phát ngôn nhân danh cộng đồng. Trong lúc hoài niệm riêng tư, nó cũng chỉ nhớ đến những gì anh hùng chói sáng.

Kiểu nhân vật sử thi phổ biến trong hồi kí cách mạng là những con người khao khát được cống hiến cho sự nghiệp chung. Họ ra đi chiến đấu với tinh thần chí công vô tư, ở đó ít thấy sự đấu tranh giằng co trong tư tưởng hay chùn bước, ngại ngần mà chỉ có một con đường vì cuộc chiến đấu của dân tộc, vì nghĩa vụ của người công dân. Qua hồi kí, người đọc chứng kiến nhiều cuộc chia tay cảm động của những người gác lại tình riêng vì nghĩa lớn (cuộc chia tay của vợ chồng đại tướng Văn Tiến Dũng, vợ chồng đại tướng Võ Nguyên Giáp…), hay những sự lựa chọn đầy xót xa: anh Trỗi trong Sống như Anh (Trần Đình Vân) chấp nhận hi sinh hạnh phúc lứa đôi với người vợ mới cưới để thực hiện nhiệm vụ cách mạng giao phó, anh Hoàng Văn Thụ cất giữ tình cảm đối với cha mẹ trong trái tim chung thủy kiên trung của người chiến sĩ chứ không cất thành lời phản bội cách mạng, anh Nguyễn Đức Thuận trong cái đêm sa vào tay địch, sau khi thầm từ biệt vợ con đã trở thành con người với bản lí lịch: “Tên: Phạm Văn Thịnh. Cha mẹ: chết. Vợ con: không”, hoàn toàn hiến mình cho cuộc đấu tranh (Bất khuất)… Có thể nói, với thái độ say mê chiêm ngưỡng và ngợi ca quá khứ hào hùng, hồi kí cách mạng đã mô tả hiện thực và con người theo cảm hứng sử thi, tô đậm sự vĩ đại của cuộc cách mạng vô sản và cuộc kháng chiến vệ quốc, quan tâm chuyển tải ý thức hệ, lòng tri ân cách mạng, dựng lên dấu ấn muôn đời của những sự nghiệp anh hùng.

Hồi kí là những “chuyện đời tự kể”, tác giả rất tự do trong cảm hứng hồi cố, tổng kết và lí giải, tự do giãi bày tâm sự riêng tư, kinh nghiệm cá nhân, giải toả ẩn ức… Tuy nhiên, trong hồi kí cách mạng, cái tôi tác giả (người kể) xuất hiện trong một dạng thức mới. Họ chủ yếu kể lại chuyện của cộng đồng, của cách mạng chứ ít có nhu cầu bộc bạch, lí giải về cuộc đời riêng tư. Cái riêng tư của tác giả đã hòa tan vào cái chung của lí tưởng mà bản thân theo đuổi. Tác giả dùng mình làm bằng chứng để tụng ca cách mạng nên gương mặt cá nhân trở nên mờ nhòe sau gương mặt đoàn thể. Do vậy, cái tôi tác giả hiện ra như hình ảnh những con người hiện thân cho giai cấp, dân tộc, nhân danh cộng đồng nhiều hơn sống với chính nó. Nhiều tác phẩm ghi lại dấu ấn bản thân như những biểu tượng cho cộng đồng, hiện thân cho một sự nghiệp anh hùng. Trong Đại thắng mùa xuân, đại tướng Văn Tiến Dũng thể hiện rõ tài thao lược, tính kiên quyết, tư tưởng cách mạng tiến công của bản thân, đặc biệt là khi ông chỉ huy trực tiếp chiến dịch Tây Nguyên… Với Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (Trần Dân Tiên), Vừa đi đường, vừa kể chuyện (T.Lan), tác giả tự kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, làm hiện lên hình ảnh người anh hùng xuất chúng, dũng cảm ra đi tìm đường cứu nước, đấu tranh vì công lí và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam… Hầu hết tác giả hồi kí (người kể) đều làm sống lại quãng đời tham gia cách mạng sôi nổi, đầy tự hào của mình. Họ ít xuất hiện trong môi trường gia đình hay dòng tộc mà chủ yếu đặt mình trong môi trường chiến đấu để trực tiếp bộc lộ phẩm chất công dân, để chuyển động cùng chiều với lịch sử. Trong hồi kí của mình, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Văn Tiến Dũng, T.Lan, Trần Dân Tiên, Song Hào, Nguyễn Đức Thuận… hầu như chỉ điểm lại những năm tháng hoạt động cách mạng đầy nhiệt hứng mà không mấy quan tâm đến chuyện đời tư, đời thường. Mỗi người một hoàn cảnh, một lĩnh vực công tác nhưng giống nhau ở nguyên tắc: vì cách mạng. Họ đều có khí thế tiến công, tinh thần kiên cường bất khuất, trong hoàn cảnh nào cũng vượt lên chiến thắng chính mình. Thử thách quyết liệt nhất đối với người chiến sĩ là bị sa vào tay giặc, bị đánh đập hành hạ dã man, phải đối diện với cái chết. Sự đau đớn về thân xác, sự ức chế về tinh thần không phải lúc nào con người cũng chịu đựng nổi. Đã có người toan tìm đến cái chết, có người trải qua chuỗi ngày dài đằng đẵng vật lộn với chính mình, lựa chọn sống hay chết, “li khai” hay không “li khai”… nhưng sau cùng họ đều vượt qua những giờ phút yếu mềm, dao động để giữ vững tinh thần, khí tiết người cộng sản (Nhân dân ta rất anh hùng – Nhiều tác giả, Người trước ngã, người sau tiến, Bất khuất…). Có thể nói, chiến thắng của những người chiến sĩ cách mạng không phải dễ dàng. Sự kiên cường của họ luôn đi liền với những mất mát xót xa mà đôi khi không ý thức được. Nguyễn Đức Thuận nhớ lại tám năm bị đày đọa ở nhà tù Côn Đảo với nhiều dư vị đắng cay khó tả: “Chỉ mới hơn mười ngày, hình ảnh Côn Đảo đã lùi rất xa vào dĩ vãng, còn chăng chỉ là đôi chân vẫn tập tễnh, chưa khỏi liệt. Còn chăng chỉ là những giây phút bàng hoàng sực nhớ rằng mình vừa ở trong cõi chết đi ra. Còn chăng chỉ là nỗi uất hận xen với những chua cay thỉnh thoảng lại trào lên ở trong lòng” (Bất khuất). Như vậy, chịu sự chi phối của sức mạnh tập thể, cộng đồng, mỗi tác giả đã hóa thân thành một chiến sĩ kiên cường, thành con người của lịch sử, họ không còn là con người đời thường, là cái tôi tự bộc lộ mình với tư cách cá nhân – cá tính thường thấy trong hồi kí.

Nhìn chung, hồi kí cách mạng giai đoạn 1945 – 1975 đã hình thành một dạng thức cái tôi tác giả khá độc đáo, đó là cái tôi công dân, cái tôi cộng đồng. Qua lăng kính cộng đồng, tác giả nhìn ngắm mình và người khác, phát hiện vẻ đẹp riêng của con người thời đại cách mạng. Họ cùng trải qua cuộc chiến đấu đầy gian nan thử thách với niềm lạc quan bất diệt rằng lí tưởng mình theo đuổi là đẹp đẽ nhất, sự nghiệp mình phụng sự tất yếu chiến thắng. Họ không bận tâm nhiều các vấn đề gia đình, riêng tư. Họ không hoài nghi, so đo, tính toán thiệt hơn với cách mạng. Ngay cách xưng “chúng tôi” phổ biến trong nhiều hồi kí cũng cho thấy điểm nhìn của cái tôi tác giả đã mặc nhiên thuộc về giai cấp, cộng đồng.

Hồi kí cách mạng đã tìm đến những hình thức thể hiện nhằm làm nổi bật hiện thực lịch sử và con người trong dòng thác cách mạng. Với ý thức ngợi ca, tôn vinh quá khứ, các tác giả cố gắng mĩ hóa kí ức, làm cho kí ức về chiến tranh cách mạng trở nên đẹp hơn, đáng chiêm ngưỡng hơn. Đó là quá khứ tuyệt đối lí tưởng, nơi khởi phát chân lí, nơi hạnh phúc, tự do được hoài thai. Các hồi kí đã thỏa mãn khát khao về cái đẹp hào hùng qua việc miêu tả chiến công oanh liệt của cha ông trên nhiều trận tuyến. Nó tạo nên một thế giới có tính lí tưởng, nơi đó chỉ có ân nghĩa thủy chung và sự gắn kết đấu tranh quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… (Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng – Song Hào, Nhân dân ta rất anh hùng, Ánh sáng mùa xuân, Bất khuất, Người trước ngã, người sau tiến…). Đó cũng là thế giới của chân lí, chính nghĩa, cái đúng đắn thuộc về nhân dân ta, Đảng ta. Có thể nói, với những chiến công, những tính cách anh hùng, hồi kí đã làm dấy lên ở con người tình cảm cao đẹp, khơi gợi ý chí lập công, cảm hứng dấn thân, những hành động phi thường… Ở cấp độ cao hơn, hồi kí còn tạo nên một quá khứ mang vẻ đẹp cao cả bởi hàm chứa trong nó những cái lớn lao gây cảm giác choáng ngợp, thành kính. Đó là không gian rộng lớn làm nền cho những sự kiện lịch sử trọng đại: Cách mạng tháng Tám, ngày Tết độc lập, chiến dịch giải phóng miền Nam… Đó là những tình cảm lớn, khát vọng lớn: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tinh thần hi sinh vì lí tưởng… Có thể hiểu vì sao hồi kí cách mạng thường ít nói tới mặt trái của chiến tranh; cái ác liệt, dữ dội của bom đạn, sự tàn ác của kẻ thù chỉ được mô tả như một phương tiện để đưa độc giả vào một thế giới khác: thế giới của tình người, đức hi sinh, lòng dũng cảm (Dưới hầm Sơn La – Trần Huy Liệu, Từ nhân dân mà ra – Võ Nguyên Giáp, Người trước ngã, người sau tiến, Bất khuất…). Có thể nói, cái đẹp, cái cao cả đã vượt lên trên sự tàn phá, hủy diệt của chiến tranh, khẳng định sức mạnh, uy thế tuyệt đối của nó.

Kí ức cộng đồng còn thắm đượm chất trữ tình, lãng mạn bởi các tác giả đã phổ vào đó cảm xúc, tâm trạng, suy tưởng của chính mình. Nhiều chi tiết sống động từ quá khứ khơi dậy những tình cảm sâu sắc, mới mẻ: mỗi chiến thắng luôn chan chứa niềm vui, những đổi thay kì diệu của lịch sử đến ngỡ ngàng, tình nghĩa cách mạng luôn ngời lên nồng ấm… Đêm giành được chính quyền là đêm “sung sướng nhất đời” (Từ núi rừng Ba Tơ – Phạm Kiệt); hình ảnh Bác đến thăm những người dân nghèo trong đêm 30 Tết như một giấc mộng đẹp (Những năm tháng không thể nào quên); khí thế chiến đấu của nhân dân ta như “chàng Phù Đổng” có sức mạnh diệu kì (Đại thắng mùa xuân)… Có thể nói, cách mạng, đất nước và nhân dân trong cuộc chuyển mình vĩ đại là nguồn cảm hứng lớn mà các tác giả hồi kí không tiếc lời ngợi ca bằng lớp ngôn từ đẹp đẽ nhất, chất chứa tình cảm thiết tha, trìu mến…

Để khắc họa vẻ đẹp của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng, các tác giả hồi kí đã xây dựng nhân vật theo lối lí tưởng hóa. Nhân vật trong hồi kí là những chiến sĩ cách mạng, không phải siêu nhiên, thần thánh nhưng lại có sức mạnh phi thường, sức chịu đựng và lòng can trường hiếm thấy, đặc biệt trong những hoàn cảnh đầy thử thách: cách mạng bị khủng bố, mất liên lạc với Đảng, bị bắt, bị tra tấn dã man, đối mặt với cái chết (các nhân vật tiêu biểu: anh Trỗi, Nguyễn Đức Thuận, Hoàng Thị Ái, Nguyễn Lương Bằng…). Nhiều hình tượng nhân vật được khắc họa trong thế đối sánh với thiên nhiên, khiến sức mạnh, tầm vóc trở nên nổi bật. Hình ảnh Bác Hồ hiện ra trong “thế gian hỗn độn, đau thương” để tìm “ánh sáng chân lí” mang vẻ đẹp của một vị thần khai sáng. Hình ảnh những người chiến sĩ vượt ngục “như gió, như bão”, hình ảnh “hàng vạn, hàng vạn con người ầm ầm kéo đi với sức mạnh như những dòng thác”, nét mặt “lồng lộng một hào khí ngất trời” và dũng khí “như một luồng điện cực kì mạnh” (Nhân dân ta rất anh hùng, Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng…) cho ta cảm giác như đang chứng kiến sự dũng mãnh của những con người sử thi, thần thoại… Với bút pháp lí tưởng hóa, hồi kí cách mạng đã dựng nên nhiều hình tượng anh hùng kì vĩ, làm tôn lên vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh cứu nước.

Một nét nổi bật trong hồi kí cách mạng là đã tạo nên một sắc thái ngôn từ đậm chất anh hùng ca. Người viết luôn có ý thức gắn mọi hiện tượng cách mạng với những phạm trù đẹp đẽ, cao cả như: “niềm tin”, “tương lai”, “ánh sáng”… Họ thường sử dụng những lớp từ ngữ tươi sáng, sống động, đầy âm thanh, màu sắc để miêu tả vẻ đẹp của cuộc chiến đấu: tin tức cách mạng “như một nguồn ánh sáng ban mai”, “tin ấy đối với chúng tôi như một hồi kèn ra trận”; mối dây liên lạc của Đảng “là sợi dây thiêng liêng trìu mến”; “cách mạng nổi lên như một cơn lốc”; “Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa”… Những câu cảm thán, những khái quát đầy tự tin thường xuyên được sử dụng bộc lộ rõ cảm hứng ngợi ca, tôn vinh quá khứ: “Dân tộc mình anh dũng thật!”, “Quân đội và dân ta giỏi thật!”, “Cuộc đời của các anh thật là li kì đẹp đẽ!”, “Vinh quang này thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh! Vinh quang này thuộc về Đảng anh hùng!” (Nhân dân ta rất anh hùng, Đại thắng mùa xuân…)

Có thể nói, với ý thức tô đậm, ngợi ca chiến công để tri ân cách mạng, các tác giả đã tạo cho hồi kí cách mạng một vẻ đẹp riêng. Đó là cách tái hiện cuộc sống và con người dưới góc nhìn sử thi, cái tôi tác giả được xây dựng như hình ảnh của con người cộng đồng, cách trữ tình hóa, mĩ hóa kí ức… Thành tựu và những đặc trưng của hồi kí cách mạng có đóng góp nhất định cho sự phát triển của thể kí nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung

N.T.N.D

Nguồn tin: vannghequandoi.vn

Exit mobile version