Trong lời mở đầu cuốn Hồi kí thượng tướng Phùng Thế Tài – trọn một đời đi theo Bác, vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam (1963-1967) đã có những tâm sự thật xúc động và chân thành: “Chỉ còn hai năm nữa tôi sẽ bước vào tuổi chín mươi với tròn bảy mươi năm tuổi Đảng. Ngày rời thế giới này để đi theo Bác Hồ chắc không còn xa nữa… Chính vì vậy mà tôi có ý định kể hết những gì còn lại trong suốt quãng đường bảy mươi năm theo Bác, theo Đảng với nhiều cương vị khác nhau, được tham gia vào những chuyện sống để bụng chết mang đi mà các tập sách trước chưa có điều kiện kể hết được”(1). Những lời gan ruột trên có lẽ cũng là tâm tư chung của rất nhiều tướng lĩnh muốn gửi gắm trong những trang hồi kí của mình. Chiến tranh đã khép lại nhưng có những sự thật trong quá khứ chỉ người trong cuộc mới tỏ, có những ám ảnh, những cảm xúc không một trang sử nào có thể diễn tả hết. Đó là lí do để hồi kí các tướng lĩnh nở rộ sau năm 1975 như một sự trả nợ cho những ân tình của cách mạng, cũng là góp thêm những góc nhìn chân xác về người anh hùng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trước năm 1975, hòa trong âm hưởng hào hùng của văn học thời chiến, hồi kí của các vị tướng như Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Phạm Hồng Sơn… đã tái hiện “những năm tháng không thể nào quên” của lịch sử dân tộc với những trang viết đậm tính chất sử thi và khuynh hướng mĩ hóa kí ức, tạc dựng hình tượng người anh hùng mang tầm vóc thời đại và chói lọi trong hào quang của những trận đánh huyền thoại. Sau năm 1975, với độ lùi cần thiết của thời gian cùng sự nhìn nhận chín chắn, điềm tĩnh về những gì đã qua, hồi kí các tướng lĩnh mang góc nhìn đa chiều hơn về chiến trận và người anh hùng. Có thể kể ra đây một loạt tác phẩm tiêu biểu (tất nhiên, còn rất nhiều tác phẩm khác không thể thống kê hết):
– Loạt hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử (Hữu Mai thể hiện); Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (Phạm Chí Nhân thể hiện).
– Nhớ mãi đại tướng Văn Tiến Dũng (tập hợp các bài viết, hồi kí của các đồng chí lãnh đạo, lão thành cách mạng và sĩ quan cao cấp về đại tướng).
– Đại tướng Chu Huy Mân – nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
– Hồi kí thượng tướng Phùng Thế Tài – trọn một đời đi theo Bác (Thế Kỷ ghi).
– Đời chiến sĩ, hồi kí của đại tướng Phạm Văn Trà (Duy Tường thể hiện).
– Loạt hồi kí của Nhà xuất bản Văn học tái hiện chân dung các tướng lĩnh Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – văn hóa Việt Nam, ý chí Việt Nam; Đại tướng Hoàng Văn Thái – Tổng tham mưu trưởng đầu tiên; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – nhà lãnh đạo mẫu mực, tài năng; Đại tướng Văn Tiến Dũng – vị tướng kiên cường, mưu lược; Đại tướng Lê Trọng Tấn – người của những chiến trường nóng bỏng; Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – với cả cuộc đời; Trung tướng Trần Độ – cây súng, cây bút đi suốt cuộc đời…
Có thể nói, trong những tác phẩm hồi kí tiêu biểu được viết từ sau năm 1975 đến nay, chân dung những tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được phác họa một cách đậm nét và chân thực qua chính dòng hồi ức của họ. Không những vậy, những vị tướng lừng danh còn giúp bạn đọc nhìn nhận lại cả một chặng đường lịch sử đầy biến động của đất nước ta. Hồi kí với sức mạnh của dòng kí ức chân thật và sống động, với sự nhìn nhận, đánh giá lại các sự kiện quá khứ bằng cái nhìn chiêm nghiệm, đầy chủ quan của cái tôi cá nhân thực sự đã góp một tiếng nói mạnh mẽ để tái hiện lịch sử vàng son nhưng cũng đầy đau thương, trăn trở của dân tộc ta một thời đã qua.
Ngược dòng thời gian, các tướng lĩnh trước hết đã mang đến cho người đọc cái nhìn tổng quát về quá trình phát triển của người anh hùng từ lúc trẻ tuổi đến khi trưởng thành, gắn liền với những thăng trầm của đất nước và những chiến dịch lịch sử. Họ xuất phát điểm đều là những người nông dân hoặc công nhân nghèo thành thị, mang trong mình lòng yêu nước cháy bỏng và lòng căm thù giặc sâu sắc nên đã sớm giác ngộ cách mạng và trưởng thành rất nhanh qua thực tiễn đấu tranh. Đại tướng Hoàng Văn Thái sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Thái Bình, tuổi thiếu niên đã sớm rời quê hương làm đủ việc để nuôi thân và ngấm dần lí tưởng cộng sản, tự nguyện đi theo con đường đấu tranh tất yếu để mong hạnh phúc, bình yên cho quê hương mình. Thượng tướng Phùng Thế Tài “từ một thằng Thụ con nhà nghèo ở làng Vạn Điểm, huyện Phú Xuyên, mười ba tuổi đã phải lang thang nơi đất khách quê người, sống cầu bơ, cầu bất, rồi gặp cách mạng, gặp Bác Hồ, tạo nên sự kì diệu của một cuộc đời, hai mươi lăm tuổi đã lãnh đạo chỉ huy”(2). Và biết bao vị tướng lừng danh khác, từ quê hương nghèo khó mà đi, trải bao vất vả gian nan, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.
Những trang viết chiếm dung lượng lớn nhất trong hồi kí các tướng lĩnh chính là những trang miêu tả những trận chiến đấu, những chiến dịch họ từng tham gia. Viết về những tháng năm hào hùng ấy, hồi kí các tướng lĩnh không sa đà vào liệt kê sự kiện hay miêu tả tường tận cách thức đánh giặc như những tài liệu lịch sử mà thiên về gợi lại những kinh nghiệm chuẩn bị, tổ chức chiến đấu, những trăn trở, tính toán của người cầm quân cùng những bài học xương máu rút ra sau mỗi trận đánh. Chính vì vậy “giá trị chính của một tác phẩm hồi kí không phải là cung cấp được nhiều hay ít sử liệu mà là ở giá trị tư tưởng, ở sức truyền cảm và tính chân thật lịch sử”(3). Mười chương trong hồi kí Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bám sát mười chặng thăng trầm của cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954, mỗi chương giống như một phóng sự lia nhanh toàn cảnh, từ “Chương 1 – 19 tháng 12 năm 1946”, “Chương 2 – Trở lại Tân Trào” đến “Chương 9 – Đại đoàn quân tiên phong”, “Chương 10 – Tiến tới giành chủ động trên chiến trường chính”. Và tiếp theo đó là loạt hồi kí Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng với những sự kiện lịch sử đã rất quen thuộc với người đọc nhưng qua hồi ức của một người trong cuộc, hơn nữa còn là một vị tướng quân lừng lẫy, điểm nhìn cá nhân đã hòa kết trong điểm nhìn của cộng đồng, mang đến những sự thật chân xác và sống động hơn bất cứ một tài liệu lịch sử nào.
Chiến thắng đối với các vị tướng không chỉ có niềm hân hoan mà còn có biết bao đau xót, tiếc thương cho những đồng đội đã ngã xuống, những người lính có tên hoặc không tên đã dùng máu của mình để tạo nên lịch sử: “Thủ pháo và lựu đạn của ta trùm lên trận địa địch, tiểu liên nổ ran. Chiến sĩ Thăng cầm cờ lao lên cách mục tiêu mười mét thì trúng đạn hi sinh. Chiến sĩ Ân lấy chiếc chăn phủ lên người bạn, nhặt lá cờ thấm máu đồng đội, lỗ chỗ vết đạn, tiếp tục tiến lên mỏm đất cao nhất trên đỉnh đồi”(4).
Có thể nói, đằng sau ánh hào quang lấp lánh của những tấm huy chương, những vòng nguyệt quế, người anh hùng của chiến trận năm xưa đã hiện lên trong những trang hồi kí với bao suy tư, trăn trở, thậm chí không giấu giếm những lúc thất bại, khó khăn, những khi nao núng, dao động của chiến sĩ ta: “Chiến sự ác liệt, tổn thất hi sinh hằng ngày đã làm một số anh em nao lòng, nhụt chí. Tôi nhớ, khi đó anh em trong đơn vị đã truyền nhau mấy câu lục bát: Vòng Cung đi dễ khó về/ Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom hoặc Tưởng là lên lộ, đi xe/ Ai ngờ trở lại không ghe, không xuồng”(5); “Thoát chết trong tình huống hết sức hiểm nghèo cách ngày toàn thắng chỉ hơn chục ngày lại càng có cớ để tôi nghĩ về sự sống và cái chết trong chiến tranh”(6).
Rõ ràng, nhân vật trung tâm trong các tác phẩm hồi kí sau năm 1975 không còn là những vị tướng mang tầm vóc sử thi và nhuốm màu huyền thoại như trong hồi kí cách mạng giai đoạn trước. Hầu hết các hồi kí xuất hiện người kể chuyện xưng “tôi” – nhân danh cá nhân chứ không xưng “chúng tôi” – nhân danh dân tộc, cộng đồng như hồi kí trước năm 1975. Đây là tín hiệu thể hiện khuynh hướng biến đổi tất yếu của văn học thời kì Đổi mới. Nhân vật xưng “tôi” trong hồi kí không chỉ kể chuyện chiến trường mà còn góp thêm những câu chuyện thú vị về cuộc sống đời thường của các tướng lĩnh với những vui buồn giản dị cùng những cá tính rất riêng. Ví như thượng tướng Phùng Thế Tài lúc trẻ có tính bốc đồng, thích được khen, rất chu đáo và khéo léo từ việc lo cỗ bàn thết đãi các nước bạn đến việc chỉ đạo quân ta giúp tướng Hàn Quốc làm đám ma cho quân lính với phong tục kì lạ; đại tướng Hoàng Văn Thái ngoài tài cầm quân còn có năng khiếu sáng tác bài hát cổ động, giúp anh em phấn chấn đánh thù…
Không chủ định viết văn, hầu hết các tướng lĩnh chỉ muốn mượn hồi kí để bộc bạch những điều gan ruột. Nhưng cuộc đời của mỗi tướng lĩnh lại phản chiếu cả cuộc đời của dân tộc trên những chặng đường dài đầy biến động nên dễ hiểu vì sao ngay cả khi đã đặt bút đến dấu chấm cuối cùng, nhiều hồi kí vẫn không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối: “Cuộc đời, với ngót ba chục năm chinh chiến và trên hai chục năm công tác, có biết bao sự kiện, tình tiết rất đáng nhớ đan cài mà trí nhớ lại có hạn. Vậy nên, điều tôi nhớ được, viết lại trong tập hồi kí này chỉ là thiểu số so với thực tế những gì tôi đã sống, đã trải nghiệm”(7).
Đọc hồi kí các tướng lĩnh sau năm 1975, ta có cơ hội được đọc lại cả một thế hệ anh hùng đã đi qua những năm tháng gian khổ mà vinh quang tột cùng của đất nước. Không chỉ là cảm hứng ngợi ca một chiều khi ngoái lại quá khứ, những tướng lĩnh của ngày hôm nay còn gửi gắm vào hồi kí bao sự chiêm nghiệm cùng những bài học nhân sinh sâu sắc. Bởi, là những người may mắn còn sống sót sau những trận chiến khốc liệt, họ hiểu hơn ai hết cái giá của thời bình, của những hi sinh thầm lặng. Những dòng hồi ức của họ chính là sự trả nợ cho bao xương máu đã thấm trên lá cờ Tổ quốc, cho bao đồng đội đã ngã xuống trên khắp các trận tuyến, cho bao người thân yêu đã mãi mãi không bao giờ trở lại. Những ghi chép của họ không thu hút ở kĩ thuật viết lách mà hấp dẫn người đọc ở những sự thật giản dị nhưng tận cùng thấm thía ấy. Và chính bản thân họ – những tinh hoa của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đủ sức tạo nên mãnh lực hơn bất cứ câu chữ nào. Họ đã và sẽ luôn là biểu tượng cho vẻ đẹp và sức mạnh của quân đội.
T.T.H.H
——
1. Hồi kí thượng tướng Phùng Thế Tài – trọn một đời đi theo Bác (Thế Kỷ ghi), Nxb Văn học, 2014, tr.9.
2. Hồi kí thượng tướng Phùng Thế Tài – trọn một đời đi theo Bác (Thế Kỷ ghi), Nxb Văn học, 2014, tr. 43.
3. Dẫn theo Minh Xuân, trong cuốn Viết hồi kí, Nxb Quân đội nhân dân, 1962, tr.12.
4. Tổng tập hồi kí Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân đội nhân dân, 2006, tr.1081.
5. Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời chiến sĩ (Duy Tường thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, 2009, tr.143.
6. Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời chiến sĩ (Duy Tường thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, 2009, tr.235.
7. Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời chiến sĩ (Duy Tường thể hiện), Nxb Quân đội nhân dân, 2009, tr.481.
Theo Trần Thị Hồng Hoa – Văn nghệ quân đội