1. Về lực lượng sáng tác

Tiểu thuyết đầu tiên của Campuchia là Sô Phát của Rim Kin xuất bản năm 1938(1). Sau Sô Phát, một số tiểu thuyết khác nữa tiếp tục ra đời như Hoa tàn, Tình yêu bóng ma, Hoa hồng Pay-lin, Tuyệt đỉnh tình yêu, Tận cùng đau khổ(2)…, đã thực sự tạo nên “một làn gió mới” trên văn đàn Campuchia đương thời.

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy là đội ngũ những người tạo nên “làn gió mới” này đều rất trẻ. Rim Kin viết Sô Phát (1938) lúc 27 tuổi, Nu Hách viết Hoa tàn (1941) lúc 25 tuổi, Kim Hắc viết Nước hồ Tôn-lê Sáp (1939) lúc 34 tuổi, Hang Yeng viết Nỗi đau chia cắt (1944) lúc 23 tuổi, và ở tuổi 25, Um Hô đã viết Bất hạnh, v.v… (trong khi các tác giả viết truyện thơ phần lớn đều lớn tuổi, Nu Kon viết Tiêu Ek khi đã 68 tuổi, người ít tuổi nhất như Yupon, khi viết Sovasam cũng đã ở độ tuổi 42).

Hầu hết các tác giả tiểu thuyết đều xuất thân từ các trường bảo hộ của thực dân Pháp hoặc trường dạy theo chương trình của Pháp; nhiều nhà văn sau nay như  Rim Kin, Nu Hách, Hem Yeng… vốn là học sinh của trường trung học Si-sô-vat(3). Ở đây, họ được học chương trình giáo dục mang tính thế tục (trường được tách khỏi nhà chùa), được học tiếng Pháp và tiếp xúc với nền văn học Pháp. Một số người trong số họ đã dịch các tác phẩm văn học Pháp như Không gia đình, Những người khốn khổ, v.v…

Phần lớn lực lượng sáng tác thời gian đầu cao nhất cũng chỉ có trình độ trung học (thời gian này ở Campuchia chưa có trường đại học, muốn học lên, những học sinh trung học hoặc là phải sang Pháp, hoặc sang Việt Nam và một vài quốc gia Tây phương khác). Trong những năm 40 (thế kỷ XX), nhiều trí thức du học ở Pháp lần lượt trở về, trong số này nhiều người có học vị cao như Hoàng thân Yu-tha-vong, tiến sĩ y khoa (về nước năm 1946), Chen Vam, cử nhân văn chương (về nước năm 1945), Keng-văn-sắc, tiến sỹ ngữ văn (về nước năm 1952)… Phần lớn họ đều có tư tưởng cấp tiến, chống thực dân Pháp, chống chế độ quân chủ. Đặc biệt là Keng-văn-sắc, một giáo sư văn chương, ngôn ngữ, đồng thời là người sáng tác thơ chủ trương xây dựng nền văn học dân tộc theo hướng hiện đại (ngay từ năm 1936, một số trí thức cấp tiến đã sáng lập tờ báo mang tên Nokor Vat làm cơ quan ngôn luận để tập hợp lực lượng trong cuộc đấu tranh chống chế độ quân chủ).


2. Một vài khuynh hướng tiểu thuyết

Ngay từ lúc mới ra đời, Tiểu thuyết Campuchia phải đối diện với hai vấn đề then chốt của đất nước Campuchia lúc bấy giờ là giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp(4) và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Nhưng cái nan giải, cái nghịch lý là ở chỗ, tuy độc lập và tiến bộ xã hội là hai vấn đề cấp thiết của xã hội Campuchia trong những năm 30, 40 của thế kỷ trước, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng đi song hành với nhau.

Từ giải phóng cá nhân đến khát vọng dân chủ và độc lập dân tộc là một đặc điểm nổi trội của tiểu thuyết Campuchia trong buổi đầu hình thành của nó.


2.1. Khuynh hướng giải phóng cá nhân. Một điều dễ nhận thấy, từ những tiểu thuyết đầu tiên như Sô Phát (1938), Hoa Tàn (1941), đến các tiểu thuyết Tình yêu bóng ma (1942), Hoa hồng Pay-lin (1943), Tận cùng đau khổ (1944), Tuyệt đỉnh tình yêu (1946), v.v… đề tài tình yêu luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Thật ra, tình yêu là một đề tài chưa bao giờ xưa cũ nhưng cũng chẳng có gì mới, vả lại, cốt truyện trong các tiểu thuyết này thường đơn giản, thường là hai người trẻ tuổi yêu nhau, mối tình của họ gặp nhiều gian nan trắc trở, nhưng cuối cùng đạt được hạnh phúc viên mãn. Nhưng phía sau các câu chuyện tình là những vấn đề của xã hội Campuchia đương thời như: giải phóng phụ nữ, mà trước hết là giải phóng về tình cảm, tự do yêu đương: quan hệ giữa các thế hệ: bố mẹ-con cái, già-trẻ; sự khẳng định vị trí của cá nhân trong xã hội, v.v… Đúng ra thì chẳng đợi đến lúc này, khi xã hội Campuchia – nhất là ở các đô thị đang phát triển theo chiều hướng tư bản (dù còn sơ khai), với sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân, tiểu thương, tiểu chủ, của học sinh, sinh viên, của tầng lớp trí thức, công nhân, v.v… đã có vấn đề giải phóng phụ nữ hoặc tự do yêu đương. Ít ra, những điều này đã có từ thời Tum Tiêu(5). Nhưng phải đến cuối những năm 30, đầu những năm 40 trở đi, vấn đề này mới được đặt ra một cách trực tiếp và được phản ánh vào trong các tác phẩm theo cách riêng của nó, nhằm đáp ứng nhu cầu của một lớp công chúng độc giả mới.

Tình yêu giữa Sô Phát-Mangyang (Sô Phát), Chất-Nari (Hoa hồng Pay-lin, của Roth Xa-run, Xa-ri (Tình yêu bóng ma), Pun Thươn – Vi-thi-vi (Hoa tàn)…, hoàn toàn khác với tình yêu giữa Tum và Tiêu (Tum-Tiêu), mặc dù về mức độ “mãnh liệt” dường như chúng cũng chẳng khác gì nhau. Cái khác là ở cách biểu lộ tình yêu, ở sự diễn biến của tình huống, cảnh ngộ, ở sự đắn đo, cân nhắc, ở từng cách biểu hiện, cách ứng xử trong tình yêu. Đây chính là sự biểu hiện tính cách của một lớp người mới đa diện hơn về mặt tâm lý, tính cách. Họ – những nhân vật chính trong các tác phẩm, biết khám phá, phát hiện đối tượng nhưng cũng tự biết đánh giá bản thân mình và do vậy tất cả họ ánh lên vẻ đẹp lãng mạn nhưng đồng thời vẫn chứa đựng, vẫn thấm đẫm chất hiện thực.

Tuy chưa phải là những con người “nổi loạn”, nhưng những Sô Phát, Mangyang, Xarun, Xari, Pun Thươn, Vi-thi-vi, Chất, Na-ri… đã dám làm tất cả để đạt được ước muốn của mình, giải phóng khỏi những ràng buộc của những định kiến hẹp hòi của xã hội, những ràng buộc của tập tục và cao hơn là những bế tắc của hoàn cảnh. Điều quan trọng là thông qua chủ đề về tình yêu các nhà tiểu thuyết muốn gióng lên một tiếng chuông dự báo về mối quan hệ giữa bố mẹ, con cái, giữa lớp già, lớp trẻ và rộng xa hơn là giữa cái cũ và cái mới… đã và đang có những thay đổi. Cố nhiên, ở mỗi tác phẩm, vấn đề này được thể hiện ở những mức độ khác nhau.

Các nhân vật chính trong Sô Phát, Tình yêu bóng ma, Hoa hồng Pay-lin…đều là những con người trẻ tuổi đang dấn thân vào một cuộc đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân. Nhưng “cuộc chiến” này chưa diễn ra đến mức quyết liệt, mang tính đối kháng gay gắt, một mất một còn. Mặc dù có những khác biệt trong quan niệm về tình yêu, về hạnh phúc, về môn đăng hộ đối… giữa bố mẹ, con cái nhưng cuối cùng họ cũng có thể tìm ra được tiếng nói chung, và các ông bà, bố mẹ lại là người chủ động tác thành hạnh phúc cho con cháu, bất chấp địa vị giàu nghèo, sang hèn, bất chấp quan hệ chủ, thợ. Điều này khác với các tiểu thuyết Việt Nam trong những năm 30, trong đó những con người trẻ tuổi phải vật lộn, phải đấu tranh quyết liệt mới có thể thoát khỏi những định kiến, những tập tục khắt khe của lễ giáo phong kiến, để khẳng định chỗ đứng, khẳng định “cái tôi” của mình. Chỉ có Hoa tàn cuộc đấu tranh này mới diễn ra một cách quyết liệt, và cái gì xảy ra đã diễn ra: Vi-thi-vi tự tử, cái giá phải trả cho tự do. Nhưng dường như điều này trái với quan niệm của người Campuchia. Vì ở một tác phẩm sau đó (Mia-lia đuông-chất) chính Nu Hách đã tự cải chính lại quan điểm này(6), Cũng cần phải nói thêm, ở đây cuộc đấu tranh của những con người trẻ tuổi cũng chỉ mới giới hạn trong phạm vi cuộc đấu tranh để chống lại hoặc để vượt lên số phận run rủi của chính họ. Do đó, ngoại trừ Hoa Tàn, các tác phẩm khác chưa gây được tiếng vang lớn trong đời sống xã hội- nếu nhìn từ góc độ giải phóng con người nói chung. Chỉ đến Phận đàn bà của Lấc Ra-ri(7), cuộc đấu tranh giải phóng cá nhân mới mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tuy là sự trở lại với mô típ dì ghẻ, con chồng quen thuộc trong văn học dân gian nhưng với Phận đàn bà, Lấc Ra-ry hướng tới một vấn đề mới mang tính thời đại. Qua con đường tự lập thân của Xom-niêng, nhân vật chính trong truyện, tác giả nhấn mạnh rằng sự lao động chân chính, sự độ lượng là cứu cánh để mỗi con người tự giải thoát khỏi số phận đen tối của mình, rằng giá trị của mỗi con người được khẳng định không phải bằng kết quả tu nhân, tích đức của kiếp trước mà bằng chính sức lao động hiện tại (ở đây, tác giả đã chịu ảnh hưởng thuyết tự lực của Phật giáo Tiểu thừa). Cố nhiên, đằng sau Phận đàn bà là bóng dáng của xã hội Campuchia đang bước vào thời kỳ phân hóa, đặc biệt là ở các đô thị, những giá trị đạo đức truyền thống đang có nguy cơ bị xói mòn do sự xâm nhập của nền văn hóa ngoại lai. Nhưng cũng ở Phận đàn bà chúng ta còn bắt gặp được một miền quê yên tĩnh, nơi còn bảo lưu, cất giữ được một truyền thống đầy tính nhân bản, nơi trú ngụ cuối cùng của những con người “nhỏ bé” bị xã hội đồng tiền vùi dập. Về thi pháp tiểu thuyết, tác giả cũng rất có ý thức trong việc dồn nén các sự kiện, các mặt đối lập, các mâu thuẫn, mở rộng không gian, thời gian của các sự kiện để tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ cao.

Khuynh hướng đòi dân chủ, tiến bộ xã hội và độc lập dân tộc. Từ “khát vọng giải phóng cá nhân” đến đòi hỏi về “dân chủ, tiến bộ xã hội” và “độc lập dân tộc” là một khoảng cách không nhỏ, nó không chỉ được đo bằng tài năng mà còn là nhận thức và trách nhiệm của người cầm bút. Điều này được thể hiện trong bộ ba tiểu thuyết của Un Thốc: Sim-người lái xe, Culi và Thầy giáo làng(8).

Bộ ba tác phẩm này, hoặc là đi sâu mô tả những thủ đoạn bóc lột của các chủ thầu khoán, tình trạng nghèo khổ, túng quẫn của tầng lớp công nhân như người lái xe mang tên Sim (Sim –người lái xe); hoặc mô tả cuộc hành trình đến với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những con người nghèo khổ như Lưm, Mâng (Culi); hoặc tái hiện cuộc đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội của một bộ phận trí thức cấp tiến như các thầy giáo Mau, Chăn, Thoan, Vat trong (Thầy giáo làng), v.v… Nhưng tất cả các tác phẩm đều này có chung một mục tiêu: giải phóng nhân dân khỏi mọi sự áp bức bóc lột. Dĩ nhiên, ở mỗi tác phẩm có những biểu hiện khác nhau.

Viết về cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc còn có một số tác phẩm khác như Tiền lương đi đâu(9), Các cô gái cách mạng(10) của Bip-chay-liêng… Nhưng nổi trội hơn vẫn là Mia-lia đuông-chất của Nu Hách (tiểu thuyết đã dẫn). Mia-lia đuông-chất là câu chuyện tình giữa chàng trai Campuchia Ti-khi-vut và cô gái Thái Lan Chăm-mơ-ni. Hai người tình cờ gặp nhau trên một chuyến xe lửa. Họ yêu nhau thắm thiết, với những kỷ niệm đẹp đẽ, thi vị. Nhưng bất hạnh đổ xuống đầu họ khi Ti-khi-vut phát hiện ra rằng bố cô gái là một điệp viên của Thái Lan đang hoạt động trên đất Campuchia. Nỗi thất vọng chen lẫn sự băn khoăn, day dứt giữa một bên là tình yêu, là hạnh phúc cá nhân và một bên là đất nước, là tổ quốc. Cuối cùng, Ti-khi-vut quyết định cắt đứt tình yêu với Chăm-mơ-ni, tham gia vào quân đội chống lại Thái Lan. Tình yêu giữa hai người chỉ thực sự được nối lại khi Thái Lan trả lại phần đất đã chiếm cho Campuchia. Trong Mia-lia đuông-chất, Ti-khi-vut được xây dựng như một biểu tượng của tinh thần dân tộc, tình yêu chỉ là một đòn bẩy để làm nổi bật thêm tinh thần ái quốc. Vì thế sự chắp nối lại tình duyên giữa hai người có vẻ  gượng gạo và có phần không thật, nhưng cái thật hơn sự thật ấy là tình yêu của Ti-khi-vut đối với tổ quốc Campuchia của anh. Như vậy, với Mia-lia đuông-chất, Nu Hách dồn hết tâm huyết, tài năng và trách nhiệm của mình trong việc ca ngợi cuộc chiến đấu dũng cảm vì độc lập dân tộc của các tầng lớp nhân dân Campuchia, như ông đã một lần nhấn mạnh trong lời đề tựa.

Như vậy, có thể nói, Sim-người lái xe, Culi, Thầy giáo làng, Mia-lia đuông-chất, v.v… đã thể hiện một hướng đi, một sự tìm tòi trong việc phản ánh tinh thần dân tộc của Campuchia trong buổi đầu giành độc lập. Tuy nhiên, chưa có thể nói, với các tác phẩm này, các tác giả đã thành công trong việc xây dựng những hình tượng nhân vật lớn, với những đặc trưng thẩm mỹ mang tính cổ điển của nó (đi vào mô tả tâm lý, tính cách, ngôn ngữ nhân vật…). Các tiểu thuyết chủ yếu mang nặng tính phóng sự, báo chí(11). Ngoại trừ Nu Hách (Mia-lia đuông-chất), các tác giả khác chỉ mới đưa ra các tư tưởng mới, các nhân vật chỉ là sự minh họa giản đơn. Có thể vì thế mà Pier Bitard đã nhận xét rằng “các nhà văn Campuchia mong muốn đóng một vài trò quan trọng trong xã hội. Bởi vậy, họ xuất hiện như một nhà giáo dục hơn là một nhà nghệ sỹ”(12). Nhưng với các tác giả, điều ấy có lẽ không quan trọng, cái chính là động viên được tinh thần dân tộc, vả lại cách thức đó cũng phù hợp với đông đảo bạn đọc lúc bấy giờ.


2.2. Khuynh hướng hoài niệm về một quá khứ vinh quang.

Campuchia là một quốc gia đã từng có quá khứ vĩ đại, với niềm tự hào Angkor. Ngay sau khi giành được độc lập thực sự (1954), cái vang vọng,  hồi quang của quá khứ một lần nữa lại trở về. Nhiều tiểu thuyết lịch sử hoặc lấy cảm hứng từ lịch sử xuất hiện, như Kinh thành Long-vec của Re-vi-vong Ko-vit (1954), Vương miện của Lý Thêm Têng (1954), Con người có phép thuật (1954), Vua Chan (1955), Thanh kiếm nhà vua (1955), Hoàng tử Cham-rong (1955) của Bip Chhay-liêng(13)… Trong các tiểu thuyết này, đề tài độc lập dân tộc thường gắn với đề tài bảo vệ chế độ quân chủ, các vị vua chúa Khmer xưa được miêu tả như những người anh hùng. Điều gì đã làm các nhà tiểu thuyết quay về với đề tài lịch sử – câu hỏi từng được nhiều nhà nghiên cứu văn học Campuchia đặt ra nhưng chưa có một câu trả lời đầy đủ và thỏa đáng, nhưng phải chăng là để khẳng định chế độ quân chủ mà Hoàng thân N. Xihanuc đang tái thiết lúc bấy giờ.

Như vậy, cũng là viết về tự do, dân chủ, độc lập dân tộc, nhưng mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện khác nhau. Trong những năm 30, 40 và đầu những năm 50 (thời bảo hộ), viết về tự do, dân chủ là viết về sự giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc của lễ giáo, tập tục, viết về những khát vọng riêng tư, thầm kín của mỗi con người. Điều này cũng phản ánh việc ra đời của Tiểu thuyết Campuchia gắn liền với sự ra đời của nền giáo dục hiện đại mà theo đó một đội ngũ trí thức mới ra đời. Do vậy, giải phóng cá nhân, khẳng định vị trí của cá nhân không chỉ là đòi hỏi tất yếu của một xã hội đô thị đang phát triển theo chiều tư bản (ở mức độ thấp) mà còn là một đòi hỏi, một khát vọng của chính họ.


3. Sự ra đời của tiểu thuyết Campuchia là một hiện tượng mang tính thời đại đồng thời chịu sự chi phối của văn học truyền thống

Đền Angkor Wat, biểu tượng của đất nước Campuchia.

Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa đế quốc đã từng bước xâm chiếm và biến các nước trong khu vực Đông Nam Á thành thuộc địa. Điều đó đã đưa đến cho nhân dân các nước những nỗi đau mà lịch sử đã và sẽ còn nói tới, nhưng cũng đưa đến những thay đổi, những biến động sâu sắc trên tất cả các mặt  chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt nó đã đưa các dân tộc trong khu vực vào vòng xoáy của quá trình nhất thể hóa thế giới, các dân tộc sớm hay muộn đã trở thành một bộ phận của thế giới, chịu sự tác động và chi phối của thế giới. Cùng với những thay đổi đó, Đông Nam Á đã vượt khỏi phạm vi hạn hẹp của Biển Đông, Vịnh Thái Lan để vươn tới Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Điều đó không chỉ đưa đến cái nhìn mới mẻ về thế giới mà còn để nhìn lại chính mình. Cùng với việc xuất hiện các đô thị phát triển theo chiều hướng tư bản chủ nghĩa, đời sống xã hội đã có những biến đổi, nhất là tại các đô thị, cuộc sống trở nên đa dạng, phong phú nhưng cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn, quan hệ giữa con người với con người vượt khỏi giới hạn truyền thống, cá nhân được hình thành và đòi hỏi được thừa nhận với tư cách là một thực thể, v.v… Trong hoàn cảnh đó, văn học truyền thống với những phép tắc, chuẩn mực, quy phạm vốn được tuân thủ nghiêm ngặt nay bỗng chốc trở nên chật hẹp, gò bó, không thỏa mãn được những nhu cầu của một lớp người mới – những sản phẩm của một xã hội mới đang hình thành, không đáp ứng được nhiệm vụ phản ánh mọi hiện tượng xã hội đang biến đổi với một tốc độ nhanh, đa dạng và phức tạp. Do vậy, các dân tộc trong khu vực đều có nhu cầu hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Nhưng tùy sự chuẩn bị từ trước của mỗi dân tộc về tiềm năng và kinh nghiệm văn học, truyền thống văn hóa, đội ngũ sáng tác, “tầm đón nhận của công chúng độc giả”… Tùy điều kiện kinh tế, xã hội… nhất là tùy mức độ tham gia vào thế giới hiện đại, trước hết là tùy vào sự tiếp xúc, hay chịu ảnh hưởng trực tiếp với từng nước cụ thể mà quá trình hiện đại hóa diễn ra nhanh hay chậm, hoàn chỉnh hay không hoàn chỉnh có khác nhau. Nhưng hầu như tất cả các dân tộc đều diễn ra quá trình chuyển một nền văn học truyền thống với những thể loại cố hữu: Thơ và Truyện thơ sang một nền văn học mới, với các thể loại chủ yếu: Tiểu thuyết, Thơ mới, Kịch nói.

Tiểu thuyết Campuchia ra đời là kết quả của việc tham gia vào thế giới hiện đại, của quá trình hình thành và phát triển đô thị, của đời sống thị dân… (cố nhiên là còn nhỏ bé và bị lọt thỏm vào giữa cái biển nông thôn bao quanh nó), là kết quả của quá trình tiếp xúc với văn học thế giới, trước hết và chủ yếu là văn học Pháp. Nhưng tiểu thuyết Campuchia còn là sự thoát thai từ văn học truyền thống, trong đó truyện thơ đóng một vai trò rất quan trọng. Do vậy, có thể coi sự phát triển từ truyện thơ đến tiểu thuyết là một con đường, một cách để hiện đại hóa nền văn học. Con đường này làm cho tiểu thuyết Campuchia kế thừa được những tinh hoa văn hóa dân tộc, như tư tưởng nhân văn, nhân đạo chủ nghĩa, kế thừa được những yếu tố thuộc về thi pháp văn học truyền thống…, làm cho tiểu thuyết Campuchia mang được bản sắc riêng, và cũng vì vậy mà nó có thêm công chúng độc giả. Nhưng con đường này cũng sẽ đem đến cho tiểu thuyết Campuchia những nhược điểm khó tránh, cả trong nội dung cũng như hình thức biểu hiện.

*

Trên đây là một vài đặc điểm của tiểu thuyết Campuchia trong buổi đầu hình thành. Về thi pháp, nó phán ánh một bước phát triển mang tính đột biến từ loại hình truyện thơ trước đó sang loại hình văn xuôi nghệ thuật mà tiêu biểu là tiểu thuyết, với tất cả thế mạnh và điểm yếu của nó. Về nội dung, nó là sự phản chiếu nhưng đồng thời cũng bị “quy định” bởi các đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo (Phật giáo Tiểu thừa) của một đất nước vừa chập chững bước vào con đường hiện đại hóa. Cố nhiên, những nhận xét trên đây còn và cần phải đi sâu nghiên cứu, phân tích thêm, nhất là cần so sánh, đối chiếu với các nền văn học láng giềng, ít nhiều cùng hoàn cảnh, như Việt Nam, Lào, để có thể hiểu sâu hơn.


TS. Nguyễn Sỹ Tuấn

____________

(1) Rim Kin (1911-1959), ngoài Sô Phát ông còn có: Tấm lòng chờ đợi (kịch, 1948), Ngắm trăng (tiểu thuyết, 1952), Cô Xa-ma-phia-ri (tiểu thuyết, 1952), Pôl-la-vông-xa (tiểu thuyết, 1953), Máu tìm máu (tiểu thuyết, 1955), Mơl-pôl-yon (tiểu thuyết, 1957), (theo Từ điển văn học Khmer (giản lược) của Manh Xa-ry, Phnôm Pênh, 1999, tr.235).

(2) Hoa tàn, tiểu thuyết của Nu Hách (1918-1975), xuất bản năm 1949. Ngoài Hoa tàn, Nu Hách còn có: Cô gái yêu quý (tiểu thuyết, 1953), Mia-lia đuông-chất (tiểu thuyết, 1972), Lea-van và Ra-vơ-ri-a (tiểu thuyết, 1955).

Hoa hồng Pay-lin (tiểu thuyết) của Nhốc Them (1903-1975), Phnôm Pênh, 1938

Tình yêu bóng ma, tiểu thuyết của Nhốc Them (1903-1975), Phnôm Pênh, 1942

Tận cùng đau khổ (tiểu thuyết, 1944) và Tuyệt đỉnh tình yêu (tiểu thuyết, 1946) đều của Hêng Yan (1921-1967). Ngoài ra Hêng Yan còn có một số tác phẩm khác, như Văn học Khmer như là mục đich lịch sử (nghiên cứu, 1956), Tập truyện thơ (1950), Về kinh thành của Vot-xong-xa (nghiên cứu, 1958)

(3) Năm 1873, một sĩ quan bộ binh Pháp lập một ngôi trường Pháp ở Phnôm Pênh. Để tạo ra đội ngũ công chức phục vụ bộ máy cai tri, Pháp đã mở trường thông ngôn (1885). Năm 1893 mở trường quốc học bảo hộ. Năm 1905, trường bảo hộ được đổi thành trường Si-sô-vat. Năm 1935, trường này lại được đổi thành trường trung học Si-sô-vát.

(4) Về danh nghĩa, Campuchia là một xứ “bảo hộ” (khác với Nam Kỳ là “xứ thuộc địa”, nhưng thực chất, sau Hiệp ước 1884, Campuchia chẳng khác nào một xứ thuộc địa, nhà vua bị tước bỏ mọi quyền hành tối thiểu, trở thành “một công chức” ăn lương của Pháp.

(5) Truyện thơ của Bô-tum Mat-thê Xom, ra đời năm 1915.

(6) Trong lời tựa của tác phẩm, tác giả tự đính chính “Tôi mong muốn cuốn sách này sẽ là một tấm gương sáng để cổ vũ những lý tưởng cao đẹp của tầng lớp thanh niên lúc đó. Nhưng còn một lý do khác khiến tôi viết Mia-lia đuông-chất. Đó là do rất nhiều bạn đọc, phần lớn là các cô gái đã khiển trách tôi và cho tôi là người xấu vì đã để cho Vi-thi-vi, một cô gái trẻ, hiền dịu trong truyện Hoa tàn phải chết. Tôi viết truyện này để sửa chữa sai lầm trên(Mia-lia đuông-chất, tr.4).

(7) Tiểu thuyết của  Lấc Ra-ri (1910-1975), Phnôm Pênh, 1963 (tác phẩm đoạt giải thưởng Ân-tê-vi lần thứ 2 của Hội Nhà văn Campuchia).

(8) Cả ba tác phẩm này được Un Thốc (?-?) viết năm 1956.

(9) Tiểu thuyết của Đức Kiêm (1938-1975), Phnôm Pênh, 1957.

(10) Tiểu thuyết của Bip-chay-liêng (1930-1975), Phnôm Pênh, 1957. Ngoài ra ông còn có các tiểu thuyết: Con người có phép thuật (1954), Thanh kiếm và nhà vua (1955), Hoàng tử Cham-rong (1955), Vua Chan (1956), Hạnh phúc và bất hạnh (1957), Hãy nhìn về phía sau (1957), Con cá sấu của Nen Thom (1957), Cô gái tóc thơm (1957), Lúc nào hoa nở (1957), (theo Manh Xa-ry, tlđd, tr.150).

(11) Nhiều cuốn tiểu thuyết trước khi xuất bản đã được đăng tải nhiều kỳ trên các báo, ví dụ Hoa tàn được giới thiệu trên báo Campuchia từ  19/7 đến 27/9/1947; Sim – người lái xe và Culi được đăng trên báo Voat Phnôm; các cuốn Hoa hồng Pay-lin, Phận đàn bà được giới thiêu trên tạp chí Mặt trời Campuchia

(12) Pier Bỉtard: Văn học hiện đại Campuchia, Tạp chí Pháp – Á, số 114-115, 10/1955.

(13) Theo thống kê của Khuôn So khăm-phu (trong “Le roman Khmer contemporain” (Présente au Colloque International de I’Asia du Sud-Est du 16 au Juilet 1973 à la Sorbonne à Paris) thì từ 1938 đến 1953 có 74 tiểu thuyết, trong đó chủ yếu viết về tình yêu, một ít tiểu thuyết trinh thám, không có cuốn tiểu thuyết lịch sử nào. Từ 1954 đến 1963 có 253 tiểu thuyết, trong đó có 14 tiểu thuyết lịch sử, có những bộ khá đồ sộ.


Nguồn: Viện nghiên cứu Đông Nam Á.