Chuyên mục truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn Một trang sử làng của nhà văn Nguyễn Hiệp

Nhà văn Nguyễn Hiệp tên thật là Nguyễn Văn Hiệp.

Sinh ngày 14/8/1964.

Anh hiện sống và làm việc tại Hàm Tân – Bình Thuận.

Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

Giải thưởng:

– Giải nhì truyện ngắn báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam 2003 – 2004.

– Giải ba truyện ngắn Nhà văn và Tác phẩm 2020.

Và nhiều giải thưởng khác.

Tác phẩm đã in:

2 tập thơ

6 tập truyện ngắn

3 tập tản văn và tạp bút

4 tiểu thuyết

Mời quý vị lắng nghe truyện ngắn MỘT TRANG SỬ LÀNG của nhà văn Nguyễn Hiệp qua giọng đọc của Võ Đào Phương Trâm

Một trang sử làng

Truyện ngắn Nguyễn Hiệp

Chiếc đồng hồ treo tường khẽ khàng tích tắc, tích tắc, những âm thanh duy nhất độc chiếm không gian từ khuya khoắt đến rạng sáng. Im mà không yên! Các bệnh nhân trên giường hoặc nằm im hoặc đang chìm trong cơn lịm ngất sau những vật vã đau đớn hoặc sau khi bị thuốc giảm đau liều cao đánh lừa cảm giác. Giữa hai giường bệnh, trên những chiếc chiếu xếp đủ kiểu, những người nuôi bệnh cũng đang chìm vào cơn chập chờn mệt mỏi. Lịch mở mắt, anh không nhớ nổi mình đã ngủ thiếp đi từ lúc nào, thật sự anh không dám động cựa sợ ảnh hưởng đến mọi người. Với thói quen cả nghĩ của một người viết lách anh phân vân  nhiều khi gốc rễ của thi ca và đạo đức, anh nghĩ cũng có thể là âm thanh chứ chưa hẳn chỉ là những ngôn từ có nghĩa, âm thanh nói được nhiều hơn, sâu hơn… Nghĩ ngợi một thoáng Lịch lại cười mỉa mình chẳng thực tế một chút nào cả. Vấn đề trước mắt là chăm vợ bệnh, chăm vợ bệnh, căn bệnh tiểu đường đến hồi di căn đã tàn phá cơ thể của vợ Lịch.

Lịch lẳng lặng nhìn khuôn ngực vợ nhè nhẹ phập phồng, anh yên tâm nằm xuống nhưng vội chồm người trở lại, chiếc giường sát bên của người đàn ông tên Xanh, người vừa trò chuyện với anh đêm hôm qua, giờ trống trơn. Lịch rùng mình. Bàng hoàng. Cái chết đã đến ngay sát trên đầu, cách chưa quá một sải tay mà mình không hề hay biết. Vậy là ông ấy đã ra đi trong đêm khuya. Có khi nào ông ấy đã ra đi khi Lịch đang nói nửa chừng câu cuối? Chết trong lúc nghe à?  Chết trong lúc nói à? Trời đất! Lịch xua nhanh ý nghĩ tự trách vì bị cuốn theo cách nói như phun trào, không dừng lại được của ông Xanh.

Đời sống con người sao mà mong manh quá, Lịch khẽ thở ra cắt đứt hết các ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu. Đã nằm khoanh người hình số bốn gọn gàng với chiếc chiếu xếp nhỏ nhưng Lịch không tài nào chợp mắt được nữa. Cắt. Buông. Xả. Không ngẫm, nghiền gì nữa cả. Lịch ra lệnh cho mình nhưng rồi đành bất lực. Bao nhiêu ý nghĩ cứ vòng vo trong đầu, nhiều ý nghĩ tiếp nối như những vòng tròn đồng tâm, lan ra, tỏa ra mãi.

Người đàn ông bệnh nhân vừa ra đi ấy tên là Xanh. Trước đây, khi nhận hợp đồng viết lịch sử một làng căn cứ kháng chiến ở phía bắc tỉnh, chính xác là quyển Lịch sử Đảng bộ xã Bà Ri, Lịch đã gặp ông Xanh, ông là người anh hùng, một dũng sĩ diệt Mỹ bắn máy bay rất nổi tiếng của tỉnh nhà. Ông đã được cử đi báo cáo thành tích khắp nơi về chiến thuật táo bạo, gan dạ, đã đào hầm trên đồi, ngồi vào và phủ lá khô lên trên, đợi chiếc máy bay xà xuống thật thấp, ngay sát trên đầu mới nổ súng. Chiếc máy bay tàu gáo bị bắn trúng bộ phận chứa xăng phụt cháy, trượt xuống triền đồi và nổ tung. Chiến tích bất thần đó đã thay đổi cuộc đời người du kích tên Xanh, ông được giấy khen từ Ủy ban kháng chiến huyện, tỉnh, được phong là dũng sĩ, được cất nhắc lên làm trung đội trưởng. Sau giải phóng, 1975, ông Xanh là người đi báo cáo điển hình khắp nơi, cấp trên gửi xuống cho ông bản báo cáo được viết hoàn chỉnh để ông đi đọc trong các đại hội tổng kết phong trào, là chủ tịch xã lâm thời tiếp quản địa phương… Sau mấy chục năm, Lịch không ngờ gặp lại ông nơi bệnh viện ở thành phố xa xôi này, giường của vợ Lịch lại nằm sát bên giường ông Xanh vì vậy mà cuộc trò chuyện của Lịch và Xanh nối tiếp nhiều đêm liền.

Ban ngày, một cô gái đến chăm sóc, đổ bô cho ông ấy, chiều đến thì nhận tiền thù lao và ra về. Đêm, ông nằm một mình, không thấy bóng dáng người thân nào đến thăm.Ông luôn nằm bất động trên giường, hai mắt dán ám lên trần. Đó là người đàn ông trịch thượng, khó hòa đồng nhưng với Lịch, tự nhiên ông ấy lại thường tâm sự, thường kể chuyện, mà đã kể được thì kể như trút, như đổ, kể như ma nhập, như thần quỷ mượn xác mượn mồm, kể thì truyền âm nhập mật, môi không động cựa gì nữa nhưng mạch chảy của câu chuyện vẫn tiếp tục hiển hiện trong đầu Lịch, âm thanh của các tình tiết, các chuyển động, các sự kiện vẫn tiếp tục đầy ắp hai lỗ tai Lịch. Cũng có thể ông ấy mừng vì gặp lại người quen cũ, một người đã từng viết quyển sử làng kháng chiến ngày nào, một người biết rõ thành tích anh hùng của ông, sẽ đồng cảm với những câu chuyện của ông, mà cũng có thể lúc này nói ra được điều gì đó sẽ khiến trái tim ông vơi nhẹ trước khi bước xuống tuyền đài, một bước chân kết thúc mà ông đã biết trước. Có một sợi chỉ u uất, thất vọng, tuyệt vọng gì đó chạy qua những câu chuyện, những tâm tình rời rạc, đứt đoạn, những chứng kiến ghê rợn, những thật thà và cả những hoang tưởng mà ông thố lộ. Và bao giờ cũng vậy sau khi nói về mình, về ngôi nhà và nước mắt của mình, về chiến tích anh hùng, về chuột ma và gián quỷ bao giờ ông cũng ném một cái nhìn dài lên trần nhà và kèm theo một tiếng thở ra thườn thượt.

Ông Xanh ở đâu đến nhập viện, đã từng làm gì trong phòng chỉ duy nhất mình Lịch biết. Ông Xanh kể mình đang sửa ngôi từ đường ở xã Bà Ri thì ngôi nhà đã đổ ập, ông bị té từ trên cao xuống và được chuyển đi cấp cứu rồi nhập viện. Nhưng những điều biết ấy giờ trở nên vô nghĩa, ông ấy đã sang phòng đối diện, tức nhà xác. Tuyệt tự. Cả dòng họ ông đã tuyệt tự vì ông là cháu nội đích tôn mà cũng là cháu trai duy nhất. Mẹ ông chỉ sinh ra ông rồi qua đời vì một cơn bệnh nghặt nghèo. Ông lại không lấy vợ. Có mấy đám mai mối cũng khá khi ông còn làm chủ tịch nhưng mấy người đàn bà, mấy cô gái đó đều quay mặt bỏ đi sau lần lên giường đầu tiên vì chứng bệnh di tinh đã làm cho ông trở nên bất lực.

Đêm hôm sau, lúc đi mua thức ăn cho vợ, bất chợt nhìn vào căn phòng ấy và rùng mình, một cơn rùng mình làm nhợn lạnh cả hồn cả xác làm cho Lịch chợt nhớ những câu chuyện thì thầm hàng đêm của ông Xanh. Trước mắt Lịch luôn bùng bùng ngọn lửa lạnh mà người ta sẽ thiêu thân xác của ông Xanh, nó không phải là ngọn lửa làm cho mọi thứ tinh khiết trở lại. Lịch lóa mắt trước ngọn lửa trắng vàng chói gắt và đâu đó phía bên kia ngọn lửa là đám tro xanh đang hình thành, đang rơi xuống, đang tung tóe, đang xoay vòng như đám lá bị bất ngờ xới tung lên rồi lã tã rơi xuống, rơi xuống, tụ tan theo các hình thù ma quái. Những ngọn lửa lần hồi chết đi, nó không tắt phụt như đời người, nó rơi vào ngọn lửa khác, nó bị cuốn vào, bị nuốt trọn trong ngọn lửa khác. Nỗi cô đơn về cuối đời của ông Xanh vẫn còn đó trong lòng Lịch nhưng thân xác, tâm hồn cô đơn ấy lại đang biến hóa, đang tiêu tán bớt đi, đang cô lại trong chút tro xanh. Một đời người, dù là người anh hùng cũng chỉ còn chút này đây sao? Có điều gì đó như là sự vô vọng tràn ngập, chiếm cứ tâm hồn Lịch. Những lần sau này mỗi khi nhìn qua khung cửa của căn phòng đối diện Lịch đều thấy đám tro ấy lờ đờ bay bay, một thứ xanh xám ám ảnh, những hạt tro thưa thớt vừa đủ gợi lại hình ảnh những hành vi vô thức nào đó. Quang cảnh của lửa mà Lịch mường tượng không làm anh khiếp sợ bằng thứ tro xanh lạnh lẽo, thứ vật chất còn lại của một kiếp người. Và rồi, bao giờ cũng vậy, cái lỗ phủ lá vàng khô bay tung tóe dưới cánh quạt máy bay, những cái hố đen đầy chuột và gián lại hiện lên, đùn lên làm cho Lịch thấy mình cũng không còn là mình nữa, mình biến thành ông Xanh, cũng giống như trong ông Xanh luôn có một kẻ khác.

Nhợn. Sợ hãi. Lạnh lẽo. Cô đơn. Bất lực. Từ lúc còn là quả cầu nhân tính nhỏ nhoi trong tử cung đến một gã Xanh nếm đủ mùi cay đắng của cuộc đời, một gã Xanh bị câu chữ trong những bản báo cáo thành tích do cấp trên viết hộ tạo nên sự hoang tưởng bản thân và đã cả đời mình hô hào về sự hoang tưởng, cổ súy về sự hoang tưởng, cả đời xây dựng cuộc sống trên cái đầm lầy không đáy giờ chỉ còn nhúm tro xanh này thôi sao? Nhúm tro xanh chứa gì trong đó? Tất cả mà cũng không gì cả. Cuộc đời của ông Xanh kể cũng như dấu chấm cho một dòng họ. Ba đời nhà ông đều cầm súng chiến đấu, hầu hết nằm lại trên chiến trường, người sống sót trở về cũng không thoát được nỗi niềm hoài cổ với những kỷ niệm thời lửa đạn vì vậy mà theo lời mô tả của ông Xanh thì bốn bức vách của ngôi từ đường ngoài các bức hoành phi sơn son thếp vàng, ngoài các bài vị viết chữ nho còn lại đầy những vật liên quan đến kháng chiến. Treo dày trên bốn bức vách, móc đầy trên bốn cột trụ là các quân dụng giữ lại được và những khung kính ghi nhận chiến tích. Những bằng Tổ quốc ghi công để kín trên cái tủ thờ to lớn và cả trên bệ thờ thấp. Những giấy chứng nhận huân huy chương, giấy khen, bằng khen treo xít nhau thành hàng ngang trên hai vách tả hữu. Những cái mũ cối gắn sao. Những bình toong nhôm méo mó. Những bộ quân phục bạc màu bọc trong túi ni lông lớn. Trên tường còn có cả một lưỡi lê đã sét rỉ…

Lịch cảm thấy mệt mỏi vì những suy nghĩ và liên tưởng đang ám vào đầu óc, anh như người mất điện hoàn toàn trong những ngày sau cái chết của ông Xanh, anh thấy như một phần con người mình đã vỡ vụn, đã thành tro, những trang sử mà anh dày công viết ra một thời với lòng nhiệt huyết, với sự hăng say, trong đó, anh một lần nữa tô đậm lên hình ảnh người anh hùng, giờ có gì đó đang làm trĩu trái tim anh. Làm sao mà lại đến nỗi này!? Sống sao mà lại đến nỗi này?! Câu hỏi thảng thốt dành cho cả Lịch, cho cả người đã chết đi sống lại và đã chết thật trong lần cuối cùng này là ông Xanh. Một câu hỏi dành cho những cơn ác mộng sẽ không bao giờ được trả lời.

***

Bục. Bục. Bục. Tiếng búa nện còn vang trong ký ức gần đây. Hàng vạn điểm sáng trắng rõ dần trong vòm tối, Xanh đã thấy những chuyển động loạn xạ, ma quái. Đất liền trời. Những điểm sáng trắng sắc nét. Xanh quay về, đi vào trong xác mình, vừa hoàn hồn Xanh lại thấy những điểm sáng trắng bén nhọn tia lên, chuyển động nhanh dần, nhanh dần, tràn, ùa ngập cơ thể. Cơn nhột nhạt không thể chịu nổi đang truyền lan, cơ thể Xanh uốn lượn, dợn lạnh từng hồi. Lục phủ ngũ tạng bị đánh thức, dựng dậy, khuấy động, kinh hãi tột độ lặp lại, người đột ngột duỗi ra, cứng đơ, luồng điện loạn rùng rùng, rân rân qua mọi mạch máu nhỏ nhất phục hồi từng phần mê cung ký ức tưởng đã biến mất hoàn toàn. Những ký ức mới nhất lần lượt hiện mồn một như ai đó vừa lộn trái một cái túi đầy ắp.

Sống nhà, chết mồ. Nhưng sửa nhà dễ điên cái đầu. Sửa ngôi từ đường càng điên cái đầu hơn. Sửa từ đường không tốn tiền tốn của nhiều cho phòng bếp, phòng vệ sinh, một đầu vào và một đường thải ra như nhà bình thường, không sau cao hơn trước, phòng bếp to hơn phòng khách, dưới hơn trên, phụ thành chính. Không phải tốn tiền cho sự đảo lộn nhưng lại tốn quá nhiều cho các khoản gìn giữ, chống đỡ. Có làm có biết. Xanh đang ngồi giữa ngôi từ đường. Hai tay ôm đầu. Mười ngón tay bóp chặt bộ não với bao suy tính, bao dây cà dây muống phải phải không không. Đầu Xanh, một đầu nhưng xuất hiện ba khuôn mặt, ba mặt với những biểu hiện mâu thuẫn với nhau đã làm Xanh điên lên, từng khuôn mặt lại trở chứng với chính mình, lông mày chống lại cơ mặt, môi trên nghịch môi dưới, càng làm Xanh điên cái đầu hơn. Đầu Xanh ngẩng lên cụp xuống trên cổ. Đầu Xanh lắc qua lắc lại trên cổ. Đầu Xanh đang xoay vòng tròn trên cổ. Xanh cố cưỡng lại nhưng lực bất tòng tâm. Những con số, những hình ảnh cũ mới trườn ra, bò ra tràn lan, lênh láng quanh Xanh. Tiền bạc, mượn đầu này đắp đầu kia thì lo được, xoay sở, lì nợ là nghề của Xanh, nhưng sửa thế nào cho ngôi từ đường trụ được, vừa giữ hồn cốt, gốc gác, vừa sinh hoạt, ăn ngủ theo nếp hợp thời. Cả vấn đề! Xanh thở hắt, lầm bầm một mình. Không thể bỏ hết, phải tận dụng, phải giữ kỷ niệm, phải nâng niu tình nghĩa, phải biết có trước có sau, phải dòng họ, phải gia đình, phải của mình. Vật có hơi người. Vật có trường điện. Vật gắn với người. Biết. Biết. Biết nhưng nan giải. Xanh còn lạ gì những mệnh lệnh gìn giữ ấy, các bậc cha chú đã nói về điều này như thần, họ đã dẫn lời những vĩ nhân đã chết, họ đã tỏ thái độ với giọng rượu hào sảng, họ đã khóc tức tưởi, lên giọng xuống hơi như diễn một vở kịch vĩ đại. Nó lậm trong máu. Nó lậm trong tim. Nó lậm trong tế bào sống của Xanh. Nó trong niềm tin duy nhất của Xanh. Chính nó đã tạo ra con người thứ hai của Xanh.

Khó. Khó vì những thứ để yên thấy nguyên nhưng đụng tới thì rã. Xanh thích lời huấn ca lúc còn sống mẹ thường nhắc: “Tình vốn đựng trong chiếc hũ đất mỏng mảnh dễ vỡ” nhưng Xanh cứ mường tượng sự nát vụn đã gắn với mình từ lâu và Xanh luôn sợ hãi con người không tình yêu của mình, ông không còn biết yêu bất cứ thứ gì, bất kỳ ai, trừ bản thân mình.

Sống nhà, chết mồ. Nhưng sửa nhà dễ điên cái đầu. Sửa khó hơn xây mới. Khó khăn, khó nhọc, khó nghĩ, khó dự tính, khó chu toàn với những góc nhà, những đồ vật, những kỷ niệm gắn bó với dòng họ mình, với gia đình, dù chỉ một mình ông lùi lũi đi ra đi vào cũng là một gia đình… Không biết cái sự phát sinh sẽ thòi ra từ hạng mục nào. Trăm bề khó. Biết. Biết. Biết nhưng chưa thể tường tận nổi chỗ nào sẽ sụp xuống, toác ra từ một nơi từ đường, vốn bao thế hệ từng sinh sống, quây quần, sinh tử. Cầm búa, cầm bay chạm tới mới lùng bùng, vào cuộc thật sự mới quẫn trí, đối mặt với những tình tiết đời sống đã qua chợt hiện lại trong cuộc sửa sang khủng khiếp này mới thật sự mệt mỏi…

Điên cái đầu. Xanh ngồi gục, bứt tóc vò tai nhìn đống vôi vữa vàng đục trộn sét, mật đường với nước ngâm dây tơ hồng, có từ thời ông bà cố nội, Xanh không dám chắc bức tường cổ này là một loại giá trị nhưng Xanh thích nhìn những thanh tre đực đan rui mè trụi trũi, chắc nụi, nâu bóng qua thời gian, Xanh nhìn mê man những đống xà bần tạp nhạp, những lôm chôm, lông chông xung quanh, Xanh ngước mắt rà soi từng thanh gỗ cột, gỗ kèo, gỗ đòn dông, gỗ đòn tay, cây còn, cây mục, cây nửa còn nửa mục, Xanh say sưa để những viên ngói âm dương bám lớp lớp rêu nhung xanh mịn in bóng, đọng lâu trong mắt mình. Xanh lại liếc ngang liếc dọc những đống gạch mới, cát, đá mới chồng đống, ngất nghểu. Đầu óc Xanh chợt nặng như bị đổ chì, bị trúng độc bởi cái mùi hăng hăng, rít rắm của xi măng, sơn nước, ngói đúc Mỹ, ngói men Tàu. Xanh chợt nuối tiếc cái mùi mốc meo, lưu cữu, mục nát, tiếc dẫu biết đã mục, mục từ viên đá nền mục tới tường vách, mục từ cuống móng mục lên trần nhà, mái nhà. Người đi khẽ nói nhẹ thấp giọng bảo: Tã. Người ăn sóng nói gió quen miệng suồng sã: Rã mẹ nó rồi. Tã. Rã. Tã rã. Tã rã nhưng thân thuộc… Xanh nghĩ đơn giản là chiếc áo của mình tới hồi mục vải. Mục. Thâm. Khoắm. Vá víu không dính. Sửa cũng như vá đòi hỏi thợ hồ phải dày dạn kinh nghiệm, linh hoạt chế đắp, đóng móc sắt, đóng đĩa thép, trét hồ dầu cho gọn, cho khéo trước khi tô lại, không khéo thì dính trước rã sau, bám trước tã sau.

Xanh cho đổ bê tông kềm vào ba cây cột chịu lực lớn, xây bọc vòng ngoài bốn bức tường dày hai mươi phân bao quanh ngôi nhà năm gian. Vẫn chưa yên tâm vì nguyên gian giữa tã nhất nhưng phải giữ nguyên hiện trạng, mọi thứ bên trong gian giữa đều dính móc vào nhau, bệ thờ, bàn thờ, khung, phướn, hoành phi đắp nổi, bệ đỡ đòn dông, nơi treo gạo muối, nơi dương cung yểm tà… Không ai được đụng tới. Xanh tin, cha Xanh tin, ông Xanh tin: Nếu đụng tới, đổi lệch chỗ những vật dụng ấy mà không được sự cho phép của tổ tiên, các đấng khuất mặt khuất mày sẽ gây ra tai họa, thậm chí là mất mạng. Nghĩ tới gian giữa ấy thôi là Xanh đã bị nỗi sợ hãi chiếm lĩnh cả người huống chi là động tay động chân động búa động bay.

Xanh bắt đầu bị lộn tùng phèo trong những suy nghĩ, tính toán, đoán định, giữa những cũ mới, chắp vá, đổi thay, đập phá, tô trét, xấu che, tốt khoe, giữa những tương đồng, tương khắc, giữa những chống đỡ, an toàn, tai họa…

Giữa ngôi từ đường. Giữa cơn bốc mùi hư cũ âm lạnh bão hòa. Xanh, kẻ tự tin mình là người có lý tưởng, người biết trên dưới phân minh đang ở giữa, ở trung tâm, ở vai trò quyết định mọi thứ mà cứ như một kẻ bị động, bị xỏ mũi dắt đi bởi một tay chơi khăm thứ thiệt nào đó. Đục bỏ. Đập bỏ. Đó là quyết định đau rát. Thạch cao trên trần nhà của cả bốn gian tả hữu đã nhũn, ngày nào cũng rắc những lớp bụi vàng nâu như cứt mọt khắp nơi. Trần nhà này có từ đời ông nội, chắc để che những hàng đòn tay cũ kỹ và những hàng ngói âm dương rêu phủ bên trên. Xanh cố xua khỏi đầu hình ảnh ông nội vừa hiện về với ánh mắt gia trưởng sáng quắc, nghiêm khắc. Đập bỏ trần nhà! Xanh đột ngột phảy tay, lệnh vỡ: Đập! Bục. Bục. Ầm! Một tấm trần rơi xuống. Ầm. Ầm. Hai tấm trần rơi xuống. Ầm. Ầm. Ầm… Bụi mù mịt. Nhóm thợ vào việc định đập nhỏ, định kéo ra ngoài, chợt dạt mạnh, rối loạn, huyên náo. Xanh chồm vào đám bụi, mắt trợn tròn. Cả mảng tường lớn tam giác, cả mái nhà hình chữ A lúc nhúc không biết cơ man nào là gián, mùi hôi bốc ra nồng nặc, hàng ngàn cánh nâu xập xòe, hàng ngàn bộ râu khẽ động như giàn ăng ten trùng điệp chợt ẩn chợt hiện của một khu quân sự khổng lồ đang rùng rùng khởi động chiến tranh. Xè xè. Xè xè. Xè xè… Tiếng đập cánh đột ngột rộ lên. Thợ hồ bị gián bu đầy mặt cầm búa quơ quơ, nhiều người quá lúng túng, quá bấn loạn quơ đập cả búa vào mặt mình, máu mũi chảy ròng ròng, tèm lem như bị chứng máu cam. Chứng chảy máu cam tập thể. Chứng bấn loạn tập thể. Chứng kích động tập thể. Gián chui vào cổ áo, vào cánh tay, vào khăn bịt mặt, vào ống quần, vào bất cứ chỗ nào có thể chui được. Thợ hồ đồng loạt bỏ búa, chạy. Xanh chụp cây chổi đập, đập, đập, đập bên phải, đập bên trái, đập vào cả tay chân mình, mặt mũi mình. Gián bu vào Xanh. Mùi gián xộc vào mũi, vào miệng, vào phổi. Áo quần của Xanh đầy gián. Tay chân của Xanh đầy gián. Mặt mũi của Xanh đầy gián. Xanh bỏ chổi, chạy. Chạy như ma đuổi. Cả cơ thể thành khối nâu nâu đen đen với hàng ngàn đôi cánh xập xòe, Xanh co rút, phình to theo nhịp cánh gián chuyển động, Xanh co rút, phình to theo nhịp ngúc ngoắc của hàng ngàn chiếc râu tua tủa, Xanh co rút, phình to không còn hình người, Xanh biến thành cái tổ gián liên tục co rút, phình to. Người gián và người Xanh nhập nhòe. Xanh chạy đến đâu mang theo cái mùi mốc meo, lưu cữu, rã mục, hăng khoắm đến đó. Xanh gục xuống, ói, ừm ờ, ọc, ọe… Cố nén nhưng ruột gan cứ cào lên, cuộn lên. Ọc. Xanh ói đến mật vàng mật xanh, ọc, ọc, ói, ói, ọe ọe cho bằng hết những gì đã nuốt vào người, ói cho bằng hết những nhớt đờm vàng nâu đen đỏ. Ọc. Xanh ngạc nhiên thấy mình ói ra gián, gián nguyên con, gián bẹp nhẹp, gián nát bét, râu gián, cánh gián, những khoanh nâu nâu cưng cứng của bụng gián… Miệng Xanh đắng ngắt. Miệng Xanh tanh lợm. Miệng Xanh nhớp nháp những gián và nước bọt và những nhũn dai đắng chua lợn cợn khác…

Xanh lết được tới cạnh bờ ao, lăn người, quật người, rút người. Ùm. Ai đó từ Xanh thoát ra, vừa ùm xuống nước, hình như là con người thứ hai. Gián bay theo rào rào. Mặt ao rợp nâu. Người thứ hai ngụp lặn, ngụp lặn, ngụp lặn. Xanh co rúm trên bờ ao, chỉ biết nhìn ai đó đang nhỏ dần, mòn dần, tan biến dần vì gián. Xanh không cử động được nhưng thấy rõ ràng có người nào đó bên trong mình vừa thoát ra. Chiếc tổ gián hình người biến thành đám mây nâu đen vần vũ mặt ao. Cuối cùng những âm thanh xè xè phát ra từ đám mây cũng im tiếng, những đám mây tanh khoắm ấy cũng biến mất nhưng không ai biết được bao giờ thì Xanh thôi những cơn ác mộng gián, bao giờ thì Xanh thôi ám ảnh những đôi cánh nâu, ám ảnh những cơn ọc ói ra mật vàng mật xanh ấy. Xanh tức và giận mình là sao có thể ở chung với cái tổ gián khổng lồ kia ngần ấy năm mà không nghe, không thấy, không biết gì. Đúng là ai đó đã chiếm lĩnh cuộc sống của mình. Xanh tức và giận mình là tại sao mỗi năm chỉ biết tô trét sơn phết cho cái trần nhà sáng sủa bên ngoài mà không biết gì về loài vật nâu đen hăng khoắm đã sinh sản con đàn cháu đống bên trong!? Xanh không hề biết có một vương quốc hôi khoắm, tanh lợm trong ngôi từ đường của mình. Đúng là ai đó đã tồn tại bên trong mình, chiếm lĩnh mình, ngửi nghe, động tay động chân thay mình. Từng ấy năm mình không có cuộc sống thật sự ư? Nhận thức ấy làm Xanh đau đớn vô cùng.

Sau cơn mưa trời lại… mưa. Phóng lao theo lao. Đã bắt đầu sửa thì phải tiếp tục sửa. Khoảnh khắc dù ghê sợ, đớn đau đến mấy rồi cũng qua đi, cuộc đời là những khoảnh khắc, những khoảnh khắc tiếp nối. Cơn say máu bốc lên sau sự cố gián, Xanh ra lệnh đập luôn cả góc nhà kho, cả nền nhà lót gạch xỉn màu huyết dụ, mòn khuyết từng lõm, dộp bọng bồm bộp bên dưới, nơi mà Xanh mỗi lần đi vào cứ rờn rợn cảm giác bị biến mất, bị rơi xuống cái hố không đáy, cái giếng tắt nước, không sử dụng được nữa, đã bị đậy lại và phủ lên đó lớp nền vữa vôi, nền xi măng, nền gạch. Khi mảng bê tông đầu tiên sụp xuống, Xanh rùng mình vì nỗi lo sợ của mình là có thật. Thả cục gạch xuống nghe một tiếng coong dội lên. Có thể là giếng có đáy. Xanh mừng thầm, dù sao cũng có đáy. Thợ hồ tiếp tục nện những mũi xà beng nặng tay theo đường cong tròn, họ có cách làm của họ, Xanh tin tưởng họ. Xanh lui ra đứng nhìn vòng quanh đống đổ nát, châm điếu thuốc. Đầu điếu thuốc vừa lóe đỏ chợt rơi xuống đất. Sự im lặng đột ngột giữa một nơi đang ầm ầm bục bục như ở đây làm Xanh sợ. Linh tính tới những gì ghê gớm nhất, còn hơn cả cơn ám ảnh gián vừa hiện ra, vừa xảy ra làm Xanh lạnh xương sống. Có thể cái vòm đen đầy gián trên mái nhà chỉ là cái bóng, chỉ là cái bóng đối xứng với lỗ giếng đen ngòm thực đến mức ghê người dưới nền nhà này mà thôi.

Hàng ngàn điểm sáng trắng bén nhọn trong vòm tối, cái vòm tối không đáy mà có lần trong cơn mê sảng do sốt cao Xanh đã thấy mình bị rơi vào cùng những âm thanh đồng vọng. Xanh rùng mình thấy lại nó hôm nay, trong khoảnh khắc này, Xanh hiểu hình ảnh trước mắt đã được báo trước. Đám thợ hồ không dám chắc đó là gì nhưng tất cả đều sựng lại thủ thế. Chỉ Xanh là im lặng trĩu ngực, bấn loạn với những suy nghĩ bí mật riêng mình. Đầu Xanh nóng ran, lại xoay vòng trên cổ, lại lắc qua lắc lại giần giật trên cổ, Xanh như đang thấy trước mắt mình những vết nứt rạn lan ra từ lòng đất, những bóng dáng cổ quái ma mị đang hú hét, đang vọng gọi, đang bay, đang xoay, đang lộn nhào, đang trồi lên từ miệng cái giếng đen ngòm.

Chuột! Tiếng ai đó vừa hét lên, đám thợ hồ thảng thốt thều thào không ra hơi, thều thào run rẩy. Chuột… Chuột… Chuột… Tiếng gọi tên một loài vật đã trở thành thứ ám ảnh khủng khiếp, chỉ nghe tên thôi mà cả đám thợ vai u thịt bắp sức trai sức tráng đã bủn rủn tay chân. Xanh cũng bủn rủn tay chân. Hàng ngàn điểm sáng bén nhọn đang chuyển động dâng lên. Mùi chuột đã nồng ngập, ngộp thở. Đám thợ thụt lùi, thụt lùi, mắt căng tròn, trắng dã. Cái vòm đen ngòm đang lan ra, vòng người đang giãn ra. Cái bao chuột khổng lồ đang mở ra, đang lộn trái. Những con chuột đen trũi, hai mắt sáng quắc, sáng như những điểm sáng bén nhọn, đã hiện hình mồn một, nhung nhúc, chồng đống lên nhau. Vành tròn chuột đen trũi, hàng trăm con mắt sáng quắc, sáng như những điểm sáng bén nhọn, đã hiện ra thực đến mức khó tin. Khối chuột đen trũi đã hiện quanh cái miệng giếng đen ngòm. Cả nền nhà ngập chuột. Chuột trèo lên đầu nhau mà bươn tới. Những con sóng chuột nhấp nhô, trườn trườn, gợn gợn… Đám thợ hồ trèo lên, đu người trên những bàn ghế, những cây cột, cây kèo, mắt lấm lét, mặt cắt không còn hột máu. Xanh ngạc nhiên thấy mình chẳng biết bằng sức mạnh nào mà đã treo mình được trên cây đòn dông ở gian giữa, gian thờ, gian treo gạo muối, gian cất giữ những bức thư tịch của các vị cao tằng cố tổ.

Xanh chợt thấy những con sóng chuột bắt đầu xao động, nhảy múa cuồng loạn như đang trong cuộc hành lễ đầy ảo giác. Xanh chợt thấy cây đòn dông mình đang bám víu bắt đầu đong đưa. Xanh kinh hãi nhìn thấy những tay thợ hồ bò que bò càng trong những cơn sóng chuột. Chỉ còn những động tác bò càng bò que, âm thanh bặt, mất tiếng hoàn toàn, những tiếng kêu rú, thều thào đã mất hẳn. Đầu Xanh nhức buốt và bắt đầu xoay vòng. Ba khuôn mặt chỉ còn một nhưng vẫn xoay vòng. Phải thôi! Xanh chợt thốt lên một cách vô thức, bâng quơ. Xanh đang tuột tay khỏi dần cây đòn dông, những ngón tay đơ dại, cơn sợ hãi biến mất. Xanh nhìn bao quát ngôi từ đường đang chao đảo lần nữa. Xanh nhìn cái giếng nhung nhúc chuột lần nữa. Xanh nhìn nền nhà đang dợn từng hồi, từng hồi những cơn sóng chuột lần nữa. Phải… thôi… Xanh lại thều thào một mình trong cơn trăn trối. Không có gì chắc chắn vĩnh viễn, đó là điều Xanh chắc chắn nhất. Gân cơ các ngón tay mất dần cảm giác và Xanh nhắm mắt rơi như hòn sỏi vô tri. Bục.

***

Lịch tỉnh lại, anh vẫn nhớ mọi chuyện như in hằn từ lâu lắm trong đầu mình. Những câu chuyện của ông Xanh với kiểu nói, kiểu kể lên đồng liên thanh không dứt làm Lịch thiếp đi lúc nào không hay, kiểu như một cái chết do bão hòa, do đầy, do phồng, do phân mảnh, do lưỡi ngã qua một bên bất động, do tai ù ù, ong ong, rít rít rồi không nghe gì nữa, âm thanh xung quanh còn chết, không gian xung quanh còn đơ cứng thì người không thiếp đi mê man mới lạ! Theo Lịch được biết có nhiều người đã mất kiểm soát, đã hoá điên vì nghe nói nhiều quá hay nghe một loại âm thanh thần chú ma quái gì đó vang mãi bên tai.

Lịch loay hoay chăm sóc vợ trên giường bệnh cạnh giường ông Xanh, nhờ chăm sóc vợ mà Lịch còn biết cuộc sống vẫn còn đâu đó sự sống, vẫn còn đâu đó thiện tính, vẫn còn đâu đó những nơi không bao giờ vang lên cái tiếng “bục” ghê rợn.

Ngay trước cái đêm ông Xanh vĩnh viễn đi xa, ông đưa tay khều khều Lịch và nói: “Để kể nghe chuyện này!”, đó là câu chuyện cuối cùng.

…Buổi trưa trên đồi Gió năm xưa chợt hiện về dù Xanh cố xua nó đi khỏi đầu óc tâm trí mấy chục năm qua, tưởng có một đồi Gió khác được dệt nên bằng những con chữ thay thế nó, đè lên nó làm nó đã chết đi nhưng giờ nó ngoi lên trở lại. Mà cũng lạ thật có những điều hôm qua Xanh còn cho là nó quan trọng, là ý nghĩa cuộc sống của mình, niềm tự hào của mình, những điều Xanh bảo vệ nó tới cùng  bằng mọi giá nhưng giờ đây nó đã trở nên vô nghĩa, chẳng là gì cả. Vì thế mà Xanh quyết định kể ra sự thật, không thể không kể, không thể giữ kín được nữa rồi, trước cửa tử mọi chuyện đều trở nên nhẹ như lông hồng.

… Xanh đang vác súng đi luồn gần con đường mòn được các đồng chí của mình gọi là con đường Sao Ba Chín Chiều, một cách ghép hình ảnh ngộ nghĩnh vì ở đó có một cây sao lớn có ba chạc đưa tán ra phủ kín một vùng, trong chín hướng đi tỏa ra khắp khu rừng ấy có một hướng chính là cửa ngõ đi vào căn cứ kháng chiến, là chỗ dựa vững chắc, kín đáo của các cơ quan kháng chiến cấp tỉnh, là điểm dừng chân quan trọng trên con đường vận chuyển vũ khí, lương thực nối liền từ tỉnh đến Trung ương Cục. Đoạn đường này thường bị máy bay địch bắn phá ác liệt, nhiều du kích hàng chú bác của Xanh đã bị bắn chết ở đây, có một đội dân công nghỉ chân ở đây đã bị bom vùi xác không chừa người nào. Đó là điểm chết chóc đáng sợ. Đang đi chợt Xanh nghe tiếng phành phạch trên trời rồi tiếng lá cây rừng lao xao rất gần, Xanh hoảng quá chạy thục mạng khỏi cái nơi nơi gọi là Sao Ba Chín Chiều đó, Xanh lách cây rừng leo lên đồi Gió, dù sao thì trên đồi cũng không phải là điểm trút bom đạn của địch, nơi trống địch thường ít để ý đến. Đang lúng túng, loay hoay tìm chỗ nấp thì trước mắt Xanh hiện một cái lỗ lớn do ai đó đào hang dông, hang rắn hay củ khoai rừng gì đó, Xanh ôm súng nhảy vội xuống, vơ lá chung quanh phủ kín lên người. Tiếng phành phạch mỗi lúc một gần, nhịp tim Xanh đập thình thịch trong lồng ngực. Xanh nghiêng nghiêng đầu đưa mắt lên nhìn, mấy ngọn cây bên trên quìn quịt từng cơn như có ai đang nắm kéo xuống, giật xuống, lá bay rào rào vần vũ trên đầu, tiếng phành phạch chát chúa ngay trên đầu. Cơn sợ hãi làm cho Xanh đái cả ra quần. Nếu lớp lá bị tốc ra hết, Xanh bị lòi ra thì chỉ có chết. Tiếng phành phạch bay qua, Xanh thở phào nhẹ nhõm nhưng chưa kịp hoàn hồn thì cái âm thanh ghê rợn ấy bất ngờ quay trở lại. Chiếc máy bay tàu gáo rà xuống thật thấp, từng luồng gió mạnh quét xoèn xoẹt xuống đất đá, lá bên trên, lá trong lỗ đều bay sạch không còn một chiếc. Xanh lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật. Toàn thân Xanh run lập cập, đáy quần ướt sũng, tay chân run bắn lên. Bấn loạn. Sợ hãi. Xanh chờ đợi tiếng róc-két vang lên. Chiếc máy bay đã phát hiện ra Xanh, nó rà xuống chuẩn bị ném lưới chụp bắt sống. Vùng dậy chạy cũng chết mà ngồi yên cũng chết, Xanh nghe được cả tiếng bọn Mỹ hô hét trên máy bay, hồn phách đang thất tán thì tay Xanh tự nhiên xiết vào cò súng, một loạt âm thanh chát chúa vang lên, một loạt nữa, rồi một loạt nữa. Chiếc máy bay như một con quái vật khổng lồ đã trúng đạn vào chỗ hiểm bốc cháy và lao xuống triền đồi. Một tiếng nổ vang động rừng núi cùng lúc với ngọn lửa bùng mạnh làm cháy rạt cả một vạt cây cỏ rộng đến trăm bước chân…

Kể xong, nghe xong, cả hai cùng im lặng một quãng dài. Ông Xanh thở ra thườn thượt và ném cái nhìn vô hồn lên trần. Lịch nhớ lại những trang sử do mình viết lòng ê chề nhục nhã.

Ba ngày đi ngang qua phòng đối diện Lịch quyết không nhìn vào. Ngoài thời gian đi mua thức ăn, nước uống, lau rửa, đổ bô cho vợ, Lịch bắt đầu quay lại được với công việc cả đời của mình. Những đêm hôm khuya khoắt, cả phòng bệnh nằm im sau một ngày đau đớn, mỏi mệt thì Lịch cũng nằm im suy nghĩ.  Ngoài việc nhận hợp đồng viết sử, Lịch còn là một nhà thơ tên tuổi trên thi đàn cả nước, anh đang suy ngẫm, phân tích về các quy luật của nhịp điệu, trong đó sự tác động của mật ngữ làm cho anh phải động não đến mức tóc bạc lốm đốm từng chòm. Lịch mơ hồ biết mình đã gần chạm được cách tác động của những âm thanh dạng thần chú, khi ta mở khẩu để phát ra một âm thanh hay nhiều âm thanh theo một cấu trúc nào đó như kiểu Phạn thơ đồ được đọc theo chiều quay kim đồng hồ thì đồng thời một phản lực cũng được tạo ra tác động ngược vào một phần hoặc toàn bộ cơ thể, tâm hồn, tâm linh, tạo sự chấn động và thay đổi. Gần sáng, khi Lịch đang chìm sâu trong dòng suy nghĩ miên man của mình thì những ngôn ngữ mà con người dùng để nói với gián và chuột trong câu chuyện quỷ quái của ông Xanh lại vang lên, rền lên, nối liền vào nhau, những âm thanh ở một tầng sóng bất bình thường cứ kéo dài ra mãi. Và cuối cùng là những tiếng u u, rít rít làm dựng hết lông trên người, làm buốt hết xương quai hàm, xương sọ, xương sống, xương cẳng tay, cẳng chân. Hai tay Lịch vội đưa lên bịt tai, hai ngón tay thọc ấn vào muốn đến tận màng nhĩ, một tiếng “bục” vừa vỡ ra rền rền, lan nhanh với tầng âm thanh hạ âm. Và lá, những chiếc lá vàng khô ảo mờ chẳng biết từ đâu ra bay vần vũ trên đầu như một đám mây lớn, từng luồng, từng luồng lá đập rát vào người Lịch rồi tiếp tục bay vòng vút lên, lại ào xuống trở lại đập vào mắt, vào mũi, vào tai… Lịch quơ tay hoảng loạn nhưng không nắm được gì cả. Có một trật tự bị che giấu, Lịch chỉ kịp loáng thoáng nghĩ như vậy bằng cái đầu tê buốt của mình rồi một tiếng “bục” tiếp theo rền mạnh đã làm Lịch trở thành cái xác không hồn. Người viết sử đã qua đời. Lần đầu tiên ở bệnh viện này có hiện tượng người nuôi bệnh lại qua đời trước bệnh nhân, phải đến ngày hôm sau ngực vợ Lịch mới thôi phập phồng.

Trong không gian lúc bấy giờ chỉ còn những tiếng “bục” nối tiếp theo một thứ nhịp điệu câu chữ rất kêu của những trang sử làng: Bục. Bục. Bục… Bục, bục, bục… Bục.