Marcel Proust (1871-1922) – Nhà văn Pháp, tác giả bộ sách “Đi tìm thời gian đã mất”, một ví dụ về tiểu thuyết xây dựng thành một hệ lớn, vẽ nên một bức họa khổng lồ, bức tranh tàn ác của xã hội Pháp trong “Thời Hoa lệ” đầu thế kỷ XX. Cuốn “Về phía nhà Swann”, tập 1 của bộ sách này, ra đời năm 1913, dù đã được những nhà văn lớn như Gide giới thiệu, cũng chỉ được in bằng tiền của tác giả, sau nhiều cuộc vận động “vất vả, nhục nhã và vô hiệu quả”.

Vào những năm 30 thế kỷ trước, khi khủng hoảng ập xuống Paris sau những năm phồn vinh, như một cơn bão, thì trong các quán cà phê của Montparnasse trước đấy đầy ắp văn nghệ sĩ, sinh viên, người du lịch các kiểu, thì nay vắng tanh. Tuy nhiên, vẫn còn một dúm người sống sót được qua cuộc khủng hoảng, một kiểu vô sản lưu manh sống bên lề, gồm một nửa là nghệ sĩ thực sự, một nửa là những kẻ bất lương thực thụ. Trong những người đó, luôn có những thiên tài chưa được đánh giá đúng và những kẻ hoang tưởng lúc nào cũng đe dọa sắp cho ra một cuốn tiểu thuyết sẽ đánh “tẹt mỏ Proust”. Tới nay, một thế kỷ đã trôi qua, một cuốn tiểu thuyết như vậy dường như vẫn chưa ra đời, ít nhất là ở Pháp.

Xung quanh năm 1997, 75 năm ngày mất của nhà văn, vẫn tiếp tục xuất hiện những tác phẩm lớn về ông. Như một nghịch lý đối với nhà văn đã đặt cơ sở cho tác phẩm Chống Sainte – Beuve của mình trên việc khước từ lý giải tác phẩm bằng tình tiết và sự cố lấy trong cuộc đời tác giả, chắc các độc giả Pháp chẳng ai quên phát biểu nổi tiếng của Proust: “Một cuốn sách là tác phẩm của một cái tôi khác cái tôi hàng ngày, thường biểu hiện trong thói quen xã hội và chứng tật”, vào thời đó, hai cuốn nghiên cứu đáng lưu ý nhất, lại là hai cuốn tiểu sử. Vấn đề là ở chỗ, cả hai tác phẩm này đều không tìm cách cung cấp cho ta chùm chìa khóa để mở tất cả các cửa đi vào tác phẩm, mà những chỉ dẫn, những phân tích nhận định khả dĩ giúp ta hiểu được tác phẩm, nhất là những mối quan hệ phức hợp giữa Proust – con người – tác giả và Người kể chuyện cùng nhân vật chính trong Đi tìm thời gian đã mất.

Cuốn Con chim bồ câu bị đâm trúng ức của Pietro Citati, một nhà nghiên cứu Italia, được cấu trúc xung quanh hai yếu tố: hạnh phúc và niềm hối hận. “Ít con người trần thế lại đã mong muốn hạnh phúc một cách mạnh mẽ, đau khổ và say mê nồng nhiệt như Proust thời mới lớn… nhưng đến một lúc trong đời, ông hiểu hạnh phúc không phải dành cho mình, và ông đã khước từ”. Đó chính là nỗi đau đớn, cái còn lưu lại sau tất cả. Theo lời Pietro Citati “trong Đi tìm thời gian đã mất, ông đã xây dựng một huyền thoại mênh mông: nỗi đau hủy hoại chúng ta, nhưng cũng nhờ đau khổ mà chúng ta có thể hái được những ý niệm, khách du hành đến từ một thế giới khác”. Bằng phương pháp mô tả những thời điểm cuộc đời: Proust thời mới lớn, đôi mắt to đen kiểu phương Đông lấp lánh dưới vành mi rộng, nhưng cả Proust khi đã trưởng thành tìm hiểu giới kinh doanh, bị mê hoặc vì những điều ám muội, nhớp nhúa của giới tài chính, Citati đi từ chuyện kể đến phân tích tác phẩm và tiếp cận tâm hồn nhà văn: “Và chúng ta cùng sống với ông các bi kịch và sai sót, bệnh tật và hối hận, cả công cuộc kiếm tìm Cái độc nhất, cho đến khám phá cuối cùng về những quy luật và những tương đồng bí ẩn chi phối thực tại”.

Khác hẳn với cuốn trên mà chính tác giả coi như một mộng mị xung quanh con người và tác phẩm hơn là một tiểu sử, quyển Marcel Proust của Tadié, một chuyên gia Pháp về Proust bộc lộ lao động kỹ lưỡng và dài hơi của một nhà viết sử. Đối với Tadié, “Lịch sử cuộc đời Proust trước tiên và  chủ yếu là lịch sử cuốn tiểu thuyết mà cuộc đời ấy cuối cùng đã dâng hiến tất cả”. Tadié đã tập hợp trong cuốn sách của mình mọi sự cố sử dụng được, và cũng chỉ bằng sự cố, ông uốn nắn lại những cách lý giải nhiều khi có phần dụng lạm của những tác giả trước ông. Cấu trúc tác phẩm chia làm hai phần làm nổi rõ cái được gọi là “sự đảo lộn” (cũng là một điều trong một thời gian khá lâu còn bí ẩn trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Proust mà thông thường các nhà nghiên cứu đặt vào khoảng năm 1909). Tadié nhấn mạnh ở đây, cũng như đối với Kafka, không thể nghĩ rằng Proust đã có một thời trẻ mềm yếu và lười biếng. Đằng sau vẻ ngoài, vẫn là một ý chí thép và một sự dửng dưng tuyệt đối với tiếng tăm danh vọng. Proust đã nói một cách chính đáng rằng, ông chưa bao giờ viết vì danh vọng và tiền, đó chỉ do niềm ham thích của ông.

Nhà văn Marcel Proust (1871-1922)

Ngay đây cũng nên nói thêm rằng, Proust không chỉ là tác giả của các thính phòng thượng lưu thơm tho phù phiếm thời Hoa lệ đầu thế kỷ, của “khách sạn Ritz với kiểu chiếu sáng rung rung những ánh hồng, những cốc kem sôcôla, hoặc kem dâu tây mầu hồng quế, một không khí nồng ấm êm dịu”. Nếu chỉ là vậy, sách ông không thể nói nhiều như thế đến các nghề bé mọn: những người phục vụ khách sạn, cả một bà trông nom toa lét, những gia nhân, trong đó có một gương mặt khó quên, Francoise, bà nấu bếp của gia đình, một trong những phát minh đẹp nhất của  Proust: “Có một sợi dây bí  ẩn, pha lẫn uymua và chất  thơ giữa cách nấu ăn của bà và tác phẩm nghệ thuật”. Khi người kể chuyện còn nhỏ, bà chọn các miếng thịt bò để nấu món thịt bò đông giống như Michel-Ange chọn các tảng đá cẩm thạch cho đài kỷ niệm một Giáo hoàng, còn sau này khi người kể chuyện quyết định bắt đầu viết, ông không dám so sánh mình với Michel-Ange, mà lại gợi nhớ lại món bò kiểu Francoise. Rồi cô bán sữa mà người  kể chuyện gặp thời còn  trẻ, vào một buổi bình minh, khi con tàu của ông dừng lại trên một sân ga vắng giữa hai ngọn núi: “Cô đi dọc theo các toa mang cà phê sữa mời vài hành khách mới thức giấc. Các tia sáng ban mai chiếu vào khiến khuôn mặt cô hồng hơn cả bầu trời. Nhìn thấy cô, tôi thấy lòng yêu cuộc sống trở lại, như trong chúng ta, mỗi lần ý thức lại được cái đẹp và niềm hạnh phúc”. Người kể chuyện hình dung cuộc sống sẽ tuyệt vời như thế nào nếu ông được ở bên cô: “Nàng sẽ giúp tôi hiểu được những quyến rũ của cuộc sống thôn dã, và những giờ đầu tiên của buổi ban mai”. Chỉ để được cô để ý tới, ông gọi cô đến, nhưng tàu đã khởi hành và cô gái đi trở lại con đường hẻm giữa hai dãy núi: “Người thiếu nữ đẹp mà tôi vẫn còn nhìn thấy khi tàu chạy ngày càng nhanh, đó như thể một phần của một cuộc sống khác với cuộc đời tôi đang sống, phân cách khỏi nhau bằng một đường riềm…”.

*

Đối với chúng ta, còn có thể có hai điều đáng quan tâm. Đầu thế kỷ XXI này, đã có ý kiến cho rằng: “Hơn cả cuộc kiếm tìm của ông về hồi ức, được tóm lược trong chiếc bánh mađơlen, ngày nay người ta quan tâm đến cống hiến phi thường của ông trên bình diện là người viết hồi ký lịch sử. Qua kính vạn hoa trí nhớ của Người kể chuyện trong tác phẩm, ta có thể theo dõi diễn biến của bốn thế hệ từ 1840 đến 1918, với hơn hai trăm nhân vật, điều khiến tác phẩm gần với Tấn trò đời của Balzac và Giòng họ Rougon-Macquart của Zola”. Nhưng có một điều khác hẳn: “Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên không tình tiết, thoát ra khỏi cấu trúc kịch- (vốn gắn với tiểu thuyết thế kỷ XIX)- trình đề, thắt nút, cởi nút”. Tác phẩm được xây dựng thành hình vòng trên sự đối lập giữa thời gian đã mất và thời gian tìm thấy lại: một sự đảo lộn về thời gian tiểu thuyết khiến sau Proust, ít ai còn muốn viết theo trình tự biên niên. Còn nữa. tiểu thuyết truyền thống gắn với lịch sử, đặt trọng tâm lên sự cố lớn của một cuộc đời hoặc của lịch sử. Những biến động ghê gớm đầu thế kỷ XX không còn cho phép người nghệ sĩ tổ chức được sự cố và chất liệu để đưa vào tiểu thuyết một cái nhìn tổng quát: “lịch sử đã trở thành Nghiệp chướng”. Để thoát ra khỏi sự khủng hoảng đó, Proust là người đầu tiên- Woolf và Joyce đều xác nhận món nợ này với Proust – cho rằng không cần để ý tới tầm quan trọng của những sự cố: “Cấu trúc của Đi tìm… và vai trò của thời gian khiến một sự cố có vẻ không có giá trị, trở nên xuất phát điểm của một hệ thống những tiếng vang, những kết luận sâu xa, những biến tấu đầy chất thơ” (Tadié). Kết thúc màn kịch nổi tiếng về mẩu bánh mađơlen nhúng trong chén trà nóng một ngày đông lạnh (khi người kể chuyện đã trưởng thành), gợi về  hương và vị được “nếm trải” khi còn là một cậu bé, Proust đã viết: “…. Và tất cả Combray và vùng lân cận, mọi thứ hiển hiện lên và rắn chắc lại, cả thành phố lẫn vườn hoa, đều từ chén trà của tôi đi ra”. Đó là một chuyển hóa ngược từ khách thể vào chủ thể, từ cái có tầm quan trọng sang cái có vẻ ngẫu nhiên so với tiểu thuyết thế kỷ XIX.

Một vấn đề quan trọng nữa về tiến trình thể loại mà kiệt tác của Proust đặt ra cho nền văn học thế kỷ XX (Kundera từng nói về vai trò của âm nhạc, của tiểu luận, của các vấn đề  hiện sinh nghĩa là triết học trong tiểu thuyết) chắc là đến từ điều trước đây được coi như bí ẩn của sự hình thành Đi tìm thời gian đã mất (dự kiến ban đầu là viết một tiểu luận); và các tranh luận về thể loại của tác phẩm sau khi ra đời: nhật ký riêng tư? Tự thuật? Hay tiểu thuyết tự thuật? Để cuối cùng đơn giản nó chỉ là tiểu thuyết, tiểu thuyết và khả năng vô địch của nó từ thế kỷ XX trở đi, trong việc “hút vào mình những thể loại khác”.

*

Tôi viết bài trên đây, khi bắt đầu dịch những trang đầu tiên của tập đầu tiên trong cuốn Đi tìm thời gian đã mất. Từ bấy, nhiều năm đã trôi qua. Năm 2013 này mới hội đủ điều kiện để Về phía nhà Swann có thể ra mắt độc giả Việt Nam trong bản dịch. Sự tiếp nhận của độc giả sẽ ra sao? Điều đó không khó để đoán trước, khi từ lâu người ta đã nói về sự xuống cấp của văn hóa đọc. Cũng đã từ lâu, Julien Gracq, một nhà văn Pháp hiện đại, đã nói: “Hoàng hôn của hư cấu (văn học, ĐTH) cứ rõ dần…”. Trong khi đó, điện ảnh và truyền hình vẫn sản xuất ra những hư cấu ở tầm với của một số lượng khán giả đông khó tưởng tượng được. Lại còn hư cấu kỹ thuật số (hiện nay đã được điện ảnh sử dụng) xuất hiện chậm nhất, nhưng đã tỏ ra là một địch thủ đáng gờm trước tất cả các loại hình đi trước: tốc độ nhanh như chớp của nó, thật phù hợp với tốc độ sống hiện đại.

Vậy thì, không phải chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới, sẽ đọc Proust ra sao đây khi phải đọc “một cái ông mà ngay từ đầu sách đã để hẳn hơn 30 trang, chỉ để miêu tả ông ta phải trở mình trên giường ra sao, trước khi ông ta ngủ được” (!). Nhưng cũng chính Gracq đã nói về một nét “hiện đại” (?) của Proust khi ông ta thú thật, ngại đọc những sách quá dày “nhưng vẫn có thể đọc Proust bằng trích mảnh”. Và Girard, nhà văn và nhà xã hội học Pháp hiện đại cũng không nói khác hơn: “Ta có thể mở “Đi tìm thời gian đã mất”, ở bất cứ đâu, và ta vẫn hiểu. Nhưng phải đọc Dostoievsky từ trang đầu đến trang cuối không bỏ một dòng nào”. Nói vậy thôi, để phân biệt kỹ thuật viết của hai tác giả trên, còn bản thân Girard hẳn phải đọc Proust kỹ đến mức nào khi ông viết được những trang hay đến thế về Proust trong cuốn Dối trá lãng mạn và sự thật tiểu thuyết (Pluriel, Ed.Grasset 1961). Đặt trong một thế song hành đầy sức thuyết phục, những kiệt tác của ba nhà văn lớn, Girard chỉ ra cái mà ông gọi là vanité (tính phô trương hợm hĩnh hoặc thói phù du của con người) ở Stendhal, sự sủng ái đầy thù ghét ở Dostoievsky, và thói snobisme (học đòi, xu thời, thậm chí cơ hội chủ nghĩa) ở Proust. Theo Girard, đấy chính là động cơ ngầm ẩn trong ứng xử của con người thời hiện đại. Ông cũng chỉ ra lý do tại sao Proust (và trước ông, Stendhal và  Dostoievsky cũng bị lôi cuốn như vậy bởi tầng lớp trên của xã hội), đã chọn làm đối tượng chủ yếu để miêu tả cái khung nhỏ bé của Faubourg Saint – Germain: chính trên “đỉnh của tòa nhà xã hội” mà các căn bệnh thời đại được thể hiện một cách gay gắt nhất, chính trong tầng lớp thượng lưu quý tộc (và học đòi theo nó, là tầng lớp giàu mới nổi) mà sự suy thoái và sự đồi bại thối nát bộc lộ sớm nhất. Để rồi từ trên đỉnh, “các triệu chứng nhà tiểu thuyết quan sát thấy sẽ dần dần lan xuống các tầng lớp thấp hơn của xã hội”. Và Girard kết luận: “Thế giới Proust bé nhỏ nhanh chóng đi xa dần chúng ta, nhưng thế giới rộng lớn chúng ta đang sống hiện nay lại ngày càng giống nó hơn”. Do vậy, “Proust ngày càng bớt khó hiểu, và trở nên trong suốt (transparent) hơn”.

Tất cả những điều nhận định trên đây của một tác giả phương Tây từ giữa thế kỷ trước, ở một châu Âu già cỗi, vẫn khiến chúng ta suy ngẫm, và từ đấy hy vọng rằng Proust có thể được đọc và được hiểu trong một bộ phận không lớn các độc giả Việt Nam chăng?

Nguồn tin: Báo Văn Nghệ số 5/2013

Exit mobile version