Ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng có những bản làng. Tới nay, nhiều ngôi làng đã biến thành phố nhưng vẫn còn đó những đi ngôi làng mang vẻ đẹp của thời gian, của dấu ấn văn hóa – kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc. Những bản làng ấy vẫn lưu giữ tập tục truyền thống, cách đối nhân xử thế tối lửa tắt đèn có nhau, hương ước của làng, quy ước của dòng tộc và nghề truyền thống. Những làng bản thân yêu ấy là nơi chốn cho chúng ta đi về, nương náu. Từ số báo này, Chuyên đề Dân tộc và Miền núi báo Đại Đoàn Kết mở chuyên mục “Bản làng thân yêu”. Rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc xa gần.

Bến đò làng Thổ Hà vẫn đậm chất xưa cũ.

Thổ Hà là tên gọi một làng nghề có 3 mặt là sông thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Đây là một ngôi làng cổ thuần Việt với cây đa, bến nước, sân đình và những nếp nhà cổ nằm sâu trong các ngõ hẻm lát gốm…

Làng Thổ Hà nổi tiếng với nghề làm gốm. Sử sách còn ghi, nghề làm gốm Thổ Hà xuất hiện từ thế kỷ XIV. Với địa thế thuận lợi bên sông Cầu, Thổ Hà nhanh chóng trở thành một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Nhờ sự hưng thịnh của nghề gốm, đời này qua đời khác, người dân nơi đây đã xây dựng Thổ Hà thành một quần thể xóm làng thuần Việt với những đình chùa, cổng làng bề thế với lối kiến trúc cổ kính, trầm mặc mà dân dã.

Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, được làm từ đôi bàn tay của những nghệ nhân dân gian của làng.

Gốm Thổ Hà xưa không dùng men, cái thứ đất dẻo kỳ diệu ấy được nung cho đến tự chảy men ra, bám trên bề mặt đồ gốm một màu nâu óng, mượt như nhung, mát lịm. Làng chỉ làm đồ gốm gia dụng, những chum vại, tiểu sành, chĩnh chõ. Bề mặt đồ gốm tím sẫm, đanh lại, gõ kêu như đánh vào thép nguội. Cho tới ngày nay, những mảnh gốm lưu dấu nghề gốm vẫn được gắn trên các bức tường trong các con ngõ. Hay nhiều đồ dùng gia truyền bằng gốm ở Thổ Hà vẫn xuất hiện trong các gia đình. Người Thổ Hà giờ chuyển qua nghề thủ công làm bánh đa nem và bánh đa dừa. Đi dọc đường làng, ngõ xóm, vào mỗi ngôi nhà đều bắt gặp cảnh người dân phơi bánh đa san sát.

Ngôi nhà cổ nhất của làng Thổ Hà với hơn 300 năm tuổi. Lối kiến trúc đặc trưng của người Việt xưa: 5 gian 2 trái, vật liệu chủ yếu là gỗ và đất nung, mái thẳng hếch lên ở hai đầu lấy cảm hứng từ mũi thuyền và được lợp bằng ngói mũi hài (ngói vảy rồng).

Ghé Thổ Hà, đừng bỏ qua ngôi đình Thổ Hà nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Đình có trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000 m², được xây dựng năm 1685 thời vua Lê Chính Hòa năm thứ 7. Đình được dựng theo kiểu chữ công với nhiều chi tiết chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động. Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ. Nghệ thuật điêu khắc độc đáo từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương.

Đình Thổ Hà có kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000 m², được xây dựng năm 1685 thời vua Lê Chính Hòa năm thứ 7.

Còn với nghề gốm, nay chỉ còn gia đình duy nhất một người gắn bó với nghề đó là bà Trịnh Thủy Tiên, 10 đời theo nghề gốm. Bố của bà là cố nghệ nhân Trịnh Đắc Tân. Bà Tiên tâm sự, vì yêu nghề và nhìn thấy khả năng phát triển của nghề gốm trong tương lai nên trước khi qua đời, cụ đã dặn dò con cháu phải duy trì nghề gốm. Bà Tiên và những người trong gia đình hiện đang khôi phục nghề gốm gia truyền.

Những sản phẩm lưu dấu nghề gốm Thổ Hà.

Mặc dù lò gốm nơi đây không còn đỏ lửa, nhưng còn những người như bà Tiên thì người ta vẫn nuôi hy vọng rồi đây làng gốm Thổ Hà sẽ hồi sinh.

Theo Kim Khanh – Đại đoàn kết

Exit mobile version