(Đọc Một chuyến đi, ghi chép chiến trường của Mai Thế Chính, Nxb Quân đội nhân dân, 2015) NGÔ XUÂN HỘI

ảnh: Internet

Những ai say mê truyện Tam quốc hẳn nhớ tích rừng mơ, kể Tào Tháo dẫn đoàn binh đi đánh Trương Tú, giữa đường hết nước uống, tướng sĩ khát cháy cổ. Tháo bèn lấy roi ngựa trỏ bừa về phía trước, nói lớn: “Phía trước có rừng mơ”. Nghe mơ, nước dãi của quân sĩ ứa đầy trong miệng, và đoàn quân lê bước đi về phía trước với hy vọng tràn trề, được giải khát.

Lê Đình Hiệp – Xê trưởng c5, e219 bộ đội công binh ta trên chiến trường Quảng Trị năm 1970 không biết đã đọc Tam quốc chưa, nhưng cách anh động viên bộ đội xem ra láu cũng không kém gì Tào Tháo. Này nhé: “Lính ta đi mệt, nhưng gặp thanh niên xung phong thì vui liền! Chỉ là mấy câu nói vẩn vơ, hoặc tế nhị hoặc bỗ bã, những nụ cười thoáng qua, những hòn đất lén ném từ một bàn tay tinh nghịch nào đó, những tiếng hỏi “đồng hương đồng khói”, thế cũng đủ tạm xua đi  nỗi mệt nhọc của cả hai bên rồi. Lần chuyển quân từ đường 18 vào Mường Chương, đại đội của Hiệp đã trải qua “hoàn cảnh” đó. Hiệp cứ lựa đến chỗ có thanh niên xung phong làm việc mà cho anh em nghỉ mười phút. Lính ta khoái lắm, hết giờ nghỉ lại vừa đi vừa hỏi: – Trên kia còn nữa chứ, thủ trưởng?. – Ừ, còn, đi cố lên!…” (trang 42-43). Thế là mọi người lại hăng hái bước tiếp.

Cách ứng xử của Hiệp được cuộc sống định danh là “Cái khó ló cái khôn” và những cái khôn như thế của lính trên chiến trường thì nhiều lắm, chẳng hạn: “Xe chở hàng vào Hướng Hóa. Đến ba-ri-e trước Làng Vây, lái xe ngại bom đạn, định đổ hàng xuống. Công binh mình sợ không thuyết phục được, mới đánh lừa, bảo còn lâu mới đến Làng Vây, rồi lên ca-bin và hứa sẽ chỉ đường. Để xe qua Làng Vây cũng không nói gì. Đến Hướng Hóa mới bảo dừng xe. Thế là hàng được đổ đúng nơi  quy định.” (tr.70).

Hoặc nữa: “Bom bi nổ chậm khi rơi xuống đất thì bật ra bốn sợi dây dài khoảng 10 mét, mảnh như sợi cước nhỏ nhất, màu xám, khi có ánh nắng chiếu vào thì loáng lên, người ta khó nhìn thấy. Vô ý chạm phải một trong bốn sợi dây đó, cũng đủ làm bom nổ. Khắc phục nó bằng cách châm lửa đốt dây. Một lần thấy bom, Sàn (Trợ lý chính trị Trung đoàn 7) bật lửa đốt dây rồi lần theo, thấy đúng quả bom bi, liền đặt vào đấy một lượng nhỏ bộc phá, cho tiêu nó” (tr.98).

Hoặc nữa nữa, thế này…

Mai Thế Chính, tác giả của những ghi chép trên thuộc lớp đầu tiên của thanh niên Hà Nội lên đường chống Mỹ. Anh nhập ngũ ngày 10-10-1958, tròn 4 năm sau Giải phóng Thủ đô. Được biên chế vào binh chủng Công binh, trải qua nhiều lăn lộn thao trường và chiến trường, tháng 7-1966, từ một đơn vị sẵn sàng chiến đấu, Chính được điều về làm trợ lý tuyên huấn binh chủng, phụ trách Tờ tin, sau thành báo Công binh. Đọc anh, mới biết cuối tháng 1 đầu tháng 2-1968 ta nổ súng đánh Huội San, Làng Vây thì từ mấy tháng trước đó, công binh ta đã có mặt trên đất bạn Lào để mở đường về hướng Đông. Chuẩn bị cho chiến dịch Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972 thì từ năm 1969, 1970, Trung đoàn Công binh 7 (Đơn vị hai lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), Trung đoàn Công binh 83 (Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) đã đi mở đường B70, một con đường nghi binh chạy từ Hướng Hóa (vùng A Sầu, A Lưới), qua sông Đakrông xuống bao vây thị xã Đông Hà ở mạn Bắc. Tất cả những chuyển động đó của binh chủng Mai Thế Chính đều có mặt. Một chuyến đi mà anh nói ở đây là chuyến đi vào Quảng Trị năm 1970 với những đơn vị đang làm con đường nghi binh nói trên.

Cũng lạ là trong cuộc đời làm báo của mình, tác giả hẳn còn có nhiều chuyến đi khác, nhưng vì sao sau khi đã xoa tay gác kiếm, chỉ có chuyến đi này được anh in thành sách? Tôi tò mò mở sách ra xem.

Ghi chép bắt đầu ngày 26-4-1970 ở Hà Tĩnh, kết thúc ngày 20-7-1970 ở Hà Nội, thời gian gần ba tháng. Mà những gì đoàn đi nếm trải, đảm bảo cho các anh tiêu một đời không hết. Cảnh máy bay, thám báo địch lùng sục, ném bom. Cảnh bộ đội hành quân, làm đường trong nắng, trong mưa, trong bom đạn, trong đói khát giày vò, chịu đựng sên vắt muỗi độc, sốt rét hàng năm trời vẫn lạc quan, bền chí. Cảnh đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Trị, đồng bào Lào dù gian khổ, đạn bom vẫn một lòng gắn bó với cách mạng dưới ngòi bút của Mai Thế Chính hiện lên kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Xen giữa những chi tiết là những nhận xét đầy cảm xúc. Ví dụ: “Người Vân Kiều đơn giản mà sâu sắc” (tr.164), hay: “Vào đây mới thấy rõ binh chủng Công binh đúng là vừa phải bảo đảm chiến đấu vừa chiến đấu.” (tr.112). Tuy nhiên, là ghi chép nên chủ yếu anh chỉ kể và tả. Kể thật nhiều và tả cũng thật hay. Từ những kể và tả của anh, những vùng đất (đã đành) mà những gương mặt người hiện lên thật ấn tượng: đội viên xe máy Tân, 43 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh đi bộ đội từ 1947, 1962 chuyển ngành sang Ty Giao thông Nghệ An, năm 1965 trở lại bộ đội, hết ở C lại vào B… Trạm trưởng Sửa chữa Nguyễn Sơn Hải, 34 tuổi, quê Sài Gòn, từng đi khắp các đơn vị mới thành lập. Đã qua C, vào B. Lần chuẩn bị sang C cuối 1965, Hải phụ trách mấy đồng chí thợ sửa chữa; cả tổ được nghỉ 5 ngày, tranh thủ về gia đình. Hải không biết đi đâu. Sau, tổ viên Tấn đề nghị Hải về nhà mình ở Lý Nhân, Nam Hà chơi. Về quê Tấn, Hải gặp một cô gái gọi Tấn bằng cậu. Năm ấy cô ta 19 tuổi. Hải thì đã 29. Hải để ý cô ta. Khi Tấn hỏi Hải có ưng không, Hải gật ngay. Tấn đứng ra mai mối. Thế là quen nhau. Một năm sau, 1966, Hải về Lý Nhân cưới cô ta. Bây giờ hai vợ chồng đã có con gái đầu lòng một tuổi…

Chiến sĩ thì như vậy, còn các thủ trưởng trung đoàn thì sao? Tất cả được anh em quý mến! Hồi tháng 4, Phó Chính ủy Đỗ Giả đến c6. Anh chỉ báo qua cho đại đội biết, rồi cùng đồng chí cảnh vệ về tổ của a phó Chương: “Hôm nay mình không đi đâu cả, đến đây làm thí điểm với các cậu một ngày” (tr.124). Nói rồi Phó Chính ủy quần đùi, áo lót kéo dây, để cậu cảnh vệ cầm bàn trang, Chương và một đồng chí nữa thì cuốc đất. Một “sự kiện lịch sử” ở e này, và có lẽ cả trong binh chủng nữa. Năng suất mọi ngày chỉ 11-12 m3 đất, hôm ấy mỗi người 13 m3.

E phó Nguyễn Ngọc Bảo có bao thuốc lá cũng mời khắp, hết thì cùng hút thuốc lào; cũng mang theo một vắt cơm cùng ăn với anh em. Bất kỳ mở đường nào, bao giờ e phó Bảo cũng là người xông xáo, sâu sát đơn vị.

Tham mưu trưởng Trần Khê thì được khen là tỉ mỉ, cẩn thận, nghe nói  còn giữ được hộp kim chỉ từ năm 1946 hồi mới đi bộ đội; lúc nào trong ba lô cũng có gạo dự trữ. Trong hội nghị, anh Khê hay lên hát chèo; có lần anh đứng cạnh máy húc, chắp tay sau lưng hát động viên anh em ngay tại mặt đường…

Càng đọc càng thấy cảm phục các anh các chị, một thế hệ vàng ròng của đất nước. Và khi trên dưới một lòng thì không có gì chúng ta không làm được. Mỹ, Ngụy dù đổ bao nhiêu bom đạn đánh phá, vẫn bất lực thấy đường của Cách mạng ngày một vươn dài. Con đường B70 sau đó đã làm tròn sứ mệnh mà lịch sử đặt ra cho nó…

Lý do để  Một chuyến đi được in thành sách cũng thật hay. Tháng 4/2012, Mai Thế Chính (lúc này đã nghỉ hưu), tình cờ đọc được trên báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam bức thư của Ngô Xuân Hòa, một cựu binh của e7 công binh gửi họa sĩ Thành Chương, cảm ơn họa sĩ về ký họa chân dung của mình mà họa sĩ đã vẽ từ 42 năm trước, in trên báo Văn nghệ số kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (Họa sĩ Thành Chương cũng là một thành viên trong đoàn đi năm 1970). Những dòng thư cảm ơn in trên báo của người cựu chiến binh đã thúc giục anh lục lại trong đống sổ sách lưu trữ cuốn sổ nhật ký, cho đánh máy, xuất bản.

Với chúng ta nói chung, nhật ký là để ghi nhớ sự kiện cuộc đời, làm tài liệu cho những công việc dài hơi về sau. Nhưng nếu người ghi ở giữa dòng thời cuộc, tâm tư tình cảm luôn gắn chặt  với quốc gia đại sự, theo thời gian bản thân những ghi chép của họ đã là một giá trị mà không một loại hình văn nghệ nào có thể thay thế. Đấy chính là lý do vì sao các nhật ký của Nam Cao, của Dương Thị Xuân Quý, của Chu Cẩm Phong, của Đặng Thùy Trâm, của Nguyễn Văn Thạc… được nhiều người tìm đọc. Trên ý nghĩa ấy mà Một chuyến đi của Mai Thế Chính được nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, dẫu hơi muộn, nhưng xiết bao cần thiết.


(Nguồn: Báo Văn Nghệ- HNV)