Giống như câu chuyện truyền cảm hứng, hành trình hồi sinh nhà Lang Mường của những tấm lòng tâm huyết với văn hóa đã đánh thức cộng đồng có thể biết, hiểu, yêu và cảm những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

 

Từ những tấm lòng đau đáu…

Theo thông tin mới nhất từ họa sỹ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường: Đến ngày 5-1-2016, phần mộc của nhà sàn đã được hoàn thành và buổi lễ khánh thành sẽ tổ chức vào ngày 15-1-2016 tại 202 Tây Tiến, TP – tỉnh Hòa Bình.

Xin nhắc lại, hành trình hồi sinh nhà Lang là một câu chuyện dài, ở đó có sự chung tay, liên kết giữa cộng đồng nghệ sĩ và những người yêu, tâm huyết với văn hóa truyền thống.

Hành trình bắt đầu từ lời “kêu cứu” của người luôn đau đáu, trăn trở với nhà Lang từ những ngày đầu- họa sỹ Vũ Đức Hiếu (tức Hiếu Mường).

Những người thợ tham gia thi công phục dựng nhà Lang

Trước đó, vào năm 2013 sự kiện cháy Nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường bị cháy rụi dưới tay người tham quan thiếu ý thức, cùng toàn bộ các hiện vật văn hóa trưng bày đã gây chấn động.

Được biết, ngôi nhà Lang bị cháy vào cuối năm 2013 có tuổi thọ trên 100 năm, là ngôi nhà Lang cuối cùng của cộng đồng người Mường tại Hòa Bình. Đây là ngôi nhà quan trọng nhất đối với dân tộc Mường về kiến trúc và ý nghĩa trong đời sống tâm linh, văn hóa, sinh hoạt hàng ngày; được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối theo tính kế thừa huyết thống của các quan Lang.

Đáp trả tiếng “cầu cứu” ấy, một cuộc “xuống đường vì văn hóa” đã được mở ra. Lần đầu tiên, 57 họa sĩ, nhà điêu khắc ở cả 3 miền, thuộc 4 thế hệ nghệ sĩ với nhiều tên tuổi trong đời sống mỹ thuật đương đại đã tặng 61 tác phẩm tranh, tượng, tác phẩm điêu khắc để triển lãm và bán đấu giá phục dựng ngôi nhà Lang

Nói như họa sĩ Thành Chương, chúng tôi không vô can trong sự việc này, để thức dậy ý thức cho xã hội. Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình. Vì phải đánh thức dậy ý thức bảo tồn đúng đắn cho cả chính sách của nhà nước…”.

Ngay khi cuộc đấu giá triển lãm kết thúc, công việc phục dựng nhà Lang đã được bắt đầu vào ngày 27-11-2015. Nhưng trên  thực tế, kế hoạch để phục dựng nhà Lang đã được bảo tàng đã được chuẩn bị từ rất lâu như tìm kiếm vật liệu, thợ dựng nhà, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia.

….đến câu chuyện bảo tồn, phục dựng di sản

Khi chúng tôi thắc mắc, liệu những kỹ thuật và chất liệu hiện đại được thay thế ấy có mang lại những lợi ích đáng kể cho việc bảo tồn hay không ? Bởi khi bảo tồn, các kỹ thuật và chất liệu truyền thống luôn được ưu tiên sử dụng nhưng nhà Lang thì gần như đã bị thiêu rụi hoàn toàn ?!

Đại diện Bảo tàng không gian văn hóa Mường cho biết, về ngôi nhà Lang phục dựng, những phần khung cột cũ và quá giang bị cháy xém bên ngoài vẫn tiếp tục được sử dụng. Ngôi nhà sàn nhờ thế vẫn mang một phần “hồn vía vật chất” của ngôi nhà cũ.

Những phần không thể tái sử dụng, được giữ lại và nhận được sự hỗ trợ – xử lý miễn phí hoàn toàn – của Viện bảo tồn di tích Việt Nam.

Cụ thể, phần mới thay thế gồm các bộ phận bằng gỗ chai, nghiến được sưu tầm từ nhà sàn của người Mường ở khu vực Thu Cúc, Phú Thọ chuyển về. Một số bộ phận khác do anh Bùi Văn Cường – chủ xưởng gỗ ở Thanh Sơn, Phú Thọ cung cấp. Các bộ phận này được chỉnh sửa và lắp dựng dựa theo mẫu của nhà Lang cũ.

Nhà Lang đã được hồi sinh từ đống tro tàn

Thi công công trình do đội thợ làm nhà người Mường ở Tân Sơn, Phú Thọ thực hiện. Các hiện vật trong nhà Lang trước kia, có hiện vật được gắn lắp lại từ những mảnh vụn như bộ súng săn, còn lại chủ yếu được thay mới như bộ chiêng, gùi, chăn nệm, ấm chén, nồi đồng, bát đũa…

Ông Vũ Đức Hiếu chia sẻ: “Nhà Lang của Bảo tàng không gian văn hóa Mường cho đến hôm nay đã thành hiện thực! Sự giúp đỡ quý báu bằng nhiều hình thức như tác phẩm nghệ thuật, kinh phí, vật chất, hoạt động truyền thông – báo chí… từ nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan… trên tinh thần vì di sản văn hóa đã giúp bảo tàng hoàn thành được nguyện vọng này”.

Có thể thấy rằng, việc phục dựng thành công nhà Lang đã thúc đẩy câu chuyện bảo tồn và phát triển di sản trên cả nước sẽ không còn lạc lõng giữa những thứ trào lưu văn hóa kệch cỡm ngày nay.

Xin mượn lời của nhà điêu khắc Đào Châu Hải: “Nhà Lang là câu chuyện của văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa truyền thống ấy vẫn nối mạch trong lòng đời sống văn hóa đương đại. Việc chung tay phục hồi nó, là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của từng nghệ sĩ. Qua đó, người ta thấy được câu chuyện của văn hóa thời nay, của sự chia sẻ ấm áp…”.

 

Theo Quỳnh Nguyên – Dân trí

Exit mobile version