(Đọc tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ)
Đặt chân tới “Thành phố đi vắng”, lập tức bị lôi không cưỡng được vào một không gian không phải ba chiều quen thuộc mà nhiều chiều. Ở đó đường thẳng dường như đã bẻ cong, mặt người như biến dạng và thời gian như ngưng đọng.
“Hôm qua xe bus của thằng cháu tôi, đỗ một chỗ đợi, có bà tự lao vào đuôi xe, nằm trong đấy. Đúng lúc thằng bé nổ máy chạy đi thế là cán nát bươm. Chết gì như tự tử ấy…”
“Tối qua… Có con bé giận mẹ, cầm dao trong túi quần đi tự tử… Nó điên lên, rút ngay dao đâm bị thương mấy người rồi nhảy xuống lao đầu vào ô tô tải”
“Giá rau muống lên rồi, mà rau thì toàn hóa chất, đàn vịt nhà tôi, mới hôm kia lăn ra chết vì ngộ độc rau muống sống…”
Một bà tự lao vào đuôi xe – một con bé cầm dao trong túi quần đi tự tử – đàn vịt lăn ra chết ngộ độc rau muống… Các sự kiện trồi lên rồi lại chìm đi – chẳng liên quan tới nhau, chỉ hiện ra khi ta nhìn nó và lại biến đi khi ta nhìn chỗ khác.
“Thành phố như người đông máu, vô cảm dửng dưng “…”
“Nhìn chung là rất thích. Rõ ra sự thay đổi, nhưng có điều gì đấy, giống như cả thành phố này đang đi vắng, hoặc sắp dọn đi, và ai cũng trong tư thế chuẩn bị”…
“Cô gái nói xong, tiến tới con chó. Bằng một động tác nhanh như tia chớp xẹt ngang trời đêm, đá một phát thẳng vào giữa mồm con chó… nó nằm vật ra đất, cổ ngộ sang bên…”
Chết do nhảy cầu tự vẫn. Chết do đổ xăng vào người rồi đốt. Chọc nhau trong quán nhậu là vớ dao đâm chết người. Chết do lật xe, cả một đống người không nhận ra ai nữa… Các sự kiện đều nhuốm màu tai ương và chết chóc dù ở quá khứ hay hiện tại đều xảy ra không theo trật tự tuyến tính (linéaire) mà đột ngột hiện ra trong một chuỗi đứt đoạn (discontinuité) như ở sẵn đó, cùng một thời điểm cứ như thời gian đã đóng băng, đã ngưng đọng.
Và nếu hình dung mỗi sự kiện như một cù lao thì truyện ngắn như một vùng biển vô số các cù lao cách biệt, chẳng liên quan gì tới nhau, chẳng rõ ở đâu tới, tại sao nó có ở đó và rồi sẽ ra sao?
Trong “X-Men có mùi trường đua”, cô gái điếm từng cả trăm lần đi khách, gặp X-Men “rúm người, rúc vào anh, hít mùi hương càphê cháy đậm đặc, điều chưa xảy ra với một đứa làm gái là hít mùi mồ hôi của khách như hít hương người yêu, nhất là lại hôn nhau xoắn chặt môi không dứt.”
Vậy là nàng đã yêu và về ở với X-Men, một huấn luyện chó đua. Và rồi ở ngoài biển người ta vớt xác một thiếu nữ khoả thân trên người có những vết răng chó.
“Có nghĩa không phải anh giết người một lần mà nhiều lần” “Không nhớ nhiều thế nào. Mà này, anh phải làm gì hay nói thế nào, em mới chịu tin là anh giết cô gái trôi ngoài biển ấy nhỉ?”
Như vậy đó, lại tai ương và cái chết được kẻ giết người nhắc tới với giọng lạnh tanh nhẹ bỗng như hút thuốc vậy.
Một đôi trai gái khác hay lui tới “Phòng chiếu phim số 9” khiến tạp vụ phải khen: “Đẹp đôi thế không biết. Cả năm nay một tuần gặp đến ba lần, lúc nào cũng thấy anh chị vui vẻ, thích xem phim. Nhìn anh chị em phát thèm.”
Vậy rồi tan buổi chiếu soát vé đã phát hiện ra: “Hai mắt trong suốt mở to nhìn người đối diện. Ngực trái là con dao làm bằng xác máy bay, thép trắng xanh có khắc số 1975 bằng tay, cắm sâu và dòng máu nhỏ đạm đặc thâm đông trên nền áo trắng, chảu xuống đùi, đọng thành vũng dưới mặt sàn trải thảm…”
Chi tiết được đặc tả rất “chi tiết” cứ nhan nhản trong các truyện khiến người ta liên tưởng tới chủ nghĩa thái thực, hay cực thực (hyperrealisme) một thời rất thịnh hành ở phương Tây. Ai giết chàng trai? Không rõ. Chỉ biết nghi can là cô gái. Tại sao giết? Không biết. Không thể không nghĩ tới “hành vi vô căn” (action gratuite) trong văn học hiện sinh.
Rạp được bán cho người khác. Và đây là một đoạn văn “cực thực” kể lại một tai ương bất ngờ:
“… Con trưởng của vợ chồng chủ cũ cụm rạp chín phòng chiếu mười sáu tuổi chở người yêu mười lăm ở đâu phóng về, tốc độ trong phố đông 75km/h, gào thét chửi đàn em tay qua điện thoại Vertu Signature trị giá gần trăm nghìn USD cái tội đêm qua nó thua cá độ mấy trái gôn đậm đặc con Audi R8 hơn bốn trăm ngàn đô Mỹ mới nhập về được chục ngày. Một tay lái xe, một tay điện thoại, người yêu mười lăm váy ngắn chân dài ngồi bên lấy tay xoa đùi người yêu con trưởng loạng quạng tránh bà đồng nát tự nhiên mọc đâu ra trước mặt, mất lái đâm thẳng, dính nguyên đầu Porsche vào gốc cây xà cừ cả trăm tuổi, đúng lúc chồng quần soóc áo thun úp mặt gốc cây trước cửa cách nhà ba mét, khoan khoái xả chất thải – một thói quen tiểu đường từ thủa hàn vi – thì Porsche của bố do con của bố lái ép xác bố chặt như ảnh chụp xong mang ép plastic..”
Khác hẳn lối viết cảm xúc xót thương, day dứt, giận dữ cổ điển, giọng văn Nguyễn Thị Thu Huệ thản nhiên không phải vô cảm mà vô sắc, trung tính vốn là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt các truyện ngắn của chị.
Vậy là lại thêm một cái chết “vô căn”. Truyện ngắn trở nên “Liêu Trai” khi “bất định” xuất hiện hai ông bà già như hai nhân vật trong truyện ma: “Một cán bộ thấy hai cánh tay bà vòng trọn đống cây, cỏ may bám đầy ngực áo, những cành cây dại gai tua tủa như đâm vào hai cánh tay gày, anh cúi xuống, giằng đám cây định bê hộ. Bà lặng nhìn sâu vào mắt cán bộ, ánh mắt dài như một hành lang ống sâu không có điểm dừng, tối đen hút không cưỡng lại được. Phút chốc, cán bộ ngây người, không kiểm soát nổi hai cánh tay mình, như bị thôi miên. Ngồi đờ, miệng há cứng không mấp máy môi, hai mắt mở to chết lặng. Bà già sau khi làm đông cứng cán bộ, cúi xuống ôm trọn đống cỏ cây lồng phồng đi thẳng về khu cuối nghĩa trang…”
Từ “thực” chuyển sang “ảo”, từ người chuyển sang ma chỉ một mối nối rất khéo, không lộ ra vết hàn. Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ đầy ắp chi tiết thực, ảo, người , ma… gây liên tưởng tới truyện Allen Edgar Poe, nhà văn Hoa Kỳ vốn nổi tiếng với truyện bí ẩn và rùng rợn, cha đẻ của thể lọai tiểu thuyết trinh thám.
Chất “bí ẩn và rùng rợn” còn đậm đặc trong “Cú mèo và rượu hoa”. Ở một căn nhà gỗ lớn theo kiểu nhà chùa rùng vắng, ông Nhân đi nghiên cứu sinh ở Nga để vợ và con nhỏ lại nhà. Cô vợ hóa dại trong “căn nhà hai trăm mét bốn bề gió thổi, không hơi đàn ông” để rồi “lao từ trên lan can lầu hai xuống sân chết ngay, hai mắt mở trừng trừng không làm sao mà kéo cho lại”.
Ông Nhân trở về gà trống nuôi con, hai năm sau tái giá với chị Túy cũng có chồng “leo lên tầng bốn cái nhà đang hoàn thiện, chúi đầu ra ngoài xem hai con chó ịn nhau ngoài nắng, thế quái nào bay thẳng xuống cái đống gạch mới nhập về, chẳng kịp dặn câu nào, đi luôn…”
Mào đầu đã hai cái chết “cứ nhè đất mà phi xuống” nhưng đâu phải đã hết. Không có chuyện cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi đâu ạ, ngược lại tai ương cứ trực chờ. Chị Túy về ở với cha con ông Nhân được vài tháng đã nhận ra “sao lại bỏ ngày tháng của mình cho ông chồng nói hay, làm dở và thằng nhóc mặt hầm hầm mẹ mẹ con con, có chui từ bụng mình ra đâu mà mẹ với con…”
Thế là một đêm ông Nhân trở về thấy vợ đang ôm một gã đàn ông lạ. Đức ông chồng cầm dao không phải đâm đôi gian phu dâm phụ mà lại đưa cho vợ để cầu khẩn “em giết anh đi. Anh chết rồi, em muốn làm gì cũng được. Chứ anh đang sống lù lù thế này, em làm thế này, anh đau quá..”
Hành vi đó không phải tình yêu mà một dạng tâm thần dở vốn nhan nhản trong các nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ. Và rồi phản ứng của cô vợ cũng nhuốm mầu “tâm thần”. Cô vợ hét lên với tình nhân: “Đi khỏi nhà quỷ ngay. Lão già điên cứ phải bắt giết lão nếu không lão giết anh. Ở đâu ra cái thàng già rồ thế. Em chém cho một nhát, đứt cái gân chân khỏi đi..”
Từ đó ông Nhân thành người tàn tật, “một người đàn ông dừng lại”, nhưng những bất trắc và những tai ương chưa dừng lại. Trong ngôi nhà lớn này đêm đêm đứa con trai tên Tâm “vẫn lảm nhảm nói chuyện với người trong mộng” và đôi trai gái giúp việc vẫn tạo ra “tiếng bốn bàn chân nhón trên những viên sỏi”. Ngôi nhà như chìm trong không khí “liêu trai”. Tai ương lại dồn dập khi vợ chồng đứa em trai ông Nhân từ nước ngoài trở về. Cô vợ “một mắt thong manh, trắng đục như mắt cá chết. Mắt còn lại to tròn…con ngươi màu tro, giống mắt con cú mèo trong đêm, trừng trạo gầm ghè, khó chịu…”, còn trên mặt “mọi thứ cứ lung tung thế nào. Chẳng cái gì khớp vào cái gì. Mũi một nơi, mắt một nẻo, hai cái môi mỏng chẳng ăn vào hàm răng.” Vợ chồng ông em dị dạng tới mức người làm đặt tên là “Vợ chồng cú mèo”. Hình hài dị dạng vậy, tính nết cũng quái đản. “Không đâu phung phí vô lối như cái xứ này. Đái có mấy giọt cũng giật nước cái ầm, hết cả chục lít nước. Đã nghèo còn hoang. Mà tao nói cái con kia, mày đi chợ cho nhà anh tao phải ghi lại hết….”
Cứ như thế, “vợ chồng Cú mèo nói từ lúc tỉnh dậy mỗi sáng, vẫn ngồi trên giường chưa hạ chân xuống đất, cho tới đêm khi tiếng ngáy của Cú mèo mái vang rền góc nhà, tiếng nói mê lảm nhảm đính thành chùm không nghe ra câu nào vào câu nào của Cú mèo trống…”.
Tính khí quái đản của vợ chồng Cú mèo khiến vợ chồng người làm xin bỏ việc làm ông chủ Nhân phải lậy van với tâm trạng “Có bao giờ thân phận một thằng kiếm củi bán dạo từ năm lên chín không biết chữ, với con bé quanh đời sống trên thuyền trôi vật vờ hết chạy buôn cá lại phơi cá …đâu ngờ đến ngày nay, có hẳn tiến sĩ thành phố vái đầu lậy ràm rạp thế này…”
Vợ chồng Cú Mèo bỏ đi nhưng 5 năm sau đoàn địa chất tới nhà lại mang tới bộ hài cốt của họ .“Khi chết, hai cánh tay ngoắc vào nhau như thể họ rủ nhau tự tử… Mọi người đoán họ phải leo lên nơi rất cao rồi buông mình xuống và mắc ở ngọn cây”.
Lại thêm hai cái chết “vô căn” nhảy từ trên cao và lần này đặc biệt hơn cả là… “một con mắt. Vẫn nguyên như ngày nào, to tròn, hàng mi có mờ đi, không đen như trước. Con người màu xám tro long lanh xoáy sâu như có luồng điện nhìn chăm chú người đối diện…”. Những chi tiết rùng rợn kiểu này sẽ rất hấp dẫn đạo diễn người Anh Alfred Hitchcock, rất nổi tiếng trong nghệ thuật thứ bảy, tên tuổi gắn liền với thể loại phim “toát mồ hôi lạnh”, trong đó nhiều bộ phim đã trở thành kinh điển.
Rồi lại một tai ương nữa tới bất ngờ. Đoàn địa chất “vừa khiêng, vừa bắt giữ người phụ nữ tóc xổ tung, quẫy đạp quằn quại như muốn vùng chạy…giống như một con lợn to khỏe giãy giụa chống lại việc sắp bị chọc tiết.”
Cô gái đó là Mây. Thành viên trong đoàn, đang đi giữa rừng thì một…cái đầu lâu rơi trúng mặt làm cô “điên dại, tóc xõa tung, mồm ngoạc ra gào, chân tay giãy đạp, vệt máu loang ra trên khuôn mặt biến dạng.” Lại một cái đầu lâu nữa rơi trúng Mây làm cô thở dốc, mặt tím bầm. “Lập tức cô được xốc thẳng người lên, và bàn tay người đàn ông xòe năm ngón đập một phát dứt khoát vào dưới gáy. Phát thứ hai Mây hộc lên, rướn người, mắt trợn ngược đầy nước. Phát thứ ba, bay vèo ra khỏi miệng là cái mắt người mở to, xám xanh, hút hồn người đối diện…”
Phải nói Nguyễn Thị Thu Huệ đã sử dụng thủ pháp ngoa dụ (hyperbolyque) khá nhuần nhuyễn tạo nên những yếu tố kinh dị hợp lý. Những chỉ tiết kiểu Hitchcoch vậy nhan nhản trong các trang truyện nhưng không thể nói truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thuộc thể loại kinh dị. Không phải, truyện của chị vẫn là văn xuôi, một thứ văn xuôi như quái vật nuốt hết vào người những gì nó gặp trên đường đi của nó.
Đọc “Thành phố đi vắng” người ta cảm thấy hiệu lực mạnh mẽ của ngôn từ chuyển vận rất nhanh những chi tiết, những sự kiện bị nén lại. Truyện ngắn như một file nén (zip), dồn chặt thông tin và chỉ cảm hết được những thông báo (message) của nó khi người đọc giải nén (unzip) bằng cảm thụ của chính mình… Một thứ không gian mê cung (Labyrinth) rối rắm và phức hợp, một cảm xúc vô tính, trơ lì, phập phồng bất an như Camus, như Kapka.
Nếu coi mỗi tai ương là một sự kiện bất định thì truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ tràn ngập những hàm hồ, rối rắm (ambigu) khiến độ bất định của không gian truyện mỗi lúc một tăng cao. Theo nhiệt động học, khi độ bất định của một hệ thống vô cùng lớn thì năng lượng của nó tiến tới số không. Chính vì truyện đầy rẫy những sự kiện bất định nên xã hội chứa đựng chúng ngày càng trở nên thiểu năng, tiến tới phi năng lượng, một xã hội trơ lì, không còn nhúc nhích, không còn chuyển động, mọi sự vật, con người như những cô thể bất động chẳng ngọ nguậy, chẳng còn gắn kết được với nhau. Cảm giác trơ lì, vô sắc, dửng dưng trước mọi biến cố xung quanh, kể cả cái chết gợi lên từ truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ vốn là đặc điểm lớn nhất của thời ta đang sống.
Trong nền văn chương trầm lắng hiện nay, “Thành phố đi vắng” thực sự rất đáng ghi nhận một tín hiệu đáng mừng, một thành tựu mới trong văn xuôi hiện đại.
Nguồn: trannhuong.com